Bạn hãy quan sát những người làm công trình xây dựng, những cọc bê tông được đóng xuống, những kết cấu sắt thép được dựng lên, rồi sau đó người ta mới tiến hành những gì mà một căn nhà cần: xây, trát, tô vẽ, làm ngoại thất, nội thất. Và một ngôi nhà được hình thành với bắt đầu từ những cái cọc được đóng xuống, chặt chẽ, những kết cấu thép vững chãi, dày đặc, đan xen khéo léo.
Khi học đạo, tri kiến mà bạn tiếp thu được, thực sự tiếp thu, chúng cũng như cái những cái cọc bê tông, những cây sắt thép kia vậy. Những tri kiến chôn chặt, tạo nên tính cách, tâm tướng, hành vi, ứng xử của bạn. Những cái cọc bê tông còn dễ nhận ra, còn cái tri kiến cắm kim trong đầu bạn, để bạn theo nó mà vận hành kể cũng khó nhận ra lắm. Nhưng có một điều, tri kiến càng cắm chặt bao nhiêu, càng dày đặc bao nhiêu bạn càng mất đi sự tự do và hào sảng bấy nhiêu.
Tu tập không phải là để bạn tự tạo ra cho mình một cái lồng tri kiến, rồi nhốt vào đó một đống nguyên tắc: thế này mới là đúng thế kia là sai, pháp này mới đúng, pháp kia mới sai, hiểu thế này mới đúng, hiểu thế kia là sai… Rồi bạn cho rằng tất cả những ai ở ngoài cái lồng đó đều là ngoại đạo, đều là kẻ không trí, đều là mê mờ, đều là vô minh…
Đến đây bạn cho rằng: không thể thế được, vẫn có con đường đưa tới Niết bàn, và con đường đưa tới Thế gian. Vâng. Vì đó là sự thiết lập của tri kiến, nếu bạn k quan sát thấy khổ đau của Thế gian, sao có thể biết sự tồn tại của Niết bàn. Nếu bạn có thể hiểu đi qua mây trắng là trời xanh thì bạn hẳn sẽ như những chú chim đại bàng kia sẵn sàng bay trong sự tự do và hảo sảng, chúng bay tít trên trời cao, bay qua cả những đám mây trắng. Ở đó chỉ có đại bàng và bầu trời, và nắng, và gió nâng bước chúng.
Còn bạn, bạn sợ điều nọ điều kia, bạn cho như thế này mới đúng, nên không dám làm điều này, điều kia. Bạn mất đi sự tự do và hào sảng trong thực hành pháp. Bạn không dám đi sâu vào pháp, cũng không dám đi sâu vào đời. Càng không dám đập vỡ đi cái lồng bạn đã tạo ra, hay những ngôi nhà bạn đã dựng lên. Bạn tôn thờ một triết lý mình cho là đúng, bạn tôn thờ một vị thầy mà mình cho là đúng. Và bạn chết kẹt trong kinh nghiệm, tri thức của chính cái lồng bạn tạo ra đấy. Và bạn có thể hiểu được không: sự chấp thủ tri kiến này, dẫn tới sự huân tập của Danh Sắc làm mồi cho tái sanh như những cọc bê tông, sắt thép đã dựng lên làm nền tảng cho ngôi nhà mới vậy.
Phật đại diện cho sự Tỉnh thức.
Pháp đại diện cho sự Thật ngay bây giờ và tại đây, chân lý Vô thường, Vô ngã.
Tăng đại diện cho Duyên.
Chứ không phải là một vị Phật, vị thầy có hình thù, không phải một phương pháp có tính tri kiến cá nhân, và cũng không phải một nhóm người, một hội chúng rủ nhau luẩn quẩn tu cho vui, tu cho có hội, tu cho kiếm được nhiều tiền, tu cho được nọ được kia…v.v và mây mây…
Bạn có dám tự do và hào sảng như những chú chim đại bàng, một mình, sẵn sàng vươn sải cánh thật rộng, bay qua pháp, không bám vào pháp, không chấp vào pháp, chinh phục bầu trời – sự tự do đích thực, chân lý đích thực?