Chúng ta ai cũng nhìn thấy các phần mềm, aps, web, ứng dụng… nhưng ít ai nhìn thấy ngôn ngữ lập trình đằng sau chúng. Mỗi chúng ta cũng vậy. Cái chúng ta thấy là hiện tướng thân tâm này. Nhưng đằng sau nó là gì thì chúng ta chỉ biết Phật nói là ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức.
Mỗi một phần mềm…, được viết bằng các câu lệnh, trong quá trình sử dụng, chúng bị lỗi gì, hay cần tương thích gì với người dùng thì người lập trình lại sửa đổi câu lệnh đó cho phù hợp. Các hoạt động đó là thêm, bớt, sửa, thay đổi cấu trúc, điều kiện, vòng lặp…
Còn chúng ta? Chúng ta đến một môi trường mới, chúng ta cũng sẽ lập trình lại các hành vi ngữ, nghiệp… để phù hợp với môi trường và con người ở đó. Khi chúng ta tiếp cận với một loại người, chúng ta lại dùng 1 tập hợp các lập trình tính cách riêng để tương tác với đối tượng đó. Chúng ta ước mơ, hay lập kế hoạch cũng chính là cách chúng ta tự lập 1 bản lập trình để đạt cái mục tiêu đó. Ngay cả tu tập, chúng ta cũng lập trình: tu thế này, thế này và thế này… Chúng ta hay gọi là vai diễn, hay có thể gọi là trò chơi của tri kiến cũng được.
Các nguyện trong đời sống cũng chính từ các trò chơi của tri kiến này mà thiết lập nên. Nó thiết lập thế này là tốt, thế này là nên làm, thế này là đúng, thế này là thiện, thế này mới là đạo, thế này mà tu… và ngược lại. Chúng ta cứ chạy theo các thiết lập đó để hành động, để suy nghĩ, để phát ngôn mà không biết mình đang làm con rối cho chúng. Chúng bảo sao thì ta làm như vậy. Mà không hề nhận ra, tất cả vẫn là thêm, bớt, sửa, đổi các cấu trúc lập trình đó. Phần mềm đó được viết đi viết lại dưới nhiều verson. Hoặc lại viết ra các tool để sử dụng hữu ích hơn. Cái vòng tri kiến vẫn chạy và lặp đi lặp lại một cách luẩn quẩn. Chỗ nào cũng cho rằng như thế này là đúng, góc nào cũng cho rằng như thế mới là tốt. Để rồi các câu lệnh cứ dài ra, dày thêm. Nói theo ngôn ngữ nhà Phật thì nghiệp chồng nghiệp, sự huân tập danh-sắc không mỏng bớt đi mà chỉ có dày thêm và kéo tất cả rơi lại luân hồi.
Vậy thì chúng ta nguyện cái gì? Chỉ còn một nguyện duy nhất chúng ta cần thực hành là xả ly tất cả các pháp. Đó cũng là nguyện cho tất cả không còn dính mắc, ràng buộc, chấp trước vào bất cứ điều gì có mặt trên đời. Tại đó, chính chúng ta cũng tự đặt câu lệnh End cho bản lập trình tri kiến của mình một cách sớm nhất. Tự chúng ta cũng không tham gia thêm vào bất cứ vòng lặp tri kiến nào nữa. Chúng ta mới có thể đứng ngoài cuộc, thấu tỏ sự vận hành của nhân quả, cởi trói cho các tập hợp của 5 uẩn, đi gần hơn tới giải thoát là như vậy.
Trò chơi tri kiến trong cuộc sống còn nhiều lắm. Chúng ta thích chơi thì cứ chơi. Nhưng cần biết, các pháp xuất hiện (giống như việc một phần mềm, hay aps ra đời) cũng là sự huân tập đủ duyên để nó có mặt. Nó xuất hiện để sử dụng, để dùng trong hoàn cảnh đó, xong là xong, ra đi không dấu vết. Nó không phải của mình, càng không phải do mình tạo ra, mình cũng k thể áp dụng nó trong mọi trường hợp, với các loại đối tượng. Hãy thấm nhuần: các pháp là vô ngã, các hành là vô thường.
P.s: Mỗi cuộc gặp gỡ, trò chuyện, đơn giản là các duyên, hay nghiệp. Tâm còn cho phép thì nó còn thiết lập để điều đó lặp đi lặp lại. Khi “nghiệp” cạn kiệt, và tâm k thiết lập nữa, thì mọi thứ nó sẽ đi theo cách của nó để kết thúc. Mỗi người đều có hành trình của riêng minh. Mỗi nhân duyên đều chỉ là vết cắt ngang trong mỗi hành trình của hành giả mà thôi. Nhận ra nó là như vậy, đi qua, không vương dấu vết.