Trạch pháp giác chi?

Nghĩa đầu tiên mà đa số chúng ta sẽ hiểu Trạch pháp là phân biệt đâu là pháp của Phật thật, đâu không phải; hay đâu là Minh, đâu là Vô minh. Nhưng có thật sự chỉ đơn giản như vậy không? Khi mà chúng ta, kẻ hữu học lại tự quàng cho mình thêm một cái tự ngã: ta đúng và người khác sai, ta đang đi trên con đường của thánh nhân còn người khác là hạ liệt. Dù rằng rất nhiều bản kinh được Đức Phật dùng từ rất thẳng thắn: này kẻ ngu si kia, kẻ phàm phu kia… nhưng hãy khéo léo xem đó là những người như thế nào: đang chấp thủ chặt chẽ, đang tham ái, dục vọng…đầy mình, đang chưa hề được nghe và thực hành pháp các bậc thánh….

Trạch pháp giác chi là chi phần thứ hai sau niệm giác chi. Niệm là cái gì thì nói nhiều rồi. Trong niệm thì có cả chánh niệm và tà niệm. Các bậc Alahan chánh trí thì hoàn toàn là chánh niệm, còn bậc hữu học đang tu tập thì cả chánh và tà. Nhưng chẳng thể nói được người mới tu và người tu lâu thì ai ít hay nhiều tà niệm hơn. Cái đó phụ thuộc vào thức tái sinh của mỗi người, trải nghiệm, học thức… của mỗi người. Một ông 50 tuổi học vị cao, tu 10 năm với 1 cô gái 20 tuổi tu 1 năm, chắc gì ông kia đã ít tà niệm hơn 1 cô gái còn đang tuổi vô lo vô nghĩ. Nếu cô học chánh pháp, hiểu ngay là căn tiếp xúc trần là phát sinh thọ, dừng lại ở ghi nhận, nhớ đến chánh niệm trên thân là tà niệm không sinh khởi nữa. Cô dễ dàng viên mãn hơn với Tâm giải thoát. Đừng mặc cả là cô ấy chưa có Tuệ. Tuệ là hiểu về sự vô thường, vô ngã, vô chủ sở hữu để mà từ đó không ràng buộc, dính mắc vào đối tượng. Tri kiến đầy mình, ai khó từ bỏ, chấm dứt, đoạn diệt hơn ai? Buồn cười là nhiều người tu tập đều dừng lại ở chỗ ai chánh niệm hay ai tà niệm và so sánh ta hơn, ta kém, ta bằng ở đây. Và cho rằng đó là Trạch pháp.

Đúng là, mọi thứ nên quy về đơn giản, cái này là chánh niệm, cái kia là tà niệm, cứ tà niệm nổi lên là ta biết ta đang thất niệm để mà quay về chánh niệm. Nhưng đâu có dễ dàng như thế với rễ cây đã được cắm chặt, nhân vô minh đã gieo sâu, và nếu đơn giản vậy, Đức Phật đã không mất công thuyết hàng ngàn bài pháp như vậy. Ví dụ: trong bài #Kinh hai pháp tùy quán Sn.139 (Tiểu bộ 1), Đức Phật cũng chỉ ra rất nhiều duyên đưa đến Khổ hiện hữu: do duyên sanh y, do duyên vô minh, do duyên hành, do duyên thức, do duyên xúc, do duyên thọ, do duyên ái, do duyên khởi xướng, do duyên dao động, do duyên nương tựa… Và với mỗi một duyên dẫn tới Khổ hiện hữu thì đều đưa ra một pháp để thực hành để đưa đến cắt đứt duyên đó vậy.

Có thể là tôi đã quá cầu kì trong việc phân lập, chia nhỏ, nhưng sự thực, rất nhiều vị hữu học đang khổ mà không biết mình khổ. Vì các đề mục khổ gồm những gì còn chưa nắm rõ, nữa là cánh cửa dẫn tới khổ. Hãy khéo léo nhận ra lúc nào mình thất niệm. Tâm phóng dật, vọng tưởng, chẳng thể định tĩnh nổi, mà phải suy cái nọ, nghĩ cái kia, viết lách nọ chai, khoe hàng này nọ,…tóm lại phi như lý tác ý lên các duyên ở đời. Người định tĩnh, bình an, nội tâm thanh tịnh đã không hô hào, gào thét, cố chứng tỏ mình với thế giới một điều gì cả. (Tôi ngồi viết bài này cũng là khổ, tâm nọ kia có mặt đầy đủ vì đáng ra thời gian này dành cho thiền, thì tâm tôi lại vọng tưởng để viết. Viết xong khéo lại bị ném đá. Tâm không định tĩnh là lại có khổ hiện hữu. ).

Trạch pháp giác chi có được trên việc hoàn mãn Niệm giác chi. Vì ngoài nhận biết có niệm khởi lên, thì biết sợi niệm đó thuộc loại niệm gì: xanh, đo, tím, vàng, hồng, lam, chàm, tím… Trạch pháp không chỉ chỉ rõ đó là chánh niệm hay tà niệm, mà còn chỉ rõ đó là niệm khởi lên do tâm hành nào, do duyên gì, trên nội pháp, ngoại pháp nào. Sự thấy rõ, sự soi sáng này của Trạch pháp giúp vị hữu học tự #là_thầy của chính mình, tự mình nương tựa mình là như vậy. Vì chỉ có vị ấy mới biết mình đang gặp lỗi ở đâu, đang gặp duyên gì mà niệm sanh khởi, cần dùng pháp hành gì để cắt đứt, đoạn trừ.

Tiếp sau Trạch pháp là Tinh tấn là vậy. Sự Tinh tấn giác chi này không phải đến từ niềm tin, hay đến từ lòng dục, mà đến từ sự hiểu biết rõ ràng do Trạch pháp mà có được: cái này cần tinh tấn từ bỏ, cái này cần tinh tấn thực hành đi tiếp. Đều là do mình tự hiểu biết, tự nhận ra để Như lý tác ý.

Mấy nay âm u, ầm ì, cái đầu nó cũng ầm ì, âm u.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*
*
Website