Tôi đã khóc khi up bài này. Bài viết này đầu tiên chỉ định viết để tổng kết lại văn tuệ đã học, không có ý định quét rác nhà người. Lời của Phật quá giản dị mà do người tu không được nghe, được đọc lời Ngài, lại bị Balamon khéo léo cài vào pháp tu không đúng. Nên khi up bài này tôi đã khóc, không phải vì sự ngã mạn với pháp tu mình đang thực hành mà thương, tiếc, mà không thể làm gì được với những người đang hành sai lời Phật dạy. Nhưng những ai đang ngồi thiền, đang cho rằng mình tu hãy thành thật trả lời: Tu để sống đời đẹp đạo, thành công, lợi lộc? Tu để an trú một trú xứ hay thấy ra một cảnh giới huyền bí? Tu để có quyền năng thiên nhãn, thần thông? Hay Tu để không lăn qua lăn lại giữa các kiếp sống nữa? Hay đơn giản thôi là không còn dính mắc, chấp trước việc gì trên đời?
Lý thuyết của Phật nghe chừng có vẻ rất đồ sộ nên có thể ngại đọc, có thể lại tự cho rằng không cần đọc, nhưng thực ra rất đơn giản. Sự giác ngộ của Phật cũng vậy. Đó là GIÁC NGỘ THẾ GIỚI THỰC TẠI NÀY LÀ CẢM THỌ, chứ không phải là về một cõi siêu hình, huyền bí, về một cõi toàn năng, cõi cực lạc nào cả. Tôi xin phép tóm tắt trong vài dòng dưới đây. Đặc biệt là đã được thầy Nguyên Tuệ tóm tắt bằng sơ đồ hai lộ trình tâm theo ảnh: đường này đến Thế gian, đường kia đến Niết bàn mà Đức Phật đã nói. (Cần phải hiểu đúng các khái niệm của Phật để bắt đầu đi trên con đường này)
Căn: căn bản của các giác quan chính là nơi tế bào thần kinh ghi nhận thông tin từ thế giới ngoại cảnh. Đó là: Tế bào thần kinh (TBTK) mắt, tbtk tai, tbtk mũi, tbtk lưỡi, tbtk trên thân (da và nội tạng), tbtk não bộ. Mỗi tbtk chỉ ghi nhận một loại thông tin do TG ngoại cảnh đem đến.
Trần: TG ngoại cảnh, nó thật có. Đến nay, các nhà khoa học hàng đầu thế giới cũng phải tự phát biểu: chúng ta thực sự không biết vật chất là cái gì. Trần – có thể hiểu là dạng thông tin từ TG ngoại cảnh (có thể hiểu theo dạng sóng, hạt, lượng tử… chứ không phải là vật chất tương tác thẳng với giác quan – tương tác kiểu đó hỏng mắt mất, hihi). Đó là thông tin (TT) hình ảnh, tt âm thanh, tt mùi, tt vị, tt xúc chạm, tt lưu giữ trong adn (pháp trần).
Sắc gồm 6 căn và 5 trần dạng thông tin từ TG vật chất và Danh gồm thông tin trong ADN – pháp trần.
Căn Trần tiếp xúc sinh Thọ. Thọ là cảm giác (CG) phát sinh nơi các giác quan. Đó là cg hình ảnh, cg âm thanh, cg mùi, cg vị, cg xúc chạm, cg pháp trần (cg về tt được lưu giữ). Căn Trần tiếp xúc sinh Thọ phù hợp với Lý duyên khởi do Đức Phật thuyết. Mặt khác, Thọ là cảm giác rất đúng với thực tế. Ví dụ: nhìn xa nhìn gần một vật thì thấy khác nhau, cùng một món ăn, miếng thứ nhất cảm giác khác miếng thứ ba, bốn, năm….
Căn Trần tiếp xúc sinh Thọ là sự giác ngộ của Đức Phật vì nó sẽ giúp lý giải và hiểu đúng về các khái niệm: có mà như không có, giả có, thế giới này là vật chất hay tinh thần, thế giới này do tâm phóng chiếu mà ra… Căn hay Trần đều là dạng thông tin tương tác với nhau sinh ra Thọ – cảm giác. Cảm giác này thực có, nhưng lại chỉ có khi Căn Trần tiếp xúc, chứ nếu Căn và Trần độc lập thì cũng không sinh Thọ. Quan sát thực tế: Thọ sinh lên khi Căn Trần tiếp xúc và diệt đi khi Căn Trần không tiếp xúc, Thọ trước khi sinh không nằm trong Căn hay Trần và sau khi diệt đi cũng thế. Vô Thường và Vô Ngã chính là ở đây. Chỉ một cái nhắm mở mắt hình ảnh về TG ngoại cảnh sinh ra và mất đi, chứ không phải TG cái tồn tại vài ngày, cái tồn tại vài năm, … là vô thường. Mở mắt ra là thấy TG ngoại cảnh đập vào mắt, trừ khi không có mắt thì mới không có Thọ, hoặc nhắm mắt lại là Thọ mất nên mới là Vô ngã như thế. Chúng ta không ngăn cản, không làm chủ được việc sinh ra và diệt đi của Thọ. Nhận thức được Thế giới thực tại này là Cảm Thọ là một bước tiến dài trên con đường tu tập. Dừng ở Văn tuệ, nghe hiểu và ghi nhận thông tin này xác lập được con đường thực hành tiếp theo.
Tưởng là tâm biết, biết sự có mặt của Thọ. Tưởng có 6 loại: nhãn thức, nhĩ thức, thiệt thức, tỷ thức, thân thức, tưởng thức (Tưởng thức là tâm biết trực tiếp về thông tin pháp trần chứ không phải là Ý thức). Chúng ta hay nói có một cái ta, cái tự tánh, linh hồn… Nhưng sự thực đó là Tâm Biết trực tiếp Tưởng (trong Kinh Mật Hoàn TBK đã ghi rõ). Tâm biết trực tiếp này phù hợp với hiểu biết về nhận thức cảm tính – trực giác. Loại tâm biết này Thánh hay Phàm, trẻ con hay người lớn, già trẻ gái trai đều như nhau. Vì tâm biết này không có khái niệm, không định nghĩa… nên quan sát một đứa trẻ mới đẻ, chúng vẫn nhìn thấy một bông hoa biết đó là hình ảnh, thấy cô gái cũng chỉ biết đó hình ảnh. Chúng không có khái niệm, thông tin so sánh để mà thích ghét hay có nhu cầu sở hữu. Tưởng và Thọ được sinh ra cùng lúc khi Căn Trần tiếp xúc. Đây là sự sâu kín, khó thấy khó chứng.
Ý thức là tâm biết gián tiếp biết về Tâm biết trực tiếp Tưởng và Thọ. Ý thức ở trong Kinh ghi là do Ý căn tiếp xúc với Pháp trần nhưng thực tế phải hiểu đúng Ý thức là tâm biết gián tiếp biết sự có mặt, sự sinh lên diệt đi của các Thọ và Tưởng. Ý thức này phù hợp với hiểu biết về tâm biết gián tiếp hay nhận thức lý tính.
Lộ trình tâm của Phàm phu:
Bắt đầu từ Tà niệm: Khi Căn Trần tiếp xúc sinh Thọ và Tưởng = một thông tin được lưu vào bộ nhớ, thông tin này đối chiếu với thông tin đã có trước đó do học hỏi, tri thức kinh nghiệm… Hai thông tin này phù hợp > thích (tham), không phù hợp > ghét (sân), không thích không ghét (si) là cảm giác trung tính thì sẽ đi tìm đối tượng thay thế.
Loài người Khổ cũng chính vì Tham – muốn nắm giữ mà Hoại Khổ; Sân – muốn xua đuổi mà Khổ Khổ; Si – muốn kiếm tìm mà Hành Khổ. Mà không hiểu được các Thọ sinh lên rồi diệt đi, chúng vô thường, vô chủ vô sở hữu mà không thể nắm giữ, không thể xua đuổi.
Khổ cũng vì cho rằng Sắc (thế giới vật chất), Thọ (cảm giác), Tưởng (tâm biết trực tiếp), Hành (sự tương tác của thông tin), Thức (ý thức và tư tưởng) này là là Ta, của Ta, muốn nắm giữ, muốn chúng thường hằng, muốn làm chủ chúng mà sinh ra chấp 5 thủ uẩn.
Nhờ tuệ tri được lộ trình tâm Tà mà hiểu được Khổ và Nguyên nhân phát sinh Khổ.
Lộ trình tâm của bậc Thánh:
Bắt đầu từ Chánh niệm: bắt đầu từ quán thân trên thân hay chú tâm ghi nhận các cảm giác (nổi trội) trên thân: thấy ra được các cảm giác ở các giác quan và dừng lại ở tâm biết trực tiếp về chúng. Tại đây, có sự Tuệ tri về Cảm thọ, sự thân chứng thấy ra rõ ràng Căn Trần tiếp xúc sinh ra Thọ. Tâm biết gián tiếp ý thức không kích hoạt tà niệm, do vậy mà cảm thấy như có một điều gì đó được tách ra giữa hai tâm biết. Liền sau đó là các chánh niệm về Thọ, Tâm, Pháp sau khi Tâm biết trực tiếp ghi nhận Thọ là tâm biết ý thức đó là thọ gì, do duyên gì mà sanh khởi, thấy ra sự sanh diệt của Thọ mà tuệ tri được sự vô thường, vô ngã của Thọ, từ đó mà không phát sinh Tham hay Sân với đối tượng, cũng không có nhu cầu tìm kiếm đối tượng thay thế.
Chánh Định: Duy trì sự chú tâm liên tục nơi 4 xứ, không xen lẫn lộ trình tâm Tà mà phát sinh ra các trạng thái Chánh định. Tà định là pháp có được định nhưng không do chú tâm nơi 4 xứ mà có thể do chú tâm vào đối tượng TG bên ngoài hoặc tưởng tượng ra một đối tượng nơi thông tin pháp trần (thông tin đã được giữ trong ADN). Chánh Định có 4 tầng. Sơ thiền là chú tâm có tầm có tứ. Nhị thiền. Tam thiền. Tứ thiền. Đặc biệt là sự Chú tâm không tầm không tứ là loại chú tâm đưa tới Chánh Định chỉ có ở pháp của Phật.
Ở các trạng thái Chánh định này có được Tâm giải thoát do dừng được hoàn toàn ở tâm biết trực tiếp là tâm vô niệm, vô ngôn, vô phân biệt. Một trạng thái như trong Kinh bát nhã đã từng ghi vậy. Trạng thái Định dù Tứ thiền là cao nhất nhưng cũng chưa đụng tới kho chứa thông tin vô minh đã lưu giữ, nên người đó chỉ cần thoát trạng thái thiền, làm các công việc ở đời thì vẫn Tham Sân Si do nhân Vô minh (các tư tưởng Thường kiến, đoạn kiến, chấp vào Ta của Ta) chưa được nhổ bỏ tận gốc.
Để có thể đi tới Giải thoát thực sự thì cần phải tu tập Tuệ giải thoát. Tuệ giải thoát ở đây không phải là điều gì ghê gớm mà chính là cái thấy biết như thật tức là sự thân chứng thực sự, hay sự quy thuận thật sự về những điều của Sự thật – Chân lý : Vô thường, Vô ngã. Vì bản chất Tâm là các Cảm thọ được sinh lên do Căn Trần tiếp xúc, và diệt đi khi không có xúc, nên nó Vô thường, Vô ngã. Nhưng đã bao nhiêu kiếp này, các tư tưởng Tà kiến (thường hằng, chấp có, chấp không, ta, của ta) nó đã ăn sâu vào kho chứa qua các lần tái sinh, nó khéo léo ẩn núp trá hình dưới các thứ gọi là vì nhân loại, bồ đề tâm, thiện lành, ánh sáng pháp giới, chân tâm, tự tánh, linh hồn bất sinh bất diệt,…
Đức Phật đã nhắc đi nhắc lại: với tâm giải thoát, với tuệ giải thoát vị ấy sống đời sống chánh trí, chứng ngộ, niết bàn. Hay cũng chính là 62 lần nhắc lại sau khi nói về một tà kiến: Như Lai nhờ Tuệ tri sự tập khởi, sự đoạn diệt của thọ, vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly mà Như Lai được giải thoát hoàn toàn không có chấp thủ.
Tuệ tri sự sanh diệt của Thọ là cái biết đúng như thật Căn Trần tiếp xúc sinh ra Thọ – là loại Cảm giác chứ không phải là thế giới vuông tròn to nhỏ, thô cứng mềm mịn,… nên nó không có tướng trạng mà chỉ tri thức khoa học, kinh nghiệm tự đặt ngôn từ chế định nên nó mà thôi. Thấy rõ như thật Thế giới bên ngoài là Cảm thọ, là Vô thường, Vô ngã, nó thuộc phạm trù Tâm nên nó Vô Tướng. Hiểu biết đúng sự thật này, an trú nó Minh – Chánh tri kiến này thì sẽ là Tuệ Giải thoát, Vô tướng giải thoát.
Từ các hiểu biết như thật về thế giới, mỗi người từ đó nói lên hay hành động đều là Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, không mang trong đó Tham, Sân, Si, hay chính là không tạo nghiệp cho kiếp này. Nhờ Tâm giải thoát mà nhiếp phục Tham, Sân, Si, hay nhờ Tuệ giải thoát mà nhổ bỏ Vô minh, không còn Tham Sân Si mà giải trừ, hay thanh lọc nghiệp của các kiếp trong quá khứ và hiện tại. Dẫn tới người đó thực sự là Vô Tác (con xin phép thêm từ Vô nghiệp). Mà nhờ đó người đó được Giải thoát thực sự, không còn trở lui lại đời sống này nữa.
Tổng kết: hiểu đúng lời dạy của Phật rằng thế giới thực tại này là Cảm Thọ, do Căn Trần tiếp xúc mới sinh ra. Tu tập là thực hành Thiền định để dừng ở Tâm biết trực tiếp, mà trong kinh ghi rõ Chánh niệm – Tỉnh giác; và xóa bỏ Vô Minh – xóa bỏ các tư tưởng tà kiến để biết như thực Minh – sự thật về Vô thường Vô ngã. Hay như Phật đã viết rõ trong bài Kinh Căn bản Pháp môn (bài mở đầu Trung bộ Kinh) – tu tập là thay đổi từ Tưởng tri sang Thắng tri và Liễu tri về đối tượng.
Trên đây là tóm tắt các khái niệm theo lời Phật dạy được thầy Nguyên Tuệ sau bao năm nghiên cứu và chỉ dẫn cho chúng tôi thấy ra lời dạy Thật của Phật, và hướng dẫn chúng tôi thực hành để trải nghiệm được những điều như trong Kinh Phật đã mô tả chứ không dựa trên sự suy tưởng cá nhân, hay lấy trạng thái cá nhân ra đối chiếu, hướng dẫn. Ngoài nội dung này ra, các ace có thể tìm hiểu rõ hơn về 37 chi phần đạo đế gồm: tứ niệm xứ, tứ như ý túc, tứ chánh cần, ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi, bát chánh đạo. Có thể tìm hiểu thêm về chánh trí và chánh giải thoát, thất thánh tài (sản) của bậc thánh.