Hôm nay, lại mượn Tình yêu nói chuyện cửa Thiền nhé. Thứ bảy mà, hơi nắng chút thôi. Tôi sẽ đưa bạn quay trở về cái thời khắc mà bạn cho là đẹp nhất, hạnh phúc nhất trong cuộc đời của bạn.
“Anh, nhớ anh ngay cả khi ở bên anh!”. (Bạn có biết là cụm từ trên có cả trong ưu tiên tìm kiếm của GG search box không?)
Chúng tôi yêu nhau khi tôi năm cuối ĐH. Thời đó yêu xa nên không có FB, Zalo như bây giờ. ĐT cũng chỉ có máy bàn của chủ nhà xóm trọ và bố mẹ anh ấy. Gọi thì cũng phải có giờ vì trốn bố mẹ và thời gian tôi lên lớp. Thi thoảng vài tháng, có việc về HN, chúng tôi mới được gặp nhau. Cảm giác nhớ nhung da diết đó cứ trải dài những ngày tháng xa nhau. Nhưng một cảm giác rất đặc biệt mà chúng tôi đều có là “thấy nhớ nhau ngay cả khi bên nhau”. Lúc đó chỉ hiểu đó là yêu rất nhiều mà thôi.
Rồi câu nói muôn thửa của mỗi người khi không đến được với nhau: Mọi thứ đều là vô thường, tình yêu cũng vậy. Chúng ta xa nhau để giữ về nhau hình ảnh đẹp nhất.
Ngày đó đau khổ, chết đi sống lại. Nhưng rồi cảm giác đó cũng rời xa tâm trí. Mỗi lần nhớ lại, chỉ là nhớ mà thôi, không còn thôi thúc kiếm tìm hay xót xa ân hận nữa. Cứ như trời hôm qua giông bão, hôm nay đã trong xanh đến vậy.
——
Vâng. Câu chuyện tình này đã trải qua bao nhiêu năm. Nhưng đến giờ tôi mới có thể hiểu rõ về nó.
“Ngay cả khi bên anh vẫn nhớ” có nghĩa là sao? Như bạn đã biết, Khi Căn-Trần tiếp xúc sinh ra cảm giác. Cảm giác Thân căn do Thân được tiếp xúc, cảm giác Ý căn (cảm giác Pháp trần) do Ý căn được tiếp xúc… Các cảm giác này là thông tin, truyền tín hiệu vào trung tâm xử lý, sinh ra các cảm xúc nơi nội tâm gọi là Nội xúc.
Vì Xúc là liên tục thay đổi. Bạn cần quan sát kĩ ở một không gian siêu nhỏ vi tế chứ Xúc không phải là liên tục. Vì Xúc liên tục sinh – dừng mà cảm giác liên tục sinh – dừng và cảm xúc cũng nhờ thế liên tục sinh – dừng theo. Chính về thế, bạn sẽ thấy Nhớ bên trong bạn liên tục sinh – dừng như vậy.
Bình thường bạn sẽ không thể quan sát thấy vì cảm giác đa số khá là trung tính với mọi người. Ngay lúc bạn đang đọc tới đây đang có rất nhiều cảm giác đang tồn tại nơi bạn: cảm giác hình ảnh nhìn nơi điện thoại, cảm giác âm thanh khi nghe tiếng quạt, cảm giác thân xúc ở tay cầm hay ở mông ngồi… Nhưng những người yêu nhau “rất nhiều” họ có thể quan sát được Cảm giác liên tục sinh diệt vì Cảm giác đó là nổi trội, vô cùng nổi trội. Đó cũng là sự thật mà Đức Thế Tôn đã khám phá ra: khi Căn Trần tiếp xúc thì Thọ sinh, khi Căn Trần không tiếp xúc thì Thọ diệt.
Lại nói tiếp ở trên ở câu: mọi thứ là Vô thường nên Tình yêu khi có khi không mà ta chấp nhận sự chia xa. Đa số mọi người sẽ hiểu Vô thường là hôm nay thế này, mai nó sẽ khác. Song như vừa phân tích ở trên: Căn Trần tiếp xúc thì sinh, không tiếp xúc thì diệt. Trong một tích tắc thời gian, Cảm giác đã luôn sinh lên và diệt đi theo xúc của Căn-Trần rồi. Nó vô thường là lẽ đó. Nó vô thường vì vốn dĩ nó đã diệt ngay khi nó vừa được sinh ra.
Nếu ngay từ đầu, ai cũng học về Vô thường như này, tôi không biết là có Tình yêu nam nữ không nữa. Nhưng việc học là một chuyện, việc thực hành Chánh niệm tỉnh giác để không những thấy nó là Vô thường mà còn không bị dính mắc, ràng buộc vào Thọ như bài trước lại là chuyện dài kì nữa.
Mọi người đều nói: tình yêu có Vị ngọt, và cả Vị đắng (do có rồi lại bị mất), dính mắc vào thì khổ, không dính mắc thì hạnh phúc. Tại sao ai cũng phát biểu được như vậy, trong khi Tình yêu chính là tập hợp của Thọ – Cảm giác. Chúng ta sẽ thay đổi câu phát biểu trên như sau xem có khớp không nhé: cảm giác có vị ngọt, có cả sự nguy hiểm (do Thọ sinh lên rồi diệt luôn), sự không dính mắc – xuất ly được cảm giác thì nơi đó có Niết bàn.