Thực hành BCĐ

Từng bước trên con đường thực hành Lối sống Bát chánh đạo – Lối sống của bậc Thánh.
Người không tu tập pháp môn gì khi quan sát một số người thiền tập lâu năm thường: nó cứ ngơ ngơ, như trên mây trên gió, sống không thực tế, bỏ nhà bỏ cửa suốt ngày đi tu đi chùa… Nếu ai đó đang thực hành tu Chỉ hoặc tương tự các pháp môn khác thực hành thiền định có Tầm có Tứ, dừng ở Tâm Không thì đúng thật là khó đưa vào đời sống. Như Kinh Bát nhã đã nói tất cả đều là Không vậy. Chính vì thấy như vậy, biết như vậy, nên người thực hành đạo bị vênh so với cuộc sống. Vì cuộc sống dường như là thật, là có cơm áo gạo tiền, là có sắc thanh hương vị xúc pháp… nhưng Tâm họ thì mặc định mọi thứ là Không, nên quả thật rất khó ứng xử với cuộc sống này.
Nhưng tại sao thực hành Bát chánh đạo lại có thể đưa tới ứng dụng vào đời sống, thậm chí có thể thực hành lối sống của bậc Thánh?
Như các bạn đã biết về lộ trình tâm Chánh niệm- Chánh tinh tấn- Chánh định- Tỉnh giác. Tỉnh giác này chính là Tâm giải thoát, Tâm không. Tỉnh giác là dừng lại cái tâm biết trực tiếp, không có tâm biết ý thức khởi lên. Vì vậy, người thực hành không có nhiều suy nghĩ với đời sống, họ thường thấy tâm trống rỗng, thậm chí hay quên. Nếu bảo họ suy nghĩ là điều khá khó khăn. Với người chưa tu học BCĐ, họ kinh nghiệm được Tâm biết trực tiếp, đời sống của họ khá an lạc, vui tươi, hồn nhiên, và với biến cố bình thường họ gần như không Tham Sân với đời. Vì đơn giản họ chẳng nghĩ ngợi gì, bằng lòng với tất cả. Ở đây Tâm biết trực tiếp – Tưởng phát huy mạnh mẽ nên họ thường phiêu lãng với mây gió đất trời như trở thành nhà thơ, họa sĩ, nhà văn, nhạc sĩ… Nhưng chưa phải là Tỉnh giác hay Tâm giải thoát. Với người tu học BCĐ, thì bắt đầu kinh nghiệm được Tỉnh giác nhưng chưa an trú vững chãi, cộng với thiếu Chánh niệm liên tục thì dễ rơi vào tâm Si, cứ man mác buồn buồn, đôi khi cũng lơ lửng với thực tại, nếu không có thầy hướng dẫn bên cạnh thì cũng trượt vào đời sống Lạc thọ như người chưa tu tập gì.
Thực hành Tỉnh giác là một bước quan trọng trong thực hành tu đạo. Vì chỉ có an trú Tỉnh giác, người thực hành mới có thể có cái biết như thật về đối tượng. Sự thật thực tại là các Cảm thọ (cảm giác) do căn trần tiếp xúc mà sinh ra. Và tại đây, với những thông tin thật về đối tượng thực tại mới được đưa vào lộ trình tâm ứng dụng vào đời sống là Chánh niệm – Chánh tư duy – Chánh tri kiến. Không phải Tỉnh giác là phát sinh Tư duy. Nhưng Niệm có được do Tỉnh giác mới là nguyên liệu để Chánh tư duy. Chứ không phải khi Căn Trần tiếp xúc, phát sinh Thọ là Chánh tư duy được luôn. Vì nếu chưa thể An trú Tỉnh giác, thì thông tin đưa vào quá trình Tư duy sẽ xen lẫn Minh và Vô minh mà người thực hành nếu không khéo léo quan sát sẽ không nhận ra được. Vì chỉ khi An trú Tỉnh giác, các thông tin đưa cho quá trình Tư duy mới là thông tin đúng như thật về đối tượng thực tại. Phải thấy như thật đó là cảm thọ, cũng như an trú trên đó thì sẽ thấy rõ ràng quá trình sinh diệt, vô thường, vô ngã của cảm thọ. Chứ không phải nghĩ rằng hay tư duy nó là như thế, ra như thế. Ví dụ như một thiền sinh khi trải nghiệm thiền ở tầng sâu, an trú tỉnh giác, người đó thấy rõ ràng từng loại cảm giác âm thanh, không cái nào bị xen lẫn cái nào: tiếng thầy giảng, tiếng chuông gió, tiếng ve kêu, tiếng quạt quay… từng cái một sinh lên rồi diệt đi rõ ràng như thế nào, nó vô chủ vô sở hữu như thế nào.
Đối với một số thiền sinh lần đầu nghe pháp, thấy pháp thì dục hỷ với pháp. Thông tin đó là nổi trội nên cứ nhắm mắt lại là nhớ lời thầy giảng. Và người này cho rằng mình đang Chánh tư duy thì đó là không phải. Chánh tư duy chỉ có khi trong Định. Định là do cho có sự chú tâm liên tục trên các thông tin kể cả đó là thông tin pháp trần. Nên phải khéo léo quan sát ra việc cứ nghĩ về bài giảng là bị thông tin lôi đi, phần nhiều do dục hỷ thông tin mà không thể dừng ở tâm biết trực tiếp đó chỉ là cảm giác pháp trần đang nhớ lại lời thầy giảng. Khi Định các thông tin qua các căn được lưu vào kho chứa dần dần sẽ thấy nó lắng xuống mà thực tế là các thông tin này không dao động loạn xạ trong kho chứa nữa. Càng tầng thiền sâu thì các thông tin này gần như đứng im hay ổn định vậy. Việc này giống như cô giáo vào lớp giảng bài, thì học sinh cần ổn định chỗ ngồi, ngồi ngay ngắn. Vì thế khi nội tâm tịch tĩnh, an trú tỉnh giác (thường là tầng tam thiền) mới hướng đến tư duy, để lúc này thông tin về đối tượng được lấy ra là thông tin như thực (Minh) và không bị xen các thông tin Vô minh vào.
Phần này phải nói rất kĩ, vì giống như nấu ăn, nguyên liệu không chuẩn, nấu kiểu gì cũng ra một món ăn không tốt. Nhưng đa số các thiền sinh vẫn hay nhầm lẫn chỗ này, cứ căn trần tiếp xúc là cho tư duy luôn và nghĩ là Chánh tư duy. Việc này vừa khiến thiền sinh không thể thực hành được Tuệ quán mà không đưa tới được ứng dụng BCĐ vào đời sống. Phương pháp thiền trong Chỉ có Quán, trong Quán có Chỉ này chỉ có giảng sư Nguyên Tuệ mới nhận thấy rõ từ những lời giáo huấn của Đức Phật. Còn đa số các pháp môn thì tu Chỉ riêng, tu Quán riêng nên không thể khớp vào đời sống được như vậy.
Nhờ có Chánh tư duy mà người thực hành có được Chánh kiến, biết như thật các pháp là sinh diệt liên tục, là vô thường, vô ngã. Cái biết này là cái biết như thật, ngay khi Căn Trần tiếp xúc, chứ không phải là biết thế, nghĩ là như thế. Cũng chính vì có Chánh kiến nên thật khó để người ấy đi đến lời nói và hành động một cách tùy tiện nữa. Mà sẽ có xu hướng ít nói, ít làm đặc biệt là những việc thừa thãi không phục vụ cho nhu cầu cơ bản hay giảng pháp. Còn khi có tác ý nói lên hay hành động nhất là trong công chúng thì sẽ kèm theo một lộ trình tư duy ở chi phần Như lý tác ý. Vì cũng là một lộ trình tư duy, nên trên BCĐ là Chánh tư duy, lấy thông tin hay niệm có được từ việc người đó đang an trú Tỉnh giác. Chưa kể khi người đó Chánh tư duy thuần thục trên các barem về Lý duyên khởi, về Tứ thánh đế, về Vị ngọt, sự Nguy hiểm, sự Xuất ly của Thọ mà nhờ đó nói lên hay hành động đều ngó trước, ngó sau, có ý có tứ. Việc ăn ở gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ không phải là do quy định, ép buộc mà người ấy tự giác thực hiện vì hiểu nó là nhân cho việc dễ tìm, dễ thấy, dễ lấy, không mang lại dịch bệnh… Cũng như không mang cái tôi của mình ra mà cũng không động đến cái tôi của người. Vô ngã triệt để là như vậy. Vì thế việc ăn nói hay hành động này đáng được ca ngợi là bậc Thánh. Việc này không phải là thiếu Tỉnh giác để ăn nói, hành động một cách Ngây thơ, Vô tư đến vô ý vô tứ và tự cho rằng đó là mình đang không tham, không sân, không si.
Bậc Thánh luôn an trú niệm trên thân (Tỉnh giác) và nói lên hay hành động đều nhờ có Chánh tư duy mà có Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng với mọi người. Thực hành lối sống BCĐ, lối sống của bậc Thánh thì việc đầu tiên cần rèn luyện an trú Tỉnh giác vững chãi, sau đó lấy thông tin Minh do Tỉnh giác đem lại để Chánh tư duy, lấy cái Biết có được do Chánh tư duy đem lại mà ứng xử với cuộc sống. Con đường này đã được chỉ dẫn như vậy, hướng dẫn như vậy để với Tâm giải thoát, Tuệ giải thoát một người không những có được đời sống Thích nghi, vắng mặt khổ đau mà còn có thể đưa đến giải thoát tối hậu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*
*
Website