Không chấp niệm quá khứ
Không mong cầu tương lai
An nhiên giây phút tại
Hạnh phúc mỗi sớm mai
Rất nhiều người muốn sống với Hiện tại để có thể có được hạnh phúc, bình an. Nhưng chính họ lại bị mâu thuẫn bởi cái Hiện tại đấy.
Tại sao vậy?
Bản thân từ Hiện tại bao hàm hai nghĩa cả về mặt thời gian và không gian. Khi con người ở ngay đấy, giây phút đấy thì mới có thể trọn vẹn để mà an nhiên.
Về mặt thời gian, hiện tại không phải là cả một thời gian của thì hiện tại trong tiếng Anh. Hiện tại là ở từng sát na. Chỉ một tích tắc trôi qua nó đã là quá khứ. Chỉ một tích tắc chưa tới nó đã là tương lai.
Về mặt không gian, hiện tại không có nghĩa là một khoảng không. Hiện tại chỉ là một điểm duy nhất tồn tại.
Trong cõi này, là sự bất tận của không gian và thời gian đa chiều. Chỉ cần dịch chuyển một chút thôi, là nó sẽ sang khoảng không gian khác, sang thời gian khác.
Mỗi một linh hồn hay tâm thức, giống như một giọt nước. Vốn dĩ giọt nước tự nó đã rất tròn vẹn để có thể cấu thành nên một giọt nước. Nhưng nếu bạn thấy giọt nước khi rơi xuống, nó tứ tán ra vì nó đã ở một không gian và thời gian khác. Giọt nước nếu tự nó không bị tác động bởi lực gì thì tự nó cũng rất tròn và có thể tự cân bằng sự tròn trịa đó của mình. Nhưng vì nó rơi xuống, nó đã tứ tán ra.
Bạn có thể để cho linh hồn của mình “hiện tại” hay tồn tại duy nhất trong một sát na và ở duy nhất một điểm được không?
Đó là việc của dứt niệm hay định.
Đã sinh ra Tâm rồi mà con người lại còn Ý, Tình, Thân (suy nghĩ, cảm xúc, thân thể). Bản thân cái Tâm – linh hồn vốn dĩ rất trong sáng, tròn trịa và vô vi. Nhưng vì theo thời gian, mỗi đứa trẻ được đặt nằm trong trung tâm của tam giác đa chiều Ý, Tình, Thân nên chịu sự ảnh hưởng. Và càng ngày cái tam giác đa chiều này càng dày lên.
Đáng nhẽ, Tâm sẽ luôn phản chiếu và hấp thụ vũ trụ này, tự nó biết nó là ai, cần phải làm gì trong cái khoẳng khắc sát na và tại một điểm bé xíu đó, nhưng ngay khi vừa tiếp xúc với thế giới, Ý xuất hiện với một chuỗi các tư duy, các khái niệm, các định nghĩa, các nguyên tắc, các thế này, thế kia. Rồi đi ngay theo Ý là các cảm xúc cho mỗi một ý niệm: thế này là vui, thế kia là buồn, thế này là ghét, thế kia là yêu… Và thân thể là hình hài đó liền bị bóp méo, vỡ vụn… ra giống như giọt nước kia bị rơi xuống tứ tán không còn.
Nên vì thế, cái lồng Ý, Tình, Thân ở trên càng dày, càng đa diện bao nhiêu, thì nguy cơ cái Tâm càng bị đập lên đập xuống bấy nhiêu. Giống như người ta chơi bóng rổ, quả bóng cứ nảy lên rồi đập xuống. Và Tâm đó chẳng thể tĩnh lặng, chẳng thể an nhiên.
Để dứt niệm, để buông bỏ cần trải qua quá trình rèn luyện dài ngắn tùy thuộc vào mỗi cá nhân đã tự xây cho mình cái lồng đó dày mỏng bao nhiêu. Không ai giống ai.
Nhưng để bắt đầu chúng ta có thể khởi niệm với
Câu thần chú: ánh mắt hướng vào trong, tai nghe tự bên trong, hơi thở tự trong lòng.
Hướng ánh mắt xuống khu vực dưới rốn, tai ngừng phóng chiếu nghe những tạp âm bên ngoài mà nghe chính sự chuyển động bên trong, nếu khó có thể bịt tai và nghe các tiếng lùng bùng chạy giữa hai tâm nhĩ, và nhẹ nhàng theo dõi hơi thở. Đừng đợi đến khi giọt nước bị rớt xuống tứ tán mới theo dõi, mà ngay từng phút giây kể cả lúc bạn tưởng như an bình nhất hãy tập thực hành câu thần chú trên.
Yêu thương các bạn. 💖💖💖