Thế nào là không dính mắc vào Kết quả?

Là một cư sĩ, ngoài việc tu học, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm ở đời sống. Có một câu mà chúng tôi vẫn hay nhắc nhau “việc cần làm thì cứ làm, nhưng không quan tâm tới kết quả là được, khi không quan tâm tới kết quả tức là trên đó không có tham, sân, si, không ở trên lộ trình tâm tà”. Nhưng đa số câu này mới được hiểu một cách đơn giản: là việc tới thì cứ làm đã, kết quả có thế nào là việc của nó, tính sau, hay không thể tính được. Vô tình, sự tác ý đó bị bắt nguồn từ tưởng tri, hay tà tư duy đưa tới sự phi như lý tác ý.

Đầu tiên cần hiểu, tại sao không quan tâm tới kết quả? Vì một công việc, cơ bản là là tập hợp một chuỗi Căn-Trần tiếp xúc. Duyên xúc này liên tục sinh lên rồi diệt đi vì thế mà nó vô thường. Ngay lúc mình tạo xúc thì nó đã diệt, nên kết quả kể cả nó có xảy ra thì nó cũng là diệt ở thời điểm mình biết. Việc của chúng ta là chú tâm liên tục vào các cảm giác để chúng ta làm xong việc của mình một cách rốt ráo với trí nhớ khởi lên kết quả về sự vô thường, vô chủ. Mặt khác, Do chuỗi duyên xúc đó là liên tục, người ấy chánh niệm liên tục với các duyên xúc của mình. Khi làm việc với duyên xúc A, biết thọ-tưởng A. Khi làm việc với duyên xúc B, biết thọ-tưởng B, chứ không phải vẫn là thọ-tưởng A hay C,D nào đó. Quá trình thay đổi duyên xúc và thọ-tưởng này diễn ra nhanh liên tục, khó thấy, chính vì thế mà không thể tính biết được kết quả là như vậy. (sẽ bàn tiếp ở chủ đề Thấy chánh niệm và Biết chánh niệm)

Thứ hai là, Tà niệm vẫn sinh khởi một cách vi tế vô cùng mà chúng ta rất khó nhận ra. Dục (tham, sân, si) cũng vi tế vô cùng. Ở vị hữu học, nó không biểu hiện ở dạng thô nên lại vô cùng khó quan sát. Khi một việc gì đó đến mà bạn cần giải quyết, việc đầu tiên là bạn cần có niệm. Do có niệm nên tư duy được sanh khởi. Sau khi tư duy sanh khởi, đưa ra kết luận, dẫn tới phát sinh mong muốn giải quyết vấn đề đó… đưa đến tác ý vấn đề đó: ăn, nói, hành động…. Vấn đề nằm ở chỗ này: bạn chưa hiểu là mình đã phi như lý tác ý hay như lý tác ý; chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng hay tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng. Chúng ta cần lật ngược lại vấn đề để tìm hiểu ở tư duy và tri kiến trước đó.

Tà tư duy là tư duy trên các thông tin tri thức kinh nghiệm cá nhân. Còn Chánh tư duy là tư duy trên thông tin Minh về: vô thường, vô ngã, 4 thánh đế, 5 uẩn,…. Vậy, đầu tiên bạn phải tự đặt câu hỏi là ăn, nói, hành động đó của bạn có được đặt lên cái barem về Chánh tư duy để tư duy ra Chánh tri kiến không? Hay đơn giản bạn chỉ nghĩ rằng mình không tham, không sân, không si là được. Cái nghĩ của bạn cho rằng đó không phải là Chánh tri kiến. Chính vì thế sự tác ý của bạn ở đây rất dễ rơi vào Phi như tác ý mà bạn không hề biết. Chưa kể rằng, vì không có liễu tri về sự vật hiện tượng, bạn mới chỉ thấy Khổ đế và Tập đế, Diệt đế có thể thấy nhưng Đạo đế thì đã có chưa, dẫn tới sự tác ý của bạn là nửa vời, thiếu thực tế. Sự thiếu thực tế là không đúng người, không đúng việc, mất thời gian và khiến bạn lại rơi vào hố sâu tri thức, kinh nghiệm cá nhân. (sẽ bàn tiếp ở chủ đề Người đau khổ nhiều có nên đi tu?)

Chúng ta vẫn đang là bậc hữu học, chưa thật sự thuần thục Chánh niệm, thông tin Minh chưa là khắc rãnh sâu và nổi trội nên dễ rơi vào việc tác ý phi như lý, hay vẫn còn chưa thể Tư tuệ ở các tầng sâu là điều cũng khó tránh khỏi. Các cụ đã bảo, uốn lưỡi bảy lần trước khi nói, trước là việc uốn lưỡi để lựa chọn các thông tin vô minh ra nói chuyện với đời, còn giờ việc uốn lưỡi này chính là chánh niệm để đưa tới chuỗi chánh tư duy, chánh kiến mà từ đó có được chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng.

Có một chủ đề chúng ta cần chánh tư duy thử xem: chúng ta vẫn sống và làm việc với cái Tâm buông xả Tư tưởng sở hữu, tư tưởng làm chủ, chứ không phải là buông xả Thực tại, hay cứ làm đã kết quả ra sao thì ra.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*
*
Website