Có những cụm từ hay câu nói mà hẳn chúng ta đã nghe thấy:
– Sự tập trung mang lại kết quả
– Luật hấp dẫn sẽ xảy ra khi chúng ta thường xuyên nghĩ về điều đó
– Con đường đi đến thành công là sự kiên trì
– Chỉ cần dừng lại, tĩnh lặng bạn sẽ thấy (cái này với nhiều người là hành động, khi ta phải nghĩ một việc gì đó dẫn tới rối trí thì chỉ cần tĩnh lại, hoặc đi đâu đó, mọi sự sẽ lại hiển bày)
– Chì cần biết hỏi sẽ có câu trả lời.
Rất nhiều sách, nhiều câu chuyện nói về nhưng cái tương tự trên, nhưng có hai bộ phim khiến bạn sẽ phải suy ngẫm, một thực, một hư cấu: bộ phim về nhà toán học thiên tài người Ấn Độ: Ramanujan và phim Power Woman.
Nếu như chúng ta vẫn thường nghĩ rằng, mọi thứ đến với chúng ta đều là do chúng ta suy nghĩ, logic thì sự tập trung, luật hấp dẫn, sự kiên trì, sự tĩnh lặng có phải là logic? Không. Và nhà toán học Ramanujan hay nhà Tiến sỹ Sinh học trong phim PW, những gì đến với hai con người đó có phải là do suy nghĩ logic hay là có một điều gì rất bất ngờ, rất lạ đến với họ.
Còn bạn: đã bao giờ bạn sử dụng từ Thông minh đột xuất?
Chúa Jessu nói rằng có một Thượng đế, và khi bạn cần Người luôn ở đó. Đạo Phật nói về tính Không, không cái gì là của bạn, không cái gì là của tôi. Tôi không phải là người theo thuyết siêu hình, cũng chưa nhìn thấy các vị thần, cũng chưa Ngộ giác những câu nói của các bậc tối cao trên. Nhưng tôi suy nghĩ thường hằng về những câu nói trên. Khi tôi gặp một vấn đề gì, tôi đều hỏi, và thường là có câu trả lời, đến sớm, hay đến muộn trong cái khoảnh khắc vô thức của mình. Mà nhiều khi tôi gọi đó là hâm hâm.
Những câu trả lời nó đến không phải do logic vậy do cái gì? Sự Thông minh: thông với ánh sáng, thông với trí tuệ. Sự Thần thông: thông với tầng kiến thức của các vị thần. Vậy thì có cái gì là của mình, cái có cái gì là của Tôi không? Những trí tuệ, những kiến thức này vốn nó đã có sẵn trong vũ trụ. Nên nhiều người nói: à, ý tưởng lớn gặp nhau. Đó chính là lúc, những cá thể người khác nhau cùng bắt được sóng kiến thức đó.
Vũ trụ là một tập hợp các sóng và hạt năng lượng. Bản thân, thông tin cũng là dạng sóng. Mỗi loại thông tin khác nhau có một dạng sóng khác nhau. Nhưng sóng thông tin thường là các dạng sóng có bước sóng dài, thanh, và nhẹ. Chúng ở dải tần cao. Thông tin dạng hình, dạng âm thanh, dạng text thì thô hơn nên chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy, nghe thấy và cảm thấy. Còn thông tin dạng tri thức thì không đơn giản như vậy. (Tôi chưa phải là nhà nghiên cứu về sóng tri thức, nên chưa chứng minh được nó cụ thể ở con số nào. Tuy nhiên, điều đó dược chứng minh ở việc, nhiều phát kiến vĩ đại đã có từ rất xưa rồi, và đến thời nay, thậm chí có nhiều thứ chúng ta còn đi sau. Nhiều tri thức đã được tìm thấy trong các kinh sách cổ, mà đến giờ các nhà khoa học đang ra sức dùng các logic, kiến thức của mình để chứng minh lại nó.)
Viết linh tinh, rốt lại bài viết này tôi muốn nói với các bạn điều gì?
– Mọi thứ đừng dùng cái tôi lý trí, cái kiến thức trong sách vở và trường lớp để giải quyết. Rất nhiều người, chạy khắp các khóa học, chạy khắp các người nổi tiếng để mong học một chút kiến thức, kinh nghiệm gì của người ấy để giúp cho mình. Nhưng ai đó nói: kinh nghiệm của người này không thể áp dụng cho kẻ khác. Tầng nông thì mỗi người là tập hợp các hằng số khác nhau, và chỉ cần một yếu tố khác nhau thôi thì cũng sẽ không áp dụng đúng được. Sâu hơn, thì mỗi người có khả năng bắt sóng tri thức khác nhau, nếu bạn không luyện tập để có thể bắt sóng tốt thì bạn cũng không thể làm giống hoặc gần giống như người mình học.
– Những tri thức này của nhân loại, nên đừng vỗ ngực tự cho mình là thông minh. Vì điều đó càng làm phình to cái tôi của bạn, và chính việc làm phình cái tôi, khiến bạn không thể tiếp cận dễ dàng với tầng tri thức bậc cao nữa. Chính vì vậy, nhiều người, thời gian đầu làm việc rất hanh thông, suy nghĩ dễ dàng, nhưng sau đó nguồn tri thức bị cắt hoặc gián đoạn nên phải cố gắng, nên rất vất vả để hoàn thành công việc của mình dẫn tới kiệt sức (đấy, đã bảo nghỉ ngơi thư giãn đi mà)
– Ở đây không phải tôi khuyên bạn không nên đọc sách hay đi học của người khác, mà cái bạn đọc, hay học chỉ là các kỹ năng xử lý một thông tin, chứ không phải là có một thông tin. Bạn có thể thao tác thực hành như một con robot chứ bạn không thể sáng tạo, hay suy nghĩ sâu sắc, hay nhiều người nói rằng, không hiểu bản chất là thế. Bạn có thể cứ học, cứ đọc để giải quyết phần nào, hoặc vướng mắc nào đó khi bạn bất ngờ tiếp nhận được một thông tin nào đó.
– Lời khuyên cho bạn, và cũng là lời khuyên tôi nhận được, khi đang vướng mắc ở cái đống lùng bùng thông tin thô: là vượt lên tầng kiến thức, hòa vào tầng tri thức của nhân loại để có thể tiếp nhận, kết nối với chúng. Nghe có gì đó thật là siêu hình, thật là khó hiểu. Nhưng đôi lúc tôi đã làm được. Đó chính là những từ khóa: tập trung, hấp dẫn, kiên trì, tĩnh lặng… hay tương tự thế. Biết rồi, khổ lắm, nói mãi, tưởng cái gì mới. Hihi. Những cái mà tôi bắt được đó là việc: bạn cần tập trung, hấp dẫn, kiên trì, tĩnh lặng… trong cái Không. Bạn cần quên chính bản thân mình, và thậm chí cả cái việc mình đang làm, thậm chí cả cái kết quả, mục tiêu bạn muốn đạt tới. Khi và chỉ khi thứ nó là duy nhất, xung quanh nó là không gì cả, không có một sự rung động về sóng nào được phát ra từ ý nghĩ, suy nghĩ, tâm thức của bạn, thì cái bạn cần sẽ hiện ngay trước mắt, hiện ngay trong tâm trí bạn: duy nhất nó, rất sáng tỏ. Còn không thì bạn sẽ lúc nắm được, lúc không, lúc thấy hình như là cái này, hình như là cái kia… Trường hợp này bạn đã từng trải qua đúng không?
Và chốt lại, bạn hãy cứ thực hành đi, thực hành mỗi ngày: sự tập trung, hấp dẫn, kiên trì, tĩnh lặng… hay bất cứ một cái gì bạn muốn thực hành, nhưng hãy gạt cái Tôi của mình sang một bên. Vì rằng Chúa, hay Thượng đế, hay các vị Thánh… luôn ở bên bạn. Vì rằng, tri thức này là của nhân loại, bạn chỉ cần ở đó thôi để nắm bắt nó.