Tâm “hơn” sinh ra một hỷ lạc rất thống khoái. Cảm giác này gây nên những thay đổi trong nội xúc khiến người ta dễ gây nghiện dẫn tới dính mắc, muốn có mãi.
Về logic, núi này cao, còn có núi cao hơn. Về sự thật, thì đó chỉ là cảm giác nó vô thường, vô chủ sở hữu, nó sinh lên rồi diệt đi khi có duyên xúc xảy ra thôi. Trở về nhà, đối diện với căn phòng lại thấy có cảm giác cô đơn hiện lên. Vì sao, vì lúc đó k còn duyên xúc, ta không được thấy tâm “hơn”. Bản ngã ta sau sự tôn vinh, sau sự tận hưởng vẫn còn muốn níu kéo. Và vì không hiểu được lẽ đó nên ta có cảm giác đơn côi, trống vắng. Để thỏa mãn, ta lại lao ra ngoài, nghe người khác chúc tụng, tán dương, tận hưởng…
Tâm “hơn” chỉ có ích khi chính chúng ta tự so sánh với thời điểm trước đó của chúng ta. Chúng ta tự làm được điều gì đó, đạt được mục tiêu gì đó – tâm “hơn” lại hỷ lạc, sung sướng là vậy. Nó là động lực để ta tiếp tục đi tiếp, chinh phục tiếp những nấc thang mới. Nhưng động lực này cũng chỉ có ích khi trên hành trình đi tìm Sự thật hay con đường Tứ thánh đế mà thôi. Còn lại tâm “hơn” này, với những mục tiêu thỏa mãn hơn nữa các giác quan thì chính bạn lại làm nô lệ cho chính mình.
Trên con đường đạo, tâm “hơn” này là cản trở, khi người thực hành đạo vì nó mà muốn nắm giữ cái cảm giác hiện tại mãi mãi. Họ sợ hãi không dám đi tiếp. Họ sợ đánh mất cái hỷ lạc mà tâm đang có. Dễ hiểu thôi, để có nhiều tiền hơn hẳn phải làm việc nhiều hơn, và để có được sự vắng lặng về nội tâm bạn cũng phải đối diện với nhiều bài học khó khăn hơn. Không những thế nó còn làm cho nhiều người tự mãn, dễ duôi với con đường thực hành của mình, cho rằng đó là những điều to lớn và khác lạ so với người khác.
Hỷ lạc, có hỷ lạc. Cứ tự hưởng nó như một cơn gió mát mùa hè. Nhưng đừng mong cơn gió mát đó còn mãi, vì chẳng mấy đâu, hạ qua, thu tới, đông lại sang