Tâm hành si

Những chiếc là non đầu tiên, sau bao nỗ lực, cố gắng, tích lũy, cuối cùng cũng bung được ra. Chúng chưa kịp vui mừng, thì đã phải hứng chịu nắng, gió, mưa, bão… Có thể nói, nắng, gió, mưa… là điều kiện cần để làm cho chúng lớn lên, vững mạnh hơn. Nhưng nếu quá nắng, quá gió, quá mưa… thì lại là tác nhân gây nên sự thui chột của hạt mầm vừa mới nhú. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa cần thiết là như vậy.

Hành giả tới một giai đoạn, có chánh niệm tỉnh giác, thì cũng chính là lúc trực giác phát triển (tâm biết trực tiếp giác quan). Đây là giai đoạn mà nhận thức lý tính, hay tâm biết gián tiếp ít sinh khởi, do người này không còn đặt nhiều câu hỏi, ít tham sân, nhiều lòng tin. Ở giai đoạn này, do trực giác phát triển, nhưng Chánh niệm tỉnh giác chưa tu tập thuần thục, nên hành giả dễ nhạy bén với môi trường bên ngoài, dễ xúc động, dễ cảm tính, dễ tin người. Người chưa có tu tập BCĐ, chưa hiểu biết về Minh, thì người này có thể liệt vào loại người sống cảm xúc và nhạy cảm. Với người có tu tập BCĐ, có hiểu biết về Minh, thì đây là giai đoạn tâm Si chiếm đa số thời gian. Tâm Si mang tính thọ trung tính – bất khổ bất lạc – nhưng lại có hành vi tìm kiếm một điều gì đó thay thế trạng thái hiện tại. Với người bình thường, tâm Si sẽ khiến họ không chịu được việc ở một mình, ít bạn bè, ít mối quan hệ, không có việc gì để làm. Với người có trực giác phát triển, tâm Si này là tâm Si vi tế, họ có thể ở một mình, có thể chịu đựng việc cô đơn, đi sâu vào bên trong nội tâm của mình, nhưng từ sâu bên trong một cảm giác trống vắng, mênh mông, man mác thường trực. Nên có thể dễ dàng thấy những người sống cảm xúc, nhạy cảm là những người cũng có phong cách sống nội tâm, khép mình là như vậy.

Để nhận diện ra tâm Si vi tế này, thì hành giả hẳn là đã có chánh niệm tỉnh giác được tu tập. Để nhiếp phục tâm Si, thì hành giả cần thực hành chánh niệm tỉnh giác một cách liên tục, tinh tấn hơn rất nhiều. Để 3 chi phần Chánh niệm – C. Tinh Tấn – Chánh Định được diễn sinh liên tục cảm tưởng như được nhập làm một vậy. Và hành giả cần an trú trong tâm Tỉnh giác này hàng ngày để giảm đi thời gian bị tâm Si chi phối, lôi kéo. Giai đoạn này, nếu có thể, hành giả cần kiếm một trú xứ thanh tịnh, một minh sư dẫn đường, chỉ lối hàng ngày, nếu không rất dễ lạc đường thậm chí tu tập sang tà đạo hay phát triển mạnh mẽ bản ngã vi tế của mình.

Để đoạn tận tâm Si vi tế, không còn cách nào khác là tu tập Tuệ để dùng Chánh tri kiến thấu tỏ lý duyên khởi, 4 thánh đế, đoạn diệt ngũ uẩn, chặt đứt các kiết sử. Con đường còn dài, hãy xác định nếu chưa tu tập viên mãn thì sống với tâm Si này cả đời, nhưng hãy nhớ luôn luôn Tỉnh giác.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*
*
Website