Sự độc thoại hay trò chơi của tâm trí

Đã khi nào bạn ngồi một mình và quan sát não phải và não trái nói chuyện với nhau? Một bên nhận thức cảm tính, một bên nhận thức lý tính. Chúng cứ tranh cãi nhau như thế này là đúng, như thế này là sai, nên là như thế này, nên là như thế kia.

Nếu bạn có nhiều hơn cơ hội tự độc thoại, thì dần dần bạn sẽ trên con đường đi đến sự tự nhận thức, giác ngộ. Nhưng chúng ta có quá nhiều thứ cần bận tâm và cần xử lý mà cơ hội tự độc thoại ít dần. Chuyện gia đình, chuyện con cái, chuyện công việc, chuyện bạn bè và giờ thêm chuyện mxh… Các đối tượng đó lôi bạn đi giải quyết xử lý các vấn đề chúng đem đến cho bạn.

Bạn có thể nói tôi không giải quyết, tôi đang tu, tôi đang ngồi thiền, điều đó k liên quan tới tôi. Những việc đó không liên quan đúng theo kiểu duyên sanh diệt, tuy nhiên pháp thế gian, mối quan hệ là có thực và bạn cần phải giải quyết các vấn đề phát sinh từ chúng do sự góp mặt một nhân là của bạn, từ bạn. Đúng với “còn hiện hữu là còn khổ”, vì bạn vẫn là một nhân hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp trong các duyên xúc bạn gặp. Bạn thực hành tu đạo không có nghĩa bạn gạt đi sự hiện hữu, hay nhân duyên của mình theo một trong hai cách một là trốn vào rừng sâu, hai là sống giữa đời nhưng không quan tâm tới bất kể cái gì. Bạn cần hiểu việc đến thì giải quyết, việc đi thì bằng lòng. Nhận biết rõ ràng chúng là các duyên sanh diệt, không có vướng mắc, chấp thủ chúng, chứ không có nghĩa từ bỏ, chối bỏ chúng.

Còn nếu bạn đã hiểu về duyên, về sự tự nhận thức thì bạn cần cho mình cơ hội thấy ra chúng. Không tự nhiên các vị tu hành xuất gia, chọn đời sống xuất thế gian, hay chọn đời sống ẩn tu, tịch tĩnh. Không phải họ sợ đối diện, không phải họ sợ duyên xúc, càng không phải họ không biết pháp thực hành giữa đời thường. Bạn còn biết, kinh sách nói rất nhiều, rất nhiều người biết, không có gì to tát ở đây cả. Mà các vị tu hành hiểu, nếu mất quá nhiều thời gian để tâm trí xử lý các vấn đề thế gian sẽ mất đi cơ hội tự độc thoại, hay nhìn vào bên trong.

Bạn thử quan sát chính mình xem, một ngày bạn đang xử lý bao nhiêu thời gian cho các công việc, cho fb, cho yêu đương, cho gia đình, cho con cái…? Bao nhiêu thời gian bạn ngồi tĩnh lặng một mình, lắng nghe mình, lắng nghe nội tâm? Bạn cho rằng mình biết cái gì đang xảy ra, đến đi với mình? Nhưng thực sự thì ai cũng biết, đó là cái biết của ý thức, cái biết của trí năng. Trừ khi bạn bị down thì bạn mới đang không biết điều gì đang xảy ra với mình vậy. Còn cái biết của rỗng lặng, cái biết của trực giác nó giúp bạn tự nhiên tỏa sáng, rạng ngời như bông hoa đẹp, gần gũi, đáng yêu, nó không có trí năng ở đó.

Bạn cho rằng bạn biết điều gì đang xảy ra? Cái biết đó là cái biết về đối tượng, thế gian pháp? Hay cái biết về cảm thọ đang sanh diệt nơi nội tâm? Cái biết dẫn đến sự huân tập của ngũ uẩn? Hay cái biết về sự không chấp thủ, dính mắc, để đi trên con đường giác ngộ, giải thoát. Nếu đã thực biết, vậy bạn sẽ biết đâu con đường cần đi, đâu là việc bạn nên làm và cần làm, có phải không?

🤣

Nhưng bạn vẫn còn biện hộ về quyết định của mình, về lựa chọn của mình, về hạnh nguyện của mình (sẽ nói về một hạnh nguyện hay trò chơi của tri kiến ở bài sau). Thực chất, bạn không thể cưỡng lại trò chơi của cảm thọ, trò chơi của tưởng, trò chơi của tâm hành, trò chơi của tri kiến. Những người thích yêu đương, ái niệm nhiều do không thể thoát khỏi trò chơi của cảm thọ. Những người thích khoe khoang, thích tán phét, thích các câu chuyện thị phi, vấn đề xã hội hay của ai đó do không thoát khỏi được trò chơi của tưởng. Những người thích kiếm tiền, thích làm việc, thích chăm sóc, quan tâm do không thể thoát khỏi trò chơi của tâm hành. Những người thích rao giảng, thích khuyên bảo, thích viết lách (như tôi đây ) do không thể thoát khỏi trò chơi của tri kiến. Do bạn không thể thoát khỏi các trò chơi này mà bạn cứ chơi đi chơi lại, lặp đi lặp lại – nó chính là luân hồi luôn đó ạ. Không phải đợi tới khi bạn chết, bạn tái sinh mới được gọi là luân hồi. Tái sinh ở đời sau của bạn, chỉ đơn giản là sự huân tập sâu dày của các sở thích, hay không thích khiến bạn không thể thoát khỏi trò chơi của sinh tử.

Cuộc sống đang diễn ra này là một loạt các trò chơi. Trong một loạt các trò chơi đó, bạn có thể chọn một trò để chơi – trò chơi với tâm trí – sự độc thoại. Nghe có vẻ điên rồ và tự kỉ. Nghe có vẻ như bạn đang không rỗng lặng được. Nhưng sự rỗng lặng thực sự chỉ đến từ các bậc giác ngộ, còn nếu không chỉ là tưởng. Bạn tưởng bạn rỗng lặng. Vì đơn giản, giữa xã hội đầy rẫy quay cuồng, bạn có vẻ tĩnh lặng hơn những người đang điên rồ với công việc, với gia đình, với tình yêu kia. Nhưng sự rỗng lặng thực sự chỉ đến sau khi bạn tự đối diện, bạn tự chơi trò chơi với tâm trí một mình.

Khi chỉ còn một mình, bạn gần như không còn sự bận tâm từ đối tượng bên ngoài. Những gì từ sâu thẳm bắt đầu nhảy ra, chúng hát hò, múa ca. Chúng nhớ lại các câu chuyện. Các cảm xúc từ đâu chạy về. Các yêu, ghét, giận, hờn ùa vào tâm trí. Thậm chí, những điều lâu lâu là lâu, tưởng như đã quên tịt hịt, bỗng hôm nay lù trước mặt như trêu ngươi bạn. Sự có mặt của chúng, bạn đâu có kiểm soát được, khiến tâm trí bối rối, khiến đôi khi hoảng sợ và lo lắng… Nhưng nếu bạn không dành cho mình những khoảng thời gian như vậy, từ chối cơ hội để chúng đến, để nhận ra sự tồn tại của chúng, thì bạn sẽ không thể biết được tâm trí của bạn hỗn loạn, dở hơi, thậm chí bẩn thỉu và xấu xa thế nào. Vốn bạn cho rằng mình rất thanh sạch, cao đẹp. Nhưng sự bất thiện lại luôn ngủ ngầm, như một con quái thú, khéo léo ẩn nấp, chờ đợi cơ hội vọt sinh.

Trò chơi của tâm trí không có thắng thua, không có đúng sai, nó chỉ đưa bạn gần hơn đến giác ngộ. Vì tại đó bạn nhìn sâu vào bên trong mình. Bạn nhìn thẳng vào sự thực đang diễn ra nơi nội tâm của mình. Chứ không phải chỉ là các vấn đề hào nhoáng, ảo ảnh bên ngoài. Trong trò chơi tâm trí, bạn nhận ra đâu là cái bạn đang ảo tưởng, đâu là cái chân thực còn lại, đâu là cái nó là, đâu là cái nó không là rõ ràng, cụ thể mà không phải cần đến từ bất kì một vị thầy, hay một cuốn sách nào nói với bạn.

😆
😆

Mỗi ngày bạn dành được bao nhiêu thời gian để tự chơi trò chơi tâm trí của chính mình? Hay, biết rồi, khổ lắm, nói mãi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*
*
Website