Qua sông bỏ lại thuyền

Qua sông bỏ lại thuyền, chỉ xảy ra khi bạn thấy cái hữu dụng của pháp, rồi thấy cái vô dụng của pháp.
Một vị thầy chân chính, dạy về xuất ly, dạy về từ bỏ, dạy về con đường giải thoát, chắc chắn bài học đầu tiên người thầy đó nói sẽ là sự không dính mắc, không chấp thủ vào bất cứ điều gì trên đời, bao gồm cả pháp, bao gồm cả chính vị thầy đó. Còn mới học, mới hành, hẳn nhiên vẫn phải nương tựa nơi pháp học, pháp hành để thực hành. Còn tới khi ngộ rồi thì đâu cũng là pháp, pháp là vô tướng nên chỉ mượn tướng mà học pháp. Pháp là do Duyên, tại đó cần thì có, tại đó dụng thì dùng, thì tự buông được pháp là vậy.
Một người bạn nói với tôi rằng, tại sao tôi lại đang phủ nhận những gì tôi đã học? Tôi bảo: em chưa bao giờ phủ nhận con đường đi tới thực hành để giác ngộ sự xuất ly, ly tham, đoạn diệt. Cái mà em phủ nhận là tướng của pháp, là các tri kiến, là các phương pháp cột chặt con người ta kẹt lại, giữ con người ta chấp thủ, giữ con người dẫn tới sự dính mắc vào pháp, vào vị thầy, giữ con người ta không thể buông xuống, không thể ly tham, không thể đoạn diệt, không thể tự do và hào sảng khám phá trời xanh như những chú đại bàng, không thể chạm bờ để bỏ lại, hoặc không thể bỏ lại khi đã đặt chân lên bờ.
Như một bài đã viết trước, nếu ai có thể thấy được, mỗi tri kiến như một cái cọc bê tông, như một thanh sắt thép giằng buộc tạo nên hình hài của lối sống, cảm xúc và hành vi hay chính là tạo nên sự huân tập của danh sắc, của ngũ uẩn để đi tới luân hồi thì sẽ hiểu: việc thực hành đạo không phải là thêm lên pháp, không phải là vơ vào, không phải là làm dày lên các tri thức kinh nghiệm đã học mà chính là sự nhổ bỏ từng cái thanh sắt đó, từng cái cọc đó, từng thói quen đó, từng cái mình đã cho là đúng đó… Hay như cái smartphone, càng nhiều ứng dụng bao nhiêu, càng nhanh tốn pin, máy chạy càng nóng bấy nhiêu. Cũng vậy, con người càng hiểu biết, càng nhiều pháp bấy nhiêu càng dễ “nóng máy” bấy nhiêu. Nhận ra máy nhanh tốn pin, chạy nóng thì vào cài đặt tắt bớt ứng dụng chạy ngầm, buộc dừng tự update dữ liệu, thì tương tự phải tự thấy cái pháp nào đang khiến mình kẹt lại thì phải tự buông nó xuống, hay nhổ bỏ nó đi là như vậy.
Còn hiểu, nhổ bỏ tri kiến là không biết ơn pháp hay đang chê bai pháp thì thật sự không hiểu gì về giáo pháp của Phật. Còn hiểu gieo duyên là quảng bá nó như việc người ta quảng bá một sản phẩm mua bán thì càng không hiểu gì về Đạo. Thật sự không thấu ngộ được chút nào sự Vô thường, Vô ngã hay chữ Duyên mà Phật dạy. Tất cả chỉ bám vào hình tướng, chỉ bám vào đối tượng, chỉ bám vào cái thấy, và khăng khăng cho rằng những ai không như vậy là sai lầm, là mê lầm, là lạc đạo thì thật đáng tiếc. Tốc độ 4.0 thật sự k thể so sánh với tốc độ của ánh sáng Dhamma, của một sự thực hành giác ngộ. Nên thay vì hô nhiều mà không hành, thì hãy hành nhiều hơn hô, lúc đó lời Hô mới có trọng lực, mới có năng lực thu hút là như vậy. Có thể hiện tại vẫn phải mượn hình tướng để truyền tải thì hiểu đó là mượn, là mượn thì là giả, có tính thời điểm, không cần lưu lại dấu vết để làm hằn lên bản ngã.
Thực hành pháp là thay đổi, thậm chí xóa đi những thói quen từ tiềm thức, từ vô thức để chúng không còn là nghiệp lực, là sự phản ứng ngủ ngầm lôi kéo, dẫn đến hành vi, cảm xúc không nhận biết. Tuệ là phải thấu hiểu chỗ đó. Tuệ giải thoát là giúp giải thoát khỏi các thói quen do vô lượng kiếp được hình thành từ vô minh và ái dục đó. Nên mới bảo, đừng mong giải thoát khi ngay cuộc sống này không thể giải thoát khỏi các thói quen bất thiện, thói quen chấp thủ, thói quen dính mắc, dẫn tới luân hồi.
Thói quen còn giữ lại khi thực hành pháp là thói quen buông xuống, từ bỏ, xuất ly và đoạn diệt vì hiểu các pháp xuất hiện chỉ là giả tạm cho thời điểm nó cần xuất hiện. Chính vì thế, nó phù hợp với người này, hoàn cảnh này, không phù hợp với người kia, hoàn cảnh kia. Chỉ có Sự thật, thì mới là cái cần thông suốt, cần trực chỉ cho các đối tượng cần thực hành. Còn pháp nó cách vận hành của nó, mỗi người một căn tính để giác ngộ ra Sự thật. Chứ không phải là thói quen thực hành một pháp gì đó, giữ rịt pháp đó bên mình, bê nguyên xi áp dụng cho mọi đối tượng, mọi nhận thức, mọi trình độ. Cũng như bảng chữ cái ABC là cái cần học, nhưng chỉ dành cho lớp 1, còn lên đến Đại học là mỗi người một chuyên ngành, mỗi chuyên ngành lại có một chuyên đề. Nhưng rốt lại bao nhiêu chuyên đề cũng chỉ cầm 1 tấm bằng tốt nghiệp ra trường, xin việc và kiếm tiền dưới mọi hình tướng.
Dạo này fb của mình up toàn cái nhí nhố, cũng là để thấy trong cái nhí nhố cũng có đạo nằm trong đó. Nhưng hình như bạn không thể hiểu cách thực hành tâm biết ghi nhận trực tiếp để mà ghi nhận tất cả những gì xảy ra, rồi tới sự thực hành thuần thục để mà phát triển Trực giác nơi bạn thì phải? Không thể hiểu pháp là Vô tướng là như thế nào? Không thể hiểu không bị chi phối bởi không gian và thời gian nó thực sự là thế nào? Nên hơi khó để mà cho bạn hiểu Phật tính có trong tất cả nơi chúng sanh, có trong tất cả các hiện tướng.
Viết lằng nhằng vậy, vì thực ra nếu đã thấu hiểu thì đã chẳng cần nói gì. Mà không thấu hiểu, nói mãi vẫn thế. Một nghiệp đã nảy sinh, một pháp đã nảy sinh, để rồi viết ra, viết ra để kết thúc, để đoạn diệt, để nhổ bỏ đi một tri kiến trong tôi và trong bạn. Vậy đấy. Hết nhiệm vụ. Xong. 🥰🥰🥰

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*
*
Website