Phong Cảnh

Núi vốn dĩ chỉ là núi, sông vốn dĩ chỉ là sông. Bạn đã kết hợp nó vào và đặt tên cho nó là Phong Cảnh.

Một mối quan hệ, dù được đặt tên dưới bất kì tên gọi nào, thì tại đó bản ngã đã được hình thành, bản ngã có mặt. Vì nó là một sự kết luận, một sự công nhận, một sự muốn người khác gọi tên và tôn vinh. Bạn càng cho nó cao quý bao nhiêu thì bấy nhiêu đã mất đi tính Không vốn có, tính vô phân biệt vốn có. Tại đó đã có tôi và của tôi. Tại đó có mặt của người trong mối quan hệ, người được trong mối quan hệ. Bản ngã vi tế khéo léo đã làm dày lên các tập hợp tính chất của mối quan hệ để bạn phải gọi nó bằng tên, để nó thỏa mãn. Cũng chính là để bạn tự thỏa mãn, thỏa mãn vì bạn có mặt, thỏa mãn vì bạn được.

Nên là không có thầy, không có trò, không có sư phụ, không có đệ tử, không có mẹ, có cha, không có con cái, không có vợ, không có chồng, không có người yêu, không có tri kỷ, không có chị, không có anh, không có em. Đơn giản chỉ là I và U. Dù là I đóng vai trò nào I vẫn là I. Dù bạn coi U đóng vai trò nào U vẫn là U. Sự kết hợp của I trong U tạo thành sự kết hợp của vũ trụ, một biểu tượng của sự hợp nhất.

Khi hợp nhất, không còn tồn tại I, và U tức là không còn tồn tại chủ thể và khách thể. Trong một mối quan hệ, đơn giản đó là các nhân duyên, các duyên xúc được sanh lên và diệt đi không ngừng. Bạn bắt lấy một “quả” sanh trong mối quan hệ đó, bắt đầu suy nghĩ, đặt tên, gán đối tượng cho nó, tại đó ý thức được hoạt động, tại đó nó không còn là nó, tại đó dòng chảy bị ngắt quãng. Tại đó bạn đã kéo cái toàn thể xuống thành cái cá thể và bạn tưởng rằng bạn được, nhưng thực ra bạn đã mất. Mất đi cái tính thuần khiết, tính dòng chảy, tính toàn thể.

Mặt khác, điều mà ai đó mang lại cho bạn, bạn vốn đặt tên cho nó rất cao quý: tình mẫu tử, tình yêu, tình bạn, tình thầy trò… điều đó đáng được bạn trân trọng và tôn trọng. Nhưng những cảm giác và tình cảm từ mối quan hệ đó mang lại đơn giản chỉ là chuỗi các quả (do duyên sanh của các tương tác giữa bạn và người đó) được bạn nhặt lên, cất giữ, ngắm nghía và lau chùi. Nếu bạn hiểu nó là duyên sanh thì bạn cứ đón nhận điều đến và đi là vừa đủ. Nhưng bạn lại cho rằng nó là ta, của ta, vì sự có mặt của bạn trong mối quan hệ đó. Để rồi bạn muốn nó long lanh theo cách của bạn, muốn thường hằng theo cái lung linh mà bạn cảm, muốn nó không có xây xước, va chạm bởi cả chính hai người trong mối quan hệ đó, lẫn một đối tượng thứ ba nào khác từ bên ngoài. Sự nắm giữ này khiến bạn tự đặt mình ràng buộc trong mối quan hệ, với tất cả các định kiến, thường kiến, tư kiến, tư tưởng… mà bạn có thể khắc họa lên nó.

Bức tranh về một mối quan hệ thực sự vốn dĩ là không màu, không sắc, không hương. Bản âm nhạc về một mối quan hệ thực sự vốn dĩ là những dấu lặng độc lập, bằng phẳng. Vì mỗi cá thể vốn dĩ đều là tính Không. Nhưng rồi, mỗi người tự cho mình một cá tính, một nốt nhạc để mà từ đó có quá nhiều tô vẽ, quá nhiều cung bậc, để rồi bạn tự cho mình cái quyền lấp lánh, và cũng tự cho mình cái quyền u xám, để rồi bạn phải nhảy nhót cao vống, hay quay cuồng chóng mặt, ủ dột với các nốt móc đơn, nốt luyến, nốt trầm. Như vậy đấy.

Chừng nào bạn có thể hiểu, sự có mặt của bạn, hay sự có mặt của bất kì hiện hữu nào, đơn giản chỉ là các tập hợp của 5 uẩn (danh và sắc)?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*
*
Website