Phố ơi

Nhân dịp ngắm bức tranh “Phố ơi” của thầy Thắng Trịnh.

Krishnamurti có viết: “Khi bạn so sánh bức tranh này với bức tranh khác, hay bất cứ thứ gì, bạn đang không thật sự chiêm ngưỡng chúng. Bạn hãy sống và đừng bao giờ so sánh mình với người khác ngay cả trong tâm tưởng. Đừng cố gắng sống theo bất kì vị thánh thần hay bất kì lý tưởng nào. Nếu ta không so sánh với mọi đối tượng, ở mọi cấp độ thì tâm trí sẽ trở nên tự tại và sống động phi thường vì nó chỉ nhìn vào “điều đang là” mà thôi.”

Tôi có dịp gặp và học thầy từ gần 6 năm trước, với quãng thời gian học trực tiếp gần 3 năm. 3 năm nay, ít có cơ hội lui tới thầy, nhưng một số bài pháp của thầy đã là nền móng thật sự vững chắc cho những bước đi đầu tiên trên con đường hành giả của mình.

Tất cả tranh hay thơ, kệ của thầy, đều là trạng thái tâm thức nơi các pháp đang liên tục sinh diệt. Dưới sự rỗng lặng, trong sáng, thuần khiết, thầy kịp với tay ghi lại những điều đó, như một sự tri ân trên con đường chứng ngộ của mình, cũng là cái có thể diễn tả một cách hữu hình hơn để chia sẻ với độc giả và học trò.

Ngày đầu, tôi cố hiểu những bức tranh của thầy ngụ ý gì, miêu tả gì. Như một cách chứng minh bản ngã, tôi tìm cách đi qua những dòng tâm thức đó. Tôi muốn chứng minh mình, khẳng định mình. Nhưng tất cả đều bị kẹt lại. Càng cố tìm hiểu, càng cố định nghĩa, càng vướng víu và chật chột.

Rồi một ngày, tôi hiểu, tất cả chỉ có thể “cảm”. Trong Kinh Tứ niệm xứ, Đức Phật có dạy khi thực hành thiền Minh sát: cái gì chưa sanh nay sanh khởi, cái gì đã sanh nay diệt, cái gì đã diệt nay không sanh khởi nữa. Hóa ra cái mà tôi cần đọc, cần tìm hiểu không phải nằm ở nơi các bức tranh và bài thơ kia, mà nó là dòng tâm thức nơi nội tâm của chính mình khi chạm vào chúng. Với sự rỗng lặng, trong sáng, thuần khiết thầy đã gieo trồng. Tôi hít một hơi dài, thả lỏng, và hòa vào dòng chảy nơi các bức tranh và bài thơ đó. Đầu tiên chỉ là sự mờ nhạt, nhạt nhòa. Nhưng không cố tưởng tượng ra, cũng không cố gắng để thấy ra. Cứ chậm rãi, từ từ, với tất cả sự rỗng rang đó, mọi thứ được hiển lộ, và phơi bày như nó là.

Có lúc, tôi đã từng òa lên sung sướng. Một chút bản ngã vống lên thôi, dòng chảy đó lập tức bị ngắt quãng. Và tôi hiểu, bên trong sự rỗng rang đó là một dòng chảy trong suốt, thuần khiết, cần được nhận biết “như thật là”. Và nhiệm vụ của người hành giả là mỉm cười, ngắm nhìn và tĩnh lặng, cũng có thể là một chút tận hưởng sự hỷ lạc nơi nội tậm mình.

Đọc lại câu của Krish, tôi thấy thật thấm thía. Mình không thể cố gắng bắt chước ai và cố gắng trở thành ai đó được. Học trò và người thầy luôn sẽ có những dòng chảy giao thoa, nhưng người học trò cũng có những nét riêng trong dòng chảy của chính mình. Nên tôi không còn cố đi giải thích, chứng minh mình hiểu về tranh và thơ của thầy, cũng không cố kết luận nó theo cách tư kiến của mình nữa. Tôi hiểu thật rõ ràng câu thầy đã dạy đi dạy lại bao lần: “chạm là buông”. Dừng lại ở tâm biết trực tiếp khi tiếp cận đối tượng, đừng suy nghĩ gì. Và trong sự rỗng rang, trong sáng đó, cái nhận biết là dòng chảy không ngừng của các duyên sanh. Không bám, không buông, chỉ cần nhận biết và thấy ra như thực nó đang là để từ đó thực chứng ra sự vô ngã của các pháp, sự vô thường của các hành.

Tôi mỉm cười, nhặt vài lọ màu, thư giãn, thả lỏng, và cũng pha pha, hòa hòa tạo nên vài bức tranh mang dòng chảy riêng mình như một sự tri ân đến người thầy của mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*
*
Website