Một nửa sự thật

Một nửa Sự thật có phải là Sự thật?

Có một câu được Đức Phật nhắc đi nhắc lại trong bài Kinh Phạm võng – bài đầu tiên của Trường Bộ Kinh (Nikaya) là: Như Lai nhờ tuệ tri Tập khởi, sự Đoạn diệt, Vị ngọt, sự Nguy hiểm và sự Xuất ly của #Thọ mà Như Lai được Giải thoát hoàn toàn không còn Chấp thủ.

Thế giới thực tại này là Cảm thọ, Cảm thọ này là cái gì? Do đâu mà có? Tính chất của nó như thế nào? Cùng tìm hiểu như sau:

– 6 căn (6 tế bào thần kinh nơi 6 giác quan của con người: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý),

– 6 trần (6 loại thông tin dưới 6 dạng sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp từ thế giới ngoại cảnh),

– 6 xúc xứ (6 cặp đôi của 6 căn và 6 trần, 6 sự tương tác thông tin: nhãn xúc, nhĩ xúc, tỉ xúc, thiệt xúc, thân xúc, ý xúc),

– 6 thọ (6 loại cảm giác phát sinh do 6 sự tương tác của 6 căn và 6 trần: cảm giác hình ảnh, cg âm thanh, cg mùi, cg vị, cg xúc chạm, cg pháp trần)

* Tuệ tri Tập khởi là hiểu biết như thật, hay thân chứng (không phải là hiểu trên mặt logic) về sự Có mặt của các cảm thọ hay tính Thường của Thọ. Cảm giác là Có thật, nó có mặt khi Căn Trần tiếp xúc, nó thuộc phạm trù Tâm. Nó không thể có khi ngủ say không mộng mị, hôn mê sâu sau khi mổ, ngất đi khi bị tai nạn hoặc tế bào thần kinh giác quan đó không hoạt động. Là người sống bình thường, đầy đủ giác quan hiển nhiên có Xúc của Căn-Trần và hiển nhiên Thọ có mặt.

Con người chỉ không thể nhận ra sự Có mặt của Thọ khi đi liền sau đó là Tà niệm, là Tâm biết ý thức Tà kiến, là Vọng tưởng dẫn đến không thể dừng lại ở Tâm biết trực tiếp (cái biết Vô niệm, vô ngôn, vô phân biệt). Nhiều trường phái thực hành để dừng lại ở Tâm biết trực tiếp này, và ví nó như là Phép màu của Hiện tại.

* Tuệ tri sự Đoạn diệt của Thọ là hiểu biết như thật hay thân chứng về sự Không có mặt (Mất đi) hay tính Vô Thường của Thọ. Cảm giác đó sẽ Không có mặt khi không có Xúc của Căn Trần. Có Xúc thì sinh, không có Xúc thì diệt. Nó không mời mà đến, không đuổi mà đi là như vậy. Nó vô chủ, vô sở hữu.

Con người vì Vọng tưởng và Tà kiến mà cho rằng Cảm giác đó là tồn tại mãi mãi hay Thường hằng hoặc là nó đang trú ở một nơi nào đó, gọi là nó ra, không gọi nó lại ẩn đi. Vì thế bao nhiêu phép tu cố gắng trường sinh bất lão, kéo dài thời gian của Thọ, cho rằng Thọ đang ở một trú xứ nào đó để tới hưởng thu hoặc tìm cách làm chủ các cảm thọ, cảm giác, cảm xúc…

* Tuệ tri Vị ngọt của Thọ là hiểu biết như thật các Cảm giác đó có thể đem đến sự yêu thích, sự tham đắm, muốn có, muốn sở hữu. Hiểu rõ sơ đồ: xúc sinh thọ, thọ sinh ái (yêu thích), ái sinh thủ (nắm giữ), thủ sinh hữu (có mặt), hữu sinh sinh (tái sinh), sinh sinh khổ đau già bệnh chết.

Con người thấy Vị ngọt của các cảm giác nên mải mê tân hưởng, không muốn từ bỏ, tìm kiếm chỗ này chỗ kia để có các cảm giác lạc thọ, nếu chẳng may có khổ thọ thì sân với nó, khổ đau vất vả để níu giữ, hồi ức, tìm kiếm các cảm giác lạc thọ chỗ này chỗ kia.

* Tuệ tri sự Nguy hiểm là do hiểu biết như thật các cảm thọ đó Vô thường, Vô chủ sở hữu nên Tham ái cảm thọ đó sẽ gây nguy hiểm như thế nào đối với chúng ta. Sự nguy hiểm do muốn nắm giữ, muốn chúng thường hằng nên đưa đến Khổ. Sân với các Khổ thọ hay Si (tìm kiếm) các Lạc thọ nơi cảnh, thậm chí cả tâm để thay thế Cảm giác hiện tại.

Người già, hay người nhiều trải nghiệm sẽ thấy cuộc sống này mang cho chúng ta nhiều khổ đau mà vì thế cũng ít nhiều không còn nắm giữ, ràng buộc với đối tượng. Nhưng đó vẫn là tâm biết cảnh, đổi lại mất mát không chỉ thời gian và công sức.

* Tuệ tri sự Xuất ly là hiểu biết như thật về sự xuất ly của thọ bằng Chánh kiến – hiểu biết những lý thuyết ở trên và quan trọng bằng thân chứng trải nghiệm sự Xuất ly của Thọ. Khi Chánh niệm có mặt liên tục khít khao, người thực hành sẽ thấy rõ sự Vắng mặt của Tham (với lạc thọ), Sân (với khổ thọ), Si (với bất khổ bất lạc thọ) nơi nội tâm mình. Chỉ còn lại sự tịch tĩnh, thanh tịnh, vắng mặt cả khổ cả vui.

Cần hiểu rõ nhờ Xuất ly Thọ mà vắng mặt khổ vui, nội tâm tịch tĩnh, thanh tịnh khác với trạng thái Bất khổ bất lạc khi Tham Sân được giản lược. Nhiều người tu tập Tham Sân giảm bớt, không vui không khổ nghĩ rằng là an yên, nhưng không tuệ tri được sự Xuất ly của Thọ thì vẫn giống như hạt mầm chưa được gieo, vẫn có cơ hội trổ quả.

Như vậy, Sự thật rằng thế giới thực tại này là Cảm thọ, do Căn Trần tiếp xúc mà sinh lên rồi diệt đi, vì thế chúng Vô thường, Vô chủ, vô sở hữu (vô ngã). Do không tuệ tri tất cả những điều trên về Thọ mà có rất nhiều nhận thức sai lầm:

– tâm biết cảnh – nhị nguyên (có chủ thể biết và đối tượng được biết)

– rơi vào chấp Có – chấp Không

– học thuyết Nhị đế – đại ngã, tiểu ngã; tục đế, chân đế

– khổ thường hằng nơi cảm giác

– thậm chí người đã học qua văn tuệ này cũng có thể sai lầm. Sự thật là Cảm thọ, thì Văn tuệ này hầu như ai cũng nắm được, nghe qua một lần là nắm được thông tin. Nhưng nếu Tự kỉ ám thị rằng Sự thật là Cảm thọ, liên tục niệm “là Tâm, không là Cảnh” thì mất đi cơ hội Tuệ tri về Thọ. Việc Tự kỉ ám thị này cũng đưa tới nhiếp phục Tham Sân Si nhưng do chưa Tuệ tri những điều trên nên chưa động tới kho chứa, chưa thể đoạn trừ được ít nhất là thân kiến, nghi, giới cấm thủ – quả vị thấp nhất mà một hành giả cần có được (quả vị là lộ trình tâm, là điều được kế thừa khi tái sanh).

Bát chánh đạo con đường thẳng, hay con đường độc nhất tới chứng ngộ đó chính là việc: nhìn thẳng vào vấn đề, đối diện với vấn đề, nhận diện ra vấn đề, thấy nó như thực là và thân chứng điều đó, một cách không né tránh, một cách không ngụy tạo bằng bất cứ khái niệm ngôn từ nào. Thực hành BCĐ với hiểu biết Sự thật thực tại là Cảm thọ là buông bỏ tư tưởng chấp thủ Ta, của Ta, chứ không phải buông bỏ ngoại cảnh. (Cũng cần lưu ý, Tâm đổi thì Cảnh đổi, và cảnh hay điều kiện ngoại cảnh cũng hỗ trợ cho việc tu tập của các vị Hữu học). Tuệ Tri các điều trên trước hết bằng sự thực hành Chánh niệm để thấy ra như thật Tập khởi của Thọ, sự Đoạn diệt của Thọ. Với Chánh niệm và Chánh kiến mà thấy ra như thật Vị ngọt, sự Nguy hiểm, sự Xuất ly của Thọ. Sự tu tập này được làm cho viên mãn thì khi xảy ra Xúc sẽ #lập_tức khởi lên đối tượng là Cảm thọ, nó Vô thường (có sinh lên và diệt đi ngay), nó Vô ngã (không thể điều khiển, nắm giữ, hay xua đuổi). Tuy nhiên, với các vị hữu học, nhận thức được như vậy, cần kiên trì thực hành như vậy đã là tốt rồi.

😞
😞

p/s: ai cũng bảo tu để làm chủ, mà em buồn quá không làm chủ được các bác ạ. cảm thọ này thật là khốc liệt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*
*
Website