Khi nhận ra những dính mắc, việc đầu tiên phản ứng là muốn gỡ chúng ra. Giống như việc thấy con đỉa bám lên chân. Đầu tiên là sợ, là ghê, là nó hút máu, là eo ôi… Sau đó là loay hoay đi tìm cách, tìm phương pháp tháo gỡ. Có phương pháp rồi thì loay hoay thực hành tháo gỡ. Nhưng tháo gỡ những dính mắc tâm đâu có như nhặt 1 con đỉa ra đâu.
Rất nhiều phương pháp bạn đã từng thử, trong đó có mấy pp được truyền tai rộng rãi: cứ chánh niệm khít khao, sử dụng định để cưỡng chế tâm, quan sát nó như đang là, sám hối nghiệp, niệm vô thường – vô ngã ngay khi đối tượng sanh khởi … Về mặt nào đó, các phương pháp này đều đem đến hiệu quả. Nó giúp bạn xử lý một phần nào đó các cảm thọ đang sanh khởi nơi tâm mình, có đôi khi cảm thọ đó biểu hiện thành cảm giác rõ rệt trên thân nữa. Thực hành cũng thấy “nhẹ” đi nhiều, đến khi k thấy cảm thọ nữa thì bảo: hết duyên.
Người tu tập, nhận ra một cảm thọ sanh khởi nơi tâm mình, là đã một sự miên mật trong thực hành. Như trong bài trước đã viết, sự nhận ra đó, với pháp hành k rốt ráo, khiến hành giả rơi vào chán tu, hay sợ tu vì liên tục phải đối diện với cảm thọ sanh khởi, liên tục phải vận hành tâm với đủ các mong muốn tầm cầu, tâm muốn vượt thoát. Nhưng với nghiệp lực của luân hồi, thói quen sinh hoạt khiến hành giả dễ dàng từ bỏ. Thời gian nào chỉ xuất hiện trung tính thì cảm thấy thời giờ đó bình an, bất chợt một cảm thọ lạ nổi lên là lại loay hoay như con mồi sa lưới nhện, càng loay hoay càng dính, nằm im thì rốt cuộc lại cũng chịu bị dính.
Vậy lý do là do đâu, làm sao? Phải khẳng định là còn thấy đối tượng là còn có cái sanh khởi, còn thấy cái để từ bỏ sự dính mắc, còn cho rằng Tâm này là Ta, là của ta. Vì thế một loạt tri kiến được khởi lên: tâm cảm thọ, tâm không cảm thọ; tâm dính mắc, tâm không dính mắc; tâm làm được, tâm không làm được. Nhưng phải thật thấu đáo: Tâm này k phải là Ta, k phải là của ta. Nên tất cả các khái niệm: thọ, k thọ; dính, k dính; kẹt, k kẹt; từ bỏ, k từ bỏ… làm gì còn tồn tại. Khi rõ ràng như vậy, chẳng còn con mồi hay kẻ săn mồi, nên cũng chẳng còn mạng nhện. Như người sa hố sình, chẳng còn hố sình thì đâu còn người sa. Còn thấy cái này có, là còn cái kia có; khi thấy cái này không, thì cái kia sẽ không là vậy.
Trong thế gian này, còn thấy đối tượng thì còn tìm cách “từ bỏ”. Hiểu được cảm thọ là do duyên sanh thì tại đó thuận pháp. Hiểu được các duyên sanh rốt cuộc cũng chỉ là giả hợp từ danh sắc, chúng tương tác nhau mà thành, không có duyên sanh thì không còn điều gì sanh khởi, thì tại đó “núi vẫn chỉ là núi, sông vẫn chỉ là sông”. K có đối tượng để từ bỏ, k có người từ bỏ. Chỉ là mỗi chúng sanh hữu tình vẫn đang “thuận duyên” trôi hoặc bị kéo đi theo dòng chảy của nghiệp. Thế thế là thế, thế là không thế thế.
Ờ hớ, đôi khi thấy cái mạng nhện nó cũng long lanh đẹp đẽ lắm ấy, nên là chấp nhận làm con mồi nhỉ