Mạn đàm về con đường Bát chánh đạo (hoan hỉ khi thầy và các đạo hữu góp ý)
Chánh niệm tỉnh giác nơi 4 xứ là bước thực hành đầu tiên trên con đường đạo, là bước thực hành của người biết rõ Minh – sự thật về thế giới là thế giới cảm giác của Tâm, là vô thường, vô chủ, vô sở hữu, không nắm bắt được, không giữ lại được dẫn tới Tâm không hướng ra ngoài thế giới vật chất nữa mà quay lại hướng vào trong hay trú nơi 4 xứ.
Nhiều thiền sinh thực hành thiền Bát chánh đạo, hay thiền Chánh niệm tỉnh giác nơi 4 xứ, chưa thực sự hiểu thế nào là Chánh niệm tỉnh giác nơi 4 xứ mà mới hiểu đơn giản là tất cả là cảm thọ – đó mới dừng ở mức thấy biết sự thật – đây là thế giới cảm giác của tâm. Chưa kể, việc chú tâm cảm giác thân nơi thân, thọ nơi thọ, tâm nơi tâm, pháp nơi pháp vẫn chưa rõ ràng về đề mục dẫn tới chưa rõ về con đường thực hành và chưa rõ thể có pháp thành được.
Bên cạnh đó, nhiều thiền sinh đã thiền lâu năm ở các pháp khác, thấy đề mục Chánh niệm tỉnh giác nơi 4 xứ quá đơn giản lại cho rằng đó là một lối mòn vô nghĩa. Có những thiền sinh đặt mục tiêu đi tìm một điều kì diệu nào đó, tìm một cái thấy biết siêu thế nào đó, hoặc chú trọng vào thiền để phát triển tuệ giác mà cũng mau chóng muốn bỏ qua Chánh niệm tỉnh giác nơi 4 xứ.
Xin tạm liệt kê ra đây một số phương pháp của thế gian:
– quán tưởng một thế giới siêu hình màu nhiệm, quán tưởng các giác quan có khả năng siêu thông với thế giới đó, và nếu có khả năng đó xảy ra thì đạt thành tựu (sự thực là không có thế giới siêu hình, mà đó là do tưởng thức ghi lại thông tin pháp trần)
– tìm cách loại bỏ thức thần để còn lại nguyên thần, hồi quang, hồi quy…để phát triển dưỡng đan, dưỡng nguyên thần (thức thần chính là tà tư duy do học hành, văn hóa, bản ngã,… nguyên thần là cái biết trực tiếp giác quan)
– tìm cách loại bỏ các nghiệp hay chuyển hóa các nghiệp trong kiếp này và kiếp quá khứ để có thể có linh hồn trong suốt hay thân ánh sáng…(các nghiệp chính là thông tin pháp trần được lưu trữ trong kho chứa bộ nhớ nơi tế bào thần kinh não, nếu dừng tà tư duy khởi lên thì kho chứa này cũng không hoạt động, không có chuyển hóa trong sự thực nhân quả)
Khoan hãy nói về các khái niệm, quan niệm và phương pháp, mà tựu chung, đều là mong muốn tìm được một viên ngọc quý giữa cái đống vỏ bọc bùn đất này. Chánh niệm tỉnh giác không nằm ngoài việc đó, nhưng thực hành đơn giản hơn rất nhiều. Vì Phật thấy biết, thế giới này là cảm thọ, và chính sự Vô minh với hàng loạt chấp ngã, chấp thủ uẩn, tà tư duy, tà tri kiến, trải nghiệm, văn hóa, tiêu chuẩn xã hội, quy định,…khiến cho chúng ta không thể có một cái thấy biết như Thật. Các phương pháp khác coi lớp bùn đất kia là những cái gì cần phải chuyển hóa, cần phải loại bỏ, cần phải tìm bỏ sang thế giới khác…thì với Phật, lớp đất đá đơn giản do chính chúng ta tạo ra. Các lượng thông tin vô minh chồng chéo, dày đặc khiến ta không thể thấy một cách như thật, tròn vẹn, hoàn chỉnh ở mọi khía cạnh. Hay tư tưởng chấp ngã khiến ta bám chấp vào thế giới này, mà người trong cuộc, hay như mỗi người sẽ không thể thấy được gáy, lưng của mình là như vậy.
Để dễ hiểu, chúng ta hãy tới 1 thảo nguyên rộng mênh mông, nơi đó ta có thể thấy cánh chim bay tít từ xa, ta có thể ngửi thấy mùi hương tít từ xa, ta có thể nghe thấy tiếng nai thú gọi tít từ xa… Nhưng ở đô thị thì sao, tầng tầng lớp lớp nhà, người, xe cộ…khiến ta không thể nghe, không thể thấy, không thể nhìn được cái gì xa một chút cả.
Nhiều người mong có các giác quan thần thông, vậy hãy chánh niệm tỉnh giác làm sao, trong một trận mưa, có thể nghe thấy từng giọt rơi xuống, tiếng mưa từng giọt đó sinh lên rồi mất. Khi thực hành chánh niệm tỉnh giác thuần thục, sự an định, tịch tĩnh, vắng lặng nơi tâm mới có khả năn giúp bạn làm được như vậy. Chứ các thông tin pháp trần vẫn cứ xen vào, làm sao đếm được từng hạt mưa. Hay, nhiều người mong có thể thấy quá khứ, tương lai, vậy hãy chánh niệm tỉnh giác để hiểu được về lý duyên khởi của một sự vật đơn giản nhất đi đã… Còn không đều là cái thấy biết của tưởng, cho đó là ta, của ta và rồi dính mắc lại ở đó.
Trên nền cái thấy biết như thật của Chánh niệm tỉnh giác, với chánh tư duy là các tư duy về lý duyên khởi, về 5 thủ uẩn, mà mới có được cái thấy biết đúng đắn là chánh tri kiến được. Chứ chưa thực hành trọn vẹn Chánh niệm tỉnh giác, mới gọi là lờ mờ nhận ra viên ngọc sau lớp bùn đất kia đã vội vàng nó là ta, là của ta thì sao được, hoặc ngay cả khi viên ngọc lộ diện rồi vẫn chấp thủ uẩn thì bao công sức lại đổ xuống sông xuống biển, bản ngã vẫn hoàn bản ngã.
Chuỗi lộ trình Bát chánh đạo liên tục sinh, liên tục diệt. Chuỗi này là nhân của chuỗi kia. Nên không lộ trình nào là cuối, là dừng lại. Có lẽ vì vậy, người thực hành Bát chánh đạo biết rằng, ngay khi vừa làm xong, vừa nói xong, kể cả vừa chánh tư duy xong thì thông tin đã cũ rồi, nên họ mới có xu hướng “độc cư” là như vậy. Tất cả đều vắng lặng suy nghĩ, tịch tĩnh nơi nội tâm. Thật sự bình an, thật sự an định.