Không đến không đi chẳng vì sao
Không đó không đây chẳng nơi nào
Không đúng không sai không bàn cãi
Minh với vô minh cũng không hai
Không ta không bạn chẳng của ai
Không qua không tới thấy vị lai
Không sinh không diệt không tồn tại
Khổ đau niết bàn cũng không hai
Lãng đãng
Lãng đãng
Có lẽ
Có lẽ nơi đây chẳng là nhà
Nơi đó nơi kia cũng là xa
Nhà này không có, không neo đậu
Nhẹ bước thong dong, đấy là nhà
Có lẽ người này chẳng phải chồng
Người đó người kia cũng càng không
Chồng này không có, không mang nợ
Nhẹ mối lương duyên, đấy là chồng
Có lẽ người này chẳng phải con
Người đó người kia cũng không còn
Con này không có, không tử mẫu
Nhẹ gánh không mang, đấy là con
Có lẽ ta này chẳng phải ta
Ta đó ta kia cũng không là
Ta này có có hay không có
Danh sắc không còn chẳng còn ta
Ngày đôi ta bắt đầu
Ngày em chưa biết yêu
Là trời cao đu mình qua ngọn gió
Những tia nắng rất nhỏ
Xuyên qua đám lá xanh
Rì rào ngâm nga lời thơ từ ngàn xưa vọng lại
Ngày em chưa biết yêu
Mưa là mát trong
Nắng là ấm áp
Gió khẽ nhẹ nhàng len qua mái tóc
Rất đỗi dịu dàng thơm lên má em
Ngày em chưa biết yêu
Con sông Hồng đỏ lặng phù sa yên ả trôi trong nắng chiều
Cánh cò trắng tìm đường về trước khi hoàng hôn kịp tắt
Em nhởn nhơ ngắm tia nắng cuối cùng
Giữ lại chút ấm áp
Của một ngày dài tự do
Ngày anh bước qua đầu làng
Với hoa gấm đón đưa
Rước thám hoa về vinh quy bái tổ
Là ngày ánh mắt em đuổi theo anh
Ngày em đã biết yêu
Hoa thắm nở sau vườn
Không giấu nổi ngàn hương đang thơm ngát
Gió cứ mang theo những lời ca đang hát
Nói về em, nói về anh
Ngày em đã biết yêu
Mưa kéo dài những vấn vương
Và nắng đong đầy sợi nhớ thương
Gió chẳng còn lặng yên
Rì rầm kể câu chuyện ngàn xưa nữa
Ngày em đã biết yêu
Má khẽ ửng hồng khi ai đó vô tình nhắc tên anh
Trái tim khẽ bồi hồi không chịu yên trong lồng ngực
Là ngày em mong thấy anh dù chỉ là một chút
Ngang qua cánh đồng lúa đang bát ngát xanh
Ngày chúng ta yêu nhau
Là ngày chúng ta bắt đầu
Kể tiếp câu chuyện ngày xưa đang kể …
Đồng cảm
Một lần đi vào thế gian, đồng cảm cùng thế gian
Bạn hay nghe thấy gió hát, nhưng còn gió cười và gió khóc thì sao? Gió đưa mây đi, để lại những ánh nắng vàng có chói chang, có giòn tan và có cả dịu dàng. Gió đưa mây lại, để lại những những tí tách mưa có ngỡ ngàng, có nhung nhớ, có thổn thức, ngổn ngang…
Gió đâu chỉ làm những cành cây xao lá, khẽ hát, đâu chỉ đưa mái tóc ai nhẹ bay vương vấn, đâu chỉ đưa hương hoa sữa nồng nàn đầy lưu luyến. Gió làm được những gì nó muốn mà chúng ta đều không thể biết. Nhân gian hữu tình, vạn sắc lung linh, chỉ riêng gió vô hình, vô hương, vô sắc mà lại có sức mạnh không gì làm nổi.
Tôi thả lòng mình vào gió, lắng nghe và cảm nhận những gì gió đang mang đến cho tôi. Một lời thủ thỉ tâm tình hay một lời tự sự khắc khoải của thế gian. Người ta thường nghĩ rằng, người tu mà, làm sao biết được chuyện thế tục, họ đã xa rời, đã cắt đứt dây tình luyến ái, đã cắt đứt tham sân si ở đời. Vì thế mà vẫn đâu đó thốt lên: ơ tu rồi mà, tu rồi mà vẫn thế à… Đâu có hiểu được, người tu hành thực sự là như thế nào đâu.
Thánh hay phàm thì cũng đều có lục căn (mắt tai mũi lưỡi thân ý), cũng đều có 6 đối tượng được tiếp xúc (sắc thanh hương vị xúc pháp). Mỗi sự tương tác của tế bào thần kinh giác quan với thông tin ngoại cảnh đều sẽ mang lại các cảm giác, các tâm biết trực tiếp cảm giác, các đối chiếu so khớp tâm biết trực tiếp với thông tin đã lưu trữ, tư tưởng mang tính cá nhân của mỗi người. Người phàm thì sự đối chiếu, so khớp đó xảy ra ngay lập tức khi “chạm” vào đối tượng, để rồi đưa ra kết luận: yêu, thích, đúng, sai, hay, dở, mặn, ngọt… để mà vui, khổ với đối tượng. Người hữu học (mới biết pháp, đang tu tập) nhờ hiểu nguyên lý này mà phòng hộ các căn, thu thúc các căn, biết cái mà đang sinh khởi là cảm thọ, để mà thắng tri, mà cố gắng không phản ứng với đối tượng. Bậc Thánh, nhờ tu tập thuần thục, Vô minh, tham ái đoạn trừ, Minh hiểu biết về các pháp là vô ngã, các hành là vô thường, sự chấp thủ các uẩn là khổ mà dừng ngay lại được ở tâm biết trực tiếp đối tượng, đúng kiểu “chạm là buông”.
Nói vài lời vậy, không khó mà cũng không dễ để tu hành, vì thói quen từ vô lượng kiếp đã chấp thủ cảm thọ đó là ta, đó là của ta, đây là thường, để mà níu giữ lại, để mà muốn thời khắc đó là mãi mãi, để mà không chịu buông rời, hay để mà khó chịu muốn mất ngay lập tức.
Có duyên (xúc) thì nhân tương tác (theo cặp) sẽ sinh quả là cảm thọ, không có duyên, hay một nhân không có mặt (bằng một trong 7 phương pháp đoạn trừ lậu hoặc) thì duyên cũng khó có thể xảy ra. Tuy nhiên, duyên một khi đã xảy ra thì nó vô chủ, vô sở hữu. Chúng ta chẳng thể nắm bắt, cũng chẳng thể xua đuổi. Nhưng duyên – xúc này cũng k thể cứ mãi mãi, vì chúng tương tác nên có không tương tác, hai bàn tay không thể vỗ mãi từ sáng tới tối, nếu có vỗ thì bàn tay sau đã một vết đỏ là bàn tay khác thay thế, nên cảm thọ ta thấy đó, ta nghĩ là của ta đó nó cũng nhanh chóng biến diệt, biến mất ngay trước mắt ta không thể cách nào níu giữ. Sự thật trần trụi ấy, chẳng ai muốn thừa nhận, vì ai cũng muốn tận hưởng các lạc thọ mà Duyên đem lại. Nhưng vui thì ít, khổ thì nhiều, não càng nhiều hơn. Cứ càng không vui, người ta lại càng tìm cách và hy vọng. Bản ngã là một điều đã cố thủ, cho rằng ta có thể với tay hái được cả mặt trời, với tay hái được cả mặt trăng thì có chuyện gì trên đời là không thể. Để rồi, con người ta cứ cố hoài, cố hoài, không chấp nhận đầu hàng một cái gì hết. Tất cả mọi người đứng hò trên bờ, hò reo, để con ếch lấy động lực nhảy thật cao ra khỏi cái giếng. Ra khỏi giếng rồi, nhưng rồi lại vẫn là ta, của ta, lại thấy mình đang ở trong cái giếng khác.
Lời thở than của thế nhân chẳng bao giờ dứt. Như ái tình của loài người cũng nhằng nhịt như sợi tơ hồng giăng trên bờ cúc tần. Càng đi càng rối, càng gỡ càng chặt. Người tu hành, hiểu vì thế, mà quyết tâm cắt các sợi dây luyến ái, nhổ bỏ tận gốc rễ, đem phơi khô, đốt thành tro các hạt giống vô minh. Có đau đớn không? Có dễ dàng không? Mỗi một lần cắt đứt, mỗi một lần nhổ bỏ là sự đấu tranh giằng xé của cả tâm hồn và thể xác. Các cảm thọ dục ái, hữu ái biểu hiện đầy đủ trên thân như đứa con đang tách khỏi cơ thể người mẹ. Các cảm thọ vô minh cũng như ngàn sợi dây thừng cuốn chặt đến quặn thắt, nghẹt thở. Nếu không có Chánh tinh tấn, tứ chánh cần, thì thật khó để một kẻ phàm phu có thể quyết tâm dứt lìa tham ái, vô minh được. Nếu không hiểu rằng đó chỉ đơn giản là cảm thọ thì không thể kiên nhẫn, từ tốn, không sợ hãi, mà đợi cho hết một chuỗi nhân duyên sanh diệt. Mỗi một tiến trình như vậy, từng búi nhân duyên hỗn độn đều được quăng bỏ ra khỏi tập nghiệp của mỗi hành giả tu tập. Nhưng đổi lại là những thành quả xứng đáng trên con đường thực hành đưa gần tới sự giác ngộ. Trên con đường giác ngộ không trải thảm và hoa hồng như nhiều người vẫn nghĩ. Đâu chỉ biết, nghĩ rằng nó vô thường, vô ngã là xong đâu. Bao đời nay, ai cũng biết Đời là Khổ (Tứ thánh đế), mà có thay đổi được mấy điều trong ta. Vì không chịu được những cản trở trên, vì không chịu được những đau đớn, khó khăn trên. Nếu biết chúng đều là cảm thọ thôi, “là tâm” thôi, chúng rồi sẽ đến và đi, sao không cố thêm một chút, chịu đựng một chút nữa, sao không dịu dàng đón nhận, mà chờ đợi hay bằng lòng với những gì đang xảy ra nơi thân tâm này?
Gió có thể đi từ đồng bằng tới núi cao, có thể đi từ đồng hoang ra biển rộng, có thể đem nắng, có thể đem mưa. Đừng để gió mang theo nụ cười hay nước mắt của ai, đừng để gió vấn vương chút bụi trần ai, để gió trong lành như gió, để gió được tự do rong chơi qua các mảnh miền. Và hãy cứ để lòng mình nhẹ tênh như gió, “chạm một cái là buông” để nó được tiếp tục cuộc hành trình trong kiếp nhân sinh của chính mình.
Trải tâm từ, nguyện duyên lành đến các bạn chưa tu học sẽ biết đường tu, các bạn đã học rồi hãy tinh tấn, tinh cần.
NUÔNG CHIỀU
Em có thể chạy về vùi đầu vào ngực anh?
Như đứa trẻ con chạy về rúc vào lòng mẹ
Anh bao dung, khiêm nhường nhỏ nhẹ
Ngoan, ngoan nào cô bé của anh
Em có thể chạy về nhõng nhẽo với anh?
Như cô em gái thuở nào mới lớn
Có chàng trai thủ thỉ, mặt mày hơn hớn
Bĩu môi cười, đừng có mà trêu em
Em có thể chạy về hờn dỗi với anh?
Bắt nạt anh như bà cô già khó tính
Anh hiền hòa mỉm cười an định
Trẻ con mà, mãi chẳng lớn được đâu
Em có thể chạy mãi tận nơi đâu
Có lẽ cũng không muốn rời vòng tay ấy
Dù đôi lúc chợt vu vơ lắm đấy
Nhưng thật mà, chỉ muốn chạy về bên anh
ĐỔ LỖI
Ừ thì biển cứ khẽ lao xao
Biển có sóng do gió rì rào ru vỗ
Sóng có gầm gào cũng do ghềnh đá
Biển có lững lờ vì gió ở nơi xa
Ừ thì lá cứ vàng lại xanh
Cây trơ trọi cũng vì không có lá
Cây nẩy lộc cũng do tới thời cây trổ
Lá chẳng thể nào giữ mãi trên cành
Ừ thì tuổi xuân cứ qua đi rất nhanh
Ta hối hả bởi vì ta toan tính
Không kịp nhận ra thực tại từng phút giây an định
Nhận ra vô thường trôi qua kẽ yêu thương
Ừ thì cũng gọi là chút vấn vương
Một chút nhớ mong một người không hẹn ước
Trái tim đập dịu dàng không hiểu được
Sóng cớ vì sao không có gió lại rì rào
Mình hẹn nhau
Mình hẹn nhau cuối chân trời đi anh
Nơi anh có thể đứng hàng giờ đợi
Không lo hoàng hôn hay ngày mai đang tới
Vì lẽ rằng nơi ấy chỉ có ánh bình minh
Hay mình hẹn nhau phía bầu trời cao xanh
Nơi tinh tú ngàn năm vẫn sáng
Ở nơi đó ngày ngày tháng
Không lo nắng hạ về và gió chở mùa sang
Mình có thể hẹn nhau nơi nào giữa không gian?
Chỉ có hai ta bình yên ở đó
Chỉ dịu dàng với những điều rất nhỏ
Dung dị đời thường vô nghĩ vô lo
Có thể không?
Bước thời gian sẽ chẳng dừng lại bao giờ
Những gian nan vẫn ở đó đợi chờ
Ta chỉ có thể…
Chánh niệm đi … ngồi đó mà thẩn thơ
NGƯỢC
Có bao giờ anh hỏi gió heo may
Sao se lạnh khi mùa thu vừa tới
Hoa xuyến chi nở trắng lòng bối rối
Một nụ cười rớt lại ở phía sau
Có bao giờ ô thước bắc cầu
Ngưa lang chức nữ giận nhau không nói
Mưa đỏng đảnh ướt nhèm trên lối
Mặc thời gian hờ hững buông trôi
Có bao giờ xuân hạ thu đông
Bốn mùa đến bốn mùa đi không dấu vết
Phượng vẫn đỏ tới ngày giáp tết
Đào vẫn hồng trong gió bão mưa giông
Có bao giờ anh hỏi người dưng
Để câu hỏi ngập ngừng chờ lời đáp
Để hạ thu về đông sang xuân ấm áp
Hoa lá nảy mầm, chim chóc hót vui quanh
Viết
Viết là một cách sửa tâm. Mà trước hết là sửa tâm minh.
Phải thành thật:
– quá nhiều vọng niệm nhảy ra, k thể yên mà tọa thiền được;
– thứ hai là bản thân mình cũng đã mắc từng này lỗi (có thể chỉ 1,2 lần nhưng cũng là mắc) thì mới có thể nói chính xác, miêu tả trạng thái, cách hành xử như vậy được;
– thứ ba là cũng đã tàm quý để vượt qua các lỗi chứ các bài viết không bao giờ nói suông về lỗi chỉ để chê trích.
Danh xưng bạn thực chất là tiềm thức đang nói với ý thức của chính bản thân người viết, và để câu chuyện mang tính khách quan cho người đọc.
Ai đó vô tình đọc:
– nếu bấm like, haha, thì:
+ một là không có mình trong đó, chẳng nghĩ gì, vì các bài viết đều có tính hài hước
+ hai là có lỗi sai, nhận ra lỗi sai, like tim để cảm ơn người viết đã chỉ ra
– nếu ai đó comment phản ứng ngược lại, vì góc nhìn của hai bên chưa thống nhất, quan điểm chưa đồng, đó là chuyện bt vì kho chứa mỗi ng đều khác nhau, khả năng học hỏi, nắm bắt khác nhau, mặt khác cũng k kết luận là hai người lệch nhau mọi quan điểm
– nếu ai đó cho rằng đang nói mình, không còm, nhưng kết luận ng viết đang cố tình bôi xấu mình, soi mói mình, mình k có gì sai, rồi người viết vẫn còn non lắm, mới chỉ hiểu vậy thôi và bĩu môi đi qua, hay về fb viết các thông tin vừa chạy ra đó lên tường thì thật đáng tiếc
Một điều thành thực nữa, đã vào fb viết, rồi còm qua còm lại là thiếu chánh niệm rồi. Dù có biện luận là tôi đang chánh niệm và nói về văn tuệ, nhưng khi đề cập tới một người thứ ba ngoài câu chuyện còm hai người thì đó vẫn là tà niệm. Nếu đã là lời giảng hãy trực chỉ lộ trình tâm, hoặc dừng lại và nhắc người kia tự tàm quý lại mình.
Bản thân người viết (tôi – dùng từ này bản ngã nhỉ) là một người có 6 trí thông minh bằng nhau, tfrc 180, nghề được khuyên là làm luật sư. Nên hiểu biết nhiều việc, giỏi nhiều việc. Nhưng nếu lấy sự thông minh, giỏi lý luận để bào chữa cho bản ngã của mình, thậm chí cho rằng nó là Vô thường, vô ngã để bào chữa cho các lộ trình tâm mình thì thật sự tất cả giống như hồ sơ thụ án: không đủ chứng cứ để xác minh tội danh. Nên hồ sơ thì treo, người phạm tội lại được thả.
Cuộc chiến tranh nào thì cũng đầy đau thương và đổ máu. Cuộc chiến với bản ngã cũng vậy. Đó là những tâm tư rối bời. Đó là những lần ngồi thiền không thể vào định. Đó là sự sợ hãi người nọ người kia hiểu sai mình. Đó là sự bất an khi ai đó cho rằng mình làm chưa tốt. Nhưng bạn lại không muốn thừa nhận những sự đau đớn đó, tìm cách lảng trách và gói chúng lại trong Vô thường, vô ngã.
Người viết cũng đã có thời: Để làm người tốt, để được khác nói là tốt, phải gồng mình, phải luôn tìm cách thể hiện, luôn tìm cách làm gương. Nhưng đổi lại là gì, không dám nhớ nữa. Vì thật sự viết đến đây, cũng thấy nhoi nhói trong lòng, như vậy là bạn đủ hiểu.
Thế nên, hãy cứ chọn cho mình một cách sống thoải mái, với chính tâm trạng và cảm xúc của mình. Thích uống bia, uống bia. Thích chửi bậy, chửi bậy. Thích viết, viết. Thích khóc, khóc. Đó k phải là lối sống buông thả. Mà với người có pháp học, pháp hành rồi. Đó là cơ hội để các kiết sử ngủ ngầm, vô minh được bộc lộ. Có như vậy mới có cơ hội đào nó lên, phơi nó ra, làm cho khô héo. Cái cây xanh tốt, k ai biết dưới gốc rễ thế nào trừ khi đào nó. Đây là giai đoạn đau đớn. Cần liên tục quán tâm, quán pháp và có các đạo hữu hay thầy bên cạnh nhắc nhở. Vì đã thành thục quán thân, và thực hành hiểu được chánh niệm tỉnh giác rồi thì những tật xấu sẽ đến và đi nhanh thôi. Hãy nhớ, nếu còn sợ và ngại ai đó chê bai, là còn vun bồi cho bản ngã.
Chính vì thế, chúng tôi có một Group “Tám tà” vừa là ngược lại Tám chánh, vừa là chuyên “tám” chuyện tà, cũng chỉ để là soi tâm thật của mình, của nhau, cùng nhau sách tấn thực hành trên con đường gian nan này.
Nếu khó thiền định, thiền quán do tâm vọng, hoặc chìm sâu trong định nhiều không quán được, hãy Viết trước hoặc sau khi thiền, bạn sẽ quét được nhiều phết.
Mình viết nhiều vì nói thật nhà mình quá nhiều rác, k thừa nhận và k phá cái bản ngã này thì sẽ còn khô quắt vì tâm tư chồng chéo.
P.s: cẩn thận với việc viết nhiều được nhiều người khen hay, khoái chí càng viết ác, càng thích thể hiện ta đây văn tuệ tốt, có thể làm thầy, có thể ra giảng cho thiên hạ, lại càng vô tình vun bồi bản ngã
Haiku
Con chữ đi qua
Đậu cành liễu
Rơi ào xuống nước
Con cá đớp
Lộn một vòng
Lặn mất
Không sủi tăm