Không còn phiền não

Tại sao tôi vắng bặt suy nghĩ, không còn tự phiền não, khổ đau và tranh cãi

Vốn là người ưa thích tìm tòi, khám phá, bản thân tôi luôn đặt câu hỏi, luôn đi tìm tòi tới khi nào câu trả lời khiến cho mình thỏa mãn hoặc không thể trả lời được nữa thì thôi. Cùng với việc ưa thích học hỏi, kho tri thức và kinh nghiệm cũng dày lên mỗi ngày. Nhưng chính vì thế, khi đối diện với một sự vật, hiện tượng, cảm xúc (cảnh) tôi thường luôn tự hỏi, sao k thế này mà lại thế kia, sao lần này lại là thế này, sao là sao là sao…rồi tự tìm tòi trong kho tri thức, kinh nghiệm, tiêu chuẩn của mình để mà đối chiếu so sánh. Những gì sự vênh về cảnh với những gì tôi cho là vốn có của tôi khiến cho tôi phiền não, khổ đau và nhiều khi than trời, mệt mỏi. Thậm chí dẫn tới những sự đấu tranh, dằn vặt, giằng xé nơi nội tâm. Hẳn đó cũng là điều nhiều người đang trải qua, tùy mức độ.

Rồi đến một ngày học Phật, tất cả như vỡ òa khi biết Phật không giác ngộ về cảnh về giới vật chất mà giác ngộ về Tâm – về thế giới cảm giác.

Mắt tiếp xúc hình ảnh: cảm giác hình ảnh
Tai tiếp xúc âm thanh: cảm giác âm thanh
Mũi tiếp xúc hương: cảm giác mùi
Lưỡi tiếp xúc vị: cảm giác vị
Thân tiếp xúc xúc: cảm giác xúc chạm
Ý tiếp xúc pháp (thông tin lưu trữ): cảm giác pháp

Hóa ra, nói một cách khoa học, đầy đủ dài dòng nhưng dễ hiểu là tất cả đều do tế bào thần kinh mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, não khi tiếp xúc với sóng/năng lượng từ các thứ như hình ảnh,âm thanh, hương, vị, xúc, pháp tạo ra một thứ thông tin được ghi nhận lại được gọi là chung Tưởng, hay nhận biết trực tiếp hay trực giác.

Chúng đơn giản chỉ là một thứ thông tin được tương tác, hay cảm giác được ghi nhận lại. Tại sao nó là cảm giác dù rõ ràng là có một hình ảnh, âm thanh… thực tế tại đó. Nếu nó là thường hằng bất biến, thì dù vật đó để gần hay để xa mắt, tai đều có thể nhìn, nghe giống nhau nhưng gần thì cảm giác to, xa cảm giác bé, nhỏ…

Sự thật thứ nhất này đã giúp tôi không còn tranh cãi với mọi người nữa. Vì ngay chính với cá nhân tôi thôi, một cái chớp mắt, cảm giác hình ảnh trước và sau đã không giống nhau, chỉ cần replay lại một bài hát cảm giác âm thanh trước và sau đã không giống nhau,… Vậy thì tại sao lại bắt người khác có cảm giác giống mình được, khi chính mình thôi, trong một tích tắc đã có những sự biến chuyển cảm giác khác nhau.

Cũng nhờ sự thật thứ nhất này – Vô thường của cảm giác, tôi thực hành được sự vô chủ, vô sở hữu hay vô ngã của nó. Nó sinh lên rồi diệt đi chỉ trong tích tắc ngay tức khắc khi mắt tiếp xúc hình ảnh, tai nghe âm thanh… Nó có mặt luôn đó, chẳng mời mà đến, cũng chẳng đuổi mà đi. Đó là sự thật thứ hai.

Nhưng vì sao sự kinh nghiệm về sự thật thứ hai này khiến tôi tránh được phiền não, khổ đau? Đó là vì ngay khi thông tin cảm giác hình ảnh, cảm giác âm thanh…được khởi lên đó, phải thân chứng hay tự kinh nghiệm được sự vô thường, vô chủ, vô sở hữu của nó. Để mà không diễn tiến tiếp quá trình đối chiếu các cảm giác vừa ghi nhận được với các thông tin, trải nghiệm, tri thức, văn hóa, tiêu chuẩn xã hội, cá nhân…được lưu trữ trong kho chứa của não bộ vốn có sẵn.

Vì mỗi chúng ta, đều đã kinh nghiệm được rằng: ai đó đúng ý ta, ta thích (tham); ai đó trái ý ta, ta ghét (sân); ai đó khiến ta không thích, không ghét thì ta bình thường, nhưng bản thân ta lại khởi lên tìm một ai đó thay thế để thỏa mãn một cái thích gì đó ẩn sâu (si). Chính vì lẽ đó, khi một thông tin cảm giác được ghi nhận, chúng lập tức kích hoạt bộ nhớ như là đưa khuân mặt tên tội phạm vào máy tính để tìm kiếm sự matching. Và hiển nhiên sẽ xảy ra 1 trong trong 3 trường hợp trên: thích, ghét hay tìm kiếm tiếp.

Cốt lõi vấn đề, là khi hiểu và công nhận sự đúng đắn của thế giới mà chúng ta biết, những gì mà ta biết chỉ đơn thuần là thông tin cảm giác, chúng vô thường, vô chủ, vô sở hữu thì nó chính là tiền đề cho một loạt các sự vắng bặt các câu hỏi, các tìm tòi, các đối chiếu, các so sánh, các tìm cầu,…về sau.

Lúc đầu cũng hơi buồn vì hóa ra bấy lâu nay, sự thực này tất cả chỉ là ảo, như một cái bong bóng xà phòng nhiệm màu, giờ ai đó châm cho 1 cây kim – òa, vỡ. Nhưng rồi, buồn cũng chỉ là cảm giác, nó vô thường, vô chủ, vô sở hữu và nó lại vắng bặt nơi tâm của tôi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*
*
Website