Ít ai biết, có một thành viên trong team Vô Tứ là một cô bạn gái người Thái Nguyên, nhà đẻ cũng bán trà Thái. Lần đầu mời cô ấy uống trà Oolong, thì nhận ngay được lời từ chối:
– đừng mời tớ cái nước hồng hồng kia nhé.
– xanh à, chẳng có vị gì cả ấy
Và giờ, các câu chuyện về học uống trà oolong giờ lại được chính cô ấy kể.
Giống như đồ ăn. Cùng một loại rau, có rau xào, rau luộc, rau nấu canh, rau sống… Nhưng mỗi một món chế biến lại có một cái ngon khác nhau. Cũng vậy, từ cây trà Thanh tâm, người làm trà có thể tạo lên hương vị của Thanh trà, Hồng trà. Ở tại Vô Tứ thì còn chia thanh trà ra các vị tương đương: thanh trà, cao sơn, đông đỉnh; hồng trà chia ra các vị tương đương: hồng trà, quý phi, phượng hoàng, thậm chí vị oolong khói. Vâng, và mỗi một vị trà đều khác biệt rất rõ ràng.
Vậy, khi uống trà, chúng ta cần làm gì?
Trước hết, tạm gác mọi khái niệm cũ, hương vị cũ sang một bên đã nhé. Cầm chén trà, nhè nhẹ cảm nhận hương của nó đi vào qua mũi. Nhấp một ngụm trà. Tại đây, bạn hãy lắng nghe:
– cảm giác vị (đa số mọi người sẽ phân biệt được)
– cảm giác khoang miệng (ở vòm họng, hay hai bên má, vòng họng trước hay vòm họng sau)
– cảm giác lưỡi (các xúc chạm của nước trà trên gai lưỡi) nó mượt, nó gợn, nó tưa, nó se, nó ở đầu lưỡi, hay đi sâu vào cuống
– cảm giác hương: sẽ có một mùi hương khác thông qua đường thở đi lên
– cảm giác toàn thân: lập trình cái này hơi phức tạp, nhưng đại khái nó sẽ khiến mình cảm thấy dễ chịu hay không, hoặc bên trà cổ thụ sẽ cảm nhận kiểu trà khí
– cảm giác địa điểm, cảm giác thời gian… cứ lắng nghe dần dần sẽ được trải nghiệm
Khi mọi suy nghĩ, định kiến về một điều gì đó được gác sang một bên, bạn sẽ học được cách lắng nghe trọn vẹn. Lắng nghe được trà, bạn sẽ lắng nghe được mình. Điều gì đang xảy ra nơi thân, điều gì đang xảy ra nơi tâm… khi đối diện với ngoại cảnh.
Không phải tìm đến trà để được bình an, mà khi ở bên trà, chúng ta bình an.
Chúc cả nhà một cuối tuần vui vẻ. Và từ mai, thử uống trà theo cách mới này xem. Hẹn cả nhà tối thứ 6 tới. – tìm điểm tròn của trà.