Đây là một loại Dục phát sinh không phải chỉ từ một khởi niệm hay mong cầu đi học đạo dù đó là Chánh đạo. Mà là khi đó người ấy thấy rõ ràng sự thật về Khổ và Khổ tập, vì thế mà người đó quyết tâm bước đi trên con đường đưa đến Khổ diệt.
Chỉ có thấy như thật, thấy lông tóc dựng ngược về các loại khổ, khổ do dục ái (ham muốn vật chất, tinh thần), khổ do hữu ái (ham muốn hiện hữu làm người), khổ do phi hữu ái (ham muốn hiện hữu ở các cõi hay tầng trời), thì lúc đó mong muốn tu tập hay Dục để thúc đẩy sự tinh tấn tu tập mới được gọi là Dục như ý túc, là Dục phát sinh từ sự hiểu biết thật sự chứ không phải dựa vào điều gì đó mơ hồ.
Khi nhận biết rằng, học Đạo không phải là khoe mẽ, theo phong trào, thêm một kỹ năng sống hay tìm cầu về một trú xú kì diệu, hay bình an nào đó, thì Dục như ý túc càng được vun bồi.
Khi có dục như ý túc, lúc này việc học và thực hành pháp diễn ra một cách tự nhiên như nhiên đến mức tự động, như con người thấy đói thì ăn, thấy khát thì uống, thấy nắng thì trú, sáng ra tỉnh dậy thì đánh răng rửa mặt vậy. Đó là lúc tinh tấn như ý túc được khởi sanh.
Không có Dục như ý túc, sự tìm cầu học đạo chỉ như một trò khám phá chơi chơi, thích thì đến, thích thì hành, hời hợt, lượn lờ, rồi chẳng đâu tới đâu cả. Nếu không có ý thức miên mật đi đến cùng, thì thôi, sống Đời cho vui thích cũng còn tốt hơn mất thời gian hành vài hôm rồi bỏ đó vậy.
Kỷ luật tạo ra sức mạnh. Quả chẳng tự nhiên từ trên trời rơi xuống. Mọi sự đều được gieo trồng từ những nhân thiện, vun bồi và phát triển vậy. Qua sự tinh tấn tu học, rõ ràng đâu vào đó, giống như người học nhạc, phải nắm rõ nhạc lý, hiểu biết các nốt nhạc, cao độ, trường độ, thăng, giáng, trầm…, thuần thục ngón đàn, lúc đó mới sáng tạo cái gì thì sáng tạo. Bẩm sinh cũng chỉ là sự rèn rũa được tích lũy rất nhiều từ các kiếp sống trước mà thôi.
5h30 sáng, các đạo hữu đã tinh tấn cùng thực hành, không cần quan tâm đêm qua HN có mưa lớn đấy.
Chúc các đạo hữu tinh tấn trau dồi pháp học pháp hành, sớm ngày thành tựu.