Một lần đi vào thế gian, đồng cảm cùng thế gian
Bạn hay nghe thấy gió hát, nhưng còn gió cười và gió khóc thì sao? Gió đưa mây đi, để lại những ánh nắng vàng có chói chang, có giòn tan và có cả dịu dàng. Gió đưa mây lại, để lại những những tí tách mưa có ngỡ ngàng, có nhung nhớ, có thổn thức, ngổn ngang…
Gió đâu chỉ làm những cành cây xao lá, khẽ hát, đâu chỉ đưa mái tóc ai nhẹ bay vương vấn, đâu chỉ đưa hương hoa sữa nồng nàn đầy lưu luyến. Gió làm được những gì nó muốn mà chúng ta đều không thể biết. Nhân gian hữu tình, vạn sắc lung linh, chỉ riêng gió vô hình, vô hương, vô sắc mà lại có sức mạnh không gì làm nổi.
Tôi thả lòng mình vào gió, lắng nghe và cảm nhận những gì gió đang mang đến cho tôi. Một lời thủ thỉ tâm tình hay một lời tự sự khắc khoải của thế gian. Người ta thường nghĩ rằng, người tu mà, làm sao biết được chuyện thế tục, họ đã xa rời, đã cắt đứt dây tình luyến ái, đã cắt đứt tham sân si ở đời. Vì thế mà vẫn đâu đó thốt lên: ơ tu rồi mà, tu rồi mà vẫn thế à… Đâu có hiểu được, người tu hành thực sự là như thế nào đâu.
Thánh hay phàm thì cũng đều có lục căn (mắt tai mũi lưỡi thân ý), cũng đều có 6 đối tượng được tiếp xúc (sắc thanh hương vị xúc pháp). Mỗi sự tương tác của tế bào thần kinh giác quan với thông tin ngoại cảnh đều sẽ mang lại các cảm giác, các tâm biết trực tiếp cảm giác, các đối chiếu so khớp tâm biết trực tiếp với thông tin đã lưu trữ, tư tưởng mang tính cá nhân của mỗi người. Người phàm thì sự đối chiếu, so khớp đó xảy ra ngay lập tức khi “chạm” vào đối tượng, để rồi đưa ra kết luận: yêu, thích, đúng, sai, hay, dở, mặn, ngọt… để mà vui, khổ với đối tượng. Người hữu học (mới biết pháp, đang tu tập) nhờ hiểu nguyên lý này mà phòng hộ các căn, thu thúc các căn, biết cái mà đang sinh khởi là cảm thọ, để mà thắng tri, mà cố gắng không phản ứng với đối tượng. Bậc Thánh, nhờ tu tập thuần thục, Vô minh, tham ái đoạn trừ, Minh hiểu biết về các pháp là vô ngã, các hành là vô thường, sự chấp thủ các uẩn là khổ mà dừng ngay lại được ở tâm biết trực tiếp đối tượng, đúng kiểu “chạm là buông”.
Nói vài lời vậy, không khó mà cũng không dễ để tu hành, vì thói quen từ vô lượng kiếp đã chấp thủ cảm thọ đó là ta, đó là của ta, đây là thường, để mà níu giữ lại, để mà muốn thời khắc đó là mãi mãi, để mà không chịu buông rời, hay để mà khó chịu muốn mất ngay lập tức.
Có duyên (xúc) thì nhân tương tác (theo cặp) sẽ sinh quả là cảm thọ, không có duyên, hay một nhân không có mặt (bằng một trong 7 phương pháp đoạn trừ lậu hoặc) thì duyên cũng khó có thể xảy ra. Tuy nhiên, duyên một khi đã xảy ra thì nó vô chủ, vô sở hữu. Chúng ta chẳng thể nắm bắt, cũng chẳng thể xua đuổi. Nhưng duyên – xúc này cũng k thể cứ mãi mãi, vì chúng tương tác nên có không tương tác, hai bàn tay không thể vỗ mãi từ sáng tới tối, nếu có vỗ thì bàn tay sau đã một vết đỏ là bàn tay khác thay thế, nên cảm thọ ta thấy đó, ta nghĩ là của ta đó nó cũng nhanh chóng biến diệt, biến mất ngay trước mắt ta không thể cách nào níu giữ. Sự thật trần trụi ấy, chẳng ai muốn thừa nhận, vì ai cũng muốn tận hưởng các lạc thọ mà Duyên đem lại. Nhưng vui thì ít, khổ thì nhiều, não càng nhiều hơn. Cứ càng không vui, người ta lại càng tìm cách và hy vọng. Bản ngã là một điều đã cố thủ, cho rằng ta có thể với tay hái được cả mặt trời, với tay hái được cả mặt trăng thì có chuyện gì trên đời là không thể. Để rồi, con người ta cứ cố hoài, cố hoài, không chấp nhận đầu hàng một cái gì hết. Tất cả mọi người đứng hò trên bờ, hò reo, để con ếch lấy động lực nhảy thật cao ra khỏi cái giếng. Ra khỏi giếng rồi, nhưng rồi lại vẫn là ta, của ta, lại thấy mình đang ở trong cái giếng khác.
Lời thở than của thế nhân chẳng bao giờ dứt. Như ái tình của loài người cũng nhằng nhịt như sợi tơ hồng giăng trên bờ cúc tần. Càng đi càng rối, càng gỡ càng chặt. Người tu hành, hiểu vì thế, mà quyết tâm cắt các sợi dây luyến ái, nhổ bỏ tận gốc rễ, đem phơi khô, đốt thành tro các hạt giống vô minh. Có đau đớn không? Có dễ dàng không? Mỗi một lần cắt đứt, mỗi một lần nhổ bỏ là sự đấu tranh giằng xé của cả tâm hồn và thể xác. Các cảm thọ dục ái, hữu ái biểu hiện đầy đủ trên thân như đứa con đang tách khỏi cơ thể người mẹ. Các cảm thọ vô minh cũng như ngàn sợi dây thừng cuốn chặt đến quặn thắt, nghẹt thở. Nếu không có Chánh tinh tấn, tứ chánh cần, thì thật khó để một kẻ phàm phu có thể quyết tâm dứt lìa tham ái, vô minh được. Nếu không hiểu rằng đó chỉ đơn giản là cảm thọ thì không thể kiên nhẫn, từ tốn, không sợ hãi, mà đợi cho hết một chuỗi nhân duyên sanh diệt. Mỗi một tiến trình như vậy, từng búi nhân duyên hỗn độn đều được quăng bỏ ra khỏi tập nghiệp của mỗi hành giả tu tập. Nhưng đổi lại là những thành quả xứng đáng trên con đường thực hành đưa gần tới sự giác ngộ. Trên con đường giác ngộ không trải thảm và hoa hồng như nhiều người vẫn nghĩ. Đâu chỉ biết, nghĩ rằng nó vô thường, vô ngã là xong đâu. Bao đời nay, ai cũng biết Đời là Khổ (Tứ thánh đế), mà có thay đổi được mấy điều trong ta. Vì không chịu được những cản trở trên, vì không chịu được những đau đớn, khó khăn trên. Nếu biết chúng đều là cảm thọ thôi, “là tâm” thôi, chúng rồi sẽ đến và đi, sao không cố thêm một chút, chịu đựng một chút nữa, sao không dịu dàng đón nhận, mà chờ đợi hay bằng lòng với những gì đang xảy ra nơi thân tâm này?
Gió có thể đi từ đồng bằng tới núi cao, có thể đi từ đồng hoang ra biển rộng, có thể đem nắng, có thể đem mưa. Đừng để gió mang theo nụ cười hay nước mắt của ai, đừng để gió vấn vương chút bụi trần ai, để gió trong lành như gió, để gió được tự do rong chơi qua các mảnh miền. Và hãy cứ để lòng mình nhẹ tênh như gió, “chạm một cái là buông” để nó được tiếp tục cuộc hành trình trong kiếp nhân sinh của chính mình.
Trải tâm từ, nguyện duyên lành đến các bạn chưa tu học sẽ biết đường tu, các bạn đã học rồi hãy tinh tấn, tinh cần.