Đón Tết

Năm nay lạnh thật nhiều. Mấy năm rồi mới có cái lạnh rét căm căm nhiều và lâu như vậy. Lạnh khiến con người ta mong chờ cảm giác ấm áp của mùa xuân. Có phải vì lẽ đó mà năm nào mùa đông lạnh hơn thì năm đó mùa xuân dường như đẹp hơn. Cả cái không khí ngày Tết, thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, thời điểm mùa đông nhường chỗ cho mùa xuân dường như cũng rộn ràng hơn. Từ đầu tuần đến giờ nó đã đi ăn tới tận 4 bữa lẩu tất niên. Bình thường sẽ thấy ngán lắm nhưng trời lạnh, cảm giác quây quần bên nồi lẩu thật ấm cúng, thật vui. Niềm vui đó dường như cũng nhỏ bé so với cái không khí ngày giáp Tết ở nơi là Thủ đô của một nước này. Những tấm biển quảng cáo cho các mặt hàng Tết sặc sỡ, những tấm băng rôn chào mừng ngày xuân, những cửa hàng bán đồ Tết đỏ chói hàng, những cửa hàng quần áo cũng trưng ra những bộ cánh đẹp nhất, những hàng cây ven đường cũng cố gắng tích luỹ nhựa sống để đợi mùa xuân đến là bung chồi non xanh biếc. Tất cả đang chào đón mùa xuân về. Không khí Tết đến trên khắp mọi nơi, từ những con đường lớn đến từng con phố nhỏ. Bình thường cuối tuần vắng hơn ngày thường. Nhưng gần Tết, thứ 7 đường phố lại đông hơn. Mọi người đưa nhau đi sắm Tết, đi sắm đồ mới để Tết còn được xúng xính trong những bộ cách thời trang nhất. Những người lao động cũng hối hả hơn với công việc ngày giáp Tết của mình, tuy vất vả nhưng nhiều việc có nghĩa là tiền công cũng nhiều, cùng nghĩa với việc sẽ có một cái Tết đầy đủ hơn. Ai cũng vui vẻ, trời lạnh nhưng vẫn sáng bừng lên niềm vui của một năm mới sắp đến.

ha noi pho

Như mọi năm còn đi học, giờ này nó đã có mặt ở nhà, giúp bố mẹ dọn dẹp đồ đạc và chuẩn bị những đồ cần thiết cho dịp Tết. Rồi mấy hôm nữa là chuẩn bị đồ để gói bánh chưng rồi. Tuy nhà ít người, nhưng năm nào nhà nó cũng gói bánh chưng. Mấy nhà hàng xóm ở bên cạnh cũng vậy. Mỗi nhà có 4 đến 6 cái thôi và cùng góp vào để luộc chung ở cái nồi to đùng ở nhà nó. Không phải thức đêm để luộc bánh chưng nhưng luộc bánh chưng ban ngày cũng có cái thú của nó. Những thanh gỗ to và thường là loại gỗ cứng để đun được lâu và nhiều nhiệt. Thi thoảng nó cũng phải ngó qua không lại cạn mất nước hay châu châu cái củi vào cho đỡ tắt lửa. Năm nay, năm đầu tiên chính thức đi làm, được thông báo là hết 29 âm mới được nghỉ mà thấy buồn quá. Chẳng còn có cảm giác cùng cả nhà chuẩn bị đón Tết nữa. Biết là công việc mà nhưng thực ra thấy thương bố mẹ nhiều hơn và hiểu tại sao…

Ông ngoại nó quê gốc Nam Định, mẹ cũng được sinh ra ở vùng đất đó. Rồi nhà nước có chính sách lên vùng kinh tế mới. Ông là chủ nhiệm HTX, xung phong đi đầu cùng với HTX lên Bắc Kạn để khai hoang. Đưa được vợ con đi cùng nhưng cả quê hương và họ hàng đâu có thể theo ông. Ông nội cũng thế, quê gốc ở Thái Bình. Cũng theo chính sách mà đến vùng Bắc Kạn đó. Bố mẹ nó gặp nhau, yêu nhau và lấy nhau ở trên vùng quê hương thứ 2 đó. Nhưng lại cùng nhau xuống TN, là nơi nó được sinh ra để mà lập nghiệp. Không có ai thân thích, chỉ có bà con lối xóm. Cái tình làng nghĩa xóm ở vùng quê đó cũng thật ấm áp. Tất cả những người ở khu nhà nó đều là dân từ các vùng khác đến. Những người công chức, công nhân bình thường, giản dị. Họ không ồn ào như dân phố xá, không có phong cách đặc trưng của người dân nông thôn nhưng bất kể khi nhà ai có việc cần đều có mặt, đều được giúp đỡ. Những mối quan hệ đó vẫn không giúp nó hiểu câu “họ hàng dây mơ, rễ má”. Khi đi học, về quê những người bạn, thấy giới thiệu cả xã và thậm chí gần cả huyện này là họ hàng nhà tớ. Nó bỡ ngỡ lắm và ghen tị khi bạn bè nó có nhiều anh chị em họ, và có người phải giới thiệu là chị họ bên ngoại của bên ngoại bên nội… nhà tớ. (Nghe xong một hồi chẳng hiểu gì cả. Dùng từ “họ” cho nhanh.). Nhất là ghen tị với việc mỗi khi Tết đến là họ hàng tụ tập rất đông, chỉ đi chúc Tết trong họ thôi đã không đủ 3 ngày Tết rồi. Nhà nó thì đâu được như thế? Giáp Tết, bố cùng nó hay em về chúc Tết và mừng tuổi ông bà rồi lại xuống để kịp tất niên. Mẹ gần Tết bận rộn với việc bán hàng nên cũng chẳng thể về quê được.

Thành phố TN gần giống với HN, đông người dân ngoại tỉnh đến sinh sống, làm ăn, đông sinh viên, học sinh đến học chuyên nghiệp, nên gần Tết là lại vắng hoe. Khu nhà nó cũng vậy. Bình thường ồn ào là thế mà gần Tết lại yên bình như một làng quê. Chiều Tất niên, mẹ lên một list danh sách đồ ăn để nó nấu cơm cúng. Em Hương phụ giúp làm việc vặt. Nhớ ngày mới học lớp 9, một mình nó đã phải làm cơm cúng 30 nhưng do bé nên chẳng biết làm gì. Bố mẹ về đến nhà thấy mọi thứ tanh bành vừa buồn cười vừa muốn khóc. Cuộc sống khiến con người ta vật lộn với đồng tiền để có những lúc dở khóc dở cười như vậy đó. Từ năm sau Mẹ tranh thủ về nhà làm giúp một số món chính. Rồi khi nó có thể tự làm được cả mâm cơm thì mẹ giao luôn toàn bộ mọi việc. Chưa thành niên mà nấu cơm, sắp mâm ngũ quả và cúng như một người lớn thực thụ là đáng tự hào lắm đấy chứ. Xong xuôi mọi thứ rồi hai chị em đợi bố mẹ về. Cũng không quên đun nồi nước lá mùi để tắm tất niên. Bữa cơm tất niên thường thì có chỉ gia đình, thỉnh thoảng có thêm những người láng giềng và mấy người bạn của bố mẹ nữa cũng vắng vẻ nhưng vẫn hạnh phúc vì sau một năm làm việc vất vả cả nhà lại có mặt đầy đủ. Nhưng hạnh phúc nhất vẫn là giờ phút giao thừa ở gia đình nó. Ba mẹ con được ưu tiên ngủ để lấy sức đón giao thừa. Còn bố thì giao trách nhiệm thổi xôi mới và thịt một con gà trống choai mới để cúng giao thừa (người Việt mình cũng đúng là lắm thủ tục). Nhưng thường thì chỉ có mình nó là ngủ tít. Mẹ và em sắp bánh kẹo và mứt, rượu chuẩn bị cho đón khách xông nhà. Sắp đến giao thừa, nó mới lò mò dậy, cùng cả nhà đếm ngược đồng hồ để chúc mừng năm mới. Ngày còn được đốt pháo, thời khắc đó khắp nơi rộn ràng lên tiếng pháo chào năm mới. Còn giờ, nhà nó mở sâm banh và hát theo bài hát Happy new year trên TV. Hết bài hát, là những lời chúc mừng năm mới của từng thành viên. Thích nhất là lúc được bố mẹ mừng tuổi. Năm ngoái mẹ nói vui nhưng cũng thấy ngùi ngùi: “Sau 2 đứa đi lấy chồng hết, giao thừa lại chỉ có 2 ông bà già này thì buồn chết nhỉ?” Uh nhỉ. “Hai đứa sẽ cùng gia đình thay nhau về ăn Tết với bố mẹ.” “Thôi, lo cho gia đình bên nội chưa xong nữa là?” Hiểu vì sao gia đình người Việt vẫn muốn có con trai nối dõi như vậy. Chưa kịp tranh luận thêm thì các bác, các chú đến nhà xông đất. Khu nhà nó có một lệ rất vui không biết tự bao giờ, đó là đêm giao thừa các “ông đàn ông” tập hợp thành một tốp đến xông đất cho các gia đình. Vừa là một dịp cầu chúc năm mới, vừa là tránh cho gia chủ bị một người nào đó vào xông đất mà k hợp tuổi. Hạnh phúc thật nhỏ nhoi, bình dị quá phải không?

images

Ngày Tết, 2 chị em tuổi ăn, tuổi chơi, tụ tập cùng với đám bạn hết luôn mấy ngày Tết. Chẳng để đến bố mẹ muốn đi chơi không có ai trông nhà. Và cả bữa cơm hạ ban hai đứa cũng chẳng về. Mẹ nhắc: lúc nào đi chơi cũng được, nhưng có những lúc phải ở nhà để cả nhà còn được đoàn tụ. Thấy mình vô tâm quá. Từ năm sau, có lẽ cũng tại lớn nữa, chẳng muốn đi đâu, mà công nhận ở nhà vẫn thấy thích. Cả nhà mở Karaoke, hát hết từ nhạc đỏ, sang nhạc xanh, sang cải lương rồi cả nhạc trẻ em. Có những bài cả nhà biết hát thế là lại “tranh nhau” hát. (Mà nó là đứa lanh chanh nhất nên kiểu gì cũng giành phần thắng.) Mùa xuân đã vui rồi nhưng chắc vẫn còn ghen tị với không khí gia đình nó lúc đó.

Dù vui và hạnh phúc như vậy nhưng nó vẫn thấy thiếu một điều gì đó trong không khí ngày Tết đó. Gọi điện chúc mừng nhà ông bà nội ngoại, các bác, cô chú, cậu mợ rồi mà vẫn thấy thiếu. Nếu sau này, 2 chị em lại lấy chồng xa thì lại chỉ còn bố mẹ với căn nhà rộng thênh thang mà tìm mãi không thấy tiếng cười, tiếng hát đâu. Nó cũng hiểu, tại sao người bạn trai trước đây của nó chọn về quê. Không hẳn là lập nghiệp, không hẳn là có một công việc ổn định mà ở đó có bố mẹ, có gia đình, họ hàng, có những người bà con lối xóm thân quen. Cũng hiểu, lần đầu tiên khi nó nói với bố mẹ con yêu một người ở tỉnh khác, bố mẹ không cấm nhưng cũng buồn buồn mà khuyên can. Lúc đó đâu có hiểu nỗi lòng bố mẹ mà chỉ thấy bố mẹ chẳng hiểu con gì cả và giận dỗi khiến bố mẹ buồn lòng. Giờ thì hiểu tại sao người ta gọi gia đình là mái ấm, hay như mọi người trong nhà nó gọi gia đình nó là “ốc đảo xanh bình yên”. Hiểu tại sao người dân Việt vẫn giữ truyền thống tôn trọng họ hàng. Và mỗi người dân Việt dù đi xa vẫn nhớ về quê hương, nhớ về làng quê nơi ta “chôn nhau cắt rốn”.

Một mùa xuân nữa lại về. Một năm mới nữa lại đến. Nhưng năm nay lại về nhà muộn. Muốn về sớm để cùng gia đình chuẩn bị Tết quá đi. Nhưng cuộc sống là vậy rồi, k ai có thể được hết mọi thứ bao giờ cả. Hạnh phúc vì ta vẫn có quá nhiều thứ. Và vui vẻ gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến tất cả mọi người.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*
*
Website