“Không thày đồ mày làm nên”. Dù bố đã từng làm mộc, nhưng đó mới chỉ những thao tác sơ đẳng và đóng những vật dụng bình thường từ gỗ. Cái quan trọng là giờ phải làm thế nào để đóng được những sản phẩm tinh xảo, đẹp, chắc chắn thì phải học. Học thì phải có thầy giỏi. Mẹ tôi đi tìm thầy cho bố. Được một người bạn giới thiệu ở một xưởng mộc cách nhà tôi gần chục cây có nhà làm mộc rất tốt, mẹ tôi tới đó lân la hỏi xin cho bố học. Đầu tiên, người ta không nhận vì đơn giản là người ta không muốn dạy. Nhưng mẹ tôi vẫn kiên trì, về và cùng bố tôi xuống lại đó lần nữa. Sau một hồi dưa lê, dưa cà thì bác đồng ý nhận dạy nghề cho bố tôi. Với thỏa thuận là không trả công, mà chỉ nuôi ăn, đáng nhẽ phải lấy học phí nhưng vì thương tình bố mẹ tôi nên không lấy. Bố tôi cũng dự tính học ở đó 1 năm. Nhưng nhờ thái độ chăm chỉ, cần cù, ham học và khả năng của bố, sau 06 thì họ gọi bố tôi vào và nói không dạy nữa. Bố tôi ngạc nhiên và băn khoăn không hiểu. Bác mới vui vẻ mà nói là rằng hết cái để dạy cho chú rồi, chú có thể về tự làm. Bố tôi vui mừng một thì mẹ tôi vui mừng mười. Hôm đó, một bữa cơm đơn giản quê nhà được dọn ra và bố tôi nhận bà của bác làm mẹ nuôi và coi bác như anh.
“Ngay từ đầu phải xác định một đường lối đúng đắn :D”. Bố tôi khởi nghiệp với số vốn chẳng biết quy ra bằng tiền bây giờ là bao nhiêu nhưng lúc đó thì chỉ bằng nửa cái xe đạp. Mua vật dụng và một ít gỗ nhỏ. Bố tôi xác định không đi làm thuê, mà đứng ra tự mình làm. Có vẻ là hơi mạo hiểm vì vốn ít, quan hệ ít. Nhưng tự tin với tay nghề của mình và xác định ngay từ đầu là không đi làm thuê nên bố tôi quyết thử xem sao. Không có đơn đặt hàng, bố tôi đóng thử một cái tủ dựng lên đó, rồi mời bạn bè tới xem. Được giới thiệu và vì thương bố mẹ tôi nên có bác hàng xóm đã đặt hàng đầu tiên. Nhưng đóng xong thì lại chững đó. Không có đơn hàng. Mọi người khuyên cứ tranh thủ thời gian rỗi đóng để đó để bán dần. Nhưng không có vốn, mua gỗ ở đâu. Đành chịu. Có lẽ ăn ở hiền lành, ông trời run rủi mà cuối năm, bố tôi đã nhận thêm được vài đơn hàng. Sản phẩm của bố tốt nên mọi người đã ghi nhận và giới thiệu truyền miệng.
“Nhân viên là người đem tiền về cho mình :D”. Đơn hàng đã có nhiều, bố tôi một mình đóng không kịp. Nào là người đóng đồ kịp ngày cưới, người đóng đồ kịp Tết. Bố tôi quyết định đi tìm thợ. Vì đơn giản nếu một mình bố tôi đóng đồ, thì 1 tháng chỉ đóng được 2 cái tủ lãi có 100 đ/cái là 200 đ. Nhưng nếu có thêm 2 người làm thì sẽ là 6 cái. Trả cho thợ 70 đ/cái rồi thì bố tôi vẫn được thêm 30đ cái nữa và tổng thêm là 120 đ. Đó là bài toán đơn thuần kể cả nếu bố tôi không tăng giá.
“Ưu đãi nhân viên như là ông chủ – vì đơn giản họ là người đem tiền về cho mình”. Câu nói này có vẻ hơi ngược với một số quan niệm hiện nay là ông chủ chỉ coi nhân viên là người đi làm thuê và mình p trả tiền cho họ. Bố tôi thì đối xử với thợ hoàn toàn khác. Bố qua tìm hiểu thì được biết vùng quê Thái Bình đóng đồ rất đẹp. Một mình bố, lặn lội về Thái Bình tìm hiểu, hỏi làng trên xóm dưới chỗ nào có người đóng đồ đẹp. Bố tôi tìm được đến nhà các chú thợ – sau này họ đã gắn bó với chúng tôi gần 20 năm. Vùng quê nghèo, các chú ở đây chỉ học có hết cấp 2. Sau một ngày ăn nghỉ ở đó để hai bên hiểu nhau, bố tôi đã nhận về 2 chú thợ. Ngày đó thì các chú hơn bọn tôi 10 tuổi nhưng bọn tôi vẫn phải gọi bằng chú :D. Đến sáng hôm sau, hai bên ngồi thỏa thuận về tiền công, ăn ở và công việc. Các chú đồng ý và hẹn ngày về nhà chúng tôi. Ngày các chú đến nhà, nhà tôi nhỏ tẹo, có 28m2, 3 giường ngủ và 1 bộ bàn ghế. Các chú vẫn vui vẻ ở cùng nhà và ăn cùng mâm. Chế độ ăn uống của cả nhà như nhau, thậm chí cả hoa quả mẹ tôi mua thắp hương cũng chia đều như nhau. Tết đến, mỗi người đều có túi quà tết về quê. Khi ốm đau, được bố mẹ tôi chở đi bệnh viện chạy chữa. Gia đình họ có công có việc gì đều được bố mẹ tôi về tận quê cùng san sẻ. Thợ ở nhà tôi được ăn ngon, ở sướng, đối xử tốt khiến cho thợ ở nhiều xưởng gần đó tị nạnh. Và chính các chú thợ cũng nói rằng bố mẹ tôi tốt quá nên không thể nảy sinh ý đồ gì xấu được. 😀
“Chính sách quản lý thợ và công việc”. Còn tiếp…