Câu chuyện kinh doanh và các bài học của tôi” – P5

“Đúc rút 1 – Hãy luôn là người bố mẹ tốt, là tấm gương để con cái noi theo – vì chắc chắn con cái sẽ noi theo mình”.

Bố mở xưởng từ năm tôi lên 8, mẹ bán hàng từ năm tôi 14 tuổi. Nó không phải là sớm đối với một số đứa trẻ. Nhưng vì ký ức đã quá nghèo và cái tính thích quan sát của tôi, khiến tất cả những bài học trên được tôi khắc ghi luôn từ ngày đó. Tôi lặng lẽ quan sát các công việc của bố mẹ làm vừa để vui mừng nhà tôi đã giàu có trong khu, đến việc cảm giác thoát ra từ nghèo nó hãnh diện như thế nào. Lúc đó tôi không biết mô tả cảm giác thán phục nhưng tôi rất tự hào về bố mẹ mình. Những ký ức tuổi thơ bao giờ cũng ghi đậm nhất và tôi công nhận là thế cho đến bây giờ. Giờ khi tôi đã là mẹ, tôi cũng hiểu rằng, bố mẹ làm gì thì con cái luôn luôn dõi theo, nhìn và bắt chước nên tôi cố gắng cẩn thận trong mọi công việc và hành xử của mình. Có thể chưa được tốt nhưng tôi cố gắng. Giờ bé Bee nhà tôi mới có 2 tuổi hơn mà đã tường thuật được phim nên tôi càng phải chú ý hơn. Còn các bạn? Nếu bạn làm ăn kinh doanh lừa lọc, gian dối, bạn tưởng con bạn không biết ư? Có đấy, hoàn toàn có. Bạn có muốn nó làm xấu giống mình? Nếu không thì đừng làm. Tôi cảm ơn bố mẹ đã luôn làm những điều tốt khiến tôi học được những bài học tuyệt vời đó.

bo me la tam guong

“Đúc rút 2 – Sống trong nó mới hiểu nó”. Nếu bạn nói rất nhiều về tình yêu, làm nhiều thơ ca về tình yêu nhưng bạn không sống trong tình yêu, chưa bao giờ yêu thật sự sẽ không bao giờ hiểu được cảm giác thăng hoa hay ngọt ngào của tình yêu. Đó là cái dễ thấy nhất. Thì trong kinh doanh cũng vậy thôi. Nếu bạn được học một trường về kinh tế, nếu bạn đọc rất nhiều sách kinh doanh, hay quản trị kinh doanh – Cha giàu, cha nghèo; Dạy con làm giàu; Tam@quốc,… hay vô vàn các cuốn khác mà bạn không sống trong nó, không trải nghiệm trong nó thì các kiến thức của bạn thu được cũng chỉ là lý thuyết suông, chỉ là biết như khi nói yêu thì thế nọ, yêu là thế kia. Tôi tự nhận thấy mình đã được sống, được trải nghiệm trong kinh doanh, nên chính vì thế tôi cảm nhận được những cảm giác ấy. Tôi học một trường kỹ thuật, ra trường làm kỹ thuật một hồi rồi chuyển hướng sang kinh doanh. Chưa phải là thực sự thành công nhưng cũng tự mình làm được một số điều mà mình hay một số người nghĩ mình không thể. (Giờ có đi phỏng vấn làm nvkd ở đâu, tôi cũng không nói gì nhiều được mà chỉ có thể làm được và tự tin làm được, thế mới oải.)

“Đúc rút 3 – Tôi nhận ra mình chưa thể làm sếp dù đã từng nghĩ mình giỏi”. Còn tiếp…

Câu chuyện kinh doanh và các bài học của tôi – P4

“Chuyện chọn nghề bán hàng của mẹ”.

Mẹ tôi là cô giáo và từ nhỏ cũng chỉ thích làm cô giáo. Ở quê, mẹ phải gánh rau củ ra chợ cho bà bán nhưng mẹ không bao giờ ở lại bán hàng vì mẹ bảo không thích buôn bán, và cũng không biết buôn bán thế nào. Mẹ đi làm, ăn cơm tập thể nên cũng không phải đi chợ. Đến khi bố về làm mấy nghề buôn bán với bố cũng không thành nên mẹ càng nghĩ mình không bán hàng được. Rồi đến giữa những năm 90, bố bảo mẹ về vì đi làm lương vừa thấp lại vất vả, ở nhà giúp bố nuôi thợ. Nhưng mẹ ở nhà một thời gian thì thấy buồn chán nên cũng muốn kiếm việc gì làm thêm. Chẳng biết tại số hay không, nhưng cầu được ước thấy. Bác ở gần nhà nghỉ cửa hàng tự do mậu dịch chuyển xuống HN ở với con cháu. Bác thấy bố mẹ tôi tốt tính và mẹ lại không có việc làm nên để lại cửa hàng đó cho mẹ tôi. Mặc dù cũng muốn làm gì đó nhưng phải đi bán hàng với mẹ là một điều dường như kinh khủng. Mẹ tôi cứ luýnh quýnh không biết phải làm gì. May có bố tôi, đa tham gia kinh doanh vài năm nên chỉ bày cho một ít. Mẹ tôi bắt đầu nghiệp kinh doanh từ năm 96 và 10 năm sau thì nghỉ.

ban hang

“Có những tiềm năng của bạn mà bạn không nghĩ mình lại có”. Những ngày đầu mẹ đi bán hàng, cửa hàng lèo tèo, hàng hóa không có, khách không quen, mẹ tôi buồn lắm. Rõ là mình không biết buôn bán rồi, nhưng nếu trả lại cửa hàng thì không được, tiền thuê, tiền hàng đã bỏ vào đó. Vậy phải làm thế nào? Người ta bán được hàng tại sao mình không bán được hàng? Về hàng hóa, họ cũng ngần đó mặt hàng thôi, nhưng cách bày hàng. Bày hàng cũng phải có khoa học. Hàng hóa luôn sạch sẽ, ngăn nắp và những hàng gần giống nhau thì để gần nhau để họ mua cái này thì nhớ ra cái kia là mua và chọn luôn, không phải hỏi ở đâu. Về khách hàng, khách có thể mẹ chưa quen thế thì làm sao phải cho quen khách? Vui vẻ với tất cả những người vào cửa hàng dù họ có chọn chán chê, đặt lên đặt xuống sản phẩm của mình nhưng không được tỏ thái độ khó chịu với họ. Một chút khó chịu thôi khiến cho họ lần sau có đon đả cũng không dám quay lại nữa. Về giá cả, mẹ niêm yết giá luôn trên sản phẩm và bán cho mọi người thân quen là như nhau. Điều đó khiến cho người mua cảm thấy mình không bị mua đắt vì giá đã được dán sẵn rồi. Tuy nhiên, mặc dù không giảm giá cho một sản phẩm, nhưng khi mua nhiều sản phẩm thì giảm giá cho tổng đơn hàng. Ví dụ thế này với người khách mua 10 mặt hàng khác nhau: nếu phải mặc cả, vừa mất thời gian, vừa kỳ kèo thêm bớt 5đ/sp, khi đã bớt 1 cái người ta sẽ bớt cái khác, và mỗi cái 5đ tổng ra là mất 50 đ. Nhưng nếu bảo họ cứ chọn hàng và sẽ giảm với số lượng nhiều thì khi cộng đơn hàng, mình sẽ giảm thẳng 20-30 đ/tổng cho họ, cảm giác giảm một lúc 20đ sẽ lớn hơn nhiều so với 5đ, nên họ vui vẻ ngay, nhưng thực tế, tổng tiền mình bớt nhỏ bằng một nửa so với việc kỳ kèo từng sản phẩm kia. Sau 1 năm, cửa hàng mẹ tôi lúc nào cũng đông khách. Có người cho là lộc, nhưng tôi nghĩ đó là cả một nghệ thuật bán hàng đáng học tập. Bố tôi phải phục mẹ tôi và không nghĩ mẹ tôi từ người không biết buôn bán đã thành người bán hàng nổi tiếng khu.

“Đúc rút”. Còn tiếp….

Câu chuyện kinh doanh và các bài học của tôi – P3

“Chính sách quản lý thợ và công việc”.

Đầu những năm 90, khi việc đi làm thuê cho một doanh nghiệp là một khái niệm chưa phổ biến thì việc khoán công việc lại là một khái niệm càng mới mẻ hơn. (cứ soi khoán 10, khoán 100 thì thấy :D). Bố tôi khoán thẳng công sản phẩm cho người thợ. Căn bản là cũng đã từng tự làm nên ví dụ một cái tủ hay một cái giường đóng hết bao nhiêu ngày công là bố tôi tính được. Nhân số đó với ngày công trung bình mà một người thợ được hưởng lúc đó là ra khoán công sản phẩm. Khoán công sản phẩm sẽ làm cho người thợ tận dụng được các thời gian nhàn rỗi, làm cả buổi tối và không lãng công để hoàn thiện nhanh nhất trong thời gian có thể. Tuy nhiên, người chủ phải đặt yêu cầu về kỹ thuật với thợ còn cao hơn cả khách hàng đặt với mình và lượng sản phẩm nhận về trong tháng đủ cho họ làm cả 31 ngày. 😀 Chính vì thế bố tôi sau 2 năm phải giám sát họ chặt chẽ vì có thể họ chưa quen với cách làm việc mới và kỹ thuật còn non tay, thì thời gian sau bố tôi hoàn toàn chủ động thời gian. Bố chỉ việc đi gặp khách hàng, đi lấy gỗ, làm việc với kiểm lâm và cơ quan quản lý thị trường. Toàn bộ sản phẩm đã có những người thợ lành nghề và trách nhiệm đảm nhận. Thợ của nhà chúng tôi 7h sáng đã thấy dạy, đến bữa ăn thì vào ăn, nghỉ một lúc rồi làm, có năm chiều 30 Tết mới về quê. Đồng tiền công họ mang về cũng không phải là nhỏ. Còn các xưởng bên cạnh, làm công nhật thì 8h mới thấy ngủ dậy, uể oải với công việc, nay xin về quê đám giỗ, mai xin về quê đám cưới, làm cùng lắm chỉ đến 23 Tết là nghỉ. Và đồng lương họ mang về cũng chẳng thấm vào đâu. Ngay cả chuyện ăn uống, thợ nhận khoán sản phẩm của chúng tôi thì chúng tôi nhận khoán bữa ăn của thợ. Thợ muốn ăn ngon thì tăng tiền ăn, và chúng tôi nấu bổ xung. Trong khi thợ nhà bên, làm công nhật và nuôi ăn nên bữa ăn thường nghèo nàn và không đủ chất. Đồng lương kiếm được dù thế nào nhưng nó công bằng giữa mỗi người thợ và hai bên chủ thợ thoải mái với nhau thì mọi thứ sẽ gắn bó được lâu dài.

quan-ly-nhan-su-hieu-qua

“Chuyện nấu nướng của mẹ”. Vì nhận khoán bữa ăn thợ, nên tổng tiền cho một bữa ăn bao gồm cả gia đình tôi bao giờ cũng được fix ở một con số cụ thể nhưng bên cạnh đó mình vẫn phải có công nấu nướng ở trong đó. Tổng tiền là 100 đ, công nấu nướng là 20 đ, vậy 80 đ chi cho một bữa ăn như thế nào để bữa ăn vừa đủ no vừa ngon, không bị thừa thãi hay thiếu. Đầu tiên là phải tính lượng trước rồi. Trên mâm có 3 món: mặn, nhạt, canh chẳng hạn thì với 6 người ăn thì lượng bao nhiêu là vừa? Từ lượng lại tính ngược đến mua đồ ăn gì vừa với lượng đó? Và muốn ngon thì làm thế nào thế nào để chế biến nó lạ miệng, thay đổi món. Tự đặt những câu hỏi đó với chính mình, và tự trả lời như việc chỉ có mình ăn món ăn mình sẽ nấu ra thì sẽ làm được. Chứ còn nghĩ mình nấu thế này thì người khác được hời, hay mất công mình thì sẽ tự nhiên giảm mọi ý tưởng sáng tạo xuống. 😀 Có lẽ vì thế mà tôi hay thích sáng chế ra món ăn mới nhưng do không có tài nên thường là mọi người không hiểu đó là món gì. 😀

bua an

“Chuyện chọn nghề bán hàng của mẹ”. Còn tiếp….

Câu chuyên kinh doanh và các bài học của tôi – P2

“Không thày đồ mày làm nên”. Dù bố đã từng làm mộc, nhưng đó mới chỉ những thao tác sơ đẳng và đóng những vật dụng bình thường từ gỗ. Cái quan trọng là giờ phải làm thế nào để đóng được những sản phẩm tinh xảo, đẹp, chắc chắn thì phải học. Học thì phải có thầy giỏi. Mẹ tôi đi tìm thầy cho bố. Được một người bạn giới thiệu ở một xưởng mộc cách nhà tôi gần chục cây có nhà làm mộc rất tốt, mẹ tôi tới đó lân la hỏi xin cho bố học. Đầu tiên, người ta không nhận vì đơn giản là người ta không muốn dạy. Nhưng mẹ tôi vẫn kiên trì, về và cùng bố tôi xuống lại đó lần nữa. Sau một hồi dưa lê, dưa cà thì bác đồng ý nhận dạy nghề cho bố tôi. Với thỏa thuận là không trả công, mà chỉ nuôi ăn, đáng nhẽ phải lấy học phí nhưng vì thương tình bố mẹ tôi nên không lấy. Bố tôi cũng dự tính học ở đó 1 năm. Nhưng nhờ thái độ chăm chỉ, cần cù, ham học và khả năng của bố, sau 06 thì họ gọi bố tôi vào và nói không dạy nữa. Bố tôi ngạc nhiên và băn khoăn không hiểu. Bác mới vui vẻ mà nói là rằng hết cái để dạy cho chú rồi, chú có thể về tự làm. Bố tôi vui mừng một thì mẹ tôi vui mừng mười. Hôm đó, một bữa cơm đơn giản quê nhà được dọn ra và bố tôi nhận bà của bác làm mẹ nuôi và coi bác như anh.

ton su trong dao
“Ngay từ đầu phải xác định một đường lối đúng đắn :D”. Bố tôi khởi nghiệp với số vốn chẳng biết quy ra bằng tiền bây giờ là bao nhiêu nhưng lúc đó thì chỉ bằng nửa cái xe đạp. Mua vật dụng và một ít gỗ nhỏ. Bố tôi xác định không đi làm thuê, mà đứng ra tự mình làm. Có vẻ là hơi mạo hiểm vì vốn ít, quan hệ ít. Nhưng tự tin với tay nghề của mình và xác định ngay từ đầu là không đi làm thuê nên bố tôi quyết thử xem sao. Không có đơn đặt hàng, bố tôi đóng thử một cái tủ dựng lên đó, rồi mời bạn bè tới xem. Được giới thiệu và vì thương bố mẹ tôi nên có bác hàng xóm đã đặt hàng đầu tiên. Nhưng đóng xong thì lại chững đó. Không có đơn hàng. Mọi người khuyên cứ tranh thủ thời gian rỗi đóng để đó để bán dần. Nhưng không có vốn, mua gỗ ở đâu. Đành chịu. Có lẽ ăn ở hiền lành, ông trời run rủi mà cuối năm, bố tôi đã nhận thêm được vài đơn hàng. Sản phẩm của bố tốt nên mọi người đã ghi nhận và giới thiệu truyền miệng.
“Nhân viên là người đem tiền về cho mình :D”. Đơn hàng đã có nhiều, bố tôi một mình đóng không kịp. Nào là người đóng đồ kịp ngày cưới, người đóng đồ kịp Tết. Bố tôi quyết định đi tìm thợ. Vì đơn giản nếu một mình bố tôi đóng đồ, thì 1 tháng chỉ đóng được 2 cái tủ lãi có 100 đ/cái là 200 đ. Nhưng nếu có thêm 2 người làm thì sẽ là 6 cái. Trả cho thợ 70 đ/cái rồi thì bố tôi vẫn được thêm 30đ cái nữa và tổng thêm là 120 đ. Đó là bài toán đơn thuần kể cả nếu bố tôi không tăng giá.

Customer or employees care concept
“Ưu đãi nhân viên như là ông chủ – vì đơn giản họ là người đem tiền về cho mình”. Câu nói này có vẻ hơi ngược với một số quan niệm hiện nay là ông chủ chỉ coi nhân viên là người đi làm thuê và mình p trả tiền cho họ. Bố tôi thì đối xử với thợ hoàn toàn khác. Bố qua tìm hiểu thì được biết vùng quê Thái Bình đóng đồ rất đẹp. Một mình bố, lặn lội về Thái Bình tìm hiểu, hỏi làng trên xóm dưới chỗ nào có người đóng đồ đẹp. Bố tôi tìm được đến nhà các chú thợ – sau này họ đã gắn bó với chúng tôi gần 20 năm. Vùng quê nghèo, các chú ở đây chỉ học có hết cấp 2. Sau một ngày ăn nghỉ ở đó để hai bên hiểu nhau, bố tôi đã nhận về 2 chú thợ. Ngày đó thì các chú hơn bọn tôi 10 tuổi nhưng bọn tôi vẫn phải gọi bằng chú :D. Đến sáng hôm sau, hai bên ngồi thỏa thuận về tiền công, ăn ở và công việc. Các chú đồng ý và hẹn ngày về nhà chúng tôi. Ngày các chú đến nhà, nhà tôi nhỏ tẹo, có 28m2, 3 giường ngủ và 1 bộ bàn ghế. Các chú vẫn vui vẻ ở cùng nhà và ăn cùng mâm. Chế độ ăn uống của cả nhà như nhau, thậm chí cả hoa quả mẹ tôi mua thắp hương cũng chia đều như nhau. Tết đến, mỗi người đều có túi quà tết về quê. Khi ốm đau, được bố mẹ tôi chở đi bệnh viện chạy chữa. Gia đình họ có công có việc gì đều được bố mẹ tôi về tận quê cùng san sẻ. Thợ ở nhà tôi được ăn ngon, ở sướng, đối xử tốt khiến cho thợ ở nhiều xưởng gần đó tị nạnh. Và chính các chú thợ cũng nói rằng bố mẹ tôi tốt quá nên không thể nảy sinh ý đồ gì xấu được. 😀
“Chính sách quản lý thợ và công việc”. Còn tiếp…

Bài viết dài kỳ về Chuyện kinh doanh và các bài học của tôi

P1: Học và không học
Không học một ngành hay một khóa học ngắn hạn gì liên quan tới tài chính, kinh tế.
Sách kinh doanh đọc cũng không nhiều không nói là quá ít. Mà dường như cũng không có quyển nào cho đáng tên tuổi trừ ngày xưa ở giai đoạn đại cương phải học mấy môn Lịch sử học thuyết kinh tế, Kinh tế chính trị Mác lê nin (cũng chẳng hiểu sao 1 ngành đặc thù kỹ thuật lại phải học mấy môn đó :D)
Tôi chỉ có một thói quen. Đó là thói quen tiêu dùng hằng ngày. Thói quen đó bắt đầu và được nuôi dưỡng từ nhỏ.
Khởi nghiệp và gian khó.
Sinh ra trong một gia đình có thể nói là nghèo nhất vùng ngày ấy. Ở giai đoạn cũng những năm 80 của thế kỷ trước, thời buổi lúc đó ai cũng khó khăn nhưng gia đình tôi được liệt vào dạng đặc biệt. Vì nếu ở quê, có thể tự cung tự cấp một số sản phẩm nông sản thiết yếu phục vụ bữa ăn hằng ngày, hay những người gốc thành phố có thể buôn bán chui dựa vào quen biết thì bố mẹ tôi không thuộc hai dạng đó. 1 bộ đội, 1 giáo viên, 1 mẫu gia đình mơ ước ngày đó nhưng nghèo. Mọi chi tiêu chỉ trông chờ vào đồng lương ít ỏi và tem phiếu. Mẹ tôi lại mắn, đẻ liền 2 chị em tôi. 😀 Mà oái oăm là 2 chị em lại liên tục ốm nên tiền thuốc thang, bệnh viện lại càng ngốn thêm. Bố đi bộ đội cũng chẳng chu cấp được gì về, khi về thì lại 2 bàn tay trắng với một đống giấy tờ chứng nhận bệnh binh.
Nghèo. Tôi vẫn nhớ cái cảm giác nghèo đến tê tái lòng. Đến ứa nước mắt khi nhìn bố mẹ tôi khóc vì đến Tết không có cái gì cho con cái. Người ta bảo, nghèo thì hèn. Nhưng bố mẹ tôi không cho phép điều đó xảy ra.

giau ngheo
“Thua nhau cái giàu sang, hơn nhau sự đoàng hoàng”. Mẹ bảo, nồi cơm nhà mình vơi, không ai nhìn thấy, nhưng quần áo mình rách ai cũng nhìn thấy. Bọn tôi lúc nào cũng được mặc những bộ quần áo đẹp nhất ngày đó để không kém bạn kém bè, để không ai biết nhà tôi nghèo thế nào. Với bố, đi bộ đội bao nhiêu năm khiến bố gày gò, vàng vọt. Mẹ tôi cũng lên một kế hoạch chăm sóc để bố tôi thay đổi. Bố béo tốt, khỏe mạnh vừa sẽ có sức khỏe cáng đáng việc nhà, vừa thể hiện với bàn dân thiên hạ rằng mẹ tôi là một người phụ nữ giỏi và gia đình tôi không nghèo. (cái này tôi chưa làm được dù cố :D).
“Người chọn nghề, hay nghề chọn người?” Hai năm sau khi bố tôi xuất ngũ, bố mẹ tôi thử đủ các nghề. Từ nuôi lợn (lợn không chịu lớn đến lăn ra chết đột ngột) đến tránh bánh cuốn (không ai ăn) đến tráng bánh đa (không ai mua). Những cái nghề mà bố mẹ tôi cho là thế mạnh của mình vì nó vốn ít, lại do mình đã từng làm và có tay nghề. Nhưng thị trường lúc đó chưa có cầu nhiều hay do lộc trời chưa cho mà bố mẹ tôi không thành công ở một mặt hàng nào hết. Bố vắt tay lên trán, mẹ khoanh tay trước ngực. Bố bảo hay bố đi làm phụ hồ, nề. Mẹ nói nghề đó cũng có tiền nhưng lang thang đây đó, ở trong bộ đội anh cũng từng làm mộc, hay đi học cho được cái nghề mộc đi.
“Không thày đố mày làm nên”…. Còn tiếp

Tiền là một cú click chuột

Lần đầu tiên trong đời trở thành kẻ “tỷ phú thời gian, ăn mày tiền bạc” – nghề tư vấn FOREX.

Lựa chọn một con đường mới khác hẳn với những gì mình đã nghĩ, đã rèn luyện, đã vun đắp và xây dựng để “nắm bắt thời cơ, đón đầu thử thách”.

FOREX (Foreign Exchange). Một từ nghe quá lạ lẫm đối với nhiều người. Cũng như 15 năm trước là từ Bất động sản, 10 năm trước là từ Chứng khoán. Với tôi cũng vậy. Nó quá lạ, chưa nghe thấy bao giờ. “FOREX khó đầu tư và khó làm tư vấn lắm em ạ.” Đó là câu trả lời đầu tiên tôi nhận được khi tôi lần đầu tiên gặp Sếp tôi và hỏi “FOREX là gì vậy?”

Bất động sản, Chứng khoán. Những kênh đầu tư cũng siêu lợi nhuận và khó. Nhưng với người số 2 luôn đứng sau số 1 thì Bất động sản bong bóng đầu cơ, Chứng khoán trần làm giá, thì tôi chịu thua. Tôi không đủ ma mãnh để đấu lại những cái đầu tinh quái đó. Tôi thử chọn một kênh đầu tư không phải của Việt và không nằm trên đất Việt xem sao. Kênh đầu tư FOREX, tư vấn đầu tư FOREX. Cái mà Sếp tôi nói “khó lắm em ạ”.

Tôi trở thành kẻ “tỷ phú thời gian, ăn mày tiền bạc” như thế. Tôi trở thành người “nắm bắt thời cơ, đón đầu thử thách” là như thế. Chỉ để khẳng định từ khó, chỉ để khẳng định một thử thách mới sắp đến.

FOREX là gì? Bạn hãy gõ vào Google và tra xem sao? Có 126.000 kết quả bằng tiếng Việt và 22.900.000 kết quả bằng tiếng Anh. (Bạn đừng nhầm sàn Vàng VN với sàn FOREX đa quốc gia trên Thế giới nhé.)

Với tôi, FOREX đơn giản là một sàn giao dịch tỷ giá ngoại tệ, kim loại, hàng hóa. Tại nơi đây, bạn có thể mua, hay bán bất cứ lúc nào 24/24 mà không cần phải ra ngoài thị trường, không sợ không có người bán và không có người mua vì lượng người giao dịch là rất lớn, mua bán hai chiều khi bạn vừa là người mua khi đặt mua và là người bán khi đặt bán . Tất cả online, tất cả được mã hóa điện tử, tối giản mọi bất lợi mà bất cứ cái “chợ” hay “cửa hàng” nào đưa ra. Tất cả chỉ là một cú click chuột. Ảo ư? Không. Tiền bạn đưa vào thị trường là thật, lỗ là thật, lãi rút tiền về tài khoản cá nhân là thật. Click chuột để đặt lệnh bán, click chuột để đặt lệnh mua. Click chuột để mất tiền (bạn đầu tư sai thời điểm), click chuột để được tiền (bạn đầu tư đúng thời điểm).

Tiền là 1 cú click chuột là như thế. 😀

Thời đại của Thế giới phẳng mà.