Kinh doanh?

Dưới góc độ là bạn bè mình cảm thương xen lẫn sự đau xót.

Dưới góc độ kinh doanh, mình chưa đồng ý với việc chưa phân tích kỹ về điểm mạnh, điểm yếu hay những yếu tố, những điểm cấu thành lên sự thành bại của một doanh nghiệp.

Dưới góc độ là đạo hữu, nghiêm túc phê bình khi tu đạo mà vẫn còn ảo tưởng và tầm cầu:

– đã biết con đường tu hành việc của mình là tu, không tham vọng mở cái nọ, lập cái kia, tạo ra cái nọ, tạo ra cái chai. tự nhiên đã sẵn đủ cho loài người sinh tồn.

– cho rằng mình làm điều đó là tốt cho mọi người hơn thì là càng nói lên bản ngã mà thôi, tự nhiên luôn sắp xếp điều gì là tốt nhất cho chúng sanh (câu chuyện ăn mày xin làm bồ tát là một ví dụ).

– cho rằng làm để kiếm tiền là phương tiện hay dùng làm thiện pháp thì càng nực cười, vì thiện pháp không phải có thể dùng tiền mà hoằng dương được, càng không phụ thuộc bản ngã của bạn muốn là được.

(Chố này tế nhị và dễ đi vào tranh luận. Nếu bạn cãi chỗ này: nhưng muốn hoằng dương thì phải cần đến tiền làm phương tiện. Thưa, Đạo không phải là một cuộc tranh cử tổng thống Mỹ, cái gì đến nó sẽ đến theo đúng nhân duyên của nó.)

Nói những điều này, không có nghĩa là phó mặc, hay mặc kệ. Chúng ta là một sinh linh của tự nhiên, cái chúng ta có thể làm là Tác ý chân chính để đi đúng dòng chảy của nó. Loài người vì vô minh, tham ái, bản ngã mới dẫn tới luân hồi, tái sinh. Còn tự nhiên chẳng hữu ý lại cứ thế tự sinh tự diệt. Nếu chúng ta còn thích đi ngược lại tự nhiên, cưỡng chế, ép đặt nó tạo ra những thứ mà bản ngã cho rằng là đúng đắn theo kinh nghiệm, tri thức cá nhân thì tự nhiên sẽ cho bạn biết về bài học của nó.

Nếu những người tu đạo, không thể nào nhận ra những điều này, tìm cách bao biện, biện hộ bằng mọi ngôn từ lý luận thì sẽ còn những đau xót đáng thương hơn nhiều câu chuyện của Pate Chay.

😅

P/s: 3 năm trước mà đọc ai viết thế này mình sẽ còm chửi đấy, hoặc k còm thì cũng chửi thầm. Nhưng rồi có những biến cố để mà nhận ra giá trị của tự nhiên. Vì thế mà từ Thatcher chỉ huy công trường cả trăm thợ, đánh đông dẹp bắc, rút về làm bà cô ngồi góc nhà. Thiếu cái chuông, cái mõ nữa thôi.

Kinh doanh và Tu đạo

Dù là trong Kinh doanh hay trong Tu đạo thì điều cốt yếu nhất cần thấy được:

1. Làm gì thì phải biết mình đang làm gì
2. Làm những việc cần làm để có kết quả phù hợp với năng lực (chuyên môn, tài chính, nhân lực, khả năng quản trị) và các duyên xúc, không chín ép cũng không dễ duôi
3. Không cần làm những việc sẽ không ra kết quả hay nó là sự vọng tưởng của tương lai. Như ngoài tầm với của chuyên môn, tài chính, nhân lực, quản trị… và các duyên xúc. Đa số người làm kinh doanh hay ảo tưởng về khả năng của mình cũng như bảo phải liều để rồi dúi dụi. Còn người tu đạo, do tà định mà dẫn tới tà tri kiến, tưởng tượng đủ thứ.

Ngay bây giờ và tại đây, với người làm kinh doanh, nếu thấy sản phẩm của mình có duyên với thị trường thì cần phân tích để chau chuốt sản phẩm để sp chất lượng nhất, cần tối ưu quy trình để tiết kiệm chi phí. Người tu đạo, sau khi có sự chánh niệm trên thân, biết rõ các cảm giác trên thân chỉ là cảm thọ, biết rõ sự thật của thế giới là cảm thọ, thì cần luyện tập cho sự biết đó ngày một clear như là mắt mình đang thấy một cái gì đó hữu hình, đó là tìm hiểu sự vị ngọt, sự nguy hiểm và xuất ly của thọ.

Đa số, khi kinh doanh, mới kinh doanh vài sp thấy ok là vọng tưởng nghĩ mình làm chủ được thế giới nên nghĩ ra đủ thứ làm, rồi vay mượn đầu tư, quảng bá. Mà k hiểu, nồi nào úp vung đấy – sp chỉ hợp với 1 nhóm người, muốn nhóm người càng đông thì sp phải đáp ứng được. Còn người tu đạo, khi thấy có chánh niệm trên thân, hơi thở có chút định tĩnh, ít biến giật thì tâm lại phóng dật, tâm si khởi lên bay lượn khắp nơi, linh tinh trong cái suy diễn điên đảo của tà tư duy.

Người làm kinh doanh mà có tu đạo hãy nhớ: đường này đến thế gian, đường kia đến niết bàn – không thể đi 2 chân song song rồi xoạc rách háng có ngày. Hãy hoan hỉ, chánh niệm liên tục.

Online?

Sau khi chém gió một hồi, bạn bảo: hay là cậu đào tạo kinh doanh online đi (k phải bán hàng online – 2 cái khác nhau 1 trời 1 vực). Mình bảo: – thôi mệt lắm, tiền tránh mãi còn chẳng được, lại đâm đầu vào, thời gian để dành cho học đạo. Chứ nếu để kiếm tiền, nhiều thứ kiếm còn nhiều hơn nhiều.

Cũng có một thời, mình nhiệt tình đi chia sẻ về kinh doanh online và qtri doanh nghiệp. Nhưng sau rồi cũng chỉ thấy đa số đều có mấy lý do giống nhau, một là bảo thủ hai là ăn xổi:
– Làm online chỉ bán lẻ, cá nhân, còn mkt truyền thống vẫn ok hơn. Vâng, khi cái chén đầy thì chẳng thể rót thêm nước. Xin thưa, khách hàng của em chiếm 80% là khối doanh nghiệp và 10% khối nhà nước,10% là khách cá nhân đầu tư cái phòng nghe nhạc có nửa tỉ thôi. Khách mua lẻ vui lòng qua đường Láng.
– Làm online như cậu mất thời gian lắm, bao giờ mới ra tiền, mình không ngồi viết được. Vâng, vì mất thời gian, nên 4 năm nay em không có nhân viên mkt, trong khi người khác vẫn chật mặt ra đi tìm khách hàng thì em có bộ máy ở nhà ngồi làm đơn giao hàng và thu tiền.
– Làm online không bền, tớ thấy bạn bè tớ toàn bán được vài bữa. Đơn giản vì họ chỉ biết tương thẳng sản phẩm vào mặt khách hàng mà không biết tạo ra một kênh bán. Tớ hơn 9 năm rồi vẫn bán một loại sản phẩm.
– Làm online thì chỉ chạy quảng cáo cho nhanh thôi. Tài khoản facebook ad em không có, gg ad thì mỗi tháng k quá 100$.

Bên cạnh hệ thống mkt online để tự động được khâu tìm kiếm khách hàng thì còn mất công xây dựng quy trình sản xuất, dịch vụ, bán hàng, quản lý nội bộ để khớp với mkt online. Hệ thống quản lý và cskh cũng online để tiện sử dụng và quản lý. Đâu phải chỉ một thứ online rồi ngồi rịt đó mà ôm lap.

Online giống như một pháp thiền. Đã luyện là phải luyện cho tới, chứ vừa ngồi thiền cái niệm khởi đầy lại kêu, ôi tôi không phù hợp. Hehe. Ngoài ra, làm kinh doanh giống như học đạo, không thể thông suốt, không thể hiểu mình, hiểu khách hàng mục tiêu của mình thì giống như vừa đi vừa mò đường. Mù mà chẳng biết mình mù. Mà không những mù lại còn điếc nữa khi Chấp thủ trong những giới hạn hiểu biết của mình.

Chém tí thế hihi. Ôi cái ngày xưa, giờ cũng để đó làm chỗ kê ngồi tọa thiền. 🤣🤣

Hạnh tri túc và Làm kinh doanh

Người biết hạnh Tri túc (biết đủ) vậy mà vẫn Làm giàu (mở doanh nghiệp) thì có mâu thuẫn không?

Đây là câu mà cả những hành giả lẫn người đời đều thắc mắc câu này. Hành giả thì cho rằng, vì ta Tri túc nên vật chất, danh vọng, địa vị là những cái ngoài thân, ta không nên và không cần quan tâm. Vì vậy, mà không nên làm giàu, không nên mở doanh nghiệp… vì sẽ tạo nghiệp, sẽ lấy tiền của người khác vào đầy túi mình, mình sẽ giàu có, và mình sẽ trái đạo… Người đời thì cũng thắc mắc tương tự, tại sao tu rồi lại còn mở doanh nghiệp, mà mở doanh nghiệp rồi mới tu thì sẽ có nhiều hạn chế vì không còn tham vọng nên sẽ dừng lại, sẽ biết đủ, doanh nghiệp không lớn mạnh …

Thật sự chúng ta mới đang nhìn thấy bề nổi của 2 từ Tri túc và Làm giàu mà không hiểu được cái rộng lớn, chiều sâu của nó. Tôi phân tích như sau, các bạn xem có thấy nó mâu thuẫn không?

Làm giàu (mở doanh nghiệp) nhìn về hình tướng sẽ là lấy tiền của người khác cho vào túi mình. Nhưng bản chất việc đó là một Vấn đề của khách hàng hay của xã hội được giải quyết. Bạn có vấn đề, bạn phát sinh nhu cầu và một sản phẩm, dịch vụ hay doanh nghiệp được phát sinh để phục vụ, giải quyết nhu cầu đó. Vì tôi phục vụ và giải quyết nên tôi được trả công xứng đáng kèm theo sự hoan hỉ của người có vấn đề. (Không bàn tới việc những người nhìn thấy nhu cầu, vấn đề của khách hàng nhưng lại đi cung cấp một sp,dv kém chất lượng, thậm chí ngụy ảo không giải quyết được nhu cầu, vấn đề đó. Hay những Dnghiep là sân sau). Vậy việc một người cung cấp sp,dv để giải quyết vấn đề, nhu cầu của khách hàng có phải là đi trái đạo?

Giữa một đám đông kia, người nào cũng chỉ chăm chăm lo xem mình được cái gì, mình mất cái gì, mình có nhiều hay có ít, thì có một thiểu số người nhìn thấy cái vấn đề nhức nhối của người khác. Không phải tôi là Dn mà tôi tự khen, mà tôi thật sự thán phục những người làm Doanh nghiệp, họ có cái nhìn sâu sắc hơn rất nhiều đằng sau những sự tham đắm của loài người. Họ hiểu được nỗi khổ, mong mỏi của người khác để mà từ đó họ đau đáu tìm cách giải quyết, giúp đỡ người khác. Thật sự xã hội không có những người làm DN, những người tạo ra sản phẩm, hàng hóa thì xã hội vẫn là xã hội nguyên thủy. Sản phẩm hàng hóa đó vốn dĩ là cái giải quyết nhu cầu, vấn đề của xã hội, chỉ vì lòng tham của loài người biến các từ đó thành Của cải, vật chất (sự sở hữu, sự tích lũy) mà thôi.

Những người bạn Dn của tôi đều nói: cái làm từ thiện mà chúng ta có thể làm tốt nhất đó là: tạo ra một sp,dv với chất lượng tốt nhất mà giá thấp nhất để người có nhu cầu phải chi tiêu thấp nhất; mặt khác: tạo điều kiện, môi trường làm việc, lương thưởng cho nhân sự tốt nhất để họ không phải chịu áp lực, phải lo nghĩ bòn rút của công, gian lận trong công việc… Vậy đó, bên cạnh việc tạo ra sp,dv giải quyết vấn đề cho con người, họ còn thực hành Tâm hạnh như vậy. Những người luôn tâm niệm cần xây dựng một doanh nghiệp có Tầm, trở thành một Dn có Tâm như vậy đó.

Sang vấn đề Tri túc. Hạnh Tri túc được thực hiện như thế nào với những vị Dn này? Đầu tiên là việc tạo ra 1 sp,dv: nếu không hiểu thế nào là sự hợp lý, sự tương xứng giữa sp,dv và nhu cầu, vấn đề của khách hàng thì tạo nên sự thừa thãi không cần thiết, dẫn tới giá cả hàng hóa gia tăng, khách sẽ phải chi một số tiền lớn hơn nhu cầu, vấn đề của mình. Nếu bạn là người mua, bạn gặp 1 người tư vấn đúng nhu cầu, vấn đề của mình sẽ khiến bạn hoàn toàn thoải mái sau đó, nhưng nếu sau bạn phát hiện ra, người bán chỉ khua môi, múa mép để bán cho bạn nhiều hàng hơn thì lần sau bạn ghét no phải không? Người kinh doanh có tài là người biết đủ cho khách hàng để lần sau họ hoan hỉ mà quay lại.

Trong hợp đồng mua bán, vì sự biết đủ, các điều khoản mua bán đều sẽ có lợi cho cả hai bên. Nếu nảy sinh mâu thuẫn, hoặc gặp khách hàng không tốt, họ không vì sự cố chấp sở hữu mà xồn xồn lên, dẫn tới sự đôi co, tranh chấp. Biết đủ đôi khi còn là sự chịu thiệt, thua kém để giữ hòa khí chung. Chứ không phải cái gì cũng phải là của tôi, thuộc về tôi, tôi đúng…

Đối với người cộng tác, nhân viên…sự biết đủ này là sự phân chia lợi nhuận công bằng, hợp lý với sự góp vốn, góp sức của các thành viên. Không thể bo bo, là công ty của tôi, ý tưởng của tôi nên tôi được tất ăn cả. Các bất đồng trong các thành viên sáng lập nảy sinh luôn do mỗi người không biết đủ, tranh công, tranh lợi rồi tan đàn xẻ nghé. Nếu ai cũng biết đủ thì đều hoan hỉ với phần mình làm và nhận được thì sẽ là một tổ chức vững bền, phát triển không?

Tôi thấy rất ít những Dn thành công mà không biết tri túc. Họ không tri túc, tức là họ lấy luôn cái lợi nhuận của công ty đó đầu tư vào tài sản cá nhân, thỏa mãn sự ham muốn cá nhân của mình. Nhưng họ là Dn thành công thì họ luôn đem phần lợi nhuận hàng năm ra tái đầu tư, phát triển, cải tiến sp, dv hoặc tìm cách giải quyết nhu cầu, vấn đề khác của xac hội. Họ tìm cách làm sao các cổ đông công ty được cổ tức cao nhất, lương thưởng của nv được cao nhất… Họ đều là những người vì người khác trước khi vì mình. Viết đến đây, tôi thật sự tri ân những con người Dn đó.

Vốn dĩ đại đạo là sự tổng hòa của các yếu tố. Mỗi hạnh đạo được thực hành một cách thấu ngộ đều mang lại kết quả viên mãn. Vấn đề không phải mình là ai, làm gì mà vấn đề mình như thế nào, làm như thế nào.

Tình yêu với Tiền

Có lúc nào bạn cảm thấy quá mệt mỏi vì tiền không? Có lúc nào bạn cảm thấy quá mệt mỏi vì những hợp đồng và con số? Có lúc nào, trong buổi đêm khuya trở về nhà một mình, dù trong chiếc xe hơi rất đẹp, bạn muốn nghe một bài hát của ai đó ngồi cạnh mình. Những đứa con đã ngủ say khi bạn trở về nhà. Người vợ, người chồng của bạn nằm co ro bên cạnh chúng. Giây phút đó điều gì dâng trào lên trong bạn?

Tôi là một người ý chí, nghị lực và cả tham vọng nữa. Nhưng mọi người sẽ nói có lẽ tôi là phụ nữ nên tất cả không giống như đàn ông. Bạn nhầm rồi. Người đàn ông yếu đuối hơn bạn nghĩ rất nhiều. Đó là lý do vì sao họ cặp bồ nhiều thế, nhất là các doanh nhân thành đạt. Không phải vì họ có tiền. Mà đơn giản, cô gái ngồi bên cạnh lúc tối muộn hát cho họ nghe một bài trên đường về. Và tại giây phút đó họ rung động, họ thấy họ được là chính họ. Họ nghĩ đó là yêu và người họ yêu. Và họ say trong mối quan hệ đó và họ sống.

Nửa list friend của tôi là những doanh nhân hay người kinh doanh riêng. Tôi cảm ơn họ, đất nước cảm ơn họ là những người tạo ra của cải, vật chất, làm giàu cho xã hội. Tôi không lên án họ có những hành vi trên. Những điều này nó không nằm ngoài quy luật chung của tâm lý con người. Nhưng làm thế nào để bạn có thể là chính bạn, hạnh phúc với chính mình, cân bằng giữa lý tưởng và gia đình, phát huy sức sáng tạo mạnh mẽ nhất?

Tôi không nói những người yêu tiền từ bé. Còn đa số chúng ta kinh doanh đều vì một tình yêu gì đó. Tình yêu với sản phẩm, tình yêu với nghề, tình yêu với gia đình, bố mẹ… Từ cái tình yêu đó, chúng ta mở công ty, kinh doanh và sống chết vì nó. Và cũng như tình yêu nam nữ, nó cũng có lúc làm cho bạn thất vọng, chán nản, chạy sang một vòng tay khác. Nhưng rốt cuộc lại bạn vẫn không ngừng yêu và đi tìm kiếm tình yêu của mình.

Tình yêu là động lực, nhưng giờ chính nó biến thành nỗi khổ tâm cho bạn vì thế. Bạn đặt nó ngoài mình. Bạn yêu nhưng bạn không kiểm soát được. Bạn yêu nhưng không tin tưởng tuyệt đối tình yêu của mình. Và điều quan trọng, bạn yêu mà không biết mình là ai.

Những câu trên, nghe có vẻ chỉ dành cho tình yêu nam nữ. Không phải, nó đúng trong mọi trường hợp. Tôi đã thấy nhiều bạn vì quá yêu nghề, làm đam mê mà dẫn đến kiệt sức. Tôi đã thấy nhiều người, cứ đang làm cái này rồi bỏ sang làm cái kia. Tôi thấy nhiều người, đang kinh doanh, nhưng gặp thất bại là họ bỏ nghề. Và quan trọng, là họ không biết họ mạnh cái gì, họ cần phát huy sở trường gì. Và nhiều người còn đặt câu hỏi là kinh doanh cái gì cho giầu?

Một ngày khi tha thẩn trên con đường tới công ty, tôi thấy những bông hoa dại đẹp vô cùng, những chiếc lá vàng rơi đẹp vô cùng. Tôi đã từng mải mê thích chúng suốt thời thanh xuân. Nhưng tiền bạc đã cuốn tôi vào vòng xoáy cuộc đời – đó là câu các bạn được nghe nhiều nhất. Nhưng mà chính là do mình đã không kiểm soát được tâm mình dẫn tới nó không biết nó đang ở đâu, làm gì. Tất cả như một cái máy: tìm kiếm khách hàng, theo đuổi k.h, chốt hợp đồng, lấy tiền… Tất cả cứ như con thoi, quay tít mù.

Tôi đã dừng lại để ngắm ngía chúng. Và tại giây phút đó, tôi thấy mình cũng thật đẹp. Trong thời khắc đó, tôi thấy như tất cả mọi năng lực sáng tạo trong tôi được bùng lên. Tôi sống hiện hữu với giây phút đó, trọn vẹn. Và tôi hiểu tôi đã yêu. Yêu từ nhành cây ngọn cỏ. Yêu tới công việc của mình đang làm. Yêu khách hàng của mình. Yêu những bạn nhân viên của mình. Yêu đối tác. Thậm chí yêu cả những người đang nợ tiền tôi bao năm nay.

Và tình yêu là động lực. Bạn có yêu nghề bạn mới sáng tạo. Bạn có yêu khách hàng, tiền mới về. Bạn có yêu công việc mình đã chọn, tương lai mới tươi sáng. Bạn biết đó. Tình yêu không thể miễn cưỡng, càng không thể giả tạo, càng không thể hời hợt. Nếu nó xuất phát từ trái tim chân thành của bạn, liệu nó có thể thấu tỏ tâm can?

Như bạn đang sử dụng Luật hấp dẫn mỗi ngày để có thể thành công hơn. Nếu bạn không thực hành nó bằng một cảm xúc có thực hay một trái tim trọn vẹn thì điều đó có đến – đó là điều các chuyên gia Luật hấp dẫn đang khuyên bạn phải không?

Bạn đã nhận được điều gì từ tôi, từ bài viết này rồi? Tôi không muốn khuyên nhủ gì các bạn cả. Từ trái tim chân thành của tôi, tôi thực sự mong các bạn vừa có thể là một doanh nhân giỏi, thành đạt, nhưng vừa hạnh phúc và an bình. Và để có điều này, bạn hãy dừng lại một chút thôi. Quan sát lại chính mình, tìm lại tình yêu trong mình và thành thật nhất có thể. Và khi đối diện với nó rồi, bạn đừng hoảng sợ. Bạn có thể yêu những gì bạn cho là bạn yêu hoặc có thể học cách yêu những gì bạn đang có. Nhưng chỉ một điều thôi: tình yêu là động lực, và chỉ có tình yêu thực sự mới khiến bạn trưởng thành và thành công.

An yên mà bước

Mọi thứ tùy duyên mà thuận. Ngoài ý chí, nỗ lực cá nhân, còn có năng lực của tự nhiên. 
Bỏ các kiến thức mà bạn cho là đúng đắn đi. Thậm chí cũng chẳng cần lưu trữ nó, cũng chẳng cần nhớ nó. Ngay lúc bạn biết nó đã cũ. Nếu cứ chấp trước bạn lại rơi vào lối mòn và đi lòng vòng mà thôi.

Kế hoạch là để thực hiện mục tiêu dựa trên những nguyên liệu của thời điểm hiện tại. Vạn vật biến đổi, sinh trụ dị diệt trong từng sát na. Tôi không nói kế hoạch lập ra là sai. Nó đúng, nó đúng theo logic của bản kế hoạch đó. 35 năm trôi qua, tôi luôn là người lập kế hoạch và hoàn thành mục tiêu trước thời hạn. Nhưng 3 năm trước, đến khi tôi hiểu, nếu chỉ bám chấp vào một cái gọi là kế hoạch của mình để rồi mất đi cơ hội thấy những gì tuyệt diệu hơn. Tôi đã thay đổi. Với tôi, chỉ có một con đường cần đi, một mục tiêu cần thực hiện. Ngoài ra, tất cả là duyên.

Hãy chọn mục tiêu là an lành và hạnh phúc trong tâm mình và san sẻ điều tốt lành với người khác để sớm sớm ngàn đóa hoa được bừng nở dưới ánh mặt trời.

Hãy làm theo những gì trái tim mình mách bảo, luôn giữ chánh niệm trong tâm, chánh định và tinh tấn với mục tiêu của mình.

Cứ an yên mà bước, kiếp nhân sinh vốn dĩ rất an lành.

Thăng trầm cuộc đời

Thầy ra bài tập bắt viết thành văn cơ, nhưng thôi, nhiều chữ ngại viết, ngại đọc. hehe
2004: vứt cái giấy công chức mà bố mẹ cất công lặn lội xin cho để đi học tiếp cái bằng Th.S. Bố mẹ tím mặt. Quan hệ sứt mẻ.
2007: tốt nghiệp bằng Th.Sỹ ngành quản lý đất đai sau 7 năm mài đít ở trường đại học. Đúng ngày tốt nghiệp thì là ngày vứt cái bằng sang một bên đi làm cái ngành khác.
3 năm chỉ thấy nốt trầm. Và được nghe rất nhiều câu sướng chưa, nói không nghe lời mà.
2010: bị sếp lớn đuổi thẳng cổ khỏi công ty, khi vừa mới lên PGĐ công ty được nửa năm. Lý do thì rất dở hơi: có đứa nó bảo mình ra mở công ty riêng cạnh tranh với sếp.
2011: mở công ty khi trong tay không có một xu. À, lúc đầu xin bố mẹ được 50tr. Sau 5 tháng bảo bố mẹ cắm sổ đỏ đi cho vay 100tr.
9.2012: rơi vào cảnh nợ nần chồng chất vì k phải chỉ nợ bố mẹ mà còn nợ đối tác, nợ khách hàng vì đơn hàng hỏng. Quyết định nghỉ không đi làm thuê nơi khác tập trung ở nhà (vì lương mình ở ngoài = lương 3 đứa nhân viên mình thuê, đi làm lấy tiền trả lương chúng nó. năm mà có những hôm con lớn sốt mà 4h sáng 2 vợ chồng trong túi chỉ có 200k, vừa đủ tiền khám ở viện nhi. nhân viên không có tiền trả. tình anh em bị mất. mọi thứ khủng hoảng đến ngao ngán.
1.2013: sau 4 tháng tập trung như con điên, ngày nào cũng đi cả trăm cây quản lý công trình, xưởng, thợ… đã trả hết các kiểu nợ lên tới con số 500, dư 200 để mở một cái xưởng mộc mới
2013: mở xưởng mộc với quân số lên tới hơn 10 thợ. sau 6 tháng, quyết định giao khoán lại toàn bộ máy móc nhà xưởng cho quản lý vì không có một xu lãi nào, thậm chí còn âm. 8.2013: mở ra thời kỳ mới – thời kỳ hoàng kim của Vách tiêu âm. Cũng là năm đẻ thằng cu Cò. Nên vừa làm vừa cầm chừng.
2014: lại tiếp tục làm như một con điên, với những dự án lớn khắp cả nước. một năm làm tới 50 cái hội trường lớn. 10.2014 – mua mảnh đất 100m2, cạnh xưởng bên Đông Anh để dành về già. thành công trong công việc tưởng ngon. song con lớn không có thời gian chăm, vẫn phải gửi bà ngoại. con bé thì bị giúp việc bóp cổ đổ cháo vào mồm dẫn đến sợ ăn. và sau 6 tháng mình cho ăn finger food thì mới ăn lại được cơm và cháo. cộng thêm là chồng bắt đầu có triệu chứng chê và chán.
2015: nhận ra vấn đề của mình thật sự không ổn. lần đầu tiên đi học về cái gọi là quản trị doanh nghiệp – thấy sướng phê lòi(về sau cho đứa quản lý của mình đi, nó bảo chẳng khác gì giáo trình em được học trong đại học, chán hẳn). thảo nào, không có gốc áp dụng quy trình hệ thống, ban đầu ngon lành, sau chưa đầy 6 tháng một lứa nhân viên đã ra đi. và ra đời – tuyển dụng để ứng viên ngưỡng mộ.
2016: đã bắt đầu chơi bời và chuyển giao cho giám đốc mới. xong quy trình, hệ thống không có mình vẫn die. phát hiện ra, thiếu mẹ nó quy trình kiểm soát. chỉ có thưởng mà k có phạt.
2017: mất nửa năm để fix lại toàn bộ hệ thống và quy trình
10.2017. Chính thức thất nghiệp.

1.2018. Mua tiếp một căn chung cư mới. Mọi thứ đúng là như mơ.

2.2018. Mua thêm lô đất gần 3000m2 để làm nơi tu tập về già.

Giờ phút này không biết gọi là sướng hay là buồn vì chẳng biết làm gì. Cứ đi học rồi đọc sách. Đến giờ #docsachcungban rồi.

Trong hình ảnh có thể có: văn bản

Giới – Định – Tuệ trong kinh doanh

Chúng ta đã được nghe nhiều về từ này trong các bài giảng Phật pháp, và có thể nói nó là công thức kinh điển của Như Lai để đạt được cõi Niết bàn.
Việc đầu tiên trong thực hành Phật pháp đó là giữ Giới.
Mỗi người xuất gia đều phải giữ cho mình hàng trăm giới, trong đó nữ nhiều hơn nam hơn 100 giới. Những người tu tại gia cũng có những giới tu cơ bản. Với nhiều người, giới là một cái gì đó trói buộc, là cái gì đó mang tính bó buộc, kiến chấp. Và cho rằng, tu tập là để thoải mái, để giải thoát mà cứ Giới như vậy thì còn gọi gì là thoải mái, giải thoát nữa. Và thường người ta không tuân thủ, hoặc có thành kiến với Giới, cho rằng không cần thiết, và chỉ mong muốn ngay làm sao vào được định, cố ngồi Thiền để định, và tham cầu tuệ, dùng mọi pháp niệm, trì chú để sinh Tuệ.
Nhưng sự thực là:
Đạo là một con đường, một lối sống, hay cách sống mà ở đó chủ thể và các tác thể không còn bị các va chạm, hay ràng buộc, hay đơn giản là ảnh hưởng lẫn nhau thì con người đó được gọi là Đắc Đạo hay sống trong Đạo.
Bàn một xíu về những ngôn từ nghe có vẻ kinh điển như thế. Tuy nhiên mọi thứ có thể được hiểu một cách rất đơn giản và nôm na kiểu như sau:
– Giới: giống như một bản thiết kế hệ thống thuỷ lợi. Chúng ta đã gặp những vùng đất ruộng đồng bạt ngàn. Chúng ta có tự hỏi, nước chảy tới từ đâu, nước làm sao phân bổ đều cho các vùng, hay chỉ nghĩ nước từ chỗ trũng chảy tới chỗ cao, nhưng đây là cả một vùng bằng phẳng? Giới ở đây là những hệ thống kênh mương, giúp dẫn nước đi đúng con đường của nó, để cho chỗ này không bì thừa, chỗ kia không bị thiếu, không gây ra những hiện tượng úng lụt hay hạn hán cục bộ.
Bây giờ chúng ta quay lại, có những Giới đơn giản là Ăn chay. Khoan xét đến vấn đề nó là tâm linh hay kiến chấp, nhưng chúng ta sẽ phải công nhận một điều, nếu ăn chay được, cái cơ thể người, các bộ phận như tiêu hoá, bài tiết và chuyển hoá của cơ thể người sẽ làm việc tốt hơn và con người ít bệnh tật hơn. Hay như là Giới không nói lời thị phi: nếu mỗi chúng ta đều không nói lời thị phi, không đem chuyện thị phi ra bàn, thử hỏi, cuộc sống này cũng tốt đẹp, không có mâu thuẫn, không có chiến tranh….
– Định: bây giờ chúng ta hãy thử quan sát dòng nước chảy trong hệ thống kênh mương thuỷ lợi kia. Nếu đó là một hệ thống nay sắp kiểu này, mai sắp đặt kiểu kia, thử hỏi nước có chảy ở trong đó một cánh bình lặng như thế không? Giới mới sinh ra Định, chính là mọi thứ có sự ổn định, có sự đúng đắn rồi thì cái dòng chảy trong đó mới tĩnh lại được.
Chúng ta ra sức ngồi thiền, trong khi chỉ cần tập luyện một Giới để đạt được sự Định trong Giới đó chúng ta cũng không làm được thì hỏi làm sao chúng ta sinh ra Định thường xuyên trong các bình diện của cuộc sống.
Ví dụ như Giới Tham ăn, nhớ Trư Bát Giới, vì tham ăn, bỏ tọt quả Nhân sâm vào mồm dẫn đến không biết mình đang ăn gì. Chúng ta cũng thế, cứ thấy ngon là ăn, mùi vị hấp dẫn là ăn, không biết đằng sau nó là gì. Hoặc có người lại đem thức ăn ra cân đong đo đếm về mặt hoá học, dưỡng chất mà không biết đằng sau nó là bao sự tinh tuý kết tinh của người nông dân, người chăn nuôi, người làm ra nó là gì.
Hay như sự đi, có anh chàng đang đi, mải ngắm gái mà đâm cả vào cột điện. Còn chúng ta, chúng ta bước có biết mình đang bước như thế nào? Đơn giản nhất là nơi bàn chân chúng ta giẫm xuống, chúng ta cảm nhận được bao nhiêu viên sỏi, hay hạt cát dưới gan bàn chân? Đừng nói là làm sao mà biết được, thực tế là bàn chân biết, nhưng não chúng ta không hề biết, vì chúng ta không định trong thời điểm chúng ta bước đó. Não chúng ta mải phân tích bao nhiêu luồng suy nghĩ, các lo toan, tính toán, mắt chúng ta mải nhìn xung quanh, tai chúng ta mải nghe tiếng xung quanh….
– Tuệ: Và chúng ta lại quay lại nhìn dòng nước hiền hoà đang chảy trong kênh mương kia. Cái gì là rác nhẹ nổi lên, cái gì là cát sỏi lắng xuống. Vì trong cái tĩnh đó, mọi thứ nó được sắp xếp theo đúng tính chất của nó, và tri thức xuất hiện. Khoa học cũng chỉ chứng minh tại sao cái vật này lại nổi, cái vật kia lại chìm. Kết luận: trọng lượng riêng của cái này nhẹ hơn nước thì nổi, trọng lượng riêng của cái kia nặng hơn nước thì chìm.
Trong Định, mọi thứ được hiển lộ. Trở về với hai ví dụ Định ở trên. Chúng ta Định khi ăn, thì chỉ cần ăn một lần, chúng ta đã biết món ăn đó được làm từ bao nhiêu loại gia vị, nấu từ những thực phẩm nào. Các Master Chef cũng chính là họ Định được trong khi ăn, nên khi họ nếm thức ăn, họ biết được người ấy nấu bằng công thức gì, với tâm trạng như thế nào.
Hay như nếu chúng ta Định được trong Đi, chúng ta sẽ có Tuệ của việc cảm nhận của bàn chân, hay chính là Tuệ đó được sinh và truyền thông tin lên não, để não bộ nhận thức và ghi nhớ nó.
Giới – Định – Tuệ, theo ngộ thức nông cạn của tôi là như thế. Như hệ thống thiết kế kênh mương khoa học, nước được chảy một cách hiền hoà, êm lành, sinh ra bao nhiêu bông lúa chín vàng thơm trĩu hạt.
Vậy Giới – Định – Tuệ, trong kinh doanh là như thế nào?
– Giới tầm thấp đó là những Hệ thống Dòng chảy doanh nghiệp, sơ đồ tổ chức, sơ đồ quản trị, hệ thống quy trình, chu trình, hướng dẫn, văn bản biểu mẫu trong doanh nghiệp là cái mà người ta nói sẽ giúp doanh nghiệp làm việc một cách bài bản, có quy củ hơn. Giới tầm cao hơn là Hệ thống tầm nhìn, sứ mệnh, mục tiêu, tôn chỉ kinh doanh, giá trị cốt lõi, văn hoá doanh nghiệp…
– Định: trước tiên chúng ta phải thực hiện nhuần nhuyễn Giới, khiến chúng như một phần không thể thiếu của doanh nghiệp và sau chúng chính là doanh nghiệp. Định còn nằm ở việc, chúng ta khi xác định đường lối, chiến lược cho doanh nghiệp, xác định được khách hàng mục tiêu, sản phẩm thế mạnh mục tiêu thì cần kiên trì theo đuổi, vượt mọi khó khăn nhưng bên cạnh đó cũng tĩnh lặng trong dòng chảy theo đuổi, vượt lên đó để nhận thức được vấn đề, để cải tiến, sửa đổi hay đối với cá nhân thì gọi là TU.
– Tuệ: Khi thực hiện giới nhuần nhuyễn, như Kaizen, thì nhiều ý tưởng được nảy sinh, tinh thần thái độ của nhân viên tốt hơn thì năng lực của họ được phát huy tối đa, nhiều sáng kiến, hay gọi là Thông minh đột xuất được biểu lộ. Trong quá trình quán chiếu dòng chảy, khi chúng ta TU thì cũng phát lộ ra những sản phẩm hoàn thiện hơn, chất lượng hơn, hướng tới một tệp khách hàng đích hơn.

Mạn đàm một chút như thế cho một ngày mồng 2 đầu tháng.

Đừng bê bát canh thiu rồi bảo khách hàng uống và nói rằng vị nó thế

Bài viết đứng dưới quan điểm là một người khách hàng
*****
Dạo này đi đâu cũng khởi nghiệp. Khắp nơi rần rần khởi nghiệp. Trong ngoài nhà bàn chuyện khởi nghiệp. Trong ngoài công ty bàn chuyện khởi nghiệp. Doanh nghiệp to rồi doanh nghiệp nhỏ cũng bàn chuyện khởi nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Tài bàn “Nhiều startup cứ ngồi đó nghĩ chúng ta sẽ thay đổi thế giới, đó là chuyện trên trời. Bạn sẽ chết trước khi thế giới thay đổi!”. Vài hôm sau, lại có bài ăn theo: “Ông Nguyễn Đức Tài khuyên startup đừng ảo tưởng chuyện thay đổi thế giới, nhưng thực tế cho thấy nếu ngừng “mơ”, đến cả Apple hay Microsoft cũng lao đao!”.
Các ông/bà chủ startup, bạn thuộc trường phái nào?
Thầy tôi có nói, cao đẳng dạy mầm non, tiểu học, đại học dạy cấp 3, thạc sỹ dạy đại học, tiến sỹ dạy thạc sỹ… Đâu có ai tiến sỹ đi dạy mầm non. Lúc đó tôi thấy vô cùng đúng và ủng hộ những ai dám nghĩ, dám làm, cứ làm đi.
Nhưng sự thực, mấy cái học vị đó là kiến thức, chứ không phải tri thức. Một vị tiến sỹ thật đấy nhưng ông/bà ấy đâu có tri thức của một người làm việc với trẻ con để nuôi dạy chúng, cho chúng ăn, thay tã và cả đổ bô. Cũng như hiện nay, ta thấy rất nhiều tiến sỹ đang không có tri thức để làm đúng chuyên ngành họ được học và cống hiến cho xã hội, nên chuyện làm trái ngành đầy ra đó.
Thôi, không bàn đến chuyện học hàm, học vị ở đây. Cái mà tôi muốn nói là cái mà chúng ta CỨ LÀM ĐI. Triết học Mác đã nói: kẻ nhiệt tình cộng ngu dốt bằng với sự phá hoại. Thương trường là chiến trường không chỉ nói đó là nơi Người bán, doanh nghiệp phải hy sinh đổ máu, mà cả khách hàng khi tham gia mua bán, tức là join vào chiến trường thì NGU VẪN CHẾT như thường. Vì mất tiền oan vì mua phải sản phẩm đều. Cái này là cái mình đã trải nghiệm khá nhiều. Đủ các thể loại sản phẩm hữu hình và sản phẩm vô hình.
Có ai đó nói rằng, nếu không có thử, làm sao biết có sai. Khổ lắm, thử thì cứ thử đi, thử đến khi nào ngon thì bán, có ai cấm đâu. Đằng này thì..
Vẫn nhớ những lần đi nghe nx chia sẻ từ các cao thủ bán thực phẩm chức năng đa cấp. Tây nó mua về, nó dùng, nó thấy hay, nó bán, nó truyền tai nhau mua đi. Còn đằng này về tới Việt Nam, chưa dùng, chẳng biết công dụng của nó thế nào đã bán, thậm chí râu ông nọ cắm cằm bà kia. Hoặc tâng công dụng lên gấp trăm gấp ngàn lần. May đó là nx sản phẩm chất lượng, được kiểm định ở trời Tây, chỉ mang sang VN bán thôi, chứ một sản phẩm không chất lượng thì bà con cũng biết hậu quả của nó rồi đấy.
Quay lại với những ông/bà chủ Startup, sản phẩm của chính họ làm ra, họ chẳng hề kiểm chứng, chẳng hề chạy thử, lao ra bán như điên, quảng cáo như điên, thậm chí chẳng biết sản phẩm đấy của mình có như mình nghĩ không, vì từ nghĩ tới thực nó cách nhau một trời một vực.
Tôi có cậu em, nó bảo, nếu ai cũng như chị, ma nào nó kinh doanh. Ấy ấy. Chị không bảo đừng có kinh doanh, sản phẩm nào cũng có đối tượng thì trường, giống như dép bé cho trẻ nhỏ, dép lê đi trong nhà, dép cao cho người mẫu, giầy bệt cho bà bầu, giày vải cho thể dục… Nhưng đó là những sản phẩm tới tay khách hàng hoàn toàn dùng được. Chứ không phải là các ông/bà tạo ra một sản phẩm rồi bảo nó phù hợp với đối tượng khách hàng đấy, ví dụ là dân văn phòng, hoặc sinh viên năm cuối… rồi đánh target quảng cáo vào fb và gg rồi có khách và bảo là sản phẩm đó khách hàng. Cái quan trọng là đối tượng khách hàng đó ngoài việc họ cần rồi, họ thích rồi, họ mua về, họ có dùng được không, kiến thức đó có vào đầu không.
Còn nếu không, tất cả chỉ là LỪA ĐẢO, ẢO TƯỞNG.
Việt nam ~100tr dân, vợt 1/100.000 thôi là có tới 1000 k/h rồi đấy. Nhưng tôi lạy các ông các bà, làm gì thì làm, cũng nghĩ đến những đồng tiền mồ hôi xương máu người ta kiếm được. Đến thời gian người ta bỏ ra. Và bản thân chính các vị nữa, để dành thời gian ảo tưởng và mộng du, nhìn lại chính mình xem đâu là thế mạnh, đâu là năng lực thực sự để mà làm. Vì cái gì đểu thì cũng chỉ được một thời gian thôi, có phải lúc đó, khách hàng của các vị đã mất tiền, giờ đến lượt các vị mất tiền, xã hội mất tiền, mất cả thời gian và thậm chí các kiến thức và sản phẩm sai lệch còn gây ra bao nhiêu thứ..
Viết thế. Sau trận ốm, giờ lại đanh đá hơn mới đểu.

 

Kinh doanh không đơn giản chỉ là làm tốt hơn và khác biệt đi

Ngày còn đi học, mỗi lần giảng bài Toán, Lý cho đứa em học khối C là tôi lại điên hết cả người: trời ơi, sao mày ngu quá trời, ngu hết phần người khác, đơn giản có vậy thôi mà. Mắt nó vẫn ngước tròn, không chớp vì nó cũng không hiểu tôi chửi nó ngu là ngu cái gì. Giờ nghĩ lại, tôi thấy mình cũng đang giống nó.
Một người học thuộc top giỏi, năng động, nhạy bén, các kỹ năng mềm tốt, có tố chất lãnh đạo, nên tôi hoàn toàn tự tin khi đứng ra với doanh nghiệp riêng của mình. 3 năm đầu khởi nghiệp, cùng với những gì là bản năng, kỹ năng và nỗ lực cá nhân, tôi được khá nhiều người cũng như những lớp doanh nhân đi trước khen là giỏi với tay trắng lập nghiệp nơi xứ người. Nhưng 3 năm tiếp theo, tôi loay hoay trong mớ bùng nhùng của đống rác 3 năm trước để lại cùng mong muốn công ty mình phát triển vượt thoát. Một mặt ra sức làm, một mặt tôi ra sức học. Tôi lao đầu vào những khóa học quản trị, để học cách xây dựng có hệ thống, bài bản. Uh. Thì cũng có tốt hơn, mọi thứ nghe cũng quy củ hơn. Nhưng cái khối doanh thu như một cục sắt nặng ngàn tấn, tôi ra sức đẩy càng nhiều thì nó nhúc nhích càng ít. Nó cứ ỳ ra đấy, như chọc tức, trêu ngươi tôi: đừng có tham, cô không làm được đâu.
Xét lại, tôi đã làm tốt nhất những gì có thể, với một quan điểm kinh doanh có đạo đức, cung cấp những mặt hàng chất lượng, đãi ngộ nhân sự hết mức có thể. Đâu đó những bài học về quản trị, về chăm sóc khách hàng tôi tận dụng triệt để. Tôi cũng lựa chọn cho mình một ngách đi rất riêng, rất ít đối thủ cạnh tranh, là một ngành rất mới trên thị trường VN. Là một người sáng tạo, nên dù vốn liếng không nhiều, tôi cũng luôn sáng tạo ra những mẫu mã sản phẩm mới của mình. Nhưng ôi thôi, tất cả chỉ như vậy. Doanh nghiệp vẫn bó buộc trong những cái được gọi là hạn chế cố hữu.
Và hôm nay, khi tha thẩn với đống củi khô, tôi thấy mình giống như người đang đi nhặt củi, cố nhặt cho mình những cành củi to nhất, tốt nhất nhưng chẳng vác về được.
Chúng ta vốn vẫn đang đơn giản nghĩ rằng:
– kinh doanh là thấy ở đâu đó một nguồn hàng rẻ, đem sang một nơi có nhu cầu cao để bán giá cao hơn ăn chênh lệch
– kinh doanh là thấy thị trường đang thiếu , hoặc có cơ hội cho một sản phẩm gì đó thì chúng ta tạo ra để đáp ứng
– kinh doanh là thấy người này, người kia cần là chúng ta đem giới thiệu một sản phẩm đó để ăn hoa hồng
– kinh doanh là thấy thằng nhà bên nó bán tốt mình cũng bắt chước hoặc thằng nhà bên cần mình bán cho nó
– kinh doanh là thấy sếp của mình làm ăn bát nháo quá, mình ra làm riêng chắc chắn sẽ tốt hơn
– riêng ở vn là nhà nước có nhu cầu, mình có quan hệ tốt là tạo được cơ sở kinh doanh
Đấy là 6 tổng kết cơ bản cho tư duy kinh doanh của chúng ta và của những gì nhà trường và xã hội đang dậy. Nó đúng vẫn là tạo ra một doanh nghiệp hay một mô hình kinh doanh nhưng với đúng từ Đủ ăn. Vì nhìn vào đã thấy sự Tới hạn thì kết quả cũng cho một con số Hữu hạn trong bối cảnh và nguồn lực của nó.
Và cái Kinh doanh mà tôi được chiêm ngưỡng trong những ngày qua, khốn nỗi hoàn toàn là không thế, thật sự là không phải thế. Có thể ai đó cũng sẽ nói như tôi ngày nào, hoặc như em gái tôi khi học về Toán Lý mắt cứ ngơ ngác tròn, không thế thì thế nào.
Xin trân trọng và tự đáy lòng tôi cảm ơn Học Viện Idj, cảm ơn thầy @Trần Trọng Hiếu, cảm ơn những cố vấn kinh tế, những Tổng và Phó tổng giám đốc của các doanh nghiệp uy tín và đáng ngưỡng mộ đã mở ra cho tôi một cái nhìn mới về kinh doanh, để lý giải tại sao, có những doanh nghiệp mãi chỉ vài chục đến trăm tỉ với những sự nỗ lực và đánh đổi hết mình, còn những doanh nghiệp chẳng mấy chốc đã nghìn tỷ hay tỷ đô với những ông chủ luôn vui vẻ và đầy bác ái. Đó là:
KINH DOANH LÀ PHẢI TẠO RA ĐƯỢC SÂN CHƠI
Triết lý này sâu xa nó cũng không nằm ngoài triết học của TỰ NHIÊN. Và tại sao là SÂN CHƠI, SÂN CHƠI là như thế nào, tạo ra SÂN CHƠI như thế nào, ứng dụng SÂN CHƠI ra sao thì nếu bạn tham gia sẽ trả lời tốt hơn sự tự ngộ của tôi.
Còn tôi, cũng mới đang dừng ở sự nhận thức, từ nhận thức tới thực hành để NHƯ LÀ còn cả một quá trình rất rất dài và nó không đơn giản là sự nỗ lực. Và tôi bạo danh đề xuất Thông minh kinh doanh là trí Thông minh thứ 9. Nhưng bạn hoàn toàn có thể học phần nào từ những người thầy thật sự có cả kiến thức và kinh nghiệm, mà lại sẵn sàng rút ruột gan mình cho học trò.
Chúc các bạn viên mãn và tạo ra được sân chơi cho riêng mình. Tri ân thầy Hiếu Trần Trọng nhân buổi học cuối cùng.