Bán hàng có tâm

Nhân viên bảo:

– Chị mất công tư vấn, khách hàng họ hỏi xong kỹ thuật thi công xong họ lại sang bên khác mua vật liệu.

– Làm nghề mà em. Mình biết thì mình cứ tư vấn hết trách nhiệm của mình giúp khách hàng sử dụng đúng và tiết kiệm nhất có thể. Còn họ cảm thấy ok với mình thì sẽ mua, còn chưa ok thì họ không mua. Không sao hết.

– Nhưng toàn là chất xám của mình mà.

– Coi như là một dạng bố thí pháp đi à. Vì ngành này cũng khó, có phải mấy ai làm được đâu. Cứ hoan hỉ, phước của mình còn đó.

Nửa đêm em vẫn tư vấn nhiệt tình cho khách đầy đủ phương án từ vật liệu tới thi công.

Hôm nay lại thêm một khách cứ đòi mua vật liệu dán vào trần cho cách âm trần em không bán. Khách cứ bảo

– sao chị không bán

– vì nó phí tiền ấy em

– thế sao nó lại không được ạ

– vì chị 12 năm nghề này bảo không được

– nhưng có người tư vấn em làm thế

– bảo người đó đi mua về dán cách âm thì em trả tiền, còn chị là chị k bán. Em bảo bạn tư vấn đó gọi cho chị, để chị mắng cho trận

– thế để em gọi mắng trước hihi

Thấy pháp mà hành pháp, bình tâm với sự đời

Khách gọi giao bông cho anh nhé. Gửi nhanh đơn hàng sang. Một cái bấm like kèm theo câu: giá tăng vậy à em, thế này thì chết anh rồi. Sau đó gọi hỏi lại rõ ràng về đơn giá và vật liệu có thể thay thế. Sau một hồi tư vấn. Giọng khách hơi lạc đi một chút, nói.

– em cho anh vài phút tĩnh tâm đã nhé, anh cần phải bình tĩnh để xử lý chỗ này em à. https://cachamcachnhietak.com/tai-sao-nhieu-nha-thau-lua…/

Đây không phải là lần đầu mình thấy khách kêu trời, kêu chết khi giá cả vật tư tăng gấp đôi gấp ba so với khi báo giá. Nhưng lần đầu mình được trực tiếp cảm nhận sự hoảng hốt, lo lắng thực sự từ phía nhà thầu.

Một dự án để vào thầu phải vào đơn giá từ ít nhất nửa năm tới 2,3 năm trước. Giờ sau hơn 2 năm covid, tất cả đã đổi thay. Thời gian tới, tiền công đổ vào thị trường sẽ rất nhiều do chính phủ muốn thay đổi diện mạo VN. Nhiều công trình, nhiều dự án sẽ được triển khai. Trong khi kinh tế thế giới, chiến tranh và dịch bệnh không có dấu hiệu đi xuống. Và nhiều câu chuyện như trên lại chắc chắn sẽ xảy ra.

Đâu phải chỉ coin, chứng khoán, dự án … sẽ vỡ, các pháp hữu vi đều có tính vô thường, vô ngã như vậy cả.

Chỉ biết chắp tay, mong mọi người thấy pháp mà hành pháp, bình tâm với sự đời.

Kinh doanh cũng có đạo

Khách hàng gọi:

– em ơi, cho em 500m2 mút tiêu âm hàng thường, nhưng em làm hồ sơ cấp hàng chống cháy cho anh.

– dạ anh thông cảm, bên em không làm thế được

– được mà em, chỉ là hồ sơ thôi, hỗ trợ anh đi

– không anh ạ, nó không chỉ là hồ sơ, nó là tài sản, là tính mạng nữa anh ạ. Anh có biết bao nhiêu vụ cháy quán bar, karaoke gây thiệt hại về người và của như thế nào không?

https://vatlieuak.com/danh-muc-san-pham/vat-lieu-tieu-am/

Trước đây em cứ nghĩ bán cái vật liệu này thì đạo ở chỗ nào. Nhưng khi quan sát thì thấy ra:

– giữ được lòng không tham để bán hàng rẻ, hàng thiếu, điêu chính là đạo

– làm việc có đầu có đũa, có quy trình, bài bản, không làm tắt, bỏ bước, làm cho xong cho có, không kiểu bán xong vuốt đuôi là đạo

– tư vấn một sản phẩm sử dụng được đúng mục đích sử dụng không gây lãng phí cho nhà thầu, chủ đầu tư, nhà nước chính là đạo

Đạo đơn giản mà nhỉ. 😄

Xoay tạo

Thấy bức tranh mà thấy cả khoảng trời 😄😄

Khi tôi học vẽ buổi 1, mà mọi người cứ tưởng tôi đã từng cầm bút và hý hoáy nghịch ngợm từ trước đó… Có rất nhiều thứ tôi bắt tay vào làm rồi lại ngừng ngay hoặc sớm. Có người cho rằng tôi không kiên trì, biết nhiều mà chẳng biết gì. Nhưng với tôi chúng đơn giản là các trải nghiệm.

Tôi chẳng thể kiếm tiền giỏi như các nhà tài phiệt hoặc cũng không trở thành những nhà nghiên cứu, sáng tạo vì đơn giản có những thứ sẽ không bao giờ đánh đổi. Tôi cũng không mong trở thành hay lấy ai đó làm tấm gương để phải giống như vậy vì mỗi cá thể có một cá tính riêng và một vẻ đẹp riêng. Chỉ có duy nhất một thứ tôi theo đuổi đó là khám phá tâm mình, cái sự nắng mưa, lúc nóng lúc lạnh của nó vậy.

Nhưng có một thú vị, khi bạn nhạy cảm với tâm mình, cũng là lúc bạn nhạy cảm với tâm người và cả thời cuộc. Trước đây, vì sự nhạy cảm đó mà tâm mình bị xao động theo, cũng như sự xao động của thị trường làm các doanh nhân phải loay hoay và lúng túng vậy. Nhưng khi sự khám phá đó đủ sâu, bạn sẽ giống như biển sâu vậy, sóng cứ vỗ bờ thôi.

Ngày nội thất lên ngôi, doanh nghiệp tôi 40 từ khóa top1, tôi mở xưởng mộc của riêng mình. Khi các xưởng mộc đua nhau giảm giá để cạnh tranh, tôi quay phắt sang chỉ làm ốp tường gỗ chỉ sau 1 đêm làm tất cả từ thợ đến nvkd, tke bàng hoàng. Rồi khi đang làm thi công ốp gỗ hội trường, phòng nghe ở giai đoạn đỉnh cao, lại quay phắt sang chỉ tư vấn, hướng dẫn thi công và phân phối vật tư vì giai đoạn đó các đơn vị thi công đua nhau giảm giá thi công.

Tôi không đợi có dịch bệnh, hay chiến tranh, hay kinh tế suy thoái mới thay đổi phương thức kinh doanh. Có thể doanh nghiệp tôi đến giờ vẫn hoàn toàn nhỏ bé, siêu nhỏ bé. Nhưng cái cơ bản tôi luôn làm chủ được thị trường, làm chủ được thời gian và công việc. Không giẫm chân lên ai, không phải giành giật tranh cướp miếng bánh của ai bằng những mưa mô, toan tính.

Còn bạn, bạn có sẵn sàng xoay tạo không? Nhiều trò chơi mới đều sẵn sàng để bạn chơi. Nhưng trò khó nhất và vẫn nên là bắt đầu trước hết đó là: khám phá tâm mình.

#học_uống_trà

Sau một hồi cắt nghĩa về các loại cảm giác khi uống trà thì Ad nhận được câu hỏi: làm sao để tăng khả năng cảm nhận của mình?

Có người thì do bẩm sinh họ đã có các giác quan nhạy cảm. Có người thì trải nghiệm, thử nhiều. Nhưng có một cách có lẽ cũng khá đặc biệt. Đó là thiền.

Thiền thì có liên quan gì đến trà? Vâng. Thiền minh sát, sự quan sát 6 giác quan, giúp chúng ta nhạy bén hơn, có sự cảm nhận tốt hơn. Và nếu có thể chúng ta hãy học Thiền – thiền minh sát, không phải thiền định hay thiền quán tưởng.

Bạn sẽ khám phá nhiều điều thú vị khi học thiền minh sát và đặc biệt lấy đối tượng là Trà để minh sát về: cảm giác hương, cảm giác vị, cảm giác lưỡi, cảm giác khoang miệng, cảm giác toàn thân, cảm giác địa điểm….

Hãy học cách tự lắng nghe và tự nhận thức thay vì một số khái niệm ai đó đưa cho bạn. Cái giống thì rất nhiều, nhưng cái thật thì chỉ có sự tinh tế, nhạy cảm do thiền minh sát chính bạn mới có thể biết. Như câu chuyện Phật thật sẽ có hào quang quanh mình còn Phật giả thì không, nhưng hình tướng thì lại giống nhau như một vậy.

Chúc các bạn cuối tuần vui vẻ, và thử xem mình nghe được cảm giác gì khi uống trà nhé. Hãy tạm thời Vô Tứ – không suy nghĩ gì nhé.

Bán trà

Sắp khép 1 năm mình làm chân bán Trà rồi. Có ai biết mình đã từng là đứa ghét bán hàng thế nào không? 🤣🤣

11 năm làm kinh doanh mình chỉ làm CEO, không trực tiếp bán. Công ty có hai mảng thì chỉ để cái mác Nhà thầu thi công mà ém nhẹm cái việc Phân phối vật liệu. Còn lịch sử từ năm 15 tuổi thì cả nhà đều biết. Nhất quyết k học ngành kinh tế, mà phải mác kỹ sư, thsy làm ra trường với ước mơ nghiên cứu.

Thế rồi, kinh nghiệm 11 kinh doanh, 17 năm thực hành thiền, 5 năm ăn chay gần như toàn phần, rèn cái mồm thiểu dục và cơ thể quán sát rõ từng nội xúc để rồi chỉ đi bán trà.

Sử dụng facebook từ 2009, công ty có tới gần trăm cái page bán hàng nhưng nhất quyết không bán trên trang cá nhân. Mà giờ ngày phải đăng 3 bài nói “em bán trà” đây. Chẳng thấy ngượng gì.

Bán trà giàu không? Hiện nay, đơn trà cả tháng thật sự chỉ bằng một đơn hàng vật tư, còn sau không biết. Vậy do thích, do đam mê hay do gì. Do duyên thôi. Đi cùng nhau một đoạn. Ngắn dài do nợ với nhau. Nhỉ.

Sang năm em vẫn bán trà nhé. Câu chuyện sang năm kể tiếp. 🤩🤩

Học uống trà

#học_uống_trà

Ít ai biết, có một thành viên trong team Vô Tứ là một cô bạn gái người Thái Nguyên, nhà đẻ cũng bán trà Thái. Lần đầu mời cô ấy uống trà Oolong, thì nhận ngay được lời từ chối:

– đừng mời tớ cái nước hồng hồng kia nhé.

– xanh à, chẳng có vị gì cả ấy

giờ, các câu chuyện về học uống trà oolong giờ lại được chính cô ấy kể.

Giống như đồ ăn. Cùng một loại rau, có rau xào, rau luộc, rau nấu canh, rau sống… Nhưng mỗi một món chế biến lại có một cái ngon khác nhau. Cũng vậy, từ cây trà Thanh tâm, người làm trà có thể tạo lên hương vị của Thanh trà, Hồng trà. Ở tại Vô Tứ thì còn chia thanh trà ra các vị tương đương: thanh trà, cao sơn, đông đỉnh; hồng trà chia ra các vị tương đương: hồng trà, quý phi, phượng hoàng, thậm chí vị oolong khói. Vâng, và mỗi một vị trà đều khác biệt rất rõ ràng.

Vậy, khi uống trà, chúng ta cần làm gì?

Trước hết, tạm gác mọi khái niệm cũ, hương vị cũ sang một bên đã nhé. Cầm chén trà, nhè nhẹ cảm nhận hương của nó đi vào qua mũi. Nhấp một ngụm trà. Tại đây, bạn hãy lắng nghe:

– cảm giác vị (đa số mọi người sẽ phân biệt được)

– cảm giác khoang miệng (ở vòm họng, hay hai bên má, vòng họng trước hay vòm họng sau)

– cảm giác lưỡi (các xúc chạm của nước trà trên gai lưỡi) nó mượt, nó gợn, nó tưa, nó se, nó ở đầu lưỡi, hay đi sâu vào cuống

– cảm giác hương: sẽ có một mùi hương khác thông qua đường thở đi lên

– cảm giác toàn thân: lập trình cái này hơi phức tạp, nhưng đại khái nó sẽ khiến mình cảm thấy dễ chịu hay không, hoặc bên trà cổ thụ sẽ cảm nhận kiểu trà khí

– cảm giác địa điểm, cảm giác thời gian… cứ lắng nghe dần dần sẽ được trải nghiệm

Khi mọi suy nghĩ, định kiến về một điều gì đó được gác sang một bên, bạn sẽ học được cách lắng nghe trọn vẹn. Lắng nghe được trà, bạn sẽ lắng nghe được mình. Điều gì đang xảy ra nơi thân, điều gì đang xảy ra nơi tâm… khi đối diện với ngoại cảnh.

Không phải tìm đến trà để được bình an, mà khi ở bên trà, chúng ta bình an.

Chúc cả nhà một cuối tuần vui vẻ. Và từ mai, thử uống trà theo cách mới này xem. Hẹn cả nhà tối thứ 6 tới. – tìm điểm tròn của trà.

Học uống trà

#học_uống_trà

Tai nghe gì dễ ưa, mắt nhìn gì dễ ngứa, miệng ăn nói thả cửa là thói quen của mình nhiều năm về trước. Đó có thể là một nguyên nhân chúng ta có thể gặp những gập ghềnh trong cuộc đời. Từ ngày biết uống trà, cuộc đời đã dần êm thắm và nhẹ nhàng. Mình đã thu xếp được nhiều thời gian trong lặng yên hơn để quan sát các mũi gai cảm giác, gỡ được nó ra khỏi ý muốn và cảm xúc. Mình tự chịu đựng và quan sát các mũi gai này, trước khi để người khác chịu đựng nó 🙂

Uống Trà là một cách đơn giản để bắt đầu tự biết mình. Trong thời gian chầm chậm và không gian tự chủ, Lưỡi với mũi và xúc giác khoang miệng cùng lúc biết hương vị. Cũng như miệng nói cùng lúc tai nghe được giọng mình như thế nào. Dần dần, sẽ có một tiếng nói chung, một hội đồng của các giác quan được hình thành. Không có cảm giác, cảm xúc nào bị sổ lồng, bay vọt ra quá đáng phá vỡ liên kết nhận biết của các giác quan.

Phạm lỗi nhờ đó ít xảy ra hơn. Và nếu có phạm lỗi thì dễ nhận lỗi hơn, dễ sửa lỗi hơn. Điều này được nhắc đến trong bài Kinh Châu Báu dưới đây:

Dầu có làm tội gì

Bằng thân, khẩu hoặc ý

Các Ngài chẳng bao giờ

Che dấu điều đã phạm

Bởi vì đức tính này

Được gọi là thấy Pháp

Như vậy chính Tăng Bảo

Là châu báu thù diệu

Mong với sự thật này

Được sống chân hạnh phúc.

(Mở suốt ngày bài này, cũng khiến không gian xung quanh thanh mát hơn: https://youtu.be/QGCZo_oTcIA)

Setup phòng trà

#setup_phòng_trà

Hôm nay, số ca Covid của Hà Nội đã hơn 2500 và không có dấu hiệu hạ nhiệt. Những khoảng thời gian được cùng bạn bè nhâm tách trà, ly cafe nghe chừng ngày càng xa xỉ. Xu hướng setup một phòng trà tại gia để tự thưởng trà hiện nay đang được nhiều trà hữu quan tâm. Và để đáp ứng nhu cầu này, Vô Tứ xin gửi tới các bạn đang có nhu cầu tìm hiểu vài gợi ý nho nhỏ.

1/ Không gian

Đầu tiên phải kể đến là không gian. Câu trả lời là dùng chung hay riêng? Một phòng hay một góc.

– Dùng chung với phòng khách

– Có một phòng riêng kết hợp với phòng thiền, hoặc phòng thờ, hoặc phòng đọc sách hay phòng làm việc

– Một góc nơi phòng ngủ

– Một góc nơi ban công

Mỗi không gian sẽ có một phong cách thiết kế riêng. Ví dụ như kết hợp với phòng khách thì là quan tâm đến không gian trưng bày của trà. Kết hợp với phòng ngủ thì giá kệ sao cho gọn. Một góc ban công thì thêm cây xanh và các hộc trà để tránh nắng.

2/ Bàn trà

Tất nhiên là bàn sẽ đi cùng không gian rồi. Nhưng bàn trà sẽ gồm hai phần:

– bàn kê

– bàn pha

Bàn kê thì đi theo không gian. Bàn pha là một dạng khay có thể bằng gỗ, phíp, nhựa, tre… để có thể đổ nước thoải mái vì nó kết hợp với đường dẫn kèm theo là xô hay ca đựng nước thải.

3/ Bộ ấm điện đun nước

– Bộ này bạn có thể dùng ấm điện đun trực tiếp, ấm nào pha ấm đó

– Ad thì dùng phích điện, đun liền 1 lúc 2 lít nước và uống hết phích thì thôi 😅

– Đi theo là bộ bình nước lọc, máy bơm nước để dẫn nước sạch vào ấm điện hay phích điện

4/ Ấm, chén, tống, khải, bát rót

Các loại trà thưởng thức đều có thời gian pha nhanh từ 30-90, không ủ trà trong ấm, nên một dụng cụ để pha trà riêng, một dụng cụ để rót nước ra riêng.

– dụng cụ pha: ấm, chén khải, bát rót

– dụng cụ đựng nước trà: tống, bát rót

– chén uống

– đĩa, tách để chén

Nếu có điều kiện thì mỗi loại trà bạn dùng một loại ấm chén cho xịn cũng được. Ad cũng khuyến khích bạn có tối thiểu khoảng 3 bộ. Vì việc thưởng thức từng loại trà cũng phụ thuộc vào ấm chén lắm. Sau này Ad sẽ viết nhiều hơn.

5/ Hũ đựng trà

Tất nhiên là cái này không thể thiếu rồi. Nhất là phòng có ánh nắng chiếu vào. Mỗi loại trà để một hũ nhé. 😁

6/ Giá kệ

Cũng không nhiều lắm. Cơ bản cần có 1 giá và 1 kệ. Kệ để đồ ấm chén…, 1 giá để trà lên đó. Bạn có thể dùng gỗ mộc, gỗ công nghiệp đóng sẵn khá rẻ

7/ Đồ trang trí khác

– Cây xanh

– Thác nước phong thủy

– Bình hoa lũa chẳng hạn cắm vài cành hoa khô, hay bình gốm cắm hoa tươi

– Đồ chơi bàn trà như vài món gốm xinh xinh

– Một bức tranh tường

– Một hai bức mành/rèm nếu bạn muốn chắn nắng hay tạo phong cách trầm

8/ Trà

Đó. Suýt quên điều quan trọng nhất là trà. Nên có khoảng 5 loại trà trở lên để thưởng thức.

– Xuân uống trà hoa

– Hạ uống lục trà

– Thu uống ô long

– Đông uống hồng trà

– Lạnh uống trà sấy cao mùi khói

– Nắng uống trà sấy lạnh tươi mát

– Vui uống trà nhạt

– Buồn uống trà đậm

Là như vậy ấy. Tùy tâm trạng mà lại thích nhâm nhi một kiểu. 😎

Đừng biến phòng trà thành nơi sưu tập, để tâm bị phân tán quá nhiều, chỉ cần đủ dùng, gọn gàng là được rồi. Còn đẹp hay xấu do con mắt mỗi người. Quan trọng là gọn, sạch, tiện, lợi.

🥰
🥰

Trên đây là vài gợi ý của Vô Tứ, có nhu cầu tư vấn giải đáp gì xin cứ ib hỏi Ad nhé.

NHÂN HIỆU hay THƯƠNG HIỆU?

Nhân tiện hôm nay cậu em up bài “Xin đừng yêu tôi”. Tiện có mấy câu hỏi?

– Khi xây dựng được Nhân hiệu, bạn bán cái gì cũng được, vì bạn cho khách hàng niềm tin, sự yêu quý rồi – Nhưng khi vắng bạn, có ai làm thay bạn được không? Khách hàng có tin tưởng người làm thay bạn không?

>>> Nếu câu trả lời là không. Xin chia buồn. Bạn đã dính mắc vào chính mình, vào cái tên của mình. Mọi thứ bạn làm, chỉ là tạo ra một mạng lưới tự ràng buộc mình.

– Khi xây dựng được Thương hiệu, thương hiệu đó cũng bán cái gì cũng được, vì Thương hiệu đã cho khách hàng niềm tin. Họ có biết Ông chủ là ai không? Chắc chỉ biết họ là người thu được nhiều tiền từ nó. Họ có biết người làm là ai không? Họ chỉ biết đó là những người cống hiến cho sản phẩm, công ty bằng cả bàn tay và khối óc.

>>> Nếu câu trả lời là đúng vậy. Xin

chúc mừng. Bạn đã tạo ra một sân chơi, cũng không cần là người chơi, và cũng có thể chẳng ai biết bạn là ai.

Ai đó sẽ nói, công ty là sự thể hiện hữu hình tâm của người làm chủ. Đúng vậy. Bạn có thể biến cái vô hình thành hữu hình thì mới là đẳng cấp. Đừng xây dựng Nhân hiệu theo lối tô vẽ sự “đẹp đẽ” cho bản ngã, hay cần mọi người yêu quý, để từ yêu quý biến họ thành khách hàng của mình.

Là người học pháp của Phật, hãy học cách xây dựng sân chơi nhưng vẫn đứng ngoài cuộc chơi một cách điềm nhiên.