Khởi nghiệp

Chị bảo: Cho tiền người ta cũng tiêu hết thậm chí không biết tiêu; cho việc thì cũng không biết làm hoặc làm không thành. Tất cả chỉ tại nghiệp em ạ. Nếu không giúp họ thanh tẩy bớt nghiệp đi thì có cho tiền, cho việc nó cũng không đâu vào đâu cả. Nên tốt nhất hướng cho họ tu tập.

Vâng. Thực ra Bí mật của sự giàu có chính là sự tu tập, tu nhân tích đức, làm phước làm thiện, biết cho đi, give again… Nói ra thì bảo là làm nó với tâm mong cầu. Nhưng chị, hay nhiều phật tử tôi gặp, đã quá nhiều tiền trong kiếp sống này, phước quá khứ của họ quá nhiều. Nhưng họ không kiểu vung tay bố thí, cúng dường sự thừa thãi tiền bạc của mình mà dành toàn tâm toàn ý, toàn sức lực chia sẻ lối sống lành sạch, ấn tống Kinh sách, gieo duyên các khóa tu tùy theo căn cơ mà chia theo tông phái hay thời gian ngắn dài.

Chị khiến tôi ngưỡng mộ và nể phục lắm ý. Nhưng câu chị nhắc tôi nhiều nhất không phải cùng chị làm cái này cái kia đi, mà chị nhắc tôi nhiều nhất: đời này mình sống để tu, các việc khác đều theo duyên nghiệp. Chị chỉ giúp mọi người trong khả năng thôi, chứ thời gian vẫn là dành công phu hành trì.

Vậy đấy…

Tết nhất, khách hàng hay đơn hàng thậm chí Lễ hội, vẫn cứ kệ đã. Mình cứ đi thỉnh và xin được ít Kinh sách cho anh chị em có duyên với Theravada đã. Vẫn tiếp tục thỉnh và xin tiếp cho thư viện sách Phật giáo tại Chay Tâm An Lạc 426 Hoàng Hoa Thám.

Đi tìm

Có phải là đi tìm hương vị trong trà?

Xuất phát từ câu chuyện nho nhỏ của một bạn nho nhỏ, có tâm sự cùng tôi:

– Chị ạ, em nghĩ tuổi trẻ đam mê, thì nên thử nhiều loại trà, các tầng trà để biết hương vị của chúng. Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều thứ chúng ta nên khám phá ạ.

….

Vài lời tâm sự lại cùng em:

Đến một ngày, em sẽ hiểu được, đi đâu cũng giống nhau, món ăn nào cũng thế, ngụm trà nào cũng vậy…

Thấy đủ trong tâm mình người ta sẽ không còn tìm kiếm cái gì bên ngoài nữa.

Cũng như biết cuộc đời chúng ta cần tìm là cái gì thì chúng ta sẽ không tìm kiếm khắp nơi nữa.

Nếu em đã xem mô phỏng trái đất bé ti ti giữa hệ mặt trời, dải ngân hà, dải thiên hà, vô vàn dải… trái đất chỉ như 1 hạt bụi thôi – mà Đức Phật gọi là tam thiên đại thiên thế giới – vậy, chúng ta sẽ dành bao nhiêu năm, bao nhiêu kiếp người để khám phá hết đây? Hay ngay kiếp này, em có bị sự cố khi cố thử một ly trà độc mà rồi lại tiếc nuối bỏ lỡ rất nhiều ly trà khác?…

Chúng ta xuống thế giới này, cõi không gian này, vì sự tò mò, vì tham ái (yêu thích) và vô minh (nghĩ mọi thứ khác nhau) nên mới hào hứng… Sau này ai trải nghiệm thực chứng được nó cũng chỉ là dukkha, vô thường, vô ngã… thì sẽ chẳng có gì thấy thú vị nữa… sẽ quay về tìm cái cần tìm để ra ngoài tam giới là thế. Chứ không phải tìm cảnh đẹp, không phải tìm 1 công thức khoa học, không phải tìm 1 món ngon, hay 1 tách trà thơm…

Giờ, vẫn 1 phẩm trà đó, hôm em khỏe em uống thế nào, hôm em thấy mỏi người em uống thế nào? Uống đông bạn em thấy thế nào, uống một mình em thấy thế nào? Uống trời nắng, uống trời mưa?…

Chỉ một phẩm trà thôi, đã cho ta muôn vàn vị sau mỗi cách thử rồi vậy đi tìm hương vị trong trà có ý nghĩ gì không?

P.S: Đi tìm cái gì sẽ xuất phát khi em đặt câu hỏi. Và câu trả lời nó sẽ đến.

Những điều giá như

Những ngày gần đây, mỗi ngày những lời ca thán lời trách móc, những điều giá như, nếu thì… đang được nói ra, vang lên rất nhiều…

10 năm trước, kinh tế cũng suy thoái kiểu như năm nay, dù là trong bối cảnh khác nhưng nó vẫn là những câu chuyện cũ.

10 năm trước, tôi vật lộn với ý chí phải kiếm tiền bằng được, không bằng mọi giá nhưng bằng mọi nỗ lực và cố gắng nhất có thể. Tiền không thể mua được hạnh phúc nhưng có thể mua được sự thoải mái để mình cảm thấy hạnh phúc – đó là những điều tôi đã nghĩ và đã gân cổ lên cãi cho bằng được, dù là người quan trọng nhất bên cạnh tôi lúc đó có nói tôi thế nào đi nữa tôi vẫn cho rằng mình có thể làm được, sẽ làm được, sẽ được, sẽ ổn.

Tôi đã luôn cho rằng, cuộc đời rất nhiều con đường để đi, và chúng ta hoàn toàn có thể chọn con đường tốt nhất đối với bản thân mình, và thực tế tôi cũng luôn chọn lựa và cho rằng đó là con đường tốt nhất, thoải mái nhất mình có thể đi.

Tôi đã chọn một công việc kinh doanh nhưng phương cách làm trên internet – mưa không đến mặt, nắng không đến đầu. Có công việc, có khách hàng, có tiền, có bận rộn và có cả thành công. Tôi đã luôn tự hào về con đường mình đi. Tôi bỏ ngoài tai cả ai đó đã nói với tôi: đó chưa phải là con đường cuối cùng (ý là đưa tới sự hạnh phúc thực sự). Nhưng tôi vẫn cho rằng là đúng: tôi có tiền, tôi có sự tiện nghi và thoải mái, tôi có tiếng tăm, có thời gian tu tập, tốt đời và đẹp đạo…

Sau 5 năm cho mọi cố gắng, dần cái gì đến sẽ đến: Tôi gặp những khách hàng lớn âm thầm đưa tôi vào bẫy của lừa đảo, để tôi làm mà k có tiền; ký những hợp đồng tạm ứng ít rồi không thanh toán được… Tôi đã từng nghĩ mình giỏi hết các nghiệp vụ với 6 trí thông minh bằng nhau: quản trị, marketing, tư duy logic, content, thậm chí chốt bán đơn khó… nhưng rồi tôi đã nhận ra mình cô độc.

Đồng nghĩa lúc đó, một đứa đã từng nằm trong đội tuyển bóng đá bao nhiêu năm, sức chạy nhanh và bền như thế thì cũng đến lúc sụp (sức khỏe sẽ k sụp trong ngày 1 ngày 2)… Tôi đã từng trách người đồng hành với tôi sao để tôi cố gắng một mình, để tôi phải tự bon chen và bươn chải. Trong lúc có thể nói là bĩ cực và tủi hổ như vậy tôi đã lựa chọn buông tất cả.

Đó là câu chuyện cũ, và tôi đã cất lại…

Ngày hôm nay, xem những người nào đó trách người nào đó sao không biết buông xuống đi, sao k chịu quay về với bên trong, đừng tham vọng những phù du bên ngoài kia nữa, hãy lựa chọn con đường giải thoát để đi … tôi lại thấy hình ảnh của tôi và người đã từng khuyên tôi tất cả những điều trên ở ngày tháng đó.

Có thể lời khuyên đến vì sự lo lắng cho bạn, quan tâm tới bạn, nhưng khi bạn chưa đủ nếm trải để bạn có thể tự thấy ra thì mọi lời khuyên đều sẽ bị xếp xó, cho rằng thừa thãi, thậm chí còn gây phiền não, và đưa đến sự cãi vã, đi xa hơn có thể thù ghét và mất đi một mối quan hệ.

Nên

– với người đi khuyên hãy cứ lắng nghe mình trước đã, lời khuyên nào thì cũng xuất phát từ động cơ cho rằng điều đó tốt nhưng có thể chưa hợp thời điểm, ai rồi cũng sẽ phải trải qua những gì họ cần trải qua

– với người nhận lời khuyên hãy thử lắng lại xem, mình có thực sự ổn, và phương án mình đang chọn đó có thực sự ổn không, có thể đi đường dài được không, hãy đặt câu hỏi để có câu trả lời, và khi người học trò xuất hiện thì mới có người thầy

Và cả tôi, viết bài nãy cũng là một ngày hôm nay, sau khi tôi trót là người đi khuyên, sau đó tôi nhận ra toàn bộ bức tranh của mình đã từng trải qua và sẽ vướng phải nếu còn cố chấp như vậy.

🌺Ngoài lề, bao nhiêu năm trước chắc chẳng ai nghĩ

– mùa đông mà trời nắng xanh đến vậy

– hoa có thể mọc và nở tít trên cao chẳng cần phải trồng xuống đất

Dù mọi thứ có khác lạ, nhưng điều quan trọng là cái chân thiện mỹ nó vẫn có đó và dần ngày càng rõ ràng hơn nếu chúng ta chịu nhìn lại.

Định vị thương hiệu

“Định vị Thương hiệu”

Định – xác định, định nghĩa, kiên định, yên định, có định lực

Vị – giá trị văn hóa, giá trị cốt lõi

Bạn có dám giữ vững và kiên trì với các “vị” mình đã xác định ngay từ đầu khi xác định không?

Đừng đổ lỗi cho cơm áo gạo tiền khiến bạn tặc lưỡi. Chỉ là bạn không dám đối diện với các khó khăn và thử thách sẽ đến khi bạn bước đi trên con đường đúng đắn mà bạn đã chọn.

Những giá trị của bản thân, của sản phẩm, của doanh nghiệp bạn không giữ vững được thì sao có thứ gọi là Thương hiệu (dù là thương hiệu cá nhân hay thương hiệu doanh nghiệp).

Hãy ngừng đổ lỗi, lo sợ và nhảy tưng tưng từ vị này sang vị kia bạn sẽ khám phá được thành quả của “vị” đem lại.

Dù là với bất cứ việc gì đi nữa: không có kiên trì, kiên định không thể tới đích.

P.s: Vô Tứ trà được xây dựng từ những thành viên đã xác định được giá trị thương hiệu cá nhân và sản phẩm của Vô Tứ trà vẫn đang từng ngày khẳng định sự vững chắc của sản phẩm có “định vị”.

Bạn đã tham thế nào?

“Kết quả của kinh doanh không phải là bạn kiếm được bao nhiêu tiền, mà là bạn nhận ra mình đã tham như thế nào.”

Đây là câu nói của một người anh khi hai anh em chúng tôi cùng trao đổi vấn đề của người có học đạo ra làm kinh doanh. Chúng tôi không là tu sĩ, nên để cung cấp nhu cầu sống thì vẫn là làm kinh doanh để có tiền sinh sống. Nhưng mặt khác, qua kinh doanh mỗi chúng tôi cũng cần học các bài học từ thực tế này đem lại.

Từng bước cùng nhìn lại lòng tham của mỗi chúng ta đã đang đi tới đâu:

– Khi bạn nhìn thấy người khác kinh doanh một mặt hàng tốt, bạn nghĩ là sẽ tốt và bạn cũng muốn bắt tay vào làm – nhưng mỗi người một sở trường, sở đoản, một lợi thế phía sau – bạn có tố chất gì, có nguồn lực gì để có thể làm tốt và làm tốt hơn vậy? Hãy hiểu mình trước khi để lòng tham lên tiếng.

– Khi bỏ 10 đồng vốn, bạn lãi 2 đồng, nên bạn nghĩ rằng, nếu bạn bỏ 100 đồng vốn, bạn sẽ lãi 20 đồng – nhưng trong kinh doanh có thứ gọi là Hiệu suất đầu tư – bạn đã biết cách tính con số này chưa, hay chỉ là cảm quan và cảm giác? Kinh doanh không thể chỉ lý tính, nhưng cảm tính là xong rồi.

– Bạn nhập 10 mặt hàng, và lượng khách cần đang là 15 thậm chí là 20. Bạn nghĩ tới con số 100, 1000 sản phẩm cho lần nhập mới tiếp theo này. Nhưng cuối cùng, số tồn kho lại quá lớn, hoặc thời gian bán hàng quá lâu. Chỉ vì bạn chưa tính được dung lượng thị trường cho sản phẩm.

– Khách hàng nói: báo giá cho anh số lượng 100 nghìn đơn vị sản phẩm đi, nhưng thực tế, khách mua có 10 đơn vị sp thôi ạ và áp giá đó. Ở đây không nói khách nói dối, mà là bạn đã kỳ vọng ở con số bán sỉ, thay vì nói rõ về giá bán lẻ và bán sỉ cho khách hiểu.

– Hoặc câu chuyện kỳ vọng với khách cũng tương tự: cứ giao hàng đi anh thanh toán, cứ để đó rồi anh thanh toán… bạn đã không làm quy tắc trong kinh doanh, mà lại dựa vào sự kỳ vọng: làm vậy cho khách hàng thấy thoải mái, làm vậy khách hàng sẽ mua lại của mình vì mình dễ tính…

Bên cạnh những cái tham rất thô thiển, và thấy ngay:

– giảm chất lượng sản phẩm để hạ giá thành

– giảm quy cách sản phẩm để cạnh tranh

– thật giả lẫn lộn

Thì có những cái tham vô cùng vi tế, không muốn dùng từ ngu vì từ ngu nó chưa đúng, mà phải nói thật là tham

– không biết nói không – cố gắng ôm đồm thị trường, cố gắng ôm đồm khách hàng – sản phẩm nào cũng bán, và khách hàng nào cũng phục vụ

– tự cho mình đang làm tốt mọi thứ, sản phẩm của mình có thể là cứu cánh hay là giải pháp cho mọi người vậy – kiểu trong tu đạo thì ta có thể độ hết chúng sinh thành Phật.

Còn cầu nguyện là còn bất an

Còn kỳ vọng là còn tham lam

Một nhân tốt, sẽ cho ra một kết quả tốt – chứ không nằm ở việc bạn nghĩ rằng như vậy.

p.s: còn tôi vẫn tham là mình sẽ nhận ra được bao nhiêu cái tham trong mình và nhận ra nó có mặt khi nào

Khéo léo nhận ra lòng tham

Đừng nhẫm lẫn giữa kỳ vọng (sự ẩn nấp của lòng tham) mới là đường dài. Người biết bắc ống nước mới là người đi dài hơn đấy.

Không dám nhận mình là người thành công, nhưng để công việc kinh doanh, hay tiền, hay khách hàng không là sự bận tâm lớn đối với mình thì rất cần tới một thứ gọi là Quy Trình.

Có hai phong cách kiếm tiền:

☘️Khi có sản phẩm trong tay, liên tục làm các chương trình giảm giá, khuyến mại, quà tặng để lôi kéo khách hàng, với tâm ý, cho đi là để trải nghiệm, thả con săn sắt, bắt con cá rô, là để nhiều khách hàng biết tới mình hơn, là để … có cái nhìn dài hạn … bán hàng là biết cho đi.

☘️ Khi có sản phẩm trên tay, nghĩ ngay tới một dòng chảy khách hàng: khách hàng sẽ tiếp cận sản phẩm này thế nào? Khách hàng sẽ ra quyết định mua hàng thế nào? Khách hàng sẽ được phục vụ ra sao? Khách hàng sẽ được chăm sóc sau đó thế nào để quay lại?… Và ra đời một loạt thứ với các khái niệm: marketing, sale, phòng dịch vụ, logistic, kế toán, bảo hành bảo trì, lưu trữ…

Thực ra, đó là 2 cách của 2 người có tư duy khác hẳn nhau, một người là bán bàng, và một người là làm kinh doanh. Có thể đều cho kết quả là sẽ có tiền. Nhưng:

– người làm bán hàng, sẽ bị dính vào công việc, vào sản phẩm, vào người mua, vào các chương trình lôi kéo khách hàng, hay vi tế hơn chính là sự kỳ vọng, lòng tham của mình.

– một người là người kinh doanh, hay là ông/bà chủ, là chủ ở đây là sự chủ động không bị dính mắc nhiều như người bán, và việc họ kinh doanh hay kết quả kinh doanh dựa trên khả năng điều hành và sự tổng hòa của các yếu tố đã nêu (mình đã từng viết, người làm kinh doanh thành công giống như là một nhạc trưởng, tự do và phóng khoáng với bản giao hưởng của mình)

✳️Đọc lại chút câu chuyện về hai người bạn trẻ tên Pablo và Bruno.

Cả hai người cùng nhau có được 1 công việc tốt: mang nước từ con sông gần làng về bể chứa nước dùng chung ở quảng trường trung tâm. Lúc mới bắt đầu, 2 người cùng làm theo một quá trình: lấy thùng – ra sông lấy nước – mang về đổ vào bể chứa.

Bruno vô cùng hài lòng và nghĩ rằng đây là những tháng ngày tươi đẹp nhất. Mỗi ngày xách nước, lĩnh tiền, sau đó tiết kiệm tiền, mua quần áo, mua nhà.

Nhưng Pablo lại không nghĩ như vậy. Pablo bắt đầu nghĩ đến việc đào một đường dẫn nước, dùng ống dẫn nước để mang nước về làng. Thế là Pablo đi xách nước một nửa ngày, nửa ngày còn lại cộng với ngày nghỉ cuối tuần, anh dành để xây dựng đường ống dẫn. Bởi anh chỉ được trả tiền cho những xô nước anh xách được nên ban đầu, thu nhập của anh cũng giảm đi đáng kể.

Sau 2 năm, thu nhập của Bruno nhiều hơn Pablo. Bruno rất đắc ý và còn cười nhạo Pablo.

Đến khi đường ống dẫn nước hoàn thành, nước được mang trực tiếp về thôn, lúc này, Bruno mới ngây ra, bởi chẳng còn ai cần anh làm công việc gánh nước nữa. Còn về phần Pablo, ống dẫn nước đó sau này đã đem lại cho anh một nguồn thu nhập ổn định và đáng kể.

Đi phỏng vấn

Câu chuyện lần phỏng vấn đầu tiên của tôi. Sau một hồi giới thiệu hai bên bla bla đủ các kiểu. Sếp có hỏi:

– Em mới ra trường, chưa có kinh nghiệm, em lấy gì để thuyết phục tôi nhận em?

– Dạ, có hai lý do:

+ Kinh nghiệm có thể tích lũy qua thời gian, nhưng sự thông minh là bẩm sinh

+ Anh có thể tuyển một người có kinh nghiệm 5 năm vào làm cùng em, nhưng sau 1 năm, em chắc chắn khả năng giải quyết vấn đề của em tốt hơn và ngày càng đi xa hơn người đó

Sự thông minh đi kèm với tự tin đôi khi có thể hơi thái quá. Thừa nhận mình như vậy, nhưng cũng phải có lý do để mà như vậy chứ. Sau đó chưa đầy một năm, tôi xin nghỉ với lý do: công ty không đủ sức để tôi vùng vẫy. 😄😄

Nhiều khi thấy, mình đã ở trên nóc rồi, mà có những kiểu thay vì học theo lại ngồi đó chỉ chỏ và bình phẩm. Tri thức hay kinh nghiệm cũng chỉ là sự học mót lại, hay là sự trải nghiệm mang tính cá nhân mà thôi. Có muôn đời, muôn kiếp cũng không ra khỏi bàn tay Như Lai.

Ngẫm: tự tin không phải nguồn gốc của đau khổ vì người tự tin luôn nhìn về phía trước và bỏ ngoài tai những câu chuyện một là không liên quan đến mình, hai nếu là có thì không đáng để bận tâm. Chỉ có những người ganh tị, ganh ghét thì muôn đời thấy người khác như một tấm bia để mà tìm cách bắn phá, hay đạp đổ. Nhưng tiếc rằng, bia thì cứ đi đằng trước với khoảng trời thênh thang, còn người nhìn bia thì mãi chỉ thấy bia mà thôi.

Nói không với khách hàng

Trong kinh doanh không phải cố làm thỏa mãn mọi khách hàng mới là tốt. Có những khi, biết từ chối phục vụ một tệp khách để tập trung phục vụ một tệp khách khác mới là điều nên làm.

Khách gửi cho tấm 3D, yêu cầu làm tiêu âm, mình đưa ra phương án trần thấp thì làm trần và sàn thôi nhưng bảo không chỉ muốn ốp chân, và yêu cầu mình chỉ cần báo giá ốp chân. Mình xin phép từ chối, vì hạng mục đó không được gọi là tiêu âm mà chỉ mang tính trang trí. Vì mỗi sản phẩm mình làm ra, phải đem lại mục đích sử dụng tốt nhất với số tiền khách bỏ ra, không là mình từ chối.

Thói quen nói không, sẽ giúp bạn buông bỏ được rất nhiều thứ và tránh được các phiền não phát sinh không đáng có phát sinh về sau.

Nên với cá nhân mình, thay vì cố gắng làm tốt nhiều thứ, hãy làm tốt nhất những việc gì mình cần làm trong quỹ thời gian, trong năng lực về cả vật lực, tài lực và trí lực. Không làm khổ mình, không làm khổ người; làm lợi mình, làm lợi người – vậy là sống và thực hành theo lời Phật dạy rồi ạ.

Các cấp độ bán hàng và Vô Ngã trong bán hàng

Các cấp độ bán hàng và Vô Ngã trong bán hàng

Làm kinh doanh không thể tu đạo và Vô ngã ư? Cùng phân tích xem bạn đang ở đâu nhé.

1. Bán hàng là có hàng để bán

Tư duy này gặp ở hầu hết ngoài kia. Thấy 1 mặt hàng giá rẻ ở nơi nào đó, nhập kho mua về bày bán. Có thể là tạo cửa hàng mặt đất, gian hàng online, hay bán trên fb, các mạng xã hội… Túm lại là có hàng là đưa ra bán để kiếm một khoản chênh lệch.

Bán hàng kiểu này hoàn toàn dựa trên duy ý chí chủ quan, bán cái mình cho là có lãi, thế là xong. Không mở cửa hàng k có tiền. Không bán k có tiền. Bạn phụ thuộc hoàn toàn vào việc là người bán.

2. Bán hàng dựa trên cảm xúc

Khi có hàng ở kho hàng, cửa hàng, gian hàng. Giờ là làm các chiêu trò cho khách hàng mua

– tặng quà

– khuyến mại

– giảm giá

– đố vui có thưởng

– vòng quay may mắn

Đều đánh vào cảm xúc hay lòng tham của khách hàng. Còn bạn thì sao? Liên tục với các chiêu trò.

3. Bán hàng bằng niềm tin hay là thương hiệu cá nhân, hay là trở thành chuyên gia

Tên nào cũng được. Nhưng lúc này, bạn đã trở thành chuyên gia trong thị trường, bạn tạo được niềm tin vững chắc cho khách hàng. Cần mặt hàng đó là phải hỏi bạn, đòi bạn tư vấn, cần gặp bạn để bạn chỉ cho… Cấp độ này vô cùng tốt rồi, dù bạn có không bán hàng nhưng người ta vẫn đòi mua của bạn, không ai thay thế được bạn và bạn bị công việc giữ mình.

4. Bán hàng theo team hay xây dựng doanh nghiệp

Không phải bán theo team theo kiểu mọi người cùng bán giống nhau, lập thành team đi đánh phủ thị trường. Mà trong team mỗi người một thế mạnh.

– người ở khâu tiếp cận khách hàng (mkt)

– người ở khâu đàm phán (sales)

– người ở khâu thủ tục, giấy tờ (kế toán)

– người ở khâu bảo hành… (cskh)

– người ở khâu dắt xe cho khách cũng có

Cấp độ này, cái ngã của bạn giảm đi rất nhiều vì bạn cần hòa hợp với cả tập thể. Mỗi người một thế mạnh, và tôn trọng thế mạnh của nhau. Không đem cái tôi của mình ra áp chung cho cả nhóm.

5. Thoát khỏi bán hàng, xây dựng cỗ máy bán hàng

Cấp độ này có người hiểu là: nhân bản được con người bạn hay là đào tạo kế cận. Nhưng không, đó là bành trướng bản ngã, ai rồi cũng có hướng đi riêng. Mà ở đây phải là xây dựng một cỗ máy bán hàng, bao gồm các quy trình từ quản trị, mkt, sales, cskh, bảo hành, sản xuất, kho vận, xử lý khiếu nại…

Ở cấp độ này, người bán đứng ngoài cuộc chơi và nhìn tổng thể cả một quá trình bán hàng. Người đó k bị phụ thuộc vào bất kỳ khâu nào của bán hàng. Thậm chí, người ta chỉ biết tới công ty và sản phẩm mà không biết tới giám đốc là ai. Nó không đồng nghĩa với việc xây dựng thương hiệu công ty hay sản phẩm. Dù rằng nó sẽ có bước này. Nhưng ngay từ đầu, kể cả bạn chưa có thương hiệu thì bạn đã cần xây dựng cỗ máy rồi. Đây là việc người bán có sẵn sàng đứng ngoài cuộc chơi, hay có khả năng nhìn thấu cả một chuỗi bán hàng mà làm nó thành cỗ máy hay không. Mỗi một đầu nút quy trình lúc này thay bằng một nhân sự, thậm chí robot…

Trong bán hàng bạn đang ở cấp độ nào?

Trong thực hành đạo, bạn có sẵn sàng hay có tìm cách (dùng trí tuệ) để có thể đứng ngoài cuộc chơi của đồng tiền mà vẫn có tiền không?

Kinh doanh thực tế

Dạo này ít thơ thẩn, không mây gió nữa. Đơn giản vì đã thấy ra khi làm kinh doanh:

– chúng ta tập trung vào sản phẩm thì sẽ có sản phẩm tốt

– tập trung vào giới thiệu sản phẩm tốt tới khách hàng để khách hàng có sản phẩm tốt dùng

– tập trung cải tiến quy trình làm việc để mọi người có điều kiện làm việc tốt, smart, không bị áp lực, không bị rối

– tập trung vào giảm thiểu chi phí để có lợi nhuận tốt, mà nhân sự có lương cao hơn, và có tiền tái đầu tư vào sản phẩm…

Cứ một vòng như vậy.

Tiền chưa bao giờ là xấu, chỉ là người sử dụng đồng tiền với mục đích gì, sử dụng nó như thế nào. Nếu chỉ tập trung vào cá nhân, thì sẽ không tạo ra được những điều như trên, dù rằng, mình không làm thì sẽ nhiều người khác làm tốt hơn, nhưng nhiều thứ mình muốn giữ hay phát triển sẽ không làm được. Một đất nước giàu mạnh sẽ có sức để phát triển người tài, gìn giữ văn hóa, di sản quốc gia, thay vì bán chất xám, trong nhà có gì hay đem bán hết.

Sở thích là nhất thời và có tính cá nhân, ngắn hạn. Tu tập là thấy ra Khổ đế và Duyên khởi, chứ không phải chỉ ngồi thiền, hay lắng nghe chính mình. Nếu thực sự lắng nghe mình, mình sẽ biết xung quanh cần gì và hòa hợp vào xung quanh. Nếu mình đã có khả năng ảnh hưởng tới các mối quan hệ khác, hãy nghĩ dài ra, rộng hơn để có thể làm được nhiều điều hơn mà hoàn toàn vẫn trong tầm khả năng của mình.

Kinh doanh không phải là thực dựng, nhưng người làm kinh doanh cần thực tế.

“Minh sát” ngoài quán sát thì cần có minh, chứ không phải quán sát suông.