Day 6: dùng bàn tay xúc chạm yêu thương ngay cả các vật vô tri vô giác

Day 6: dùng bàn tay xúc chạm yêu thương ngay cả các vật vô tri vô giác

Chắc mình phải đổi lại 24 tuần nhìn lại mình quá, vì mỗi tuần viết được 1 bài. Nhưng cũng đúng là 1 chủ đề, mình đọc và thực tập suốt một tuần, cộng với tập hợp nhiều trải nghiệm để có thể chia sẻ lại về nó.

Tuần này đến với việc dùng bàn tay xúc chạm yêu thương cả các vật vô tri vô giác.

Đầu tiên thì, khi chạm biết là chạm đã khó rồi. Đầu óc chúng ta hay miên man với ngàn suy nghĩ không tên, chạm vào một cái gì đó có biết là mình chạm đâu. Hoặc nếu có chạm thì sẽ có thái độ hay định nghĩa với chúng: mềm mịn này, bầy nhầy này, ghê ghê này… Nên trước hết chạm cái gì, biết cái đó đã, không phán xét thêm điều gì. Không phải là không biết tới cảm giác xúc chạm của tay và đối tượng, mà biết vậy, biết thế.

Chúng ta làm việc văn phòng nhiều hơn, không phải các công việc chân tay nên hơi khó. Nhưng ngay cả khi chúng ta gõ ngón trên điện thoại hay trên laptop, chúng ta có thể cảm giác được các nút chạm. Từng nút chạm, ta cảm nhận được, đã khác hẳn với việc, ta cứ viết, cứ còm, cứ like, cứ bấm cho thỏa cái tâm trí đang cất lời rồi.

Tiếp theo, rửa bát, lau nhà, là cơ hội chúng ta thực hành bài tập của Day 6 này.

Với việc rửa bát, bạn đã bao giờ biết mình rửa trong hay rửa ngoài, rửa xoay trái hay xoay phải cái bát, cái đĩa chưa? Hay cầm lấy cái bát cái đĩa là ngoáy ngoáy rồi đưa dưới vòi nước xào xào… Cũng không biết phần chôn bát, chôn đĩa còn bám mỡ hay không? Đặt vào chạn up hay rổ up có theo thứ tự bát đĩa hay cứ up cho xong? Tương tự với nhau nhà và đồ đạc. Bạn thử quan sát việc lần này mình lau có khác không?

Khi mới đọc câu: xúc chạm yêu thương – mình đúng là có hơi bị tâm trí xen vào, sao lại là yêu thương, quán tưởng mình yêu nó à, quán tưởng kết nối giá trị tâm linh giữa người và vật à… Bài tập kiểu này có nhiều vị thiền sư đã hướng dẫn: nhìn một vật thấy tam thiên đại thiên thế giới trong đó, rồi nhìn một vật là kết nối tâm linh hay dòng chảy bên trong mình với vật. Nhưng cả hai cách thực hành này đều không phải chủ đề của chuỗi bài tập này. Chuỗi bài tập này đang muốn nói về việc: bây giờ và tại đây bạn biết việc mình đang làm.

Sau khi thực hành cả tuần trời, mình mới hiểu: xúc chạm yêu thương chính là việc mình chạm tay vào cái gì thì đặt tâm ý ở đó. Khi thực hành được tương đối việc xúc chạm đồ vật mà không có tiếng nói trong đầu, thì chúng ta đã rõ biết chúng ta đang làm gì ở từng động tác. Vì biết rõ từng động tác mà chúng ta khéo léo và cẩn thận khi xúc chạm, khi cử động tay. Nó giống như một cảnh báo đã được dán ngoài vỏ hộp: cẩn thận dễ vỡ vậy. Và khi việc gì tới chúng ta cũng cẩn thận với đôi bàn tay xúc chạm yêu thương thì việc đó được hoàn thiện một cách đẹp đẽ vậy.

Sự cẩn thận không có nghĩa là chậm chạp, hay làm từ từ. Mà vì mỗi hành động, không miên man suy nghĩ đâu đâu, tâm ý đặt ở đó thì không chỉ bạn quan sát được rõ ràng, hành động được cẩn thận, mà còn làm nhanh hơn rất nhiều.

Giờ mình k từ chối việc mọi người khen mình khéo tay đâu. 😆😆 Vì mỗi lần vậy, mình sẽ có cơ hội nói về việc hãy đặt tâm ý yêu thương vào mỗi xúc chạm.

P.s: buồn buồn rảnh rảnh, ngồi lôi giấy ra gấp hạc đi, cắt cái ô vuông 2x2cm thôi nhé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*
*
Website