Phật dạy: Không làm hại mình, không làm hại người
Thế mà cứ để nhau phải xoắn não, cứ mặt cau mày có. Đúng thì đã sao? Sai thì đã sao? Ngon thì đã sao? Dở thì đã sao? Khôn thì đã sao? Ngu thì đã sao?
Hiểu biết vài thứ, hay nhiều thứ, kể cả hiểu biết về cái gọi là Sự Thật cũng có làm bạn tốt hơn, đẹp hơn, an lạc hơn, vui vẻ hơn? Hay chỉ làm bạn cho rằng mình đúng đắn hơn, biết hơn, chuẩn hơn, có trí hơn?
Để làm gì khi mãi phải tranh nhau hơn thua?
Để làm gì khi mãi phải cho rằng cái này phải là thế này, cái kia phải là thế kia?
Để làm gì khi bạn hả hê còn người khác thì cúi mặt lầm lũi bước đi?
Cái gì tới sẽ tới, cái gì đến sẽ đến.
Hay là chặt nó xuống rồi đóng cọc cho nó chín nhanh 😆, cơ mà chưa kịp chín nhựa đã ra tay.
Chứng minh cái mình đúng, hiểu biết của mình là đúng, có chăng là hãy cho người ta thấy được bước đi nào là dẫn tới thành Rome, bước đi nào là dẫn tới chân Hymalaya. Ví dụ như: để đồ đạc không gọn gàng, mai lại tìm loạn lên chẳng hạn. Làm sao phải có gì cao xa, xa vời tận đẩu đâu.
Tâm an lành, trí tuệ mới nở hoa. Còn không, cái bạn biết cũng chỉ là đám bong bóng xà phòng, cũng chỉ để làm màu mà thôi.
Đạo
Đạo
Day 6: dùng bàn tay xúc chạm yêu thương ngay cả các vật vô tri vô giác
Day 6: dùng bàn tay xúc chạm yêu thương ngay cả các vật vô tri vô giác
Chắc mình phải đổi lại 24 tuần nhìn lại mình quá, vì mỗi tuần viết được 1 bài. Nhưng cũng đúng là 1 chủ đề, mình đọc và thực tập suốt một tuần, cộng với tập hợp nhiều trải nghiệm để có thể chia sẻ lại về nó.
Tuần này đến với việc dùng bàn tay xúc chạm yêu thương cả các vật vô tri vô giác.
Đầu tiên thì, khi chạm biết là chạm đã khó rồi. Đầu óc chúng ta hay miên man với ngàn suy nghĩ không tên, chạm vào một cái gì đó có biết là mình chạm đâu. Hoặc nếu có chạm thì sẽ có thái độ hay định nghĩa với chúng: mềm mịn này, bầy nhầy này, ghê ghê này… Nên trước hết chạm cái gì, biết cái đó đã, không phán xét thêm điều gì. Không phải là không biết tới cảm giác xúc chạm của tay và đối tượng, mà biết vậy, biết thế.
Chúng ta làm việc văn phòng nhiều hơn, không phải các công việc chân tay nên hơi khó. Nhưng ngay cả khi chúng ta gõ ngón trên điện thoại hay trên laptop, chúng ta có thể cảm giác được các nút chạm. Từng nút chạm, ta cảm nhận được, đã khác hẳn với việc, ta cứ viết, cứ còm, cứ like, cứ bấm cho thỏa cái tâm trí đang cất lời rồi.
Tiếp theo, rửa bát, lau nhà, là cơ hội chúng ta thực hành bài tập của Day 6 này.
Với việc rửa bát, bạn đã bao giờ biết mình rửa trong hay rửa ngoài, rửa xoay trái hay xoay phải cái bát, cái đĩa chưa? Hay cầm lấy cái bát cái đĩa là ngoáy ngoáy rồi đưa dưới vòi nước xào xào… Cũng không biết phần chôn bát, chôn đĩa còn bám mỡ hay không? Đặt vào chạn up hay rổ up có theo thứ tự bát đĩa hay cứ up cho xong? Tương tự với nhau nhà và đồ đạc. Bạn thử quan sát việc lần này mình lau có khác không?
Khi mới đọc câu: xúc chạm yêu thương – mình đúng là có hơi bị tâm trí xen vào, sao lại là yêu thương, quán tưởng mình yêu nó à, quán tưởng kết nối giá trị tâm linh giữa người và vật à… Bài tập kiểu này có nhiều vị thiền sư đã hướng dẫn: nhìn một vật thấy tam thiên đại thiên thế giới trong đó, rồi nhìn một vật là kết nối tâm linh hay dòng chảy bên trong mình với vật. Nhưng cả hai cách thực hành này đều không phải chủ đề của chuỗi bài tập này. Chuỗi bài tập này đang muốn nói về việc: bây giờ và tại đây bạn biết việc mình đang làm.
Sau khi thực hành cả tuần trời, mình mới hiểu: xúc chạm yêu thương chính là việc mình chạm tay vào cái gì thì đặt tâm ý ở đó. Khi thực hành được tương đối việc xúc chạm đồ vật mà không có tiếng nói trong đầu, thì chúng ta đã rõ biết chúng ta đang làm gì ở từng động tác. Vì biết rõ từng động tác mà chúng ta khéo léo và cẩn thận khi xúc chạm, khi cử động tay. Nó giống như một cảnh báo đã được dán ngoài vỏ hộp: cẩn thận dễ vỡ vậy. Và khi việc gì tới chúng ta cũng cẩn thận với đôi bàn tay xúc chạm yêu thương thì việc đó được hoàn thiện một cách đẹp đẽ vậy.
Sự cẩn thận không có nghĩa là chậm chạp, hay làm từ từ. Mà vì mỗi hành động, không miên man suy nghĩ đâu đâu, tâm ý đặt ở đó thì không chỉ bạn quan sát được rõ ràng, hành động được cẩn thận, mà còn làm nhanh hơn rất nhiều.
Giờ mình k từ chối việc mọi người khen mình khéo tay đâu. Vì mỗi lần vậy, mình sẽ có cơ hội nói về việc hãy đặt tâm ý yêu thương vào mỗi xúc chạm.
P.s: buồn buồn rảnh rảnh, ngồi lôi giấy ra gấp hạc đi, cắt cái ô vuông 2x2cm thôi nhé.
Lắng nghe các âm thanh
24_ngày_nhìn_lại_mình
Day 7: Hãy dừng lại và lắng nghe các âm thanh đang xung quanh bạn
Cuối tuần, lại bị ở nhà lâu vì dịch dã, hẳn là chúng ta đang mơ mộng được đi đâu đó, tới nơi nào đó để nghe: tiếng sóng vỗ rì rào, tiếng gió lùa rừng cây xào xạc, tiếng chim hót líu lo, tiếng suối chảy róc rách… và cho rằng đó là một cảm giác thật yên bình.
Nhưng chúng ta hãy dừng lại ngay ở đây, bây giờ, kể cả bạn đang đọc tới đây, dừng lại và lắng nghe những âm thanh đang xuất hiện ở chung quanh một chút nhé.
Như mình đang nghe thấy: tiếng một chiếc mô tô đua, tiếng gõ bóc bóc của nhà bên, tiếng xè xè của chiếc xe honda, tiếng ù ù của container, tiếng còi bip bíp của 1 xe nào đó, tiếng gà gáy ở xa xa, tiếng lích chích của mấy chú chim sâu,.. vừa có ai đó cười rất sảng khoái…
Còn bạn?
Chúng ta có một bộ quy định: tiếng búa, tiếng xẻ, tiếng máy… là khó chịu, tiếng suối, tiếng nước, tiếng gió là dễ chịu. Vì mình có 10 năm làm trong lĩnh vực cách âm, tiêu âm, nên mình chỉ thấy rằng, âm thanh nào vượt quá ngưỡng của rung động màng tai tầm từ 70dB trở lên thì mới gây ra khó chịu, vì đó là cơ chế báo hiệu tai có thể bị tổn thương, ảnh hưởng tới sức khỏe, thần kinh. Chính vì vậy mà cách âm, tiêu âm mới quan trọng đến vậy.
Về cơ chế duyên khởi, thì âm thanh là một duyên khởi cho các loại cảm giác phát sinh của nội tâm. Nghe chuông điện thoại, người đang có người yêu ở xa – vui lắm, người đang bị đòi nợ – thất kinh lắm, người đang đợi tin từ người thân – hồi hộp lắm… Vì vậy mà chúng ta mới ước được nghe tiếng sóng biển, tiếng gió, tiếng suối vì chúng ta đang mặc định ở đó chúng ta không phải làm gì, không phải lo nghĩ gì. Còn nếu không bạn thử ở một mình trên bãi biển đêm, hay 1 mình trong rừng mà xem, các âm thanh này còn khiến bạn thư giãn nữa không?
Ví dụ như âm nhạc là một chuỗi các kí tự âm sắc. Từ khởi thủy, đã đi vào trong não bộ, thiết kế lên những bộ nhận diện: giai điệu này là vui, giai điệu này là buồn, giai điệu này nhảy nhót, giai điệu kia trầm lắng… Người làm nhạc, là người có thể nhận biết được rung động nội tâm nơi mỗi kí tự âm thanh chạm vào tế bào thần kinh của chúng ta. Nhưng với người vô tư, vô ưu, thì âm nhạc có thế nào cũng chỉ đơn giản là những âm sắc, không hơn không kém, không tác động được. Nghe bài hát nào cũng thế.
Giờ quay trở lại với việc chúng ta lắng nghe các âm thanh đang xuất hiện. Chúng ta thử nghe lại một lần nữa xem nào? Chỉ nghe và nhận biết chúng xuất hiện. Bạn có phát sinh thêm tâm trạng nào nữa không? Không có vui, không có buồn, không có ưu thích, không có chán ghét chúng phải không?
Vậy bạn có thể thả lỏng, thư giãn và lắng nghe tiếp, từ gần đến xa rồi lại từ xa đến gần, nhận biết đủ sự có mặt của chúng, thấy chúng, biết chúng và không gì thêm nữa cả. Trải nghiệm về điều này thế nào bạn có thể chia sẻ nhé.
Còn mình khi thực tập điều này quen, đã không còn thấy không chán ghét đô thị nữa, cũng không thấy vui thích hay ước mong về đồng quê nữa. Và ở đâu cũng là nhà vậy.
Chúc các bạn cuối tuần an lành và yên vui.
💚💚💚
Ăn để làm gì
Có người nói mình, có tiền vậy rồi còn nhặt nhạnh từng mớ rau quả cà làm gì, làm cái gì mà hướng đến pháp để tu đạo ấy.
Mình cũng không biết trả lời sao cho bạn hiểu. Các pháp vốn là bình đẳng và không phân biệt. Mỗi người có những lựa chọn sử dụng phương tiện tùy theo sức của mình, khả năng, trình độ của mình, hay là theo duyên của mình vậy.
Mình lựa chọn ăn uống, vì nó thiết thực, gần gũi, nó cũng là chỗ mà mỗi cá nhân biểu hiện đầy đủ “tham sân si” nhất. Từ sơ sinh, con người đã biết đòi ăn vì sự sinh tồn, vì cảm giác đói đã xuất hiện để yêu cầu đòi thức ăn nuôi mạng, nuôi thân. Có đồ ăn ngon thì thích – tham, đồ ăn không ngon thì chê – sân, mỗi bữa lại phải ăn uống khác nhau, lâu lâu phải đi nhà hàng – si.
Ngồi trước bàn ăn hương thơm nức mũi, bụng đói cồn cào, mấy ai đủ tịnh tâm để tỏ lòng thành kính với người đã làm ra các vật thực này, nấu nướng này… chưa nói tới là việc luyện tập chánh niệm khi ăn, để mà cảm nhận đầy đủ hương vị của thức ăn thay vì so sánh đầu bếp nọ với đầu bếp kia, vùng nọ vùng kia… ăn bữa nay, tính bữa mai nữa…
Trên bàn ăn, qua câu chuyện ăn uống, quá nhiều pháp được thực hành, quá nhiều tâm được nhận ra, quá nhiều tâm bất thiện cần được nhổ bỏ. Vô Tứ chỉ mong muốn nho nhỏ vậy, đồ ăn được mang tới cho các bạn đơn giản, không cầu kì, nhưng sạch sẽ từ nguồn gốc, không dùng các chất hóa học tạo hương vị, cảm giác ngon miệng… Và bên cạnh đó là các câu chuyện cũng nho nhỏ, cùng thực hành chánh niệm trong mỗi miếng ăn.
Ăn để khỏe.
Ăn để an.
Hãy chú ý đến mùi vị thức ăn
24_ngày_nhìn_lại_mình
Day 4: khi ăn hãy chú ý đến mùi vị thức ăn trong miệng bạn
Bạn đã thử trải nghiệm ngày thứ 3 – ngắm nhìn bàn tay mình như của ai đó khác – như thế nào? Mới đầu thật khó để có thể thấy bàn tay mình, rõ ràng là của mình mà lại như thể là của ai đó khác. Nhưng cứ kệ mọi thứ xung quanh, việc của bạn là ngắm nhìn, và cứ ngắm nhìn nó, rồi bạn sẽ có trải nghiệm. Hãy ghi lại trải nghiệm đó và xem lần tới nó sẽ khác thế nào.
Ngày 4, mình cùng thử chú ý đến mùi vị thức ăn trong miệng.
Các cụ hay nói “bữa ăn chính là thời gian đoàn tụ của gia đình”. Có lẽ chính vì thế, rất nhiều thói quen đã được hình thành trong bữa ăn:
- nói chuyện của mình
- nói chuyện ai đó
- họp gia đình
- thậm chí quát tháo, xô xát
Có ai đó sẽ nói, có những thói quen xấu, nhưng có những thói quen tốt mà, vì mọi người trò chuyện, được kết nối… Chuyện thói quen, mình tạm gác ở đây và bây giờ mình đề xuất thêm một thói quen mới: - cảm nhận mùi vị thức ăn trong miệng
Nhớ là trong miệng nhé, chứ không phải bằng mắt, rồi suy đoán. Cho một miếng thức ăn vào miệng, khẽ nhai nó, nghe nó bằng vị giác, xúc giác xem nào. Đừng suy đoán nó bằng thị giác, khứu giác hay ý thức tri thức kinh nghiệm. Cứ lắng nghe toàn bộ bằng vị giác và xúc giác nhé.
Hồi còn nhỏ, bạn Bee nhà mình rất lười ăn. Mình đã phải áp dụng một phương pháp tương tự. Nấu cháo lên, vài vị một lần, xúc ra các bát nhỏ, và bảo con nhắm mắt rồi đoán từng lần mẹ bón là gì. Cứ vài lần như thế bạn ấy chỉ mải cảm nhận và đưa kết quả, quên cả việc mình không thích ăn. Mỗi tội là, sau này, mẹ nấu ăn bữa nay khác bữa qua là ý kiến liền.
Trải nghiệm mùi vị thức ăn này tương tự các bài mình đã viết về trải nghiệm uống trà. Tuy nhiên, trà thì khó cảm nhận hơn, vì các loại trà hơi tương tự giống nhau. Nhưng giờ là tập mà, mình sẽ trải nghiệm với đồ ăn trước, cảm giác mệt mỏi, chán ăn như cô gái bên dưới chắc sẽ không còn nữa.
🍀🌻
Thử ngắm nhìn bàn tay mình
24_ngày_nhìn_lại_mình
Day 3: thử ngắm nhìn bàn tay mình như là nó thuộc về ai khác
Ngày thứ 2, bạn đã thử quan sát việc mình nói chưa? Nói nhanh hay nói chậm? Nói cao giọng hay thấp giọng? Có những lúc cũng không biết mình nói những gì ấy nữa nhỉ. Nhưng bài tập đơn giản là bạn đã phát hiện ra mình hay đệm à, ừ, ừm không? Một người bạn của mình, nhờ tự luyện tập bằng cách quan sát giọng nói đã từ bỏ được nói lắp và nói ngọng. Còn mình, trong một video quay lại việc giới thiệu cá nhân với tập thể, thì mình mới biết mình vẫn nói hơi nhanh và hơi nhiều cao độ ấy (hơi là nói giảm hihi).
Ngày hôm nay, sẽ là bài tập mới: thử ngắm nhìn bàn tay mình như là nó thuộc về ai khác
Chúng ta ngày nào cũng soi gương và thầm nghĩ: gương mặt này, mái tóc này, đôi mắt này… xinh đẹp nhỉ, còn cái mũi này, cái miệng này và vài cái mụn nữa này, chưa xinh đẹp lắm. Và những bộ phận đó chính là ta, của ta. Nó không gọn gàng một chút là phải chải chuốt, vài cái mụn mọc trên mặt là phải nặn đi… Cơ mà có bao giờ chúng ta tự hỏi: chúng ta chẳng làm gì được với bọn mụn cả. Chúng thích thì chúng mọc, tới lúc già đi thì mới nặn được. Hay như các cơn đau răng, đau đầu… nó cũng cứ tự dưng đến và ta cứ phải loay hoay thuốc thang với chúng rất là phiền phức và đôi khi là tốn kém.
Cũng vậy, chúng ta cũng đang cho rằng “bàn tay ta làm nên tất cả”. Chúng ta xem chỉ tay, xem vân tay… và coi những điều đó đang là số mệnh của mình. Nhưng đã bao giờ chúng ta thử ngắm nhìn chúng dưới một góc độ khách quan hơn chưa? “Đôi bàn tay này của ai? Nó thật là xa lạ.”
Có vài lần, mình thử ngắm đôi chân của mình. Những lúc ngồi tọa thiền xong bị tê chân, mình cứ ngồi ngắm nó vì nó chẳng nhúc nhích gì được, và mình thấy hình như là nó không thuộc về mình. Sau đó rất nhanh nó hết tê chân. Khác hẳn với việc mình cố nắn bóp cho nhanh hết tê. Và sau này cứ mệt mỏi, mình lại ngồi thừ ra ngắm nhìn thân thể mình vậy.
🤲🤲🤲 ngắm nhé
Thử quan sát lời nói
24_ngày_nhìn_lại_mình
Day 2: thử quan sát lời nói, bắt đầu với nói mà không có đệm ừ, à, ừm
Ngày 1 bạn đã thử như thế nào với việc dùng tay không thuận? Bạn có thể chia sẻ được không? Mình đã thử viết vài từ bằng tay trái như thế này. (ở ảnh)
Vì có thể nói chưa bao giờ mình viết bằng tay trái, nên mình đặt bút viết thật chậm. Nét sổ xuống, nét kéo lên, nét vòng tròn. Trước từng nét mình quan sát cái chủ tâm mình định làm gì và sau đó mình chầm chậm làm theo cái ý định ấy. Và thật là đẹp nhỉ. 🥰🥰
Khoảng khắc mình sử dụng tay không thuận, khoảng khắc mình chú tâm vào từng cử động của ngón tay, khoảng khắc mình theo dõi từng tác ý như một tiếng nói nhỏ trong đầu cho hành động của mình, khoảng khắc đó mình như đang được là chính mình ấy, không có nghĩ ngợi đâu đâu, không có dự định, hay tham cầu…
Và bài tập hôm nay: thử nói mà không có đệm à, ừ, ừm.
Việc loài người có được tiếng nói giao tiếp, có ngôn ngữ khác hẳn những loài động vật khác. Cơ mà đó cũng chính là điểm yếu, vì vậy các cụ đã đúc rút trong câu: lời nói đã nói ra thì không thể lấy lại được. Chúng ta thường nói theo thói quen, nghĩ sao nói vậy, nói cho sướng miệng. Nhất là khi nóng giận.
Ngày thứ nhất, chúng ta thử quan sát tay mình khi hành động. Ngày thứ hai, chúng ta thử quan sát lời nói của mình, bắt đầu bằng việc nhận ra các từ ừ, à, ừm… hay là các từ đệm thừa trong cuộc nói chuyện.
Để thực hành bài này, nếu khó, chắc là bạn phải kiếm một đối tác thực hành cùng. Hãy bật ghi âm, và nhớ dặn đối tác phát hiện ra lỗi ừ, à, ừm của mình hoặc tự bạn có ý thức về điều này, và nghe thử đoạn ghi âm xem.
Ngoài ra, bạn có cách thực hành nào khác, và sẽ thực hành như thế nào khác thì mai mình lại cùng chia sẻ nhé.
Chúc cả nhà một tuần an lành.
🥰🥰
Sử dụng tay không thuận
24_ngày_nhìn_lại_mình
Day 1 – sử dụng tay không thuận
“Đừng để thời gian bên nhau là thói quen”. Chúng ta đã từng được dạy thành công bắt đầu từ những thói quen nhỏ, hay 21 ngày hình thành một thói quen… Nhưng có một điều khi thói quen đã thành lối mòn, thành một thứ mà chúng ta tưởng như là tự nhiên thì chúng ta lại sẽ không để ý tới nó nữa.
Hãy quan sát khi chúng ta mới tập đi xe, chúng ta sẽ rất chú tâm vào việc chân chúng ta phải co, duỗi, đạp xe ra sao; tay chúng ta phải giữ cái ghi đông như thế nào; mắt chúng ta nhìn về phía trước để ý từng ổ gà, ổ chó… Còn khi chúng ta quen rồi? Có khi là thả tay, có khi cho cả chân lên tay lái, và đặc biệt là “thả hồn”. Giờ bạn thử đạp xe đi qua cánh đồng lúa đang thì con gái, qua cánh đồng sen buổi sáng sớm mà xem… hồn bay lơ lửng, vài cảm xúc xuất hiện, có thể là thơ, ca,…
Việc tập sử dụng tay không thuận, chính là cơ hội để chúng ta chú tâm vào các cử động trên thân thể mình, có cơ hội quan sát tâm trí mình đang “ra lệnh” cho khớp ngón tay phải viết chữ O mà nó lại thành chữ Ơ ra sao.
Bạn thử thực hành xem nhé. Và nếu có thể hãy chia sẻ lại trải nghiệm cho mình hoặc ghi lại vào một cuốn sổ nhỏ. Ngày mai mình cũng sẽ kể lại trải nghiệm của việc thực hành này.
Thay đổi thói quen uống trà
“Sướng quen rồi, khổ không chịu được” là để chỉ, khi bản ngã chúng ta được trải qua lạc thọ, được tận hưởng sự thích thú, dễ chịu, thì thật khó để quay lại cảm giác khó chịu trước đó. Sự lạc thọ, thích thú có được là do thói quen, được rèn luyện, hay quan điểm cho rằng để rồi tâm thức ghi nhận nó là phù hợp là thích thú.
Cả trăm năm nay, người Việt uống trà chát như một thói quen, và thích thú trong khẩu vị của mình. Chúng ta sẵn sàng bỏ qua việc chất tanin và cafein có hại trong cái chất chan chát đó không tốt cho hệ thần kinh, hệ bài tiết ra sao, chỉ miễn thấy nó thích thú là được. Cảm giác chát đó sau khi đi qua cổ họng được kết hợp với enzym có sẵn trong khoang miệng thì cho vị ngọt mà người ta gọi là ngọt hậu. Và “khổ trước, sướng sau” như một lập trình vượt khó của mỗi người, như sự tự động viên an ủi mình, hay tự mở ra một tia hy vọng ở thì tương lai. Và cho rằng đó mới là đạo. Nhưng có là đạo chăng khi trong đời thì chối bỏ thực tại – chấp nhận khổ đợi hay hy vọng ngày mai, còn trong trà thì chấp nhận không có lợi để khẳng định triết lý cá nhân của mình?
Một người có đạo, là người biết phiền não hay bình an cũng là hai mặt của một vấn đề. Và người hiểu về trà thì hiểu rằng, chát hay ngọt có trong trà cũng chỉ là một cảm giác do tuyến vị giác ghi nhận khi xúc chạm với đồ ăn, thức uống. Người có đạo, biết dùng phiền não để tu hành, đối diện thực tại và đi qua thực tại, thấy bình an ngay trong sóng gió. Cũng như người uống trà, biết chất chát bất lợi cho sức khỏe, mà dùng cách lên men, khử bớt chất chát, vừa có lợi, vừa không phải đợi qua cổ họng mới thấy ngọt.
Chúng ta có thể giữ mãi một thói quen và một tư tưởng cũng được. Đó là cách chúng ta vẫn đang sống. Nhưng cuộc đời này, vốn được sinh ra để chúng ta trải nghiệm và đi qua, không lưu luyến, hay giữ lại bất cứ một quan điểm, một tư tưởng, một định kiến nào cả.
Khi bạn được trải nghiệm, nhất là với trà, đủ tĩnh tại, đủ sâu lắng để nhận ra sau mỗi trải nghiệm ở từng phút giây mọi thứ đều luôn mới và có nét riêng vậy. Một lần uống trà ở Vô Tứ thì cứ thích uống mãi, hoặc được thưởng thức vị thơm ngon khác lạ qua từng chén trà là như vậy.
Đời hay Đạo?
Người mang danh tu tập rất bị cái kiểu lựa chọn Đời hay Đạo để đi theo?
Đi theo Đời cũng là ảo tưởng.
Đi theo Đạo cũng càng là ảo tưởng vậy.
Đời thì ảo tưởng công danh, lợi lộc, tiền bạc.
Đạo thì ảo tượng đạo quả, tầng thiền, Niết bàn, giải thoát, không khổ đau.
Trong khi chẳng có cái gì được đặt tên là mấy thứ đó cả.
Mang trong túi 100 đồng thì mua được rau và thịt, mang trong túi 10 đồng thì chỉ mua được rau thôi. Đòi cả rau cả thịt, đòi có cái nọ cái kia, chẳng khác bắt cá leo cây.
Mỗi ngày ngồi thiền là ngồi thiền, kinh hành là kinh hành. Làm cái gì là làm cái gì. Chứ làm cái gì không phải là để có cái gì, đạt cái gì.
Bỏ cái nọ lấy cái kia là ngu người rồi. Lại cho rằng ta làm mà k tham sân si, k mục đích thì càng ngu hơn.
Nếu mình chỉ thấy mình trong sáng, thánh thiện, tốt đẹp -> kẹt mẹ nó lại đó. Mình thấy mình bất thiện, như bãi sình, hôi rình thì lại còn biết mà bước qua. 🤣🤣
Cơ mà đời chỉ thích được chưng diện, ca tụng, và ru ngủ.
Ôi thương 🥰🥰🥰