Khoảng trống

Đặt tâm vào tích cực – tích cực làm hứng khởi, hưởng thụ, và có thể muốn ngủ quên trên chiến thắng.

Đặt tâm vào tiêu cực – tiêu cực làm chán nản, mệt mỏi, và có thể muốn đầu hàng.

Đặt tâm vào khoảng trống, không phải vào tích cực hay tiêu cực, cũng không phải không đâu cả, chỉ là giữa những tâm ý liên tục nảy sinh, giữa những dòng đồ thị lên xuống luôn có một khoảng lặng. Đó là khoảng Bình An.

Thân thuộc

Có những thứ tiếp xúc lâu, thấy lâu, … ta tự dưng mặc định nó thành thân quen rồi thân thuộc.

Ôi, cái từ Thân Thuộc – cho nó là Ta, là của Ta. Thành ra nếu có lỡ hết duyên, hay sắp rời xa ta lại cố tình phan duyên thêm một chút để nó lại ở lại với ta thêm một chút, rồi từ đó mà thành lặp đi lặp lại hay to tát gọi là luân hồi.

Có thể thản nhiên với nhân duyên, thì trước hết nhân duyên đó phải thuận lẽ tự nhiên, hoặc trong tầm khả năng của các điều kiện của những gì ta đang có.

Khi tâm không phải sinh cố gắng, lúc đó mới là tâm bình thản.

Tu tốt

Hãy cẩn thận với phong trào tu tâm, tích đức, tạo phúc, giải nghiệp… Nó chính là một dang tâm Tham vi tế, dần sẽ chuyển hoá thành một dạng Tà Tâm lúc nào không hay.

Dù làm bất cứ điều gì kể cả tu tập mà chỉ mong cho mọi người thấy mình tốt, tu tốt, thiện, hay muốn nghe được những lời tán thán, cảm ơn, không muốn nghe hay không chịu được những ý kiến trái chiều chưa nói tới lời phỉ báng, hoặc cho rằng những lời đó là của những kẻ thấp hèn, chưa học đạo, chưa hiểu thấu, … thì hãy khéo léo nhận ra các tâm đang sinh khởi.

Bất kể một cái tâm nào được nảy sinh nhằm ngụy biện cho bản ngã và cho rằng mình tốt đẹp, đang tốt đẹp, không dính mắc, không bám chấp… thì đều đang rơi vào cái bẫy của bản ngã vậy.

Thôi thì, lại uống trà đi vậy.

Ngay đây Niết bàn

Trăm năm trong cõi người ta

Chữ đời chữ đạo thật là khéo chia

Đời đường này, đạo đường kia

Tìm đâu ra lối phân chia rõ ràng

Thôi thì chẳng phải nghĩ bàn

Ngay đây, ngồi xuống Niết bàn mở ra

Ngoài cuộc

Một người em nói lên suy nghĩ: em thấy nếu thiền, hay đạo, hay tâm linh, … giúp đời sống tốt hơn, an yên hơn, … thì cũng đâu có khác gì các bộ môn tâm lý, kỹ năng sống… chỉ là những bộ môn kia không xử lý được thì đổi bằng bộ môn này mà thôi.

Nếu bạn vẫn còn bận tâm tới thế gian và đời sống của mình làm sao cho ổn hơn, an hơn, dễ chịu hơn, thuận lợi hơn… thì ngay xuất phát điểm:

– chọn sống đời sống thế gian, giữ lấy chúng chặt chẽ

– một tâm tham ái muốn chúng theo ý mình cho là tốt đẹp và hoàn hảo, an yên, thuận lợi

– chọn sẽ đi tiếp hay tiếp tục sẽ cố gắng nó để nó trở nên tốt đẹp hơn nếu chưa ok (nếu chưa được ở kiếp sống này thì hẳn nhiên là sẽ ở kiếp sống tiếp)

Tốt hơn, đẹp hơn, an hơn, … dù thế nào vẫn là đời sống thế gian và thực hành để hoàn thiện nó Phật gọi là con đường Hiệp thế – con đường vẫn đưa tới luân hồi tái sinh.

Và trong Phật học có một khái niệm Xuất thế gian, hay gọi là con đường #Siêu_thế – con đường chấm dứt luân hồi sinh tử. Và các bạn có thể tham khảo về nó tại bài kinh Đại Kinh Bốn mươi – Trung bộ Kinh (Bộ Kinh Nikaya – HT Minh Châu dịch Việt)

https://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung117.htm

Uống trà mà tại đó tâm bạn thấy an hơn, yên hơn, đó vẫn là dùng một đối tượng thế gian để đổi lấy cái bất an trong lòng bạn.

Uống trà mà tại đó bạn chỉ thấy đơn giản là uống trà. Một ly trà với hương, với vị, với các xúc cảm đang hiện diện tại thân tâm bạn, tại đó nó là nó – không có thế này hay thế kia, không vẽ ra một cảnh giới nào đó, gói người uống, người thưởng trà lại ở đó – thì tại đó bạn mới ngoài cuộc với trà, ngoài cuộc với thế gian.

Ngay bây giờ và ở đây

💥Ngay bây giờ và ở đây, không phải là ngay thời gian, thời điểm hiện tại, với môi trường và hoàn cảnh đang có bạn thấy hài lòng với nó là bạn đã ok.

Vì bạn vẫn còn hướng tâm ra bên ngoài, nên khi nói đến “ngay bây giờ và ở đây”, bạn nghĩ đến thời gian và không gian mà bạn đang hiện diện, có mặt, có được; bạn đang nghĩ tới những mối quan hệ, những thứ xung quanh bạn có được.

😌Ngay bây giờ và ở đây cũng không phải là trạng thái tâm hay cảm xúc của bạn với thế giới bên ngoài theo kiểu bạn có cái xe mới bạn vui, bạn thất nghiệp bạn buồn.

😌Nó không phải bạn đang chìm đắm vào một trạng thái thiền định nào đó và bạn thấy rỗng không ở đó.

😌Nó không phải là những dòng suy nghĩ miên man của về một vấn đề nào đó, ai đó, công việc,…

😌Nó cũng không phải là cái gọi là thế giới bên trong, theo như cách bạn nghĩ không phải bên ngoài thì bên trong.

Bạn nhận ra mình đang ở cái nào một trong những điều trên đã là quá tốt rồi. Nhưng thường là bạn không thấy hoặc chỉ lờ mờ thấy, và sự thực bạn vẫn đang trôi dạt trong chúng, theo chúng. Bạn không thể nhận ra bạn đang như thế nào vì bạn đang ở trong nó, sống trong nó, thậm chí là chính nó.

Với người không thực hành tu tập, thiền minh sát thì khẳng định là không bao giờ nhận ra sự trôi dạt này của mình. Với người có thực hành thì mới đầu khi sự kiện trôi dạt này xảy ra khá xa rồi mới nhận ra. Khi người đó thực hành minh sát miên mật hơn, thì việc trôi dạt mới nảy sinh sẽ sớm biết hơn. Và chỉ có các bậc Alahan thì việc trôi dạt này mới không xảy ra. Nên việc của bạn là học cách nhận ra bạn đang trôi dạt tới đâu, như thế nào.

🤩Vậy ngay bây giờ và tại đây là gì? Là những thời khắc đang sinh lên và diệt đi ngay 6 giác quan của bạn. Và bạn nhận biết nó. Nhận biết các đối tượng vào ra, nhận biết trạng thái thân thọ tâm pháp (có thể gọi tóm tắt là thân tâm) của mình ngay khi các đối tượng đang diễn ra nơi 6 giác quan đó.

Chỉ khi bạn biết điều gì xảy ra nơi 6 giác quan của mình – đó mới là ngay bây giờ và tại đây. (Như tôi đang bấm những dòng này – nếu tôi trôi dạt theo suy nghĩ miên man tìm cách giải thích về cụm từ này cho các bạn, tôi mất đi cái gọi là ngay bây giờ và tại đây, nhưng tôi vẫn thấy rõ những nốt chạm phím ngón cái vào màn hình điện thoại, thấy tâm tôi nghĩ viết xong bảo không biết nếu bạn đọc chỗ này có hiểu hay tán thán tôi không. 😂)

Bạn còn mâu thuẫn nội tâm

Chỉ khi thật sự giác ngộ, bạn mới không còn thứ gọi là mâu thuẫn nội tâm. Không có sự vênh nhau giữa cái bạn muốn (dù là bề nổi hay ẩn sâu bên trong mà ngay cả bạn cũng khó nhận ra) và môi trường bên ngoài. Đơn giản bạn không còn cho rằng như thế đó là hay, hoặc là nên là như thế và mình muốn như thế. Môi trường bên ngoài lúc đó cũng chỉ như áng mây bay không thể làm xao động sự tịch tĩnh của bầu trời nội tâm nơi bạn.

Không còn điều bạn muốn hay thích không có nghĩa bạn vô cảm với thế gian. Mà lúc đó bạn đang tận hưởng sự trải nghiệm trọn vẹn của chính mình.

Giống như việc đứng trước tủ quần áo để chọn bộ cánh phù hợp để đi dự bữa tiệc. Bạn cứ nhấc lên, đặt xuống, ướm thử vào người và dường như chưa cảm thấy đúng.

Cũng thế, bạn nhấc lên đặt xuống với những thứ quanh bạn, vì cái cảm giác của bạn. Bạn mơ hồ về thế gian và mơ hồ về chính mình. Không có gì là thật hay rõ ràng với bạn. Bạn không thấy được nó, không trọn vẹn được với nó vì một thứ: hình như chưa đúng.

Rồi bạn lại tiếp tục tìm kiếm, tiếp tục làm rất nhiều việc để hy vọng đến một điểm mà bạn thấy hình như là đúng. Nhưng chẳng thể đem hai thứ vốn dĩ Dukkha mà so khít được với nhau (chữ Dukkha nguyên nghĩa tiếng Pali là các vòng tròn không đồng trục, không đồng nhất). Bạn đã thất bại ngay từ khởi đầu. Bạn đã nhầm lẫn ngay từ việc cho rằng, cho là đó.

Nếu bạn hiểu vậy và chấp nhận, kể cả có chấp nhận hoàn toàn thì đó chỉ là sự yếu đuối của bản ngã, chấp nhận sự thua cuộc với cái mà bạn cho là Sự thật.

Nhưng nếu bạn không còn cho rằng, cho là, không còn cái thứ gọi là sự kiếm tìm, không còn cái ta đứng ra chứng minh sự tồn tại, hay cố gắng khẳng định có sự thật thì tại đó mọi phép tính đều không tồn tại. Không tồn tại khác với việc có tồn tại và ép nó về dấu bằng với sự thật.

Chánh niệm liên tục giúp bạn không bị trượt khỏi con đường mà bạn đã vạch ra và muốn đi hay tìm kiếm.

Nhưng chỉ có Giác ngộ mới giúp bạn hiểu rõ hoàn toàn, không có con đường hay sự tìm kiếm nào cần phải được diễn ra cả.

Điều gì bạn đang còn nắm giữ

Ngày đi học, hay đi làm, để tìm hiểu, khám phá thế gian, bộ câu hỏi mà bạn được nhắc đi nhắc lại để học hành, làm việc là 6W1H:

– who?

– why?

– what?

– which?

when?

– where?

– how?

Bước vào học đạo, bộ câu hỏi cần thiết dành cho bạn:

– đây là khổ?

– đây là nguyên nhân đưa đến khổ?

– đây là khổ diệt?

– đây là con đường đưa đến khổ diệt?

(Tứ thánh đế là Đức Phật dùng câu khẳng định. Còn mình đang tìm cầu học đạo, chưa vội tin cũng chưa vội bác bỏ, nên mình đặt là câu hỏi – Khi nào chứng Sơ quả thì mới không còn Hoài nghi)

Bước vào hành đạo, còn lại một câu thôi:

– Điều gì mình đang còn nắm giữ?

Dù trạng thái tâm, hay điều kiện, hoàn cảnh vật chất bên ngoài có thế nào thì chúng cũng Vô thường. Nên bạn không thể cho rằng như vậy là Thường hằng, như vậy là đúng rồi, như vậy là tốt rồi. Như bây giờ bạn đói, được ăn là rất ok, nhưng no rồi, ăn nữa lại thành nguy. Nên điều quan trọng là luôn cần nhận biết mình đang nắm giữ điều gì.

Có thấy được thì mới buông được.

Đạo không như chương trình học phổ thông. Hết lớp 1, rồi sẽ auto lên lớp 2, lớp 3… Bạn phải thấy mình có nhu cầu học lên, hoặc thấy những gì mình đang trải qua là đã cũ (đang chấp thủ, đang nắm giữ) thì bạn mới có thể rời bỏ được, và lên lớp được.

Khi người học trò cần, người thầy sẽ xuất hiện.

Nếu bạn luôn thấy mình ổn, cho rằng vậy là ổn. Cũng được. Cứ thế đi. Chỉ là bạn không thể đi tiếp và thấy phía trước còn nhiều thú vị như thế nào đâu.

Kiếp nạn cuối cùng

Kiếp nạn cuối cùng của thầy trò Đường Tăng tới từ một lời hứa với cụ rùa. Chỉ là hứa hỏi giúp cụ ấy xem cụ còn sống thêm bao nhiêu năm nữa. Một câu hỏi vô hại, cũng như lời hứa tưởng như k có gì là quan trọng, tưởng như có quên cũng được.

Chúng ta từ vô lượng kiếp đã bao nhiêu lần hứa, chứ k nói tới kiếp này. Thậm chí kiếp này hứa xong cũng k nhớ mình đã hứa. Hãy thử quan sát các công việc bạn đang làm, các mối quan hệ bạn đang có. Kết quả của mỗi hành vi, lời nói, hành động đang sẽ tạo quả gì trong tương lai. Buôn bán – có tránh khỏi lúc cân thiếu, bán nhầm, thu lãi quá cao, trốn thuế, tránh cơ quan nhà nước… Gặp một người – có đá lông nheo, cười thả thính, hứa nọ hứa chai… Thậm chí việc buôn bán của mình có khiến đối thủ tức tối vì doanh số giảm sút. Việc xuất hiện của mình có khiến ai đó k vui đơn giản “trông cái mặt đã ghét”… Nhiều người vẫn cho rằng tái sinh làm cũng tốt mà, hiện hữu cũng tốt mà, vì cho rằng chỉ cần ta không thấy khổ là được, còn người khác thấy khổ là việc của họ. Mà không hiểu còn hiện hữu là còn khổ chính là việc mình là một nhân góp phần trong quá trình duyên xúc khiến nhân loại, người khác phải khổ.

Việc xuất thế gian, độc cư không chỉ là cơ hội độc thoại với chính mình, kiểm điểm chính mình, dành riêng cho mình những phút lắng sâu với tâm tư. Cũng chính là để tránh việc tạo tác, ra những lời hứa ở kiếp này gây nghiệp, tạo ra các duyên xúc không cần thiết. Sau chính là cơ hội để các nghiệp sâu dày có cơ hội ngoi lên bề mặt để trổ. Đừng cho rằng trong một vài thời tọa thiền 1,2 tiếng là sẽ khiến các ẩn nghiệp đó trồi lên. Thậm chí tịnh tĩnh nơi rừng sâu, 1 tuần, 2 tuần còn vẫn thấy bặt bặt nơi nội tâm. Nhưng cứ như vậy, các lớp bụi vô minh dần dần được lau sạch, chúng sẽ lộ rõ. Nhiều vị thực hành nhập thất khi thấy chúng hiển lộ còn dẫn tới sợ hãi, hoang mang, … mà vì vậy cần những người hộ thất, cần những vị thày ở bên để vượt qua các cơn sóng nghiệp từ quá khứ đổ về là như vậy.

Do vậy, k phải cứ sống như bây giờ, tới lúc chết cứ niệm khít khao, cứ nghĩ rằng ta k nghĩ gì, ta biết và bước ra khỏi các cảm thọ đang sanh khởi là sẽ chấm dứt được tái sinh trong tiến trình chết. Covid cho cách ly 2 tuần mà sau 1 tuần bạn đã đứng ngồi không yên. Hay một thói quen ở hiện tại, bảo bạn dừng lại, không “luân hồi” chúng nữa mà bạn biết vậy, có ý thức rõ ràng, có đủ lục căn mà còn không thể dừng, huống hồ là khi giai đoạn cận tử: ý thức mất, 5 căn đầu đã k thể dùng.

Phàm sợ quả, Thánh sợ nhân. Chính là vì các vị đã thấu hiểu Lý duyên khởi. Sự huân tập của ngũ uẩn đi tới tái sinh ở kiếp sau, không phải cứ nói, hay cứ nghĩ dừng mà dừng được. Lực của nghiệp không thể đo đếm bằng các đơn vị vật lý thông thường. Nên thay vì ảo tưởng hãy miên mật thực hành, và đi theo con đường của các vị giác ngộ. Hay thế gian vẫn còn nhiều trò để chơi lắm, chưa chán, vẫn còn thích thú khi thấy nhân loại và người khác khổ vì mình?

Ghi chú

Viết tạm ghi chú vài câu: cả cuộc đời tu tập chỉ có dành 30% để chấm dứt khổ hiện tại còn 70% để chuẩn bị cho thời khắc sinh tử (chuẩn bị chết). Nên phải thật sự hiểu rõ ràng điều này: tu không phải chỉ là để bình an ở đời sống hiện tại hay thấy (tự nghĩ, tự cho rằng) mình bình an, sống tốt rồi là đủ; thời khắc sinh tử đó các nghiệp lực từ vô lượng kiếp trước (sâu trong tiềm thức), thậm chí từ quá khứ bị ngủ quên do ý thức ta không nhớ mới đột ngột ầm ầm như vũ bão trở về hết để kéo cái “thức” trở về đúng theo cái Nghiệp mà nó tạo ra vậy để mà đi tái sanh.

Chỉ có con đường Bát chánh đạo, thực hành Minh sát tuệ, chánh niệm đề mục rõ ràng, sâu sắc nơi 4 xứ Thân thọ tâm pháp mới diệt trừ được nhân vô minh, chấm dứt con đường LHTS. (Không phải là niệm “ghi nhận, ghi nhận” thì mới chỉ dừng ở tầng Ý thức, chậm, nhẹ thì xử lý được, nhưng giai đoạn cận tử thì khác phải thực hành và thay đổi sâu từ tiềm thức). Nghe thì có vẻ phức tạp nhưng nói ra lại dễ, nghe có vẻ dễ nhưng lại dành cho người có đủ 5 căn, 5 lực, 4 chánh cần để thành 4 như ý túc thật sự. Chứ không phải là đọc đủ kinh sách, thuộc đủ lý luận, hành trì 1,2 thời tọa thiền mỗi ngày mà đủ. Cũng không phải là những người thấy cái gì cũng yêu thương cuộc sống, bình an, dung dị với cuộc đời. Cũng không phải là chứng thần thông nọ thần thông kia, thấy nọ thấy kia khi thiền. Càng không phải cố ngồi thiền cho thật lâu. Đừng nhầm nhé.

🤭
🤭

Tinh tấn. Nhắc nhau tinh tấn mỗi ngày. Không (sống) rồi không biết tại sao mình (sống).

😭
😭

P.s: Không cần phải chứng minh mình là kẻ không ngu (hay có trí) vì đơn giản sự chứng minh đó chỉ làm bạn trượt đề mục đang chánh niệm mà thôi. (Giờ mới thấm, càng viết nhiều, càng còm nhiều càng ngu thật chứ đếc p đùa)