Bản ngã

Ngày hôm nay, lâu lắm mình mới chửi bậy và cãi nhau to đến thế. Rốt lại chỉ là nhằm bảo vệ cái tôi của mình, khi bị người khác đổ lỗi, quy sự sai sót cho mình.

Bản ngã ở khắp mọi nơi nhưng chúng ta lại chẳng kịp nhận ra.

Đằng sau tất cả những tấm hình selfie là thông điệp: “Hãy chú ý đến tôi và khen tôi đi. Hãy cho tôi biết rằng tôi đẹp, tôi thời trang, tôi giàu có, tôi đang có cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc,…” Càng nhận được nhiều sự chú ý và phản chiếu từ người khác, bản ngã càng cảm thấy mình chân thực hơn. Cảm giác xấu hổ của bản ngã đến khi hình ảnh phản chiếu của bạn kém tốt đẹp hơn so với người khác. Vì thế bạn làm tất cả để xây dựng và duy trì hình tượng bản thân.

Bản ngã đến từ trống không và nó sẽ phải trở về trống không. Trong thời gian nó tồn tại nó sợ hãi sự trống không và cố gắng làm tất cả để lấp đầy nó. Nhưng tất cả chỉ như một nỗ lực đuổi theo cơn gió. Trừ khi bạn dừng lại, không mong muốn lấp đầy, không mong muốn hoàn hảo, không mong muốn được ngợi ca, vinh danh,… không có bạn và không có gió.

(Copy edit 😁)

Hỏi

Thế nào là hạnh phúc?

Thế nào là khổ đau?

Tâm ta như thế nào khi đó là hạnh phúc?

Tâm ta như thế nào khi đó là khổ đau?

Ta có thấy cái tâm đang muốn níu giữ?

Ta có thấy tâm đang muốn rời xa?

Ta lại thêm một lần khổ đau vì hạnh phúc không thể là mãi mãi

Ta lại thêm một lần khổ đau vì khổ đau muốn dứt bỏ mà không thể buông xuống được

Người ta nói rằng hạnh phúc đừng nắm giữ, và khổ đau đừng chán nản, chúng vốn dĩ đến đi vô thường mà sao ta không chấp nhận điều đó?

Hãy luôn hỏi mình và tìm ra câu trả lời khi đối diện các sự kiện, để bình thản đón gió đông về.

Thiền

Mỗi ngày, chúng tôi vẫn nhắc nhau hành thiền, đơn giản là quán sát hơi thở, nhắc nhau nhận ra tâm đang dính mắc hay chấp thủ, có điều kiện thì tọa thiền … Thiền đi vào từng việc rót nước, pha trà, từng ngón tay gẩy đàn, hay đóng từng gói trà bé xiu xiu … Thiền không phải để tốt đời, đẹp đạo, hay mang đến một điều gì cả, kể cả thành tựu nọ kia … Đơn giản bạn biết mình đang sống, đang thở, đang thiền …

Thành công

Người tu đạo là quan sát được bao nhiêu pháp đang sinh khởi rồi diệt đi nơi thân tâm này, mà từ đó buông bỏ chấp thủ

Người làm kinh doanh là kiểm soát được bao nhiêu công việc đang phát sinh nơi doanh nghiệp, mà từ đó giao việc, giao quyền
Người tu đạo thành công là đi giữa thế gian mà vẫn đứng ngoài cuộc với thế gian
Người làm kinh doanh thành công là làm kinh doanh mà vẫn ngoài cuộc với doanh nghiệp
Không phải bạn sống được bao nhiêu lâu mà là bạn buông bỏ được bao nhiêu điều.
Không phải bạn kiếm được bao nhiêu tiền mà bạn tự do được bao nhiêu việc mà đã từng cho là cần làm.

Trở về chân thật, tự nhiên

Một sớm mai thức dậy
Thấy đời trôi qua kẽ tay
Ta không thuộc về nơi này
Cũng không thuộc về nơi đó
Chúng ta như cơn gió
Ngang qua cuộc đời nhau
Ngỡ như là thuộc về nhau
Nhưng chỉ là nhận, vơ lấy
Chúng ta chỉ là vô tình
Ngang qua và chạm phải
Ai nhặt lên ngắm nghía
Kết luận và đặt tên
Để khổ đau ưu phiền
Trầm luân trong vô nghĩa
Một sớm mai thức dậy
Thấy nơi đó cũng như nơi này
Cũng chỉ là ảo cảnh
Do tâm ta dựng lên
Buông tâm liền buông cảnh
Trở về chân thật, tự nhiên

Tại sao bạn tìm đến thiền?

Tại sao bạn tìm đến thiền? Bạn cần tĩnh tâm?

Tại sao bạn cầu nguyện, tụng chú? Bạn cần bình an?

Có thể bạn đang sợ hãi. Sợ hãi phải đối diện với những luồng suy nghĩ, cảm xúc, nội xúc đang vần vũ ở bên trong mình mà người ta có thể định danh bằng các từ như bất an, bồn chồn, lo lắng, thiếu định tâm…

thể bạn đang mơ. Nhớ một cảm giác vô hình và vô tình nào đó bạn đã từng đạt được khi: ngày thơ bé vô tư nô đùa, khi dạo chơi nơi đồng xanh, cát trắng, hay khi nắm tay người mình yêu…

Có thể bạn đang mong. Mong có được như hình tượng mà đâu đó vẽ ra với các trạng thái cả bên trong và bên ngoài: bình tĩnh, hiền lành, yêu thương, trong sáng….

Bạn chối bỏ cái hiện thực là bạn. Bạn chối bỏ các bất thiện đang nảy sinh trong bạn. Nhưng tiếc rằng nó không thể mất hay rời đi mà càng bám lấy bạn. Chúng đeo đuổi, bám dính, cố hữu… và bằng mọi nỗ lực, bạn tạo ra một không gian do ý nghĩ của bạn là nó là như thế, mình cần là như thế, an yên là thế…

Tôi không muốn nói về phía sau của bạn, nhưng ít nhất hiện tại, bạn đã thua cuộc. Không phải thua tôi, mà thua chính mình.

Hãy nhớ:

Không có Dukkha, không có Buddha.

Quen

Có những khi giữa phố đông người

Lại thấy mình chẳng hề quen ai

Có những khi chẳng có một ai

Lại thấy mình chẳng hề quen mình

Ngắm nhìn

Tôi có thể ru bạn bằng những lời ngọt ngào

Hoặc những tách trà thơm nóng hổi

Bạn có thể dịu dàng, an yên trong giây lát

Đắm chìm mình lơ đãng những ngày đông

Nhưng tôi không thể cảm nhận hay thấy thay bạn được

Những dòng chảy đang khơi lên trong bạn

Những thổn thức

Những nỗi đau

Hay cả những vui sướng, hân hoan

Hãy lắng nghe chúng trong mình

Nếu có thể hãy chạm vào

Và để chúng lướt qua

Dù chúng có đâm chồi, hay nở hoa

Rồi chúng cũng sẽ tới hồi rụng xuống

Yêu thương hay đau khổ

Cũng chỉ là những mạch ngầm đang chảy

Bạn có thể là người khơi dòng

Và cũng có thể là người đứng ngắm nhìn hay đón nhận nơi cuối dòng.

Đừng nhầm lẫn về Không và Không gì cả

Đừng nhầm lẫn về Không và Không gì cả

Bao nhiêu năm học và tu đạo, điều mà tôi hay gặp nhất là sự chấp Không. Ăn cái này à – không sao hết. Làm cái này à – không sao hết. Kế hoạch kinh doanh à – không cần. Tiền à – không cần…. Nhiều lắm. Có thể ngôn từ không diễn đạt chuẩn lắm, nhưng tất cả là chẳng có gì quan trọng cả, sao cũng được.

Thực ra, cái quan trọng ở đây đang nhầm lẫn về các khái niệm Thế gian pháp và Đạo pháp.

Thế gian có đủ ngũ hành kim mộc thủy hỏa thổ, có đủ tứ đại đất nước gió lửa và cả khí, có đủ 4 phương 8 hướng và 4 mùa xuân hạ thu đông (ý nói nhiệt độ). Chúng vận hành theo quy luật của tính chất của chúng, theo sự tương tác của chúng với các đối tượng liên quan. Ví dụ nước trên 100 độ ở thể khí, từ 0.1-99.9 là thể lỏng, dưới 0 độ là thể rắn.

Duyên sinh của thế gian là có cái này thì có cái kia, không có cái này thì không có cái kia. Không phải mọi thứ có hai mặt mà nó là sự đối lập hay lưỡng cực của một pháp thế gian, tổng hòa là 100%. 1 cốc nước đầy là có ngần này nước, nếu thiếu Xml thì nó sẽ không đầy, muốn đầy thì thêm Yml chất lỏng hay thể tích vật rắn thả vào.

Tổng thể con người là ngũ uẩn gồm Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức là cấu thành 5 nhóm duyên mà hình thành cá thể người hiện tại. 5 tập hợp Danh Sắc này ở mỗi người sẽ cho người đó hình dạng, tính cách, quan điểm, lối sống khác nhau. Không cá thể nào giống cá thể nào. Có chăng có sự tương đồng ở vài điểm, hay nhiều điểm, nhưng vẫn là không đồng nhất. Cái này Phật đã dùng từ Dukkha – sự không đồng nhất, đồng trục để nói (chứ không phải Dukkha là khổ đau, khổ sở)

Có một sự thực là ta đang biết những gì xảy ra quanh chúng ta, trừ khi bị down. Nắng mưa, nóng lạnh, ngày đêm, mềm cứng,… Tất cả những điều này chúng ta biết thông qua 6 cửa giác quan – mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Tại đây có một chu trình rất hay. Chúng ta biết và đối chiếu so sánh với các uẩn để đưa ra các kết luận. Và nó mang tính cá nhân, hay chủ quan là vì sự so sánh, đối chiếu dựa trên dữ liệu trong các uẩn của chính chúng ta. Nếu chúng ta thay đổi bộ đối chiếu, so sánh thì nó sẽ là các kết quả sẽ thế nào đây?

Có một sự thực khác nữa, là những thứ xảy ra quanh chúng ta nó vẫn đang xảy ra, dù có chúng ta hay không có chúng ta. Nó vẫn vận hành theo cách của nó.

Nhưng một sự thực khác khác nữa, nếu chúng ta là một nhân tố trong nó, thì sự vận hành của nó có yếu tố của ta, và ta hiển nhiên có vai trò trong chuỗi duyên sinh của chúng.

Ví dụ thế này: có một căn nhà. Nó gồm gạch cát xi măng ngói sỏi… theo thời gian nó sẽ dần cũ kĩ, bụi bặm. Không có ta ngôi nhà vẫn tồn tại và theo thời gian có thể không tồn tại như quy luật tứ đại của nó. Nhưng nếu ta là chủ nhân của nó, nay ta thấy chỗ này thủng, dột, ta vá víu nó lại – mưa gió không dễ làm bào mòn nó. Hoặc ta là người thuê nhà. Ta phải bỏ tiền ra để sử dụng, nếu không thì hết tháng, xin mời bạn đi.

Chúng ta không nằm ngoài quy luật của tứ đại và sự cấu thành của ngũ uẩn. Chúng ta hằng ngày vẫn tiếp nhận 6 loại thông tin tới từ các cửa giác quan – đó là sự thực không thể thay đổi khi chúng ta đang còn là thân người.

Hãy hiểu một cách rất đúng đắn về Không hay Không gì cả. Nếu bạn nằm trong chuỗi nhân duyên của sự kiện, tự phủ nhận chính mình đó không phải là vô ngã mà chỉ là một người thiếu Trí Tuệ. Cái mà bạn có thể làm, là các thông tin khi đi qua 6 cửa giác quan, không bị các đối chiếu mang tính Ta, của Ta xảy ra, để đẻ cành, đẻ nhánh trên các tư kiến, định kiến hay suy diễn mang tính cá nhân nữa mà thôi.

Cái mà giúp chúng ta có thể điềm nhiên là có trí tuệ. Ngay từ trí tuệ đã gồm cả Trí và Tuệ. Trí là tri thức kinh nghiệm thế gian, là sự hiểu biết về sự vận hành của tự nhiên, của vạn vật. Tuệ là thấu hiểu về Vô thường, Vô ngã – các pháp dù có vận hành ra sao thì do duyên mà sanh, do duyên mà diệt nên Vô thường, không có ta nó vẫn vận hành nên là Vô ngã.

P.s: Một người có trí tuệ là một người hành xử đúng đắn cả Trí và Tuệ, chứ không phải thấy con bọ cạp vẫn đưa tay ra cho nó cắn rồi bảo đó là duyên. Ký một hợp đồng, vì Covid, không có khả năng thanh toán và bảo đó là Vô thường, Vô ngã.

Người đi tìm

Người đi tìm hình của đất

Sao không thấy bóng

Sao không thấy dấu chân

Chỉ còn viên đá cuội

bên đường

nằm ngẩn ngơ

Người đi tìm vì sao đổi ngôi

Sao không thấy mây

Sao không thấy gió

Chỉ thấy trời xanh

trong vắt

cao vời vợi

Người đi tìm gì giữa thế gian

Thế gian không còn nụ cười

Thế gian không nước mắt

Chỉ còn lại sự im lìm

tịch tĩnh

mênh mông