Có phải Vô Ngã là không nên phân biệt, không nên lựa chọn đúng sai, tốt xấu, thiện ác, không cần nỗ lực tinh tấn
Có một số vị học và hành Phật Pháp chưa thật đúng đắn, thường không đồng ý với những người chỉ rõ đâu là thiện – ác, đâu là đúng – sai, đâu là chánh pháp – tà pháp, hồn nhiên tuyên bố là phải vô chấp, phải vô phân biệt thiện – ác đúng – sai, phải để pháp tự vận hành, không được lựa chọn v. v… thì mới là tu đúng theo tinh thần vô ngã, vô chấp, vô phân biệt –>đó là những người chấp “Không”.
Do hiểu Vô Ngã, Vô chấp, Vô phân biệt một cách ngây thơ như vậy nên nhiều người bỏ qua lời Phật dạy về thực hành, tu tập, vun bồi các pháp làm lành lánh ác, về thực hành Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Tứ Niệm Xứ, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Giác Chi, Bát Thánh Đạo mà chỉ nhồi vô đầu dăm ba chữ về vô phân biệt, vô chấp thủ, vô ngã rồi đem ra hý luận, nói ngược lại, bẻ cong lời Phật dạy: phỉ báng Phật mà không hề biết là đang phỉ báng Phật.
Vô Ngã, Vô phân biệt, Vô chấp thủ không có nghĩa là không có nghiệp và quả của nghiệp, không có nghĩa là không có đúng không có sai, không có nghĩa là không có thiện không có ác, không có nghĩa là không có lựa chọn thiện ác dẫn đến quả báo thiện ác.
Phật dạy là “tất các pháp là vô ngã”: sabbe dhammā anattā, nhưng Phật cũng dạy là “tất cả pháp lấy dục [ý muốn] làm căn bản (chandamūlakā); tất cả pháp lấy tác ý làm sanh khởi (manasikārasambhavā).… ” (Tăng chi kinh – IX. Phẩm niệm – Cội rễ Của Sự Vật
https://suttacentral.net/an8.83/vi/minh_chau), và dục này có ba loại là
⑴ Dục tham (kāmacchanda – dục dục), là thích thú cảnh giới dục lạc tạm thời trong tam giới của vô văn phàm phu,
⑵ Pháp dục (dhammacchanda) là tầm cầu các pháp thượng nhân của các hành giả trên con đường giác ngộ giải thoát, và
⑶ Tác dục (kattukamyatā chanda) là ý muốn làm, không tạo nghiệp thiện cũng như bất thiện, thuần túy duy tác của các vị Alahán.
Trong đó, Đức Phật dạy cần tinh tấn hành trì các thiện pháp, tránh xa các bất thiện pháp bắt nguồn từ Dục dục, tức tham dục dính mắc vào ngũ trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc; đồng thời cần phải tu tập, vun bồi, và thành tựu các pháp thượng nhân bắt nguồn từ Pháp dục (Dục như ý túc trong Tứ như ý túc, thuộc 37 phẩm trợ đạo) để có thể thành tựu viên mãn Đạo, Quả giác ngộ và giải thoát hoàn toàn mọi khổ đau phiền não đạt được hạnh phúc thật sự tự do thật sự – Niết bàn.
Không nên ôm mối nghi ngờ, hiểu một chiều một cách nông cạn rằng “Có ai quyết định được tôi sẽ làm cái này hay không làm cái kia được không, vì tất cả đều là vô ngã?”, để rồi tự huyễn hoặc bản thân và mọi người xung quanh.
Nếu các vị phủ nhận thực tế này, cố biện minh suy diễn theo cách chia chẻ từ ngữ một cách phi lý, hỗn loạn như vậy và rồi cố tình ăn bát đất thì đành chịu thôi, vô phương cứu giúp. “Chấp có” chữa đã vô cùng khó, “chấp không” thì đúng là vô phương cứu chữa vì đã bị nhờn thuốc.
“Không làm mọi điều ác.
Thành tựu các hạnh lành,
Tâm ý giữ trong sạch,
Chính lời chư Phật dạy.”
(Pháp Cú 183)
“Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh tinh tấn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, với mục đích khiến cho các ác, bất thiện pháp từ trước chưa sanh không cho sanh khởi, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm;
với mục đích khiến cho các ác, bất thiện pháp đã sanh được trừ diệt, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm;
với mục đích khiến cho các thiện pháp từ trước chưa sanh nay được sanh khởi, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm;
với mục đích khiến cho các thiện pháp đã được sanh có thể duy trì, không có lu mờ, được tăng trưởng, được quảng đại, được tu tập, được viên mãn, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm.
Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh tinh tấn.”
(Bát Thánh Đạo)
Hãy hiểu về sự khác biệt về đặc tính riêng nên các Pháp bình đẳng vô phân biệt về đặc tính chung tức Tam tướng Vô Thường Khổ Vô Ngã.
Hãy hiểu, chưa hề vượt qua biển lớn đầy giông tố bão táp để tới bờ bên kia thì đừng đòi bỏ bè, chưa tích lũy đu đủ balamật thì đừng đòi bỏ thiện pháp.
Trước một bát cơm và một bát đất: hãy lựa chọn bát cơm mà ăn, hay chẳng cần lựa chọn,, “vô chấp, vô phân biệt” ăn gì cũng được? Do không có thầy chân chính chỉ dạy theo thứ lớp, không tu tập thực hành hoặc tu tập thực hành không đúng cách theo trình tự, không có trí tuệ, bị ảo tưởng tà kiến chi phối dẫn dắt mà không hề biết mình “vô tri, vô trí” đinh ninh biện luận cho rằng mình đúng, uổng phí cơ hội gặp Chánh Pháp.
Trong tâm từ,
Trích lược bài viết Tỳ Khưu Viên Phúc Sumangala