Thiền

Ngày còn là cô sinh viên mới chân ướt chân ráo ra trường, thay vì mơ mộng yêu đương tuổi trẻ, tôi hành thiền, mọi người thì cười.
Ngày mới đi làm, thay vì phấn đấu, tôi hành thiền, mọi người thì cười.
Ngày mới lập gia đình, giữa bộn bề con cái, tôi hành thiền, còn mọi người cười.
Ngày mở công ty, thay vì quan hệ phát triển mở rộng, tôi hành thiền, mọi người thì cười.
Ngày bao nhiêu khó khăn đổ lên đầu, tôi vẫn hành thiền, mọi người vẫn cười.
Ngày tôi ngập ngụa trong rối ren, tâm đầy loạn động, tôi vẫn hành thiền, mọi người vẫn cười.
Ngày tôi đi qua những khó khăn, rối ren, tôi vẫn duy trì hành thiền, mọi người vẫn cười.
Đến hôm nay, sau quá lâu thời gian, hình như chẳng có gì gọi là Nổi tiếng, tôi vẫn hành thiền, và mọi người vẫn cười.
Cho dù cuộc sống có thăng, có trầm, có lạc có bi, tôi vẫn hành thiền. Tôi hành thiền vì chính bản thân tôi, không phải vì bất cứ một động lực nào, không phải vì một ai đó động viên, khuyến khích hay kích bác.
Nếu ai đó cười vì họ vui khi thấy tôi hành thiền, đó là phước thiện. Nếu ai đó cười khi thấy tôi hành thiền rồi đem tâm so sánh hơn thua đặt vào thì bản ngã đã có mặt, tham sân si đã có mặt – và tôi sẽ hoan hỷ không tiếc hồi hướng công đức tu tập của tôi tới người ấy.
Còn bạn, bạn có hành thiền không? Thiền không cần phải khi nào bắt đầu hay chuẩn bị. Thiền không phải vì mục đích như một theo Trend, thấy mệt mỏi lánh đời, hay tìm một điều gì đó an lạc, hay khám phá một sự kì diệu.
Hãy hành thiền, vì nó là một phần của đời sống của bạn.

Vô đề

Ai rồi cũng chọn cho mình một con đường để đi, một cách để sống qua kiếp người, một người thầy để nương tựa và chỉ dẫn.
Cũng từng lần mò, cũng từng đau đáu, cũng từng tham vọng, cũng từng vật lộn, cũng từng khắc khoải… Đâu đó ở thời điểm hiện tại các tâm này vẫn còn chút len lỏi. Chỉ là ngày hôm nay, không còn vội vã, không còn khẳng định, không còn kết luận, không còn cho rằng… Ai hay cái gì đều có duyên của nó mà hiện sanh.
Chỉ là với thân tâm mình, tự mình nương tựa mình, nương tựa nơi Dhamma (giáo pháp Duyên khởi và phương pháp thực hành Tứ niệm xứ của Budha); tự mình quán sát, tin tưởng từng bước chân, từng hơi thở; tự mình bình thản đón nhận các duyên mình đã gieo, đã tạo và vun trồng các thiện duyên còn đang e ấp.
Hoa tàn, hoa nở
Hữu ý, vô tình
Niệm sinh, niệm diệt
Mở ánh bình minh

Tu là gì? Tu gì?

Tu là gì? Tu gì?

Lâu rồi cũng không muốn bàn chuyện tu, vì ai tu người đó chứng, mỗi người một nhân duyên, nhưng hôm nay ngứa tay, ngứa chân gõ một chút vậy.
Bạn có đang giữ khư khư những khái niệm: tu là giới, định, tuệ mà đầu tiên là giữ giới, tu là bố thí, thu thúc lục căn, thiểu dục tri túc, tu là hành trong đời sống, tu là để tốt đời đẹp đạo, tu là buông bỏ, tu là không dính mắc, tu là tu tại tâm, … những định nghĩa được nhắc lại nhiều nhất. Nhưng hình như hơi giống các bài phát biểu, hô hào, tuyên truyền, nghe vậy, tụng lên vậy, hô lên vậy mà không biết hành kiểu gì, hoặc lại cho rằng khó lắm, khó quá, bao nhiêu a tăng tì kiếp, rồi kiếp này chỉ làm được như vậy thôi, … Những tri kiến đó gắn chặt và chôn chân chúng ta lại, hình thành nên cái bạn đang là.
Trước tiên, tạm cất những gì bạn đang cho là, thử đọc những gì tôi tổng kết tạm tạm ra đây xem.
Trước tiên có một sự thật như sau:
Đức Phật giác ngộ là giác ngộ Thế giới của Tâm, chứ không phải thế giới vật chất (trần cảnh) – trong bài kinh (Nếu Như lai nói ta k b là nói láo trong ta, nhưng ta biết…)
Có chúng ta với 6 giác quan (mắt tai mũi lưỡi thân ý), và có thế giới trần cảnh với 6 loại hiển thị (sắc thanh hương vị xúc pháp). Các thông tin thế giới bên ngoài khi đi vào qua 6 cửa giâc quan được tâm biết thấy biết. Và cái chúng ta thấy biết này chính là các cảm giác gồm: cảm giác hình ảnh, cảm giác âm thanh, cảm giác mùi, cảm giác vị, cảm giác xúc chạm, cảm giác ý căn. Nó là cảm giác vì nó là sự tương tác thông tin của giác quan và trần cảnh, được tế bào giác quan ghi lại chứ không phải cảnh thật. Nó phụ thuộc vào tế bào giác quan mỗi người nên k ai giống ai, nó phụ thuộc vào không gian bên ngoài nên lúc thế này, lúc thế khác (ví dụ nhìn xa, nhìn gần, nghe xa, nghe gần…)
Trong bài Kinh phạm võng, Đức Phật có nhắc đi nhắc lại: Như Lai nhờ như thật tuệ tri thế giới này là cảm thọ, sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly của thọ mà Như Lai được giải thoát hoàn toàn khỏi các chấp thủ…
Vì rằng, Đức Phật đã hiểu cái mà chúng ta đang thấy biết chỉ là các cảm giác và chúng có đặc tính vô thường, dukkha, vô ngã.
Giải thích:
– thế giới là cảm giác thì đã nói là do căn trần tiếp xúc và tế bào giác quan ghi nhận
– sự tập khởi của cảm giác: có Xúc thì sinh Thọ, không tránh được khi ta còn sống, xung quanh là trần cảnh, không phụ thuộc sống ở đâu, nước nào, là ai…
– sự đoạn diệt: không có Xúc thì không có Thọ
– Vị ngọt: do các thông tin cũ, do cái ta cho rằng thế này là tốt, là đúng, là thiện là đẹp mà Ái, thích, tham…
– sự nguy hiểm: không thấy rõ sự dính mắc mà dẫn tới Thủ (giữ), Hữu (muốn có cảm giác tốt, hoặc không muốn có cảm giác xấu) mà sinh các tâm Tham, Sân, Si
– sự xuất ly: thấy rõ các thọ như vậy, ta không nắm giữ, không ràng buộc….
Hiểu về
Vô thường: do căn trần
Dukkha: do sự tương tác sanh diệt liên tục, cái chúng ta nhận biệt là một chuỗi cảm giác, nhưng nó lại biến đổi liên tục
Vô ngã: do giác quan và thế giới bên ngoài tương tác, đâu phải do một cái Ta nào đó, hay của Ta nào đó
Bài kinh đầu tiên là hiểu về Dukkha: ghi nhận thế giới là cảm thọ, 1 chuỗi tập hợp các cảm thọ, biến đổi
Bài kinh thứ hai là Vô ngã tướng
Chúng ta là một tập hợp của Sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc là thế giới vật chất, tự nhiên, xung quanh, giác quan – tế bào giác quan. Thọ – thông tin do tế bào giác quan ghi lại. Tưởng là tâm biết trực tiếp và Thọ, biết là biết vậy. Thức là cái chúng ta cho là thế nọ là thế kia. Hành là hành theo cái chúng ta cho là thế nọ thế kia…
Vì chúng ta không phải là sắc thọ tưởng hành thức, chúng chỉ là tập hợp các duyên liên tục tương tác và chúng ta đang cho là thật, đồng hóa ta với nó mà bị nó chi phối, điều khiển. Nó không có Tướng cũng chính vì nó chỉ xuất hiện khi đủ nhân, đủ duyên, hay có thể một quan điểm khác nó là sự tương tác thông tin của giác quan và trần cảnh nên không có tướng trạng. Hay nó cũng chỉ có hiện tướng khi có một quan điểm về cái ta cho là cái cảm thọ đó là như thế này, thế kia… còn không, tất cả cứ vùn vụt đi qua như bạn đi xe máy vậy. Ngày nào bạn chẳng đi, tiếp xúc với bn xe máy, ô tô,… nhưng bạn có lưu lại gì không?
Tạm ngần đó để bạn hiểu rõ Đức Phật giác ngộ cái gì, cái mà chúng ta đang biết là cái gì. Và cái chúng ta cần tu là cái gì.
Đó là buông bỏ những tri kiến cá nhân về bất cứ cảm giác gì đang được tâm thấy biết qua 6 cửa giác quan. Vậy thì làm gì:
– giữ giới, hộ trì các căn là để các thông tin tới 6 giác quan này ít nhất, và k bị buông lỏng, hay luôn quán sát được các thông tin trần cảnh đi vào 6 cửa giác quan. Tức là để nó k bị ồ ạt, ào ạt như lũ vậy, để chậm rãi quan sát hay chánh niệm là nhận biết các pháp đang sanh khởi nơi thân thọ tâm pháp.
– luôn chánh niệm, chánh niệm không phải là biết về thế giới bên ngoài, tiếp xúc với cái gì biết về cái đó, mà chánh niệm là biết về các pháp hay là cái gì gì đó đang sanh khởi nơi thân, thọ, tâm, pháp của chúng ta sau khi tiếp xúc với trần cảnh. Nên chánh niệm thuần thục thì ở đâu cũng như nhau vậy.
+ cái gì chưa sanh nay sanh
+ cái gì đã sanh nay đoạn diệt
+ cái gì đã đoạn diệt nay không sanh khởi nữa
Cái gì gì là những cái trong tâm chúng ta đang có cảm thọ, đang có tâm, đang có pháp với đối tượng mà chúng ta tiếp xúc vậy.
Tu tại Tâm là ở chỗ này. Nhận biết về thế giới mà chúng ta biết là Tâm, là cảm thọ,….
Văn Tư Tu
Văn tuệ: biết về các thông tin sự thật đã nói ở trên, chứ không phải tu là khai mở thiên nhãn, nâng cao năng lực, trường sinh học, có trường năng lượng, năng lực gì gì cả. Đọc thêm Kinh sách nhất là các bộ kinh Pali biên soạn gần thời Đức Phật nhất.
Tư tuệ: tự chiêm nghiệm về lời dạy bảo đó trong đời sống. Nếu đã bảo đọc Kinh Sách không hiểu thì đừng giữ khư khư các lời kinh đó để đem phản ứng với mọi người, với các câu chuyện đang diễn ra và cho mình là đúng. Dừng ngay các câu hỏi bộ 6w1h để luôn thêm vào, vơ lấy các tri kiến của đời sống.
Hiểu rõ về 37 phẩm trợ đạo và lấy đó làm kim chỉ nam thực hành.
Tu tuệ: luôn quan sát các thông tin liên tục tới nơi 6 giác quan và quán chiếu các pháp đang sanh khởi nơi Thân thọ tâm pháp. Thực hành nơi đời sống để thấy các pháp ở mặt hiện tướng bây giờ. Nhưng thực hành ngồi thiền tọa, nhập thất để các kiết sử ngủ ngầm, các thông tin ở tiềm thức, quá khứ có cơ hội nổi lên, ứng ra ngoài như thế nào. Luôn đối diện với các pháp đang sanh nơi thân thọ tâm pháp một cách trực diện, không tìm cách bao biện, đổ lỗi, ngụy biện, thấy rõ sự sanh khởi, đang tồn tại, và tự thừa nhận sự có mặt của nó, dù nó là cái gì đi chăng nữa: ham muốn, dục vọng, sân hận… Bỏ qua kinh sách, tri kiến, lời các người thầy vì đó vẫn là thông tin quá khứ, thông tin cũ, nó không phải là thực tại, thực tại là những gì đang được 6 giác quan ghi nhận và đang sanh khởi nơi thân thọ tâm pháp vậy. Thường biết ở đây, niệm phật tính, niệm pháp (sự thật), niệm tăng (duyên) là ở đây, chứ không phải là lời hình tượng nào, lời kinh nào đang được phóng chiếu từ kho lưu giữ.
Bình an, hay năng lượng cao, hay thanh khí, tướng tốt, hiện tướng bên ngoài, đời sống an lạc … đều là do tâm được tu tập. Nó là hệ quả chứ không phải là đích đến.

Con đường luôn mới

Mỗi con đường thì sẽ có khoảng đi nhanh, và cả khoảng đi chậm, hay khoảng dừng (đèn đỏ chẳng hạn).
Đôi lúc dừng lại một chút cũng tốt mà.
Còn bận tâm xanh đỏ, còn bận tâm lựa chọn con đường này tốt hơn con đường kia, cái này tốt hơn cái kia, ít hay nhiều đèn đỏ hay thẳng tắp hơn thì đã mất cơ hội thưởng thức cả một con đường.
Không có con đường nào là quen thuộc hay thói quen cả, vì mỗi bước chân là luôn mới.

Vô đề

Ý thức hay cảm xúc đều là sản phẩm của Tâm, nó đều là không thực vậy.
Không phải là chọn cái này hay cái kia, hay tìm cách hợp nhất nó theo kiểu có cả ý thức và cảm xúc.
Không cần quan tâm đâu là ý thức, đâu là cảm xúc, là cái mình đang là, vậy là được.
Nếu có hiện tướng, hãy kết thúc cái đã bắt đầu theo cách mà nó vận hành.

Chết vì tưởng tượng

Ngày trước hay trêu nhau: chết vì tưởng tượng và suy nghĩ. Giờ thì lại thấy: chính vì tưởng tượng và suy nghĩ mà chúng ta không thể chết (cứ luân hồi)
Thấy hình thù trên vách đá, thấy cây cối mọc lạ lạ, thấy mây thấy núi điệp trùng… là cứ phải tưởng tượng ra các kiểu cơ và cho rằng đó là cái mây, cái núi, cái cây của mình cơ.
Kẻ học chút pháp thì bảo rằng đó là cảm giác thấy, hay lý luận là do nhân, do duyên, do đất do trời, do các hiện tượng tự nhiên… mà mải mê với lý giải, mải đồng hóa thức – tư tưởng, suy nghĩ với ta mà cho rằng ta đã thấy, và cái mây, cái núi, cái cây chẳng còn thực là nó.
Kẻ rong chơi, tự tại, ngắm nhìn, chụp choẹt, đôi khi vui đùa ngắt một nhành hoa cài lên tóc, nhoẻn miệng mà cười: ờ thì cũng là núi, là mây, là hoa thôi mà.
Rong chơi hồng trần, thấy mà chẳng đắm, ngắm mà chẳng nhiễm vậy.

“Mỗi chúng ta đều có thể tự hạnh phúc”

“Mỗi chúng ta đều có thể tự hạnh phúc”
Chúng ta cho rằng cần rất nhiều mảnh ghép mới tạo nên bức tranh của cuộc đời mình. Nào là các mối quan hệ thân, sơ, bạn, hữu, công việc, gia đình, nhóm nọ nhóm kia… nên cố gắng hàn gắn cho chặt. Cũng vậy, cho rằng viên mãn là làm cho tròn đầy mà nhặt nhạnh, thêm bớt cho đầy cái Tâm.
Có mấy ai biết rằng, tự chính bạn đã là một bức tranh hoàn hảo, tự mỗi satna đã tạo nên một Tâm viên mãn tròn đầy, không cần nắm giữ tướng chung, nắm giữ tiếng riêng ở đó.
Trong Kinh pháp cú có câu:
Sau khi giết Mẹ, Cha
Giết hai vua Sát lỵ
Giết vương quốc quần thần
Vô ưu, phạm chí sống
Mình hôm nay có câu:
Không còn Mẹ
Không còn Cha
Đâu đâu cũng là nhà
Rong chơi trong tự tại
(Mẹ – Tham ái, Cha – Vô minh)

Đi… Tới

Chưa đi thì chưa tới
Mảnh đất cằn thấm đẫm những ưu tư
Phiền muộn tưới lên ngàn hoa cỏ
Hỏi chút tình nào có thể nở sắc hương
Chưa đi thì chưa tới
Hư vô kia cũng chỉ có nơi này
Thời gian kia cũng chỉ có tại đây
Tâm hồn đẹp xinh rạng ngời nơi thẳm sâu nhất
Đi rồi thì sẽ tới
Từng bước chân chạm nhẹ mỗi sớm mai
Từng ngọn gió khẽ ru chuyện đêm dài
Để lại đây, để lại đây – mặt trời hồng đang mọc
Để lại đây, để lại đây

Thẳng băng

Em thấy tâm mình thẳng băng
Qua mùa nắng hạ, tới tận đông sang
Qua mùa thu vàng, tới xuân ấm áp
Qua đồng bát ngát, tới bờ cát dài
Em thấy tâm mình thẳng băng
Xuyên qua vách cao, xuyên qua vực sâu
Xuyên qua ngày nóng, xuyên qua đêm thâu
Xuyên qua nắng gió, xuyên qua mưa mau
Em thấy tâm mình thẳng băng
Đi qua tâm anh, đi qua tâm em
Đi qua nhớ mong, đi qua lãng quên
Đi qua hạnh phúc, đi qua ưu phiền
Em thấy tâm mình thẳng băng
Đi qua hết thẩy, chẳng vương vấn gì

0 và 1

0 và 1 biểu thị cho không và có.
Không có không thì sẽ có có.
Không có có thì sẽ có không.
2020 đã gần qua, sắp hết một năm 0-0
2021 đã gần tới, chuẩn bị một năm 0-1
0-1 là cái này thì không là cái kia, là cái kia thì sẽ không là cái này. Và mỗi người sẽ cần rõ ràng về sự 0-1 này trong mình.
Trong tu tập, sự xuyên suốt tạo ra định lực
Trong kinh doanh, việc nhất tâm, nhất hướng với sp mục tiêu và kh mục tiêu tạo ra định vị thương hiệu
Nếu nghĩ rằng mình là 1, thì sẽ không bao giờ biết 0 là gì. Thực tế không có số 2.
Nếu nhận mình là 0, thì không phải là dung hòa tất cả mà chẳng có nổi 1. Ý thức chánh chính là trí tuệ, chứ k phải lơ ngơ, lơ tơ mơ.
Đời người là một loạt các bài học để nhận ra chỗ này đang 0 thì hãy lật qua 1 (Vô Minh thì chuyển thành Minh) hay chỗ này đang 1 thì hãy chuyển thành 0 (Thường, Ngã chuyển thành Vô Thường, Vô Ngã).
Khi xác định rõ ràng thì cứ vững vàng mà bước thôi nhỉ. 🥰