Ngộ
Ngộ
Bản ngã tinh vi
Phúc Đức
Đức tính sinh Phúc khí
Sống có Đức ắt có Phúc phần
Trà ngon có trà khí
Làm trà ngon khắc tự có bạn trà
Thành công
Người tu đạo là quan sát được bao nhiêu pháp đang sinh khởi rồi diệt đi nơi thân tâm này, mà từ đó buông bỏ chấp thủ
Bạn còn mâu thuẫn nội tâm
Chỉ khi thật sự giác ngộ, bạn mới không còn thứ gọi là mâu thuẫn nội tâm. Không có sự vênh nhau giữa cái bạn muốn (dù là bề nổi hay ẩn sâu bên trong mà ngay cả bạn cũng khó nhận ra) và môi trường bên ngoài. Đơn giản bạn không còn cho rằng như thế đó là hay, hoặc là nên là như thế và mình muốn như thế. Môi trường bên ngoài lúc đó cũng chỉ như áng mây bay không thể làm xao động sự tịch tĩnh của bầu trời nội tâm nơi bạn.
Không còn điều bạn muốn hay thích không có nghĩa bạn vô cảm với thế gian. Mà lúc đó bạn đang tận hưởng sự trải nghiệm trọn vẹn của chính mình.
Giống như việc đứng trước tủ quần áo để chọn bộ cánh phù hợp để đi dự bữa tiệc. Bạn cứ nhấc lên, đặt xuống, ướm thử vào người và dường như chưa cảm thấy đúng.
Cũng thế, bạn nhấc lên đặt xuống với những thứ quanh bạn, vì cái cảm giác của bạn. Bạn mơ hồ về thế gian và mơ hồ về chính mình. Không có gì là thật hay rõ ràng với bạn. Bạn không thấy được nó, không trọn vẹn được với nó vì một thứ: hình như chưa đúng.
Rồi bạn lại tiếp tục tìm kiếm, tiếp tục làm rất nhiều việc để hy vọng đến một điểm mà bạn thấy hình như là đúng. Nhưng chẳng thể đem hai thứ vốn dĩ Dukkha mà so khít được với nhau (chữ Dukkha nguyên nghĩa tiếng Pali là các vòng tròn không đồng trục, không đồng nhất). Bạn đã thất bại ngay từ khởi đầu. Bạn đã nhầm lẫn ngay từ việc cho rằng, cho là đó.
Nếu bạn hiểu vậy và chấp nhận, kể cả có chấp nhận hoàn toàn thì đó chỉ là sự yếu đuối của bản ngã, chấp nhận sự thua cuộc với cái mà bạn cho là Sự thật.
Nhưng nếu bạn không còn cho rằng, cho là, không còn cái thứ gọi là sự kiếm tìm, không còn cái ta đứng ra chứng minh sự tồn tại, hay cố gắng khẳng định có sự thật thì tại đó mọi phép tính đều không tồn tại. Không tồn tại khác với việc có tồn tại và ép nó về dấu bằng với sự thật.
Chánh niệm liên tục giúp bạn không bị trượt khỏi con đường mà bạn đã vạch ra và muốn đi hay tìm kiếm.
Nhưng chỉ có Giác ngộ mới giúp bạn hiểu rõ hoàn toàn, không có con đường hay sự tìm kiếm nào cần phải được diễn ra cả.
Lá sen
Miếng mút gặp nước gì cũng hút vào. Vì hút vào mà nó sầu bi khổ ưu não với điều nó nhận. Còn lá sen thì sao?
Ai sống trên đời này
Tham ái được hàng phục
Sầu khổ tự tiêu diệt
Như giọt nước lá sen – Kinh Pháp Cú
Tâm bạn như miếng mút hay như lá sen?
Không còn phiền não
Tại sao tôi vắng bặt suy nghĩ, không còn tự phiền não, khổ đau và tranh cãi
Vốn là người ưa thích tìm tòi, khám phá, bản thân tôi luôn đặt câu hỏi, luôn đi tìm tòi tới khi nào câu trả lời khiến cho mình thỏa mãn hoặc không thể trả lời được nữa thì thôi. Cùng với việc ưa thích học hỏi, kho tri thức và kinh nghiệm cũng dày lên mỗi ngày. Nhưng chính vì thế, khi đối diện với một sự vật, hiện tượng, cảm xúc (cảnh) tôi thường luôn tự hỏi, sao k thế này mà lại thế kia, sao lần này lại là thế này, sao là sao là sao…rồi tự tìm tòi trong kho tri thức, kinh nghiệm, tiêu chuẩn của mình để mà đối chiếu so sánh. Những gì sự vênh về cảnh với những gì tôi cho là vốn có của tôi khiến cho tôi phiền não, khổ đau và nhiều khi than trời, mệt mỏi. Thậm chí dẫn tới những sự đấu tranh, dằn vặt, giằng xé nơi nội tâm. Hẳn đó cũng là điều nhiều người đang trải qua, tùy mức độ.
Rồi đến một ngày học Phật, tất cả như vỡ òa khi biết Phật không giác ngộ về cảnh về giới vật chất mà giác ngộ về Tâm – về thế giới cảm giác.
Mắt tiếp xúc hình ảnh: cảm giác hình ảnh
Tai tiếp xúc âm thanh: cảm giác âm thanh
Mũi tiếp xúc hương: cảm giác mùi
Lưỡi tiếp xúc vị: cảm giác vị
Thân tiếp xúc xúc: cảm giác xúc chạm
Ý tiếp xúc pháp (thông tin lưu trữ): cảm giác pháp
Hóa ra, nói một cách khoa học, đầy đủ dài dòng nhưng dễ hiểu là tất cả đều do tế bào thần kinh mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, não khi tiếp xúc với sóng/năng lượng từ các thứ như hình ảnh,âm thanh, hương, vị, xúc, pháp tạo ra một thứ thông tin được ghi nhận lại được gọi là chung Tưởng, hay nhận biết trực tiếp hay trực giác.
Chúng đơn giản chỉ là một thứ thông tin được tương tác, hay cảm giác được ghi nhận lại. Tại sao nó là cảm giác dù rõ ràng là có một hình ảnh, âm thanh… thực tế tại đó. Nếu nó là thường hằng bất biến, thì dù vật đó để gần hay để xa mắt, tai đều có thể nhìn, nghe giống nhau nhưng gần thì cảm giác to, xa cảm giác bé, nhỏ…
Sự thật thứ nhất này đã giúp tôi không còn tranh cãi với mọi người nữa. Vì ngay chính với cá nhân tôi thôi, một cái chớp mắt, cảm giác hình ảnh trước và sau đã không giống nhau, chỉ cần replay lại một bài hát cảm giác âm thanh trước và sau đã không giống nhau,… Vậy thì tại sao lại bắt người khác có cảm giác giống mình được, khi chính mình thôi, trong một tích tắc đã có những sự biến chuyển cảm giác khác nhau.
Cũng nhờ sự thật thứ nhất này – Vô thường của cảm giác, tôi thực hành được sự vô chủ, vô sở hữu hay vô ngã của nó. Nó sinh lên rồi diệt đi chỉ trong tích tắc ngay tức khắc khi mắt tiếp xúc hình ảnh, tai nghe âm thanh… Nó có mặt luôn đó, chẳng mời mà đến, cũng chẳng đuổi mà đi. Đó là sự thật thứ hai.
Nhưng vì sao sự kinh nghiệm về sự thật thứ hai này khiến tôi tránh được phiền não, khổ đau? Đó là vì ngay khi thông tin cảm giác hình ảnh, cảm giác âm thanh…được khởi lên đó, phải thân chứng hay tự kinh nghiệm được sự vô thường, vô chủ, vô sở hữu của nó. Để mà không diễn tiến tiếp quá trình đối chiếu các cảm giác vừa ghi nhận được với các thông tin, trải nghiệm, tri thức, văn hóa, tiêu chuẩn xã hội, cá nhân…được lưu trữ trong kho chứa của não bộ vốn có sẵn.
Vì mỗi chúng ta, đều đã kinh nghiệm được rằng: ai đó đúng ý ta, ta thích (tham); ai đó trái ý ta, ta ghét (sân); ai đó khiến ta không thích, không ghét thì ta bình thường, nhưng bản thân ta lại khởi lên tìm một ai đó thay thế để thỏa mãn một cái thích gì đó ẩn sâu (si). Chính vì lẽ đó, khi một thông tin cảm giác được ghi nhận, chúng lập tức kích hoạt bộ nhớ như là đưa khuân mặt tên tội phạm vào máy tính để tìm kiếm sự matching. Và hiển nhiên sẽ xảy ra 1 trong trong 3 trường hợp trên: thích, ghét hay tìm kiếm tiếp.
Cốt lõi vấn đề, là khi hiểu và công nhận sự đúng đắn của thế giới mà chúng ta biết, những gì mà ta biết chỉ đơn thuần là thông tin cảm giác, chúng vô thường, vô chủ, vô sở hữu thì nó chính là tiền đề cho một loạt các sự vắng bặt các câu hỏi, các tìm tòi, các đối chiếu, các so sánh, các tìm cầu,…về sau.
Lúc đầu cũng hơi buồn vì hóa ra bấy lâu nay, sự thực này tất cả chỉ là ảo, như một cái bong bóng xà phòng nhiệm màu, giờ ai đó châm cho 1 cây kim – òa, vỡ. Nhưng rồi, buồn cũng chỉ là cảm giác, nó vô thường, vô chủ, vô sở hữu và nó lại vắng bặt nơi tâm của tôi.
Bức tranh cuối cùng
Trong thời khắc cuối cùng của sự sống, hàng loạt duyên nghiệp cùng đổ về. Chúng như một bức tranh màn ảnh rộng, tua rất nhanh những dục, cảnh của cuộc đời mỗi người.
Tâm bạn sẽ khởi niệm với điều gì lúc đó?
Bạn ở lại hay đi tiếp hay đến nơi nào đó là tùy thuộc vào sự động tâm của bạn với chúng.
Tu hành cả một đời cũng chỉ là để chuẩn bị cho thời khắc quan trọng này mà thôi. Thầy tôi nói: sống mà không giải thoát, chết đừng mong cầu giải thoát. (Cuộc sống hàng ngày chầm chậm trôi mà mình còn k kiểm soát được mình, thì khi chết, diễn ra ồ ạt vậy, chịu làm sao nổi)
Từ khi biết điều này, thì tập buông bỏ dần dần tất cả những thứ hữu hình và cả vô hình quanh mình. Không điều gì còn quan trọng ở kiếp người này nữa. Đôi lúc, bất giác, nhìn một đám mây trôi qua. Có chăng một ngọn gió nào khẽ thổi. Nhưng rồi gió cũng đến và gió lại đi, như mây kia cứ trôi mà bầu trời vẫn xanh lắm.
Kiếp nhân sinh, cứ lặng lẽ như một viên đá cuội ven đường là đủ rồi.
Bản âm nhạc của miền tĩnh lặng
Bản âm nhạc của miền tĩnh lặng
Là một ánh trăng treo ngang đỉnh núi
Là một cánh chim bay ngang đêm tối
Tìm về với tổ ấm
Bản âm nhạc của miền tĩnh lặng
Là tiếng sóng miên man khẽ ru ngàn năm
Là bàn chân bước lao xao
Tìm về với bờ cát
Bản âm nhạc của miền tĩnh lặng
Là mênh mông một khoảng thanh vắng
Là trong veo một khoảng trong màu mắt
Tìm về với tâm như
Bản âm nhạc của miền tĩnh lặng
Là yêu thương đang dâng tràn những đóa hoa
Là ánh sáng diệu kì trải khắp không gian bao la
Tìm về với nguồn cội
Bản âm nhạc của miền tĩnh lặng
Là lắng nghe rất sâu trong tim khe khẽ hát
Là thấy như từ rất xa nụ cười đang khẽ hát
Là thấy ta đang … tìm về với chính ta
Vô đề
Một nụ cười khẽ mở giữa hồng trần
Đôi bàn chân bước nhẹ giữa vô thường
Không ngoảnh lại cũng chẳng trông xa
Đóa sen trong tâm đã lặng lẽ nở hoa