THÀNH TỰU 4 KIỂU NHÌN của Đạo đời – hãy đọc và So sánh với cái Thấy của Phật.
Ở đời mình ghi nhớ một điều : Cho dầu quả vị Chánh Đẳng Chánh Giác, trí tuệ, báo thân hay là các vị Độc Giác, Thanh Văn hay là đại thí chủ, bậc đại trí, đại hạnh, tất thảy đều giống nhau, mọi thứ do duyên mà có, có rồi phải mất .
Đọc tới đó mới thấy xúc động, biết cái gì rồi cũng vô ngã, vô thường. Nhưng mà mình cũng phải vun bồi pháp thiện để mai này có quả thiện để mà kết thúc sanh tử. Mình có cái bệnh là luôn luôn treo cái Tôi quá lớn. Ngày xưa là nhà, nhan sắc, tài sản, quyền lực, tình yêu, thân quyến của tôi. Tới lúc biết đạo rồi thì trí tuệ, đức hạnh, phước báo của tôi, cái gì cũng của tôi. Từ góc nhìn của cái tôi, mình thấy cuộc sanh ly tử biệt nào cũng đau lòng, nhưng nếu bằng một cái nhìn khách quan, mình nhìn mình như là mình nhìn một người khác thì nó lại khác đi. Mình tu mình phải có đủ thứ cách nhìn, mình phải có khả năng khi mà mình nhìn mình như là quan sát một người khác thì đó được gọi là Đại Trí. Nhìn người khác như là nhìn mình thì đó là Đại Bi. Rồi một ngày nào đó mình nhìn đúng bản chất của mình, đúng bản chất người khác thì là cái nhìn Tự Tại.
Tôi thường nói : Tu hành là phải có khả năng ở trên nhìn xuống, ở dưới nhìn lên, ở trong nhìn ra và ở ngoài nhìn vào. Người thành tựu bốn kiểu nhìn này mới được gọi là tu tập đúng mức. Học đạo nhiều mà không có bốn cái nhìn này thì coi như chưa tới. Có bốn cách nhìn :
-Ở dưới nhìn lên là phải biết cái chỗ mình tôn trọng, kính ngưỡng, học hỏi, bắt chước .
-Ở trên nhìn xuống là mình phải có khả năng bao dung tha thứ những người thua, kém mình .
-Ở trong nhìn ra là để học hỏi .
-Ở ngoài nhìn vào để khách quan, trung thực .
Thành tựu bốn kiểu nhìn này mới được gọi là một người học đạo và hành đạo . Và có học đạo và hành đạo thì mai này mới có một ngày chứng đạo .
Từ trong kinh gọi là : pariyatti, patipatti, pativedha, thường được dịch là pháp học, pháp hành và pháp thành. Đây là ba chữ mà tôi không muốn dùng, chỉ dùng trong đạo. Nhưng mà tôi lại thích dùng từ của riêng tôi đó là : Học đạo, hành đạo và chứng đạo.
Sư Giác Nguyên
(Chép lại bài giảng của Sư ngày 1/1/2018)
😍
Sự thực, khi mắt tiếp xúc với sắc trần, phát sinh cảm giác hình ảnh (thọ) và nhãn thức (tưởng) ghi nhận cảm giác hình ảnh. Cảm giác hình ảnh, hay nhãn thức về hình ảnh là vô thường (chúng sinh lên rồi diệt đi liên tục), chúng vô chủ, vô sở hữu vì không ai giống ai và không ai làm chủ nó vì nó đơn giản là quả của thông tin do tế bào thần kinh mắt tiếp xúc với thông tin từ sắc trần.
Cái thấy ở đây là cái thấy trực giác mà bất kì ai có mắt cũng thấy. Như một đứa trẻ con thấy, nó chỉ là thấy, không có khái niệm, không có so sánh, đối chiếu, không khởi lên tư duy nên nó là cái thấy vô ngôn, vô phân biệt. Với cái thấy này, chúng ta sẽ không có khái niệm hay còn phiền não, khó chịu, hạnh phúc, hay vui sướng.
THÀNH TỰU về CÁI THẤY CỦA ĐỨC PHẬT
– đã thấy những gì cần thấy
– không tưởng tượng về điều đã được thấy
– không tưởng tượng về những gì không thấy
– không tưởng tượng về những gì cần phải thấy
– không tưởng tượng về người thấy
(Trích bài kinh Kàlaka – Tăng chi bộ kinh)