Bạn đã bỏ đi được gì?

Trách nhiệm, tri kiến, hào danh… bạn đang giữ và ngày càng thêm lên được bao nhiêu điều? Mỗi điều có được bạn lại đang gồng mình lên bỏ thật nhiều tâm huyết, thời gian, sức khỏe để dựng xây, thành toàn cho nó?
Từ việc luyện tập cho khỏe, từ việc ăn cho sạch cho bổ, tới việc tham gia các lớp học kỹ năng, thậm chí ngồi thiền, đi vào thế giới tâm linh… tất tần tần cũng chỉ nhằm mục đích để sống lâu, để vui vẻ, để bình an, để làm việc tốt hơn, để có nhiều lợi lạc hơn cho đời sống thế gian này. Có phải đó là điều bạn mong muốn không?
Rất tiếc Đạo lại không phải là sống tốt Đời, càng không phải là trò chơi của bản ngã và tham ái.
Đường này đến Thế gian
Đường kia đến Niết bàn
Hãy khéo léo nhận ra sự ngụy biện của bản ngã về sống tốt đời đẹp đạo.
Thay vì đổi lấy cái này, để có được cái kia từ giờ mỗi tháng, mỗi năm chắc nên có bảng báo cáo đã bỏ đi được cái gì thay vì thêm lên được gì nhỉ?

Các bạn có còn mơ không?

Các bạn có còn mơ không? Mơ thoát khổ, mơ thoát tái sinh luân hồi, mơ đắc thiền, mơ trạng thái bình an, mơ trạng thái vắng lặng, hay mơ một cái tuệ giác mơ hồ? Nó cũng đâu khác các cô bé 15, đang ngồi ngắm trời xanh mây trắng và mơ về chàng hoàng tử cưỡi con bạch mã?
Không thể tự nói tôi đang không mơ, tôi đang không nghĩ như vậy. Bản ngã núp kín nhanh lắm. Và tôi cũng không thể chỉ ra cho bạn được. Chính bản ngã là cái làm bạn không thể thấy những thứ khác, nó che đậy bạn, nó như một thứ lớp màn sương mờ, như một giai điệu du dương, khiến bạn cứ ở đó, ở đó mãi mãi và không muốn bước ra ngoài kia, ngắm trời xanh và mây trắng thật sự.
Hãy đi qua cả những giấc mơ mà bạn cho rằng nó là cao đẹp nhất. Hãy bước ra và ngắm nhìn nhân gian để thấy núi vẫn là núi, sông vẫn là sông, mây trắng vẫn là mây trắng, trời xanh vẫn là trời xanh. Đừng hô mọi thứ chỉ là Cảm thọ, đừng hô mọi thứ là Vô thường, đừng hô mọi thứ là Không, đừng hô tôi Vô ngã.
Các giấc mơ về tu tập, về giải thoát, về thoát khổ, về đạo quả…cùng đống kiến thức chất chồng, chúng chỉ làm bạn chìm đắm trong giấc mơ, trong tưởng, trong suy nghĩ của chính mình mà thôi. Dù bạn là người có nhiều kiến thức Phật Pháp, nhưng khi bước vào hành thiền thì không cần suy nghĩ về chúng nữa. Đừng cho đó là Chánh tư duy, đó chỉ là đang hồi ức, đang nhớ lại thông tin, chứ đang không thấy được điều gì đang diễn ra nơi Thân Thọ Tâm Pháp của bạn, sau khi Trần cảnh đã đi qua cửa 6 giác quan.
Đừng nghĩ rằng mình làu làu, thấu tỏ về pháp và chỉ cần cứ nghĩ về vô thường, vô ngã là được. Đừng cho rằng chỉ cần một Thọ khởi sinh gán cho nó 1 niệm vô thường, vô ngã, sinh diệt là xong. Cho dù có lần lần tràng hạt, miệng lầm rầm niệm vô thường, vô ngã, sinh diệt cả nghìn lần, tin tưởng rằng làm vậy sẽ hiểu hay thấy được vô thường, vô ngã. Đó là điều không thể. Điều này không khác gì như lệnh gán giá trị VAR trong lập trình. Bạn đã để tâm biết ý thức, một tri thức do học hỏi có mặt, một sự đặt tên có mặt. Nó không phải là cái mà bạn cho rằng đó. Bạn chỉ có thể thấy nó, đơn giản là thấy nó. Nhưng thường thấy được nó rồi, bạn lại bắt đầu suy nghĩ về chúng; đừng suy nghĩ, vì suy nghĩ làm mất sự thấy đó. Hãy thấy nó như nó đang là với cái tâm rỗng lặng, trong sáng không khởi lên bất cứ điều gì, không có cả chánh tư duy hay chánh tri kiến gì ở đây hết.
Uhm, còn nếu thấy loằng ngoằng quá, thôi thì cứ mơ đi, cũng được.

Cửa ngõ vào đạo

Cửa ngõ vào đạo là chánh niệm tỉnh giác. Nếu không có chánh niệm tỉnh giác, tất cả những cái bạn đang cho rằng bạn đang thành tựu, đang có được, đang hiểu được chỉ là sự thỏa mãn, phù hợp, tương thích với các tri kiến mà bạn đã thiết lập. Ví dụ như thế này là hay, là đúng pháp, như thế này là an lạc, như thế này là hạnh phúc, hay ngược lại…
Trạng thái bạn đang có là hiện tướng của nhân duyên, và đó là các pháp do duyên mà khởi. Chấp nó là ta, của ta, bạn sẽ Thọ hưởng với các trạng thái đó. Vui thì Lạc, không vui thì Khổ. Mà Vui hay Khổ thì cũng là Dukkha – sự biến đổi liên tục không đồng trục, không thống nhất, biến hoại (theo nguyên nghĩa Pali), vì vậy mà không có sátna nào giống sátna nào.
Không thể chánh niệm tỉnh giác đúng đắn, các pháp sanh khởi liên tục không thể nắm bắt kịp, không thể biết kịp, thì cho nó là thường, là ngã mà tận hưởng, mà an vui ở trong nó. Và điều này không thể phá bỏ được chỉ bằng nghe (trừ căn cơ cực cao như 2/5 anh em Kiều Trần Như), mà hoàn toàn phải do công phu tu tập, thực hành.
Không thể thân chứng những điều này, toàn bộ quá trình mà bạn gọi là tu học, tu tập, Phật pháp chỉ là sự việc làm cho vui, tìm an, tìm yên, sống tốt đời ở kiếp người. Một tâm tham vi tế hoàn toàn muốn thọ hưởng mà không có chút hiểu nào về Dukkha, về Tứ diệu đế mà Đức Phật đã phải dành cả cuộc đời để thuyết giảng, dành hơi thở cuối cùng để chốt lại.
Không phải mong cầu một sở đắc nào đó, hay một kỳ vọng nào đó, nhưng tri kiến dẫn đến giải thoát là một tri kiến cần được nghe, học, thực hành đến khi trở thành bậc giải thoát thực sự. Còn cả cuộc đời này chỉ dành để phá bỏ các tri kiến đã huân tập từ muôn vạn kiếp và ngay cả kiếp này vậy.
Một khái niệm về Chánh niệm tỉnh giác có lẽ sẽ chấn động một vài tri kiến cũ. (Theo link)
https://m.facebook.com/groups/200578264563740/permalink/428513018436929/

Hoa nở bên đường

Có một bông hoa bên đường, có thể dùng từ miêu tả là đẹp. Có người đi qua thì dừng lại ngắm nghía, nâng niu, trầm trồ: thật là một bông hoa đẹp. Nhưng có người thì: bông hoa này thật đẹp, ta nên ngắt nó về cắm vào chiếc bình của ta, nhà ta có một cái bình đẹp, chỉ bình đó mới hợp với nó.
Người thứ nhất vì tôn trọng tự nhiên, không có tính sở hữu, trân trọng cái đẹp nên để hoa là hoa, để nó vốn như là nó. Bông hoa vì thế mà vẫn trên cành, cứ nở mãi làm đẹp cho đời.
Người thứ hai vì tính sở hữu, vì nghĩ rằng chỉ ta mới phù hợp, cho rằng hoa cắm vào cái bình ở nhà càng đẹp hơn mà đã để hoa không còn là nó. Ngoài sự không thấu hiểu về tự nhiên càng mang đầy tính tự ngã: cho rằng, thế này mới đúng, thế kia mới phải.
Sắc đẹp của người đàn bà, vốn dĩ không phải là cái tội, mà sự tham ái, ham muốn của người đàn ông mới làm cho nó trở lên là một thứ đáng sợ, nguy hiểm. Và ai cũng đổ tội nó cho bản năng vốn sinh ra là thế. Không phải đâu ạ, các loài vật cũng tới mùa sinh sản mới tìm nhau, thực hiện xong chức năng là xong. Mà là con người ta ham thích cảm giác của tính dục mà tầm cầu, mà sở hữu, mà cho rằng tính dục đó nó là bản năng, nó là của ta.
Bông hoa kia cũng vậy, cái đẹp của nó không phải là cái tội. Mà do tâm người khi đối diện với nó. Kẻ thưởng thức thì thấy mình quá đủ khi ngắm nhìn. Kẻ sở hữu thì dù cho đem về cắm vào bình cũng không thấy thỏa mãn. Vì rằng sự vô minh che mờ khiến chẳng bao giờ thỏa mãn được cảm giác của y. Cảm giác đẹp vốn vô thường, hoa kia vốn vô ngã mà tự nhiên mọc lên bên đường vậy.
Hoa bên đường hoa nở
Đẹp đẽ chẳng mong cầu
Quân tử xin cứ ngắm
Đừng ngắt, làm hoa đau

Dục như ý túc


Đây là một loại Dục phát sinh không phải chỉ từ một khởi niệm hay mong cầu đi học đạo dù đó là Chánh đạo. Mà là khi đó người ấy thấy rõ ràng sự thật về Khổ và Khổ tập, vì thế mà người đó quyết tâm bước đi trên con đường đưa đến Khổ diệt.
Chỉ có thấy như thật, thấy lông tóc dựng ngược về các loại khổ, khổ do dục ái (ham muốn vật chất, tinh thần), khổ do hữu ái (ham muốn hiện hữu làm người), khổ do phi hữu ái (ham muốn hiện hữu ở các cõi hay tầng trời), thì lúc đó mong muốn tu tập hay Dục để thúc đẩy sự tinh tấn tu tập mới được gọi là Dục như ý túc, là Dục phát sinh từ sự hiểu biết thật sự chứ không phải dựa vào điều gì đó mơ hồ.
Khi nhận biết rằng, học Đạo không phải là khoe mẽ, theo phong trào, thêm một kỹ năng sống hay tìm cầu về một trú xú kì diệu, hay bình an nào đó, thì Dục như ý túc càng được vun bồi.
Khi có dục như ý túc, lúc này việc học và thực hành pháp diễn ra một cách tự nhiên như nhiên đến mức tự động, như con người thấy đói thì ăn, thấy khát thì uống, thấy nắng thì trú, sáng ra tỉnh dậy thì đánh răng rửa mặt vậy. Đó là lúc tinh tấn như ý túc được khởi sanh.
Không có Dục như ý túc, sự tìm cầu học đạo chỉ như một trò khám phá chơi chơi, thích thì đến, thích thì hành, hời hợt, lượn lờ, rồi chẳng đâu tới đâu cả. Nếu không có ý thức miên mật đi đến cùng, thì thôi, sống Đời cho vui thích cũng còn tốt hơn mất thời gian hành vài hôm rồi bỏ đó vậy.
Kỷ luật tạo ra sức mạnh. Quả chẳng tự nhiên từ trên trời rơi xuống. Mọi sự đều được gieo trồng từ những nhân thiện, vun bồi và phát triển vậy. Qua sự tinh tấn tu học, rõ ràng đâu vào đó, giống như người học nhạc, phải nắm rõ nhạc lý, hiểu biết các nốt nhạc, cao độ, trường độ, thăng, giáng, trầm…, thuần thục ngón đàn, lúc đó mới sáng tạo cái gì thì sáng tạo. Bẩm sinh cũng chỉ là sự rèn rũa được tích lũy rất nhiều từ các kiếp sống trước mà thôi.
5h30 sáng, các đạo hữu đã tinh tấn cùng thực hành, không cần quan tâm đêm qua HN có mưa lớn đấy.
Chúc các đạo hữu tinh tấn trau dồi pháp học pháp hành, sớm ngày thành tựu.

Thiền

Ngày còn là cô sinh viên mới chân ướt chân ráo ra trường, thay vì mơ mộng yêu đương tuổi trẻ, tôi hành thiền, mọi người thì cười.
Ngày mới đi làm, thay vì phấn đấu, tôi hành thiền, mọi người thì cười.
Ngày mới lập gia đình, giữa bộn bề con cái, tôi hành thiền, còn mọi người cười.
Ngày mở công ty, thay vì quan hệ phát triển mở rộng, tôi hành thiền, mọi người thì cười.
Ngày bao nhiêu khó khăn đổ lên đầu, tôi vẫn hành thiền, mọi người vẫn cười.
Ngày tôi ngập ngụa trong rối ren, tâm đầy loạn động, tôi vẫn hành thiền, mọi người vẫn cười.
Ngày tôi đi qua những khó khăn, rối ren, tôi vẫn duy trì hành thiền, mọi người vẫn cười.
Đến hôm nay, sau quá lâu thời gian, hình như chẳng có gì gọi là Nổi tiếng, tôi vẫn hành thiền, và mọi người vẫn cười.
Cho dù cuộc sống có thăng, có trầm, có lạc có bi, tôi vẫn hành thiền. Tôi hành thiền vì chính bản thân tôi, không phải vì bất cứ một động lực nào, không phải vì một ai đó động viên, khuyến khích hay kích bác.
Nếu ai đó cười vì họ vui khi thấy tôi hành thiền, đó là phước thiện. Nếu ai đó cười khi thấy tôi hành thiền rồi đem tâm so sánh hơn thua đặt vào thì bản ngã đã có mặt, tham sân si đã có mặt – và tôi sẽ hoan hỷ không tiếc hồi hướng công đức tu tập của tôi tới người ấy.
Còn bạn, bạn có hành thiền không? Thiền không cần phải khi nào bắt đầu hay chuẩn bị. Thiền không phải vì mục đích như một theo Trend, thấy mệt mỏi lánh đời, hay tìm một điều gì đó an lạc, hay khám phá một sự kì diệu.
Hãy hành thiền, vì nó là một phần của đời sống của bạn.

Vô đề

Ai rồi cũng chọn cho mình một con đường để đi, một cách để sống qua kiếp người, một người thầy để nương tựa và chỉ dẫn.
Cũng từng lần mò, cũng từng đau đáu, cũng từng tham vọng, cũng từng vật lộn, cũng từng khắc khoải… Đâu đó ở thời điểm hiện tại các tâm này vẫn còn chút len lỏi. Chỉ là ngày hôm nay, không còn vội vã, không còn khẳng định, không còn kết luận, không còn cho rằng… Ai hay cái gì đều có duyên của nó mà hiện sanh.
Chỉ là với thân tâm mình, tự mình nương tựa mình, nương tựa nơi Dhamma (giáo pháp Duyên khởi và phương pháp thực hành Tứ niệm xứ của Budha); tự mình quán sát, tin tưởng từng bước chân, từng hơi thở; tự mình bình thản đón nhận các duyên mình đã gieo, đã tạo và vun trồng các thiện duyên còn đang e ấp.
Hoa tàn, hoa nở
Hữu ý, vô tình
Niệm sinh, niệm diệt
Mở ánh bình minh

Tu là gì? Tu gì?

Tu là gì? Tu gì?

Lâu rồi cũng không muốn bàn chuyện tu, vì ai tu người đó chứng, mỗi người một nhân duyên, nhưng hôm nay ngứa tay, ngứa chân gõ một chút vậy.
Bạn có đang giữ khư khư những khái niệm: tu là giới, định, tuệ mà đầu tiên là giữ giới, tu là bố thí, thu thúc lục căn, thiểu dục tri túc, tu là hành trong đời sống, tu là để tốt đời đẹp đạo, tu là buông bỏ, tu là không dính mắc, tu là tu tại tâm, … những định nghĩa được nhắc lại nhiều nhất. Nhưng hình như hơi giống các bài phát biểu, hô hào, tuyên truyền, nghe vậy, tụng lên vậy, hô lên vậy mà không biết hành kiểu gì, hoặc lại cho rằng khó lắm, khó quá, bao nhiêu a tăng tì kiếp, rồi kiếp này chỉ làm được như vậy thôi, … Những tri kiến đó gắn chặt và chôn chân chúng ta lại, hình thành nên cái bạn đang là.
Trước tiên, tạm cất những gì bạn đang cho là, thử đọc những gì tôi tổng kết tạm tạm ra đây xem.
Trước tiên có một sự thật như sau:
Đức Phật giác ngộ là giác ngộ Thế giới của Tâm, chứ không phải thế giới vật chất (trần cảnh) – trong bài kinh (Nếu Như lai nói ta k b là nói láo trong ta, nhưng ta biết…)
Có chúng ta với 6 giác quan (mắt tai mũi lưỡi thân ý), và có thế giới trần cảnh với 6 loại hiển thị (sắc thanh hương vị xúc pháp). Các thông tin thế giới bên ngoài khi đi vào qua 6 cửa giâc quan được tâm biết thấy biết. Và cái chúng ta thấy biết này chính là các cảm giác gồm: cảm giác hình ảnh, cảm giác âm thanh, cảm giác mùi, cảm giác vị, cảm giác xúc chạm, cảm giác ý căn. Nó là cảm giác vì nó là sự tương tác thông tin của giác quan và trần cảnh, được tế bào giác quan ghi lại chứ không phải cảnh thật. Nó phụ thuộc vào tế bào giác quan mỗi người nên k ai giống ai, nó phụ thuộc vào không gian bên ngoài nên lúc thế này, lúc thế khác (ví dụ nhìn xa, nhìn gần, nghe xa, nghe gần…)
Trong bài Kinh phạm võng, Đức Phật có nhắc đi nhắc lại: Như Lai nhờ như thật tuệ tri thế giới này là cảm thọ, sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm, sự xuất ly của thọ mà Như Lai được giải thoát hoàn toàn khỏi các chấp thủ…
Vì rằng, Đức Phật đã hiểu cái mà chúng ta đang thấy biết chỉ là các cảm giác và chúng có đặc tính vô thường, dukkha, vô ngã.
Giải thích:
– thế giới là cảm giác thì đã nói là do căn trần tiếp xúc và tế bào giác quan ghi nhận
– sự tập khởi của cảm giác: có Xúc thì sinh Thọ, không tránh được khi ta còn sống, xung quanh là trần cảnh, không phụ thuộc sống ở đâu, nước nào, là ai…
– sự đoạn diệt: không có Xúc thì không có Thọ
– Vị ngọt: do các thông tin cũ, do cái ta cho rằng thế này là tốt, là đúng, là thiện là đẹp mà Ái, thích, tham…
– sự nguy hiểm: không thấy rõ sự dính mắc mà dẫn tới Thủ (giữ), Hữu (muốn có cảm giác tốt, hoặc không muốn có cảm giác xấu) mà sinh các tâm Tham, Sân, Si
– sự xuất ly: thấy rõ các thọ như vậy, ta không nắm giữ, không ràng buộc….
Hiểu về
Vô thường: do căn trần
Dukkha: do sự tương tác sanh diệt liên tục, cái chúng ta nhận biệt là một chuỗi cảm giác, nhưng nó lại biến đổi liên tục
Vô ngã: do giác quan và thế giới bên ngoài tương tác, đâu phải do một cái Ta nào đó, hay của Ta nào đó
Bài kinh đầu tiên là hiểu về Dukkha: ghi nhận thế giới là cảm thọ, 1 chuỗi tập hợp các cảm thọ, biến đổi
Bài kinh thứ hai là Vô ngã tướng
Chúng ta là một tập hợp của Sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc là thế giới vật chất, tự nhiên, xung quanh, giác quan – tế bào giác quan. Thọ – thông tin do tế bào giác quan ghi lại. Tưởng là tâm biết trực tiếp và Thọ, biết là biết vậy. Thức là cái chúng ta cho là thế nọ là thế kia. Hành là hành theo cái chúng ta cho là thế nọ thế kia…
Vì chúng ta không phải là sắc thọ tưởng hành thức, chúng chỉ là tập hợp các duyên liên tục tương tác và chúng ta đang cho là thật, đồng hóa ta với nó mà bị nó chi phối, điều khiển. Nó không có Tướng cũng chính vì nó chỉ xuất hiện khi đủ nhân, đủ duyên, hay có thể một quan điểm khác nó là sự tương tác thông tin của giác quan và trần cảnh nên không có tướng trạng. Hay nó cũng chỉ có hiện tướng khi có một quan điểm về cái ta cho là cái cảm thọ đó là như thế này, thế kia… còn không, tất cả cứ vùn vụt đi qua như bạn đi xe máy vậy. Ngày nào bạn chẳng đi, tiếp xúc với bn xe máy, ô tô,… nhưng bạn có lưu lại gì không?
Tạm ngần đó để bạn hiểu rõ Đức Phật giác ngộ cái gì, cái mà chúng ta đang biết là cái gì. Và cái chúng ta cần tu là cái gì.
Đó là buông bỏ những tri kiến cá nhân về bất cứ cảm giác gì đang được tâm thấy biết qua 6 cửa giác quan. Vậy thì làm gì:
– giữ giới, hộ trì các căn là để các thông tin tới 6 giác quan này ít nhất, và k bị buông lỏng, hay luôn quán sát được các thông tin trần cảnh đi vào 6 cửa giác quan. Tức là để nó k bị ồ ạt, ào ạt như lũ vậy, để chậm rãi quan sát hay chánh niệm là nhận biết các pháp đang sanh khởi nơi thân thọ tâm pháp.
– luôn chánh niệm, chánh niệm không phải là biết về thế giới bên ngoài, tiếp xúc với cái gì biết về cái đó, mà chánh niệm là biết về các pháp hay là cái gì gì đó đang sanh khởi nơi thân, thọ, tâm, pháp của chúng ta sau khi tiếp xúc với trần cảnh. Nên chánh niệm thuần thục thì ở đâu cũng như nhau vậy.
+ cái gì chưa sanh nay sanh
+ cái gì đã sanh nay đoạn diệt
+ cái gì đã đoạn diệt nay không sanh khởi nữa
Cái gì gì là những cái trong tâm chúng ta đang có cảm thọ, đang có tâm, đang có pháp với đối tượng mà chúng ta tiếp xúc vậy.
Tu tại Tâm là ở chỗ này. Nhận biết về thế giới mà chúng ta biết là Tâm, là cảm thọ,….
Văn Tư Tu
Văn tuệ: biết về các thông tin sự thật đã nói ở trên, chứ không phải tu là khai mở thiên nhãn, nâng cao năng lực, trường sinh học, có trường năng lượng, năng lực gì gì cả. Đọc thêm Kinh sách nhất là các bộ kinh Pali biên soạn gần thời Đức Phật nhất.
Tư tuệ: tự chiêm nghiệm về lời dạy bảo đó trong đời sống. Nếu đã bảo đọc Kinh Sách không hiểu thì đừng giữ khư khư các lời kinh đó để đem phản ứng với mọi người, với các câu chuyện đang diễn ra và cho mình là đúng. Dừng ngay các câu hỏi bộ 6w1h để luôn thêm vào, vơ lấy các tri kiến của đời sống.
Hiểu rõ về 37 phẩm trợ đạo và lấy đó làm kim chỉ nam thực hành.
Tu tuệ: luôn quan sát các thông tin liên tục tới nơi 6 giác quan và quán chiếu các pháp đang sanh khởi nơi Thân thọ tâm pháp. Thực hành nơi đời sống để thấy các pháp ở mặt hiện tướng bây giờ. Nhưng thực hành ngồi thiền tọa, nhập thất để các kiết sử ngủ ngầm, các thông tin ở tiềm thức, quá khứ có cơ hội nổi lên, ứng ra ngoài như thế nào. Luôn đối diện với các pháp đang sanh nơi thân thọ tâm pháp một cách trực diện, không tìm cách bao biện, đổ lỗi, ngụy biện, thấy rõ sự sanh khởi, đang tồn tại, và tự thừa nhận sự có mặt của nó, dù nó là cái gì đi chăng nữa: ham muốn, dục vọng, sân hận… Bỏ qua kinh sách, tri kiến, lời các người thầy vì đó vẫn là thông tin quá khứ, thông tin cũ, nó không phải là thực tại, thực tại là những gì đang được 6 giác quan ghi nhận và đang sanh khởi nơi thân thọ tâm pháp vậy. Thường biết ở đây, niệm phật tính, niệm pháp (sự thật), niệm tăng (duyên) là ở đây, chứ không phải là lời hình tượng nào, lời kinh nào đang được phóng chiếu từ kho lưu giữ.
Bình an, hay năng lượng cao, hay thanh khí, tướng tốt, hiện tướng bên ngoài, đời sống an lạc … đều là do tâm được tu tập. Nó là hệ quả chứ không phải là đích đến.

Con đường luôn mới

Mỗi con đường thì sẽ có khoảng đi nhanh, và cả khoảng đi chậm, hay khoảng dừng (đèn đỏ chẳng hạn).
Đôi lúc dừng lại một chút cũng tốt mà.
Còn bận tâm xanh đỏ, còn bận tâm lựa chọn con đường này tốt hơn con đường kia, cái này tốt hơn cái kia, ít hay nhiều đèn đỏ hay thẳng tắp hơn thì đã mất cơ hội thưởng thức cả một con đường.
Không có con đường nào là quen thuộc hay thói quen cả, vì mỗi bước chân là luôn mới.

Vô đề

Ý thức hay cảm xúc đều là sản phẩm của Tâm, nó đều là không thực vậy.
Không phải là chọn cái này hay cái kia, hay tìm cách hợp nhất nó theo kiểu có cả ý thức và cảm xúc.
Không cần quan tâm đâu là ý thức, đâu là cảm xúc, là cái mình đang là, vậy là được.
Nếu có hiện tướng, hãy kết thúc cái đã bắt đầu theo cách mà nó vận hành.