Ngắm nhìn

Tôi có thể ru bạn bằng những lời ngọt ngào

Hoặc những tách trà thơm nóng hổi

Bạn có thể dịu dàng, an yên trong giây lát

Đắm chìm mình lơ đãng những ngày đông

Nhưng tôi không thể cảm nhận hay thấy thay bạn được

Những dòng chảy đang khơi lên trong bạn

Những thổn thức

Những nỗi đau

Hay cả những vui sướng, hân hoan

Hãy lắng nghe chúng trong mình

Nếu có thể hãy chạm vào

Và để chúng lướt qua

Dù chúng có đâm chồi, hay nở hoa

Rồi chúng cũng sẽ tới hồi rụng xuống

Yêu thương hay đau khổ

Cũng chỉ là những mạch ngầm đang chảy

Bạn có thể là người khơi dòng

Và cũng có thể là người đứng ngắm nhìn hay đón nhận nơi cuối dòng.

Đừng nhầm lẫn về Không và Không gì cả

Đừng nhầm lẫn về Không và Không gì cả

Bao nhiêu năm học và tu đạo, điều mà tôi hay gặp nhất là sự chấp Không. Ăn cái này à – không sao hết. Làm cái này à – không sao hết. Kế hoạch kinh doanh à – không cần. Tiền à – không cần…. Nhiều lắm. Có thể ngôn từ không diễn đạt chuẩn lắm, nhưng tất cả là chẳng có gì quan trọng cả, sao cũng được.

Thực ra, cái quan trọng ở đây đang nhầm lẫn về các khái niệm Thế gian pháp và Đạo pháp.

Thế gian có đủ ngũ hành kim mộc thủy hỏa thổ, có đủ tứ đại đất nước gió lửa và cả khí, có đủ 4 phương 8 hướng và 4 mùa xuân hạ thu đông (ý nói nhiệt độ). Chúng vận hành theo quy luật của tính chất của chúng, theo sự tương tác của chúng với các đối tượng liên quan. Ví dụ nước trên 100 độ ở thể khí, từ 0.1-99.9 là thể lỏng, dưới 0 độ là thể rắn.

Duyên sinh của thế gian là có cái này thì có cái kia, không có cái này thì không có cái kia. Không phải mọi thứ có hai mặt mà nó là sự đối lập hay lưỡng cực của một pháp thế gian, tổng hòa là 100%. 1 cốc nước đầy là có ngần này nước, nếu thiếu Xml thì nó sẽ không đầy, muốn đầy thì thêm Yml chất lỏng hay thể tích vật rắn thả vào.

Tổng thể con người là ngũ uẩn gồm Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức là cấu thành 5 nhóm duyên mà hình thành cá thể người hiện tại. 5 tập hợp Danh Sắc này ở mỗi người sẽ cho người đó hình dạng, tính cách, quan điểm, lối sống khác nhau. Không cá thể nào giống cá thể nào. Có chăng có sự tương đồng ở vài điểm, hay nhiều điểm, nhưng vẫn là không đồng nhất. Cái này Phật đã dùng từ Dukkha – sự không đồng nhất, đồng trục để nói (chứ không phải Dukkha là khổ đau, khổ sở)

Có một sự thực là ta đang biết những gì xảy ra quanh chúng ta, trừ khi bị down. Nắng mưa, nóng lạnh, ngày đêm, mềm cứng,… Tất cả những điều này chúng ta biết thông qua 6 cửa giác quan – mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Tại đây có một chu trình rất hay. Chúng ta biết và đối chiếu so sánh với các uẩn để đưa ra các kết luận. Và nó mang tính cá nhân, hay chủ quan là vì sự so sánh, đối chiếu dựa trên dữ liệu trong các uẩn của chính chúng ta. Nếu chúng ta thay đổi bộ đối chiếu, so sánh thì nó sẽ là các kết quả sẽ thế nào đây?

Có một sự thực khác nữa, là những thứ xảy ra quanh chúng ta nó vẫn đang xảy ra, dù có chúng ta hay không có chúng ta. Nó vẫn vận hành theo cách của nó.

Nhưng một sự thực khác khác nữa, nếu chúng ta là một nhân tố trong nó, thì sự vận hành của nó có yếu tố của ta, và ta hiển nhiên có vai trò trong chuỗi duyên sinh của chúng.

Ví dụ thế này: có một căn nhà. Nó gồm gạch cát xi măng ngói sỏi… theo thời gian nó sẽ dần cũ kĩ, bụi bặm. Không có ta ngôi nhà vẫn tồn tại và theo thời gian có thể không tồn tại như quy luật tứ đại của nó. Nhưng nếu ta là chủ nhân của nó, nay ta thấy chỗ này thủng, dột, ta vá víu nó lại – mưa gió không dễ làm bào mòn nó. Hoặc ta là người thuê nhà. Ta phải bỏ tiền ra để sử dụng, nếu không thì hết tháng, xin mời bạn đi.

Chúng ta không nằm ngoài quy luật của tứ đại và sự cấu thành của ngũ uẩn. Chúng ta hằng ngày vẫn tiếp nhận 6 loại thông tin tới từ các cửa giác quan – đó là sự thực không thể thay đổi khi chúng ta đang còn là thân người.

Hãy hiểu một cách rất đúng đắn về Không hay Không gì cả. Nếu bạn nằm trong chuỗi nhân duyên của sự kiện, tự phủ nhận chính mình đó không phải là vô ngã mà chỉ là một người thiếu Trí Tuệ. Cái mà bạn có thể làm, là các thông tin khi đi qua 6 cửa giác quan, không bị các đối chiếu mang tính Ta, của Ta xảy ra, để đẻ cành, đẻ nhánh trên các tư kiến, định kiến hay suy diễn mang tính cá nhân nữa mà thôi.

Cái mà giúp chúng ta có thể điềm nhiên là có trí tuệ. Ngay từ trí tuệ đã gồm cả Trí và Tuệ. Trí là tri thức kinh nghiệm thế gian, là sự hiểu biết về sự vận hành của tự nhiên, của vạn vật. Tuệ là thấu hiểu về Vô thường, Vô ngã – các pháp dù có vận hành ra sao thì do duyên mà sanh, do duyên mà diệt nên Vô thường, không có ta nó vẫn vận hành nên là Vô ngã.

P.s: Một người có trí tuệ là một người hành xử đúng đắn cả Trí và Tuệ, chứ không phải thấy con bọ cạp vẫn đưa tay ra cho nó cắn rồi bảo đó là duyên. Ký một hợp đồng, vì Covid, không có khả năng thanh toán và bảo đó là Vô thường, Vô ngã.

Người đi tìm

Người đi tìm hình của đất

Sao không thấy bóng

Sao không thấy dấu chân

Chỉ còn viên đá cuội

bên đường

nằm ngẩn ngơ

Người đi tìm vì sao đổi ngôi

Sao không thấy mây

Sao không thấy gió

Chỉ thấy trời xanh

trong vắt

cao vời vợi

Người đi tìm gì giữa thế gian

Thế gian không còn nụ cười

Thế gian không nước mắt

Chỉ còn lại sự im lìm

tịch tĩnh

mênh mông

Khoảng trống

Đặt tâm vào tích cực – tích cực làm hứng khởi, hưởng thụ, và có thể muốn ngủ quên trên chiến thắng.

Đặt tâm vào tiêu cực – tiêu cực làm chán nản, mệt mỏi, và có thể muốn đầu hàng.

Đặt tâm vào khoảng trống, không phải vào tích cực hay tiêu cực, cũng không phải không đâu cả, chỉ là giữa những tâm ý liên tục nảy sinh, giữa những dòng đồ thị lên xuống luôn có một khoảng lặng. Đó là khoảng Bình An.

Thân thuộc

Có những thứ tiếp xúc lâu, thấy lâu, … ta tự dưng mặc định nó thành thân quen rồi thân thuộc.

Ôi, cái từ Thân Thuộc – cho nó là Ta, là của Ta. Thành ra nếu có lỡ hết duyên, hay sắp rời xa ta lại cố tình phan duyên thêm một chút để nó lại ở lại với ta thêm một chút, rồi từ đó mà thành lặp đi lặp lại hay to tát gọi là luân hồi.

Có thể thản nhiên với nhân duyên, thì trước hết nhân duyên đó phải thuận lẽ tự nhiên, hoặc trong tầm khả năng của các điều kiện của những gì ta đang có.

Khi tâm không phải sinh cố gắng, lúc đó mới là tâm bình thản.

Tu tốt

Hãy cẩn thận với phong trào tu tâm, tích đức, tạo phúc, giải nghiệp… Nó chính là một dang tâm Tham vi tế, dần sẽ chuyển hoá thành một dạng Tà Tâm lúc nào không hay.

Dù làm bất cứ điều gì kể cả tu tập mà chỉ mong cho mọi người thấy mình tốt, tu tốt, thiện, hay muốn nghe được những lời tán thán, cảm ơn, không muốn nghe hay không chịu được những ý kiến trái chiều chưa nói tới lời phỉ báng, hoặc cho rằng những lời đó là của những kẻ thấp hèn, chưa học đạo, chưa hiểu thấu, … thì hãy khéo léo nhận ra các tâm đang sinh khởi.

Bất kể một cái tâm nào được nảy sinh nhằm ngụy biện cho bản ngã và cho rằng mình tốt đẹp, đang tốt đẹp, không dính mắc, không bám chấp… thì đều đang rơi vào cái bẫy của bản ngã vậy.

Thôi thì, lại uống trà đi vậy.

Ngay đây Niết bàn

Trăm năm trong cõi người ta

Chữ đời chữ đạo thật là khéo chia

Đời đường này, đạo đường kia

Tìm đâu ra lối phân chia rõ ràng

Thôi thì chẳng phải nghĩ bàn

Ngay đây, ngồi xuống Niết bàn mở ra

Ngoài cuộc

Một người em nói lên suy nghĩ: em thấy nếu thiền, hay đạo, hay tâm linh, … giúp đời sống tốt hơn, an yên hơn, … thì cũng đâu có khác gì các bộ môn tâm lý, kỹ năng sống… chỉ là những bộ môn kia không xử lý được thì đổi bằng bộ môn này mà thôi.

Nếu bạn vẫn còn bận tâm tới thế gian và đời sống của mình làm sao cho ổn hơn, an hơn, dễ chịu hơn, thuận lợi hơn… thì ngay xuất phát điểm:

– chọn sống đời sống thế gian, giữ lấy chúng chặt chẽ

– một tâm tham ái muốn chúng theo ý mình cho là tốt đẹp và hoàn hảo, an yên, thuận lợi

– chọn sẽ đi tiếp hay tiếp tục sẽ cố gắng nó để nó trở nên tốt đẹp hơn nếu chưa ok (nếu chưa được ở kiếp sống này thì hẳn nhiên là sẽ ở kiếp sống tiếp)

Tốt hơn, đẹp hơn, an hơn, … dù thế nào vẫn là đời sống thế gian và thực hành để hoàn thiện nó Phật gọi là con đường Hiệp thế – con đường vẫn đưa tới luân hồi tái sinh.

Và trong Phật học có một khái niệm Xuất thế gian, hay gọi là con đường #Siêu_thế – con đường chấm dứt luân hồi sinh tử. Và các bạn có thể tham khảo về nó tại bài kinh Đại Kinh Bốn mươi – Trung bộ Kinh (Bộ Kinh Nikaya – HT Minh Châu dịch Việt)

https://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung117.htm

Uống trà mà tại đó tâm bạn thấy an hơn, yên hơn, đó vẫn là dùng một đối tượng thế gian để đổi lấy cái bất an trong lòng bạn.

Uống trà mà tại đó bạn chỉ thấy đơn giản là uống trà. Một ly trà với hương, với vị, với các xúc cảm đang hiện diện tại thân tâm bạn, tại đó nó là nó – không có thế này hay thế kia, không vẽ ra một cảnh giới nào đó, gói người uống, người thưởng trà lại ở đó – thì tại đó bạn mới ngoài cuộc với trà, ngoài cuộc với thế gian.

Ngay bây giờ và ở đây

💥Ngay bây giờ và ở đây, không phải là ngay thời gian, thời điểm hiện tại, với môi trường và hoàn cảnh đang có bạn thấy hài lòng với nó là bạn đã ok.

Vì bạn vẫn còn hướng tâm ra bên ngoài, nên khi nói đến “ngay bây giờ và ở đây”, bạn nghĩ đến thời gian và không gian mà bạn đang hiện diện, có mặt, có được; bạn đang nghĩ tới những mối quan hệ, những thứ xung quanh bạn có được.

😌Ngay bây giờ và ở đây cũng không phải là trạng thái tâm hay cảm xúc của bạn với thế giới bên ngoài theo kiểu bạn có cái xe mới bạn vui, bạn thất nghiệp bạn buồn.

😌Nó không phải bạn đang chìm đắm vào một trạng thái thiền định nào đó và bạn thấy rỗng không ở đó.

😌Nó không phải là những dòng suy nghĩ miên man của về một vấn đề nào đó, ai đó, công việc,…

😌Nó cũng không phải là cái gọi là thế giới bên trong, theo như cách bạn nghĩ không phải bên ngoài thì bên trong.

Bạn nhận ra mình đang ở cái nào một trong những điều trên đã là quá tốt rồi. Nhưng thường là bạn không thấy hoặc chỉ lờ mờ thấy, và sự thực bạn vẫn đang trôi dạt trong chúng, theo chúng. Bạn không thể nhận ra bạn đang như thế nào vì bạn đang ở trong nó, sống trong nó, thậm chí là chính nó.

Với người không thực hành tu tập, thiền minh sát thì khẳng định là không bao giờ nhận ra sự trôi dạt này của mình. Với người có thực hành thì mới đầu khi sự kiện trôi dạt này xảy ra khá xa rồi mới nhận ra. Khi người đó thực hành minh sát miên mật hơn, thì việc trôi dạt mới nảy sinh sẽ sớm biết hơn. Và chỉ có các bậc Alahan thì việc trôi dạt này mới không xảy ra. Nên việc của bạn là học cách nhận ra bạn đang trôi dạt tới đâu, như thế nào.

🤩Vậy ngay bây giờ và tại đây là gì? Là những thời khắc đang sinh lên và diệt đi ngay 6 giác quan của bạn. Và bạn nhận biết nó. Nhận biết các đối tượng vào ra, nhận biết trạng thái thân thọ tâm pháp (có thể gọi tóm tắt là thân tâm) của mình ngay khi các đối tượng đang diễn ra nơi 6 giác quan đó.

Chỉ khi bạn biết điều gì xảy ra nơi 6 giác quan của mình – đó mới là ngay bây giờ và tại đây. (Như tôi đang bấm những dòng này – nếu tôi trôi dạt theo suy nghĩ miên man tìm cách giải thích về cụm từ này cho các bạn, tôi mất đi cái gọi là ngay bây giờ và tại đây, nhưng tôi vẫn thấy rõ những nốt chạm phím ngón cái vào màn hình điện thoại, thấy tâm tôi nghĩ viết xong bảo không biết nếu bạn đọc chỗ này có hiểu hay tán thán tôi không. 😂)

Điều gì bạn đang còn nắm giữ

Ngày đi học, hay đi làm, để tìm hiểu, khám phá thế gian, bộ câu hỏi mà bạn được nhắc đi nhắc lại để học hành, làm việc là 6W1H:

– who?

– why?

– what?

– which?

when?

– where?

– how?

Bước vào học đạo, bộ câu hỏi cần thiết dành cho bạn:

– đây là khổ?

– đây là nguyên nhân đưa đến khổ?

– đây là khổ diệt?

– đây là con đường đưa đến khổ diệt?

(Tứ thánh đế là Đức Phật dùng câu khẳng định. Còn mình đang tìm cầu học đạo, chưa vội tin cũng chưa vội bác bỏ, nên mình đặt là câu hỏi – Khi nào chứng Sơ quả thì mới không còn Hoài nghi)

Bước vào hành đạo, còn lại một câu thôi:

– Điều gì mình đang còn nắm giữ?

Dù trạng thái tâm, hay điều kiện, hoàn cảnh vật chất bên ngoài có thế nào thì chúng cũng Vô thường. Nên bạn không thể cho rằng như vậy là Thường hằng, như vậy là đúng rồi, như vậy là tốt rồi. Như bây giờ bạn đói, được ăn là rất ok, nhưng no rồi, ăn nữa lại thành nguy. Nên điều quan trọng là luôn cần nhận biết mình đang nắm giữ điều gì.

Có thấy được thì mới buông được.

Đạo không như chương trình học phổ thông. Hết lớp 1, rồi sẽ auto lên lớp 2, lớp 3… Bạn phải thấy mình có nhu cầu học lên, hoặc thấy những gì mình đang trải qua là đã cũ (đang chấp thủ, đang nắm giữ) thì bạn mới có thể rời bỏ được, và lên lớp được.

Khi người học trò cần, người thầy sẽ xuất hiện.

Nếu bạn luôn thấy mình ổn, cho rằng vậy là ổn. Cũng được. Cứ thế đi. Chỉ là bạn không thể đi tiếp và thấy phía trước còn nhiều thú vị như thế nào đâu.