Hôm nay chúng ta bàn về LẮNG NGHE.
Chúng ta nói chúng ta lắng nghe, chúng ta biết lắng nghe, chúng ta nghe được cái nội tâm bên trong. Nhưng thử thành thật xem, cái lắng nghe đó là lắng nghe điều gì?
– lắng nghe các cảm xúc đang sinh khởi nơi thân tâm
– lắng nghe các tiếng nói nhỏ đang cho thế này là đúng là tốt
– lắng nghe giao cảm của mình với xung quanh
…
Người biết lắng nghe cảm xúc là của mình lại sống theo cảm xúc, đôi khi đa sầu đa cảm.
Người lắng nghe các tiếng nói nhỏ trong đầu là người lý trí, người có tư duy tốt, thậm chí là người nhiều chiến thuật, chiến lược, người khéo léo, giao tiếp tốt.
Người lắng nghe giao cảm của mình gọi là người có linh cảm, như các nhà ngoại cảm, những người nhạy cảm.
Có người học Phật thì nói lắng nghe đó là lắng nghe các pháp đang sinh diệt nơi tâm. Các pháp đó có nằm ngoài cảm thọ, tư duy, hành động, suy nghĩ,? … Vì thế người ta cho rằng học Phật là để làm chủ thân tâm. Vì nhận biết các pháp sinh diệt nên dừng lại mà không hành động hay phát ngôn thiếu kiểm soát nữa.
Có phải vậy? Sự thực đây là kiến thức của Thiền tông. Của những người học Phật nhưng chỉ quan sát và đoạn trừ lậu hoặc bằng thiền Định.
Hãy quan sát những người làm tình báo, những chiến sỹ đặc công… đều có được tính chất làm chủ thân tâm. Không bao giờ và không hề có sự thay đổi sắc mặt, tâm lý, tình cảm nào của họ. Nó được rèn luyện qua ngoại cảnh, qua sự lặp lại của hành động… để cho não bộ ghi nhận: chẳng có gì phải sợ, chẳng có gì là không thể, chuyện nhỏ ấy mà, chẳng có gì là quan trọng cả.
Nhưng không phải vậy. Pháp của Phật cái quan trọng nhất là Duyên khởi. Có cái này thì có cái kia, không có cái này cũng không có cái kia. Phật không đi vào nói rằng thế này là thường hay vô thường, thế giới này là hữu vi hay vô vi. Mà thế giới này do DUYÊN. Có duyên thì tướng hiện, hết duyên thì tướng tan.
Vậy lắng nghe tâm mình là lắng nghe Duyên?
Quay trở lại nhắc lại, cơ bản người thực hành sẽ
– nghe được cảm xúc sinh khởi nơi thân tâm (quán nội thọ, nội tâm)
– nghe được suy nghĩ sinh khởi nơi thân tâm (quán nội pháp)
– nghe được sự giao cảm nơi thân tâm (quán nội, ngoại pháp)
Quán nội – ngoại thân/thọ/tâm/pháp được Phật nhắc đi nhắc lại trong Kinh Tứ Niệm Xứ, chứ không phải chỉ có quán nội. Như vậy người có sự giao cảm nơi thân tâm là người có khả năng quán được cả nội và ngoại pháp.
Khi dòng nội ngoại quán được thiết lập, người thực hành sẽ tới bước đứng ngoài các dòng duyên sinh diệt đó. Giống như người đứng trên cao, có khả năng nhìn xa cả con đường phía trước có ổ trâu, ổ voi, ổ gà gì không.
Chỉ khi đứng ngoài dòng quán, hay đứng ngoài cả sự LẮNG NGHE, thì mới không bị dính vào đối tượng. Vì không dính vào đối tượng, nên không bị đối tượng chi phối, cao hơn là thoát khỏi đối tượng do đã thấu tỏ được nhân duyên. Như biết được đường ổ voi ổ gà thì tránh đi. Các nhân không còn gieo nữa, hay không mất thời gian diễn tiến tiếp các duyên không đưa đến sự giải thoát. Lúc này là sự gieo nhân, sự tiếp duyên của các duyên đưa đến quả giải thoát, thoát khỏi luân hồi.
Như vậy, LẮNG NGHE là bước đầu của học cách quán. Nhưng chỉ biết lắng nghe thì không đủ. Chúng ta sẽ như một tù nhân nhốt chặt mình trong thân tâm, tưởng tĩnh lặng nhưng đâu biết tù nhân đó khổ sở thế nào với đủ các pháp đang sinh khởi nơi thân tâm.
Bước ra ngoài, chấp nhận sự rụng xuống tơi tả từ sự đẹp đẽ của bề ngoài, từ sự xướng danh của ca ngợi, từ các mối quan hệ cho rằng là tốt đẹp, tới sự nức nở, hay thối rữa của bản ngã, … hãy bỏ qua tất cả sự chịu đựng và nhìn thấu vào con ma sâu thẳm nhất nơi thân tâm. Học cách lắng nghe bên ngoài, lắng nghe những người xung quanh (không phải là soi mói nhé), để phát triển sự chiêu cảm. Rồi từ đó từ từ bay lên tự do như một người chơi dù lượn. Bạn có thể bay cao và xa tới đâu, do sức nhẹ của chính mình.
Nhớ, đừng cột chặt mình vào bất cứ điều gì bạn cho là đúng, kể cả chính mình.