Đâu mới là TỰ DO?

Ai cũng đặt biểu tượng của tự do là cánh chim giữa bầu trời mà quên mất Bầu trời là cái lồng lớn nhất nhưng an toàn nhất cho muôn loài. Nhiều người nghĩ rằng mình chạy từ đất nước này sang đất nước khác, từ vùng này sang vùng khác là có thể tìm thấy tự do, mà không biết rằng là chỉ đổi từ cái lồng nhỏ này sang lồng nhỏ khác. Vì có thoát khỏi cái bầu trời rộng lớn bao la kia đâu.

Nếu xét theo Vũ trụ học, thì bạn phải can đảm vượt ra khỏi cái bầu trời xanh đẹp đẽ đó, đi vào một khoảng không gian tối om đen xì, thậm chí có thể thiếu cả oxy để thở thì bạn mới có cơ hội sang được thế giới khác, nơi mà bạn có thể tự do đi lại, trôi nổi theo đúng nghĩa đen của nó. Đâu như ở trái đất, bước một bước là có trọng lực giữ lại rồi.

Nên là, một là có đủ dũng cảm, thì hãy làm một phát bay ra khỏi trái đất này, hai là ở im đó. Quên cái bầu trời bên ngoài bạn đi. Nó vốn dĩ chẳng đẹp đẽ gì đâu. Bầu trời nhà thằng hàng xóm cũng thế, chẳng đẹp đẽ hơn nhà bạn đâu. Tất cả chỉ là do bạn nghĩ, bạn tưởng mà thôi. Mặt đất cũng thế, hay bầu trời cao kia cũng thế, vẫn nằm trong cái vòng khí quyển như là cái vòng kim cô Bồ tát đeo lên đầu TNK.

Xét theo Vật lý học, khi một vật càng nhỏ, đứng im tức là có vận tốc tương đối so với các vật liền kề bằng 0 là lúc chịu ít lực tác động của xung quanh nhất. Thế nên là Tự do, đâu phải cứ bay cao, bay xa – càng cao, càng xa càng chịu nhiều lực hút, lực gió, lực kéo, lực đẩy… Nên là em cứ ngoan ngoãn tĩnh lặng, ngồi yên một chỗ, chẳng khó chịu, chẳng giằng co, chẳng cố gắng, chẳng bận tâm làm gì… thì em lại thành ra Tự do nhất. 🤣🤣

2/9 nằm gác chân lên cửa sổ, ngắm trời xanh thôi, chứ em chẳng mơ bay lên đó đâu.

Hạnh tri túc và Làm kinh doanh

Người biết hạnh Tri túc (biết đủ) vậy mà vẫn Làm giàu (mở doanh nghiệp) thì có mâu thuẫn không?

Đây là câu mà cả những hành giả lẫn người đời đều thắc mắc câu này. Hành giả thì cho rằng, vì ta Tri túc nên vật chất, danh vọng, địa vị là những cái ngoài thân, ta không nên và không cần quan tâm. Vì vậy, mà không nên làm giàu, không nên mở doanh nghiệp… vì sẽ tạo nghiệp, sẽ lấy tiền của người khác vào đầy túi mình, mình sẽ giàu có, và mình sẽ trái đạo… Người đời thì cũng thắc mắc tương tự, tại sao tu rồi lại còn mở doanh nghiệp, mà mở doanh nghiệp rồi mới tu thì sẽ có nhiều hạn chế vì không còn tham vọng nên sẽ dừng lại, sẽ biết đủ, doanh nghiệp không lớn mạnh …

Thật sự chúng ta mới đang nhìn thấy bề nổi của 2 từ Tri túc và Làm giàu mà không hiểu được cái rộng lớn, chiều sâu của nó. Tôi phân tích như sau, các bạn xem có thấy nó mâu thuẫn không?

Làm giàu (mở doanh nghiệp) nhìn về hình tướng sẽ là lấy tiền của người khác cho vào túi mình. Nhưng bản chất việc đó là một Vấn đề của khách hàng hay của xã hội được giải quyết. Bạn có vấn đề, bạn phát sinh nhu cầu và một sản phẩm, dịch vụ hay doanh nghiệp được phát sinh để phục vụ, giải quyết nhu cầu đó. Vì tôi phục vụ và giải quyết nên tôi được trả công xứng đáng kèm theo sự hoan hỉ của người có vấn đề. (Không bàn tới việc những người nhìn thấy nhu cầu, vấn đề của khách hàng nhưng lại đi cung cấp một sp,dv kém chất lượng, thậm chí ngụy ảo không giải quyết được nhu cầu, vấn đề đó. Hay những Dnghiep là sân sau). Vậy việc một người cung cấp sp,dv để giải quyết vấn đề, nhu cầu của khách hàng có phải là đi trái đạo?

Giữa một đám đông kia, người nào cũng chỉ chăm chăm lo xem mình được cái gì, mình mất cái gì, mình có nhiều hay có ít, thì có một thiểu số người nhìn thấy cái vấn đề nhức nhối của người khác. Không phải tôi là Dn mà tôi tự khen, mà tôi thật sự thán phục những người làm Doanh nghiệp, họ có cái nhìn sâu sắc hơn rất nhiều đằng sau những sự tham đắm của loài người. Họ hiểu được nỗi khổ, mong mỏi của người khác để mà từ đó họ đau đáu tìm cách giải quyết, giúp đỡ người khác. Thật sự xã hội không có những người làm DN, những người tạo ra sản phẩm, hàng hóa thì xã hội vẫn là xã hội nguyên thủy. Sản phẩm hàng hóa đó vốn dĩ là cái giải quyết nhu cầu, vấn đề của xã hội, chỉ vì lòng tham của loài người biến các từ đó thành Của cải, vật chất (sự sở hữu, sự tích lũy) mà thôi.

Những người bạn Dn của tôi đều nói: cái làm từ thiện mà chúng ta có thể làm tốt nhất đó là: tạo ra một sp,dv với chất lượng tốt nhất mà giá thấp nhất để người có nhu cầu phải chi tiêu thấp nhất; mặt khác: tạo điều kiện, môi trường làm việc, lương thưởng cho nhân sự tốt nhất để họ không phải chịu áp lực, phải lo nghĩ bòn rút của công, gian lận trong công việc… Vậy đó, bên cạnh việc tạo ra sp,dv giải quyết vấn đề cho con người, họ còn thực hành Tâm hạnh như vậy. Những người luôn tâm niệm cần xây dựng một doanh nghiệp có Tầm, trở thành một Dn có Tâm như vậy đó.

Sang vấn đề Tri túc. Hạnh Tri túc được thực hiện như thế nào với những vị Dn này? Đầu tiên là việc tạo ra 1 sp,dv: nếu không hiểu thế nào là sự hợp lý, sự tương xứng giữa sp,dv và nhu cầu, vấn đề của khách hàng thì tạo nên sự thừa thãi không cần thiết, dẫn tới giá cả hàng hóa gia tăng, khách sẽ phải chi một số tiền lớn hơn nhu cầu, vấn đề của mình. Nếu bạn là người mua, bạn gặp 1 người tư vấn đúng nhu cầu, vấn đề của mình sẽ khiến bạn hoàn toàn thoải mái sau đó, nhưng nếu sau bạn phát hiện ra, người bán chỉ khua môi, múa mép để bán cho bạn nhiều hàng hơn thì lần sau bạn ghét no phải không? Người kinh doanh có tài là người biết đủ cho khách hàng để lần sau họ hoan hỉ mà quay lại.

Trong hợp đồng mua bán, vì sự biết đủ, các điều khoản mua bán đều sẽ có lợi cho cả hai bên. Nếu nảy sinh mâu thuẫn, hoặc gặp khách hàng không tốt, họ không vì sự cố chấp sở hữu mà xồn xồn lên, dẫn tới sự đôi co, tranh chấp. Biết đủ đôi khi còn là sự chịu thiệt, thua kém để giữ hòa khí chung. Chứ không phải cái gì cũng phải là của tôi, thuộc về tôi, tôi đúng…

Đối với người cộng tác, nhân viên…sự biết đủ này là sự phân chia lợi nhuận công bằng, hợp lý với sự góp vốn, góp sức của các thành viên. Không thể bo bo, là công ty của tôi, ý tưởng của tôi nên tôi được tất ăn cả. Các bất đồng trong các thành viên sáng lập nảy sinh luôn do mỗi người không biết đủ, tranh công, tranh lợi rồi tan đàn xẻ nghé. Nếu ai cũng biết đủ thì đều hoan hỉ với phần mình làm và nhận được thì sẽ là một tổ chức vững bền, phát triển không?

Tôi thấy rất ít những Dn thành công mà không biết tri túc. Họ không tri túc, tức là họ lấy luôn cái lợi nhuận của công ty đó đầu tư vào tài sản cá nhân, thỏa mãn sự ham muốn cá nhân của mình. Nhưng họ là Dn thành công thì họ luôn đem phần lợi nhuận hàng năm ra tái đầu tư, phát triển, cải tiến sp, dv hoặc tìm cách giải quyết nhu cầu, vấn đề khác của xac hội. Họ tìm cách làm sao các cổ đông công ty được cổ tức cao nhất, lương thưởng của nv được cao nhất… Họ đều là những người vì người khác trước khi vì mình. Viết đến đây, tôi thật sự tri ân những con người Dn đó.

Vốn dĩ đại đạo là sự tổng hòa của các yếu tố. Mỗi hạnh đạo được thực hành một cách thấu ngộ đều mang lại kết quả viên mãn. Vấn đề không phải mình là ai, làm gì mà vấn đề mình như thế nào, làm như thế nào.

Hả hê?

Mình không dám làm chuyện gì ác, đặt điều, hay có ý niệm k tốt thôi cũng không dám. Không phải vì mình không có khả năng làm các việc đó. Mà bởi vì, đời đúng thật là gieo cái gì gặt cái đó thật mà.

Giờ có thể nói có một chút hả hê về chuyện người ta làm điều ác với mình khi người ta gặp nghiệp đánh lại đúng như thế. (Sám hối vì tâm niệm hả hê đó). Nhưng ngay khi người ta làm điều xấu đó, mình đã bảo rồi: đừng làm, nếu làm thì xin lỗi và sửa sai đi. Người tu hành, đã phải rốt ráo trả hết các duyên nghiệp từ quá khứ. Giờ các duyên nghiệp kiếp này cũng đừng gieo nữa.

Sống giữa trần ai, khó tránh khỏi nhiều lúc động tâm, vọng niệm. Mỗi ngày trôi qua, tối tối đều phải tự mình sám hối (quán tâm), rồi thực hành hạnh tri ân và đại bi. Có như vậy, ngày mai mới không mắc lại lỗi đó nữa, cũng là duyên nghiệp đó mình sẽ không còn gieo nữa.

Sám hối – Tri ân – Từ bi, 3 việc đơn giản đó mà không chịu làm. Làm kẻ tu hành lại cứ mải mê đọc thật nhiều kinh sách, hiểu biết thật uyên thâm. Tu luyện được nhiều năng lực, khả năng huyền thuật. Thậm chí mơ tới một cõi niết bàn, giải thoát ở đâu đâu. Nghiệp chồng nghiệp, các sợi dây nghiệp cứ bó chặt lấy linh hồn đầy tham lam và dục vọng mà thôi.

Sống không giải thoát, chết hay kiếp sau đừng mong cầu giải thoát.

Chấp Có Chấp Không

Vì chấp Có nên chúng ta công nhận mọi thứ tồn tại, mọi thứ là như vậy theo tri kiến của chính ta. Ta nhìn thấy ta bảo có, ta nghe thấy ta bảo có, ta sờ thấy ta bảo có… Vì cái sự có này mà mỗi người chúng ta khăng khăng nó tồn tại, nó là như thế, nó làm ta vui, nó làm ta buồn, nó làm ta ghét…

Nhưng sự thực, nhân sinh quan, thế giới quan, tri kiến của mỗi người khác nhau, thành ra cái có khác nhau. Vì có khác nhau nên mới sinh tâm phân biệt, đúng sai, tốt xấu, hơn thua… Vì có mà tranh giành, sở hữu, mong cầu, phóng tâm đi tìm, hành động như điên để có được.

Chính là chấp Có, mà tâm phụ thuộc Có bị nó dẫn dắt xỏ mũi như vậy đấy. Nhưng chấp Có còn dễ chữa, vì có Không để bù lại. Khi con người trải qua thời gian, trải qua biến cố, nhận thức những thứ đó k thuộc về mình hoặc chỉ là vật ngoài thân, thậm chí tình ái cũng là thứ bên ngoài tâm thì đều nhận ra được mà buông được.

Ấy mà còn thứ gọi là chấp Không. Không cái gì tồn tại, không có gì ảnh hưởng, không cái gì liên quan tới ta cả. Người chấp Không có mấy dạng.

Không Điên: là hành động, làm và mọi thứ đều rất điên rồ. Thậm chí y bảo không cần mặc quần áo ra đường, thậm chí không cần ngồi ăn nơi bàn mâm… Y sống hoang dã như thể không có gì tồn tại ngoài y thật.

Dạng nữa là Không Mê (haha, lúc nào phải tra lại từ điển để đặt lại cho đúng). Loại Không này có hiểu biết nhưng mặc kệ mọi thứ. Không làm việc, không kiếm tiền, không liên quan, không cảm xúc theo nghĩa của y. (Sau sẽ viết một bài thế nào cảm xúc của bậc tu tập, cảm xúc được chuyển hóa thành yêu thương từ bi chứ không phải sự vô cảm với chúng sanh).

Không Mê này bình thường tồn tại có vẻ giống một cái bóng, trầm lặng, nhưng khi y hành động lại có vẻ như đúng như không có gì đáng để phân biệt, đáng để có. Điển hình, y cứ ăn mọi thứ có thể, y cứ uống mọi thứ có thể, y cứ chơi mọi thứ có thể … và cho rằng chẳng có gì ảnh hưởng tới y cả.

Và quả thật, sự chấp Không này chẳng khác gì một sự ngạo mạn, một sự thách thức với tự nhiên. Cái tôi của y phình đại tới mức y cho rằng y chẳng quan trọng hay bận tâm điều gì nữa. Ấy vậy mà y chấp Không, sao y không nhảy từ nhà cao tầng xuống đất đi: không sao đâu.

Viết một câu trích lược trong Kinh Nikaya:

Vị đó có thể được coi là bậc alahan khi mà vị đó biết rõ sự hiểm nguy, sự khổ đau, …đằng sau các pháp mà vị ấy quyết đoạn trừ, quyết rời xa. – Vậy đấy, chứ đâu phải vị đó cái gì cũng cho là Không hết đâu.

Nam nhân, tình dục và tu hú

Là nữ nhi, nhưng tính tình như nam nhi, nên việc có nhiều bạn, rồi lại học tập và làm việc trong môi trường nhiều nam nhân khiến tôi cũng hiểu nhiều hơn về họ. Rồi cũng là người đọc sách đạo 15 năm rồi nên căn bản càng tôn trọng lối sống riêng của mỗi người.

Tình dục, trong đời sống của loài người thì cơ bản là không có gì xấu. Quan trọng là biết kiểm soát, biết tiết chế, không tà dâm là thiện hành rồi. Có lẽ 8x mình đề cao nó ở mức gọi là biểu tượng để không dễ gì phân phát hay hành xử một cách tùy tiện. Cũng chính vì thế xây dựng lên cho nó một tượng đài pha lê thuần khiết với hệ quy chiếu có thể nói là bất bình thường theo người bình thường.

Định kiến đã ăn sâu vào tri thức với tâm chấp niệm rằng, người tu đạo cần giữ gìn lục căn thanh tịnh. Mà nói chuẩn ra, lục căn là cửa ngõ của nghiệp, nếu không giữ cửa, cứ tự do tạo nghiệp thì thật chẳng nên tu đạo làm gì.

Hầu như ngoài kia đều cho rằng, cần phải hưởng thụ lục căn, hay mọi thứ để tự nhiên theo quy luật tự nhiên, hay không nên đè nén nhiếp phục dẫn tới ức chế tâm. Thật chẳng muốn bàn, là họ chẳng hiểu gì cả. Vì sự vô minh ngu dốt mà không nhận thấy rằng chính chúng ta là nô lệ cho lục căn đó. Nó còn hơn cả đứa trẻ, nay đòi cái này, mai đòi cái kia, và cái hôm nay phải luôn khác hoặc cao cấp hơn cái hôm qua.

Những người tu chánh đạo (tà đạo thì lục căn càng mê mờ) đều hiểu rằng giai đoạn đầu là phòng hộ căn, nhưng khi thiền quán hằng ngày, kiểm soát, suy xét, thấy rõ sự sinh diễn diệt của lục thức, sự nguy hại của ngũ uẩn do lục căn sinh ra thì đều tự nhiên tránh xa lục trần. Đơn giản như một đứa bé biết cái bình kia chứa nước nóng làm cho nó đau tay thì nó tự tránh mà không phải có sự đè nén tâm nào cả.

Uhm, đang nói chuyện thánh nhân, tình dục, tự dưng lại nói chuyện lục căn. Thực ra ai cũng nghĩ rằng, thánh nhân – những người rao giảng đạo lý, có lời ăn tiếng nói, cử chỉ hòa nhà, thấu hiểu đạo lý hẳn sẽ có một đời sống tình dục lành mạnh vì theo như phân tích thì họ đã kiểm soát được lục căn của mình. Biết cách tránh né, đoạn trừ, phòng hộ rồi cơ mà.

Ấy vậy mà, thôi, chắc là họ tu tà đạo, nên chăng lục căn vẫn thả lỏng, để cho nghiệp nhân nghiệp quả đi vào đi ra một cách tự do như vậy chứ. Quả thật, vì một người xứng đáng để mà Không phụ Như lai, không phụ nàng còn bảo là không uổng một kiếp người. Đằng này, gái không dâng trước mặt nhưng lại chủ động đi tìm gái, chủ động sa lầy vào chốn hồng hoa thì đúng thật là Tu Hú.

Viết đến đây, tự xét thấy còn nhiều tà niệm quá. Ngồi sám hối đã. 🤣

Tu tập?

Nhiều người hỏi: tu tập như vậy thì sẽ khiến người ta không còn cảm thấy muốn cố gắng hay người như vậy thật thiếu ý chí thì làm sao đạt tới đỉnh cao?

Đó cũng từng là câu hỏi tôi tranh cãi kịch liệt với thầy tôi bao nhiêu năm. Mâu thuẫn tâm lý ở trong tôi bao nhiêu năm. Tôi vẫn sống ở đời, vẫn làm kinh doanh, còn con cái…tôi không thể không cố gắng cho cuộc sống này được. Dù rằng, ở một giai đoạn nào đó, sự nỗ lực cá nhân của tôi nhường chỗ cho thượng đế khi tôi áp dụng Luật Hấp dẫn hay thực hành Sự biết ơn, nhưng đó vẫn là ý nguyện cá nhân.

Tôi sẽ miêu tả và chỉ ra cho các bạn thấy, sự tu tập không khiến con người ta thiếu đi ý chí hay cố gắng và thậm chí còn đạt đỉnh cao hơn cả người bình thường như thế nào.

Ví dụ đầu tiên lấy từ Tình Yêu đi. Vì tất cả mọi người đều đã từng yêu và cảm nhận được điều này. Hãy nhớ tới người bạn yêu thực sự trong đời.

Đó là ngày bạn gặp người ấy, đó là thời gian bạn trải qua với người ấy. Tất cả tôi chắc rằng đó là thời gian đẹp nhất, tuyệt vời nhất, tâm trạng của bạn tràn ngập tình yêu nhất. Khi yêu một ai đó thực sự bạn đâu cần cố gắng. Bạn đâu cần biến mình thành một người khác để được yêu. Bạn cũng không mong cầu điều gì ở người đó cả. Đơn giản người đó là người đó. Mỗi giây phút được gặp, được ở bên người đó là thời khắc đẹp nhất của thế gian. Nơi đó tình yêu thăng hoa.

Bạn cứ chỉ cần nghe theo trái tim mình, nghe và cảm nhận theo một cái gì đó mơ hồ và bạn không biết. Không để bạn ngã vào, không dùng sự cố gắng cá nhân vào, cũng chẳng hề có động lực hay ý chí cá nhân nào cho việc yêu này cả. Vậy mà nó là đẹp nhất, là mối tình đi hết cả cuộc đời bạn chẳng thể quên. Trong cách yêu đó đã chứa con đường Đạo.

Trong công việc hay kinh doanh cũng vậy. Ai đó đều thấy rằng nếu được làm công việc mình đam mê là điều tuyệt nhất. Và nếu không tìm được công việc mình đam mê thì hãy biến công việc đang làm thành đam mê. Đam mê xét theo Đạo thì không phải là cái đích của người thực hành nhưng với người bình thường nếu việc gì cũng có thể biến thành đam mê thì coi như công việc đó sẽ khiến bạn thoải mái, dễ chịu, đầy sức sáng tạo, và hiển nhiên khô g hề thấy mệt mỏi chút nào. Đó là thiền trong công việc. Đó là cách làm việc đã chứa con đường Đạo.

Trong cuộc sống, Tình yêu và Kiếm tiền mà 2 cái đó được thực hành theo con đường đạo thì đều đạt tới viên mãn rồi. Đâu còn chỗ cho sự cố gắng, đâu còn chỗ cho cái gì gọi là ý chí cá nhân. Bạn cố gắng hay phải tạo động lực vì đơn giản bạn chưa tìm thấy cái bạn cần, bạn muốn và hẳn nhiên chưa hòa được vào đó. Đâu cần cố gắng để yêu người mình yêu, đâu cần cố gắng để làm việc mình đam mê. Mọi thứ đều được bạn làm một cách rất tự nhiên, hoan hỉ, đơn giản và tràn đầy năng lượng bên trong mình.

Ngoại truyện: phần này viết riêng cho người tu tập.

Người tu tập còn thêm mối quan tâm nữa là con đường đạo hay pháp tập của mình. Có thể ai đó nói đây là căn cơ của mình, mình theo pháp đó. Người ta lựa chọn một pháp tập chỉ đơn giản là hình như cái đó đúng với mình. Nó có chút nhiệm màu trong cuộc sống của mình. Nó có thể giúp mình đạt được cái gì đó, có quyền năng hay thành tựu gì đó mà mình nghĩ sẽ có để mình hướng tới.

Giống như người bình thường chọn người yêu và công việc của mình, bạn cần phải hòa vào pháp tập của mình, tại đó bạn nghe thấy mình, tại đó bạn thấy không cần phải nỗ lực hay cố gắng để đạt được cái gì cả. Vạn pháp là một chính là chỗ giống như Vạn công việc là một, ai cũng sẽ có thành tựu tối đa nếu làm nó đúng theo đam mê.

Ngược lại của bài viết này, hay ngược lại của tâm thức thực hành trong tình yêu, công việc pháp tập trong bài viết này chính là con đường đi tới TÂM MA. (Sẽ viết sau, hoặc chỉ viết vậy thôi)

Cãi nhau với chính mình

Cãi nhau với người ngoài đã là một sự ngu xuẩn, cãi nhau với chính mình thì thật sự còn điên rồ hơn.

Có thể nói tôi rất hiếu thắng. Cái hiếu thắng thì hiển nhiên do bản ngã quá lớn và cũng do bề dầy của tri kiến, thành kiến mà do chính tự mình dựng lên. Thế này mới đúng, thế này mới tốt… Khi dần dần nhận ra sự trang chấp đúng sai với người khác thật là một điều vớ vẩn, tôi đã từ từ bỏ được phần nhiều. Nhưng lại xảy ra một sự tranh chấp trong chính tôi.

Nhiều lúc, tôi bảo, hình như mình có hai con người. Chúng cứ tự đối thoại, tự tổng xỉ vả nhau. Con thì theo cái này, con thì theo cái kia. Không con nào chịu nhường con nào. Trong các lần độc cư hay ngồi thiền, tôi dù k nói chuyện với ai, nhưng toàn tự nói với bản thân mình. Hai con người cứ tự hỏi nhau, tự trả lời nhiều thứ. Rốt cuộc con người nào thắng thì cũng là do logic cá nhân của tôi thắng. Nhiều câu hỏi được trả lời hay chấp thuận cũng chỉ là do tôi tự tìm được lý lẽ bào chữa cho sự ngu dốt của mình.

Và rồi, tới một ngày, hai con người đó cãi nhau kịch liệt, xuất hiện thêm 1 con người thứ ba, nó chứng kiến hai người đó cãi nhau. Và lần này nó bảo: 2 người này đúng là bị điên thật rồi, cãi nhau vì những lý do rất dở hơi, rất vụn vặt, thậm chí tầm thường. Đúng là bọn điên, điên hết sức. Nó cười sung sướng ha ha ha ha. Nhưng ngay tại lúc đó, cuộc cãi nhau biến mất, 2 con người dở hơi kia biến mất.

Đúng. Đúng là tại sao cứ phải đi hỏi mãi một câu tại sao, như thế nào. Tại sao cứ phải đi tìm căn nguyên cú đế, truy cầu rõ mọi thứ là thế nào. Rồi tự đau đầu, tự băn khoăn, tự khó chịu về chính sự chưa tìm ra của mình. Rồi có biết thì đã sao. Rồi không biết thì đã sao.

Chẳng sao cả.

Hôm nay, rằm, ngày lễ Vu Lan hay ngày mở cửa địa ngục thì cũng thế thôi.

Tĩnh lặng và Sự phụ thuộc

– Em cẩn thận không lại tu thành Yêu nữ đấy. – Thầy tôi nói.
– Sao ạ? Sao thế được. Em thấy tốt mà. Mọi thứ quanh em đều tốt. Tâm tính em cũng tốt lên mà. Không còn cáu giận, tham sân nữa.
– Em xem phim Tây du kí, có thấy Yêu nào cũng xấu không? Thậm chí còn rất xinh, rất giỏi. Chính đạo và Tà đạo chỉ khác nhau ở chữ Phụ thuộc thôi.
– Thật là em chưa hiểu. Em thấy em đâu có Phụ thuộc điều gì. Em thích em chơi, em thích em làm. Em đàn, hát, thơ, ca là do em thích. Đâu có ai bắt em, em cũng đâu có bắt ai.
– Em đang phụ thuộc vào cái Thích đó thôi. Không ai bắt em mà chính em bắt em. Em không bắt ai nhưng em lại thích người khác thích cái mình thích.
– Nhưng mà em thấy mình Tĩnh lặng rồi mà. Em đâu có ồn ào.
– Em không ồn ào tay chân, mồm miệng. Nhưng tâm em ồn ào. Sự tĩnh lặng trên con đường đạo của em mới chỉ là sự lờ mờ, chưa như nó là.

Tôi tần ngần, trầm ngâm nhưng vẫn gật đầu với câu thầy nói. Có chút hoang mang, có chút khó hiểu, và có chút gì đó nó như đánh sụp một bức tường trong tôi. Tôi nhớ lại sự thực hành của mình.

Tôi yêu từng nhành cây ngọn cỏ, tôi yêu từng chiếc lá buông rơi bên lề đường. Một ngọn gió heo may thổi qua cũng làm tôi bật lên một vài câu thơ, câu hát. Tôi mơ đi trong cái cõi vốn dĩ là mơ này. Tôi trải tâm mình theo cánh gió, trải tâm mình theo tiếng hát. Cứ phiêu du, cứ đu đưa như vậy. Thật giống với cảm giác lơ tơ mơ. Và khi nhìn rõ ra, mới thấy rằng, mình đang vừa không phải là mình, mình không làm chủ được mình, và mình lại còn bị lôi kéo theo những điều đó.

Những ai đã ở trong cảnh đó rồi thì thấy, thật sự tuyệt vời. Nó lâng lâng, dễ chịu, bồng bềnh như ở chốn tiên. Vì cảnh đời với mình giờ không còn là xấu. Cái gì cũng tốt, nhìn đâu cũng tốt. Nhưng xét về mặt năng lượng, cái tâm thức của mình đã không trụ lại. Nó bay đi khắp nơi, tản mát khắp nơi. Nó rơi vào một thứ tệ hai hơn sự đau khổ đó là Hỉ lạc. Thọ khổ thì có thể thoát ra. Thọ Hỉ lạc chỉ khiến người ta chìm đắm như thuốc phiện. Những người mới yêu nhau chính là rơi vào ảo cảnh này. Khi yêu nhau nhìn đâu cũng thấy đẹp, người mình yêu là đẹp nhất, tuyệt vời nhất. Đời thật là dịu dàng, êm ái nếu không có tình yêu. Và chẳng ai muốn thoát ra khỏi trạng thái này cả. Nhưng vốn dĩ, nó chỉ là do thọ tưởng của chúng ta tạo dệt nên. Khi yêu nhau một thời gian, hay ngay sau khi kết hôn, mọi thứ trở về với thực tế. Người ta rơi một phát từ trên chín tầng mây xuống đất thôi, mà người ta gọi luôn là địa ngục.

Tôi nhớ lúc đó, nhà tôi tràn ngập hoa và tranh. Có những hôm 4,5 lọ hoa ở trong nhà. Nếu nhà tôi đất rộng, chắc sẽ trồng hoa khắp nơi. Điều đó, ai nghĩ cũng là tốt. Nhưng có ai nhìn ra đó chính là sự phụ thuộc. Ra ngoài đường, nhìn thấy hoa là: ôi đẹp quá, đẹp quá… Và thế là mua, là cắm, không cần biết là hoa cũ chưa tàn, hay tiền trong túi còn bao nhiêu… Mắt còn nhìn thấy cái đẹp, còn khởi tâm sở hữu là còn phụ thuộc. Nó cũng tương tự như việc bạn thích đi du lịch. Vì bạn cho rằng nơi đó đẹp, cảnh đó đẹp. Bạn muốn ngắm nhìn, muốn thỏa mãn nhãn thức. Chưa đi được thì lăn lưng ra kiếm tiền để đi. Đi xong về hết lại lăn lưng ra kiếm tiền. Và cảnh đẹp chỉ thỏa mãn được vài ngày ngắn ngủi. Còn tâm trí thì mệt mỏi với việc kiếm tiền và sức khỏe thì dần suy kiệt. Đó chính là sự phụ thuộc.

Còn về tâm tính thì sao? Ngày đó, tôi không nóng giận đơn giản vì tôi đang vui. Sự vui mừng đó nó nhiều quá khiến tôi cũng không thật bận tâm tới những chuyện vụn vặt khác. Thậm chí có điều gì lớn hơn chút thì dùng sự mặc kệ để đối đãi. Sự nóng giận hay không nóng giận thực chất đang phụ thuộc vào tâm thái của tôi lúc đó. Nó không hề xuất phát tự sự hiểu biết như thực, hay sự tuệ minh về sự vật hiện tượng, từ sinh sinh diễn của nhân duyên. Nó chẳng qua đang được uống thuốc an thần để lừa tâm trí mà thôi. Nếu thực sự không còn nóng giận, thì đâu còn định kiến, thế này là tốt, thế kia là xấu, thế này là đúng, thế kia là sai, …Thực ra bạn đang chẳng bận tâm tới người khác hay cái khác, đơn giản là vì bạn cho rằng không đáng để bận tâm. Trong ngắn ngủi sát na, sự phân tích lô gic thiệt hơn của bạn vẫn diễn ra quá nhanh. Nó nhanh tới mức mà bạn không hề nhận ra. Rồi bạn lặng thinh và nghĩ là mình tĩnh lặng với đời.

Những ngày đó, tôi sống trong mơ cảnh, sống trong sự an yên mà người đời mong muốn có được. Nhưng tĩnh lặng vẫn là phụ thuộc nếu nó phụ thuộc sự tĩnh lặng. Vô vàn nhiều người tu tập ở đây không thể ra nổi, đơn giản họ không nhận ra sự phụ thuộc. Cõi mơ hoa này thực sự là một nơi an trú tuyệt vời níu giữ chân những người đi tiếp tới Đại Đạo.

Giờ thì cũng đã hiểu những lời thầy nói. Những cái tâm thích đó chính là tâm ma. Tâm ma đâu phải là làm điều ác mới là ma. Tâm ma chính là cái dẫn ta rời xa chính cái chân tâm của mình, thấy cái thấy biết như thực của mình. Tâm ma hấp dẫn, lôi kéo, giăng bẫy lôi kéo ta vào ảo cảnh để ta mê mẩn, ngất ngây trong đó mà không biết đường về. Tâm ma cực nguy hiểm khi Thiền định. Bất kể cái gì thấy khi ngồi thiền đều là Tâm ma. Một câu hát khởi lên, một bài thơ khởi lên, thậm chí cả một vị Phật trước mặt… đều là Tâm ma. Người sống tỉnh thức sẽ hoàn toàn làm chủ tâm trí của mình. Không khởi sinh niệm thì không có niệm đến.

Mình đã phụ thuộc vào cái thích của mình thì chớ lại còn muốn người khác thích giống mình đó chính là sự làm dày thêm sự phụ thuộc vào mình. Đó là sự bành trướng bản ngã vi tế. Người tu chính đạo, sẽ đến không thấy hình, đi không thấy bóng, không có tốt xấu, không có đúng sai, không có đẹp dở… thì làm sao có thể bảo người khác như thế tuyệt hay không tuyệt, cũng càng không bảo người khác điều đó hay lắm, tốt lắm, đúng lắm… thích đi, làm đi, theo đi. Không phải mỗi người một căn cơ, mà họ hiểu, cần tự hiểu chính mình, tìm cái phù hợp với mình, thuận theo tự nhiên mới là Đại Đạo.

Tản mạn chút thế. Cũng gọi là có chút bản ngã khi cố ý chia sẻ với những đồng đạo đang trên con đường trở về một chút. Các đồng hữu hoan hỉ, tĩnh lặng quan sát tâm mình và thọ hưởng. Các bậc giác ngộ nếu có điều gì cần đóng góp, trò cúi đầu tri ân trọ giáo.

Tĩnh lặng phải đi với tâm từ

Tĩnh lặng phải đi với Tâm từ … nếu không chỉ làm dầy thêm bản ngã, trong một cái lồng vô tướng, vô sắc, vô biên giới nhiệm màu.

Có người vì rèn sự Tĩnh lặng mà vô tác với cuộc đời. Bất kể điều gì khởi lên trong niệm thức của người đó, chỉ một cách đơn giản là người đó đoạn niệm. Giống như một mảnh đất màu mỡ, bất kể hạt giống gì nảy mầm đều bị nhổ bỏ. Điều này có thể phát triển được Tâm từ của người đó không?

Có người cũng rèn sự Tĩnh lặng mà phòng hộ tâm mình. Đóng kín cửa nhốt mình trong phòng. Tự vấn với Tâm mình. Họ quan sát được sự sinh diệt của Tâm mình khi họ đóng kín phòng. Họ nhận thức được quy luật vũ trụ bởi sự chiêm nghiệm logic của mình. Nhưng ngay khi vừa mở cửa sổ, dù là ánh nắng hay một chiếc lá vàng rơi qua, họ lập tức bị động. Đẹp, xấu, tốt, dở… Tất cả những điều đó vụt qua nhanh trong tích tắc sát na do sự chiêm nghiệm của vũ trụ của họ. Dù họ không lên tiếng, nhưng tiếng chạm đã sinh.

Có thể cảm nhận Tâm từ như thế nào? Nhìn vào ánh mắt hay thần thái của một người, không chỉ có sáng là đủ. Như ánh sáng mặt trời vậy, rất hữu diệu nhưng không có nghĩa là êm dịu. Ánh mắt đó đủ sâu để bao chứa. Ánh mắt đó đủ lặng để gửi gắm. Ánh mắt đó đủ chân tình để lòng người dù hận thù cũng lắng xuống. Và ánh mắt đó đủ nồng nàn để hạt giống có thể nảy mầm.

Bên cạnh đó, những gì hành động hay ngôn từ mà người có Tâm từ thể hiện cũng bao gồm đủ những điều đó. Không hề có sự tồn tại của bất cứ bản ngã nào. Họ đã quên họ. Chỉ tồn tại sự khiêm cung. Chỉ tồn tại sự nhã nhặn. Chỉ tồn tại một tình yêu thương bao la như tình yêu của người mẹ. Nhưng cũng khơi gợi sự trưởng thành của một đứa con thơ.

Nhiều người tưởng rằng mình bỏ được bản ngã. Nhưng như những ví dụ trên, họ có thể không lấy bản ngã ra đối đãi với thế giới. Nhưng họ không quên được họ. Trong họ là cả một bầu sợ hãi, cả một bầu tham lam vô đáy. Họ sợ bất cứ điều gì họ thấy hay chạm phải. Họ tham tới một điều gì đó mà họ cho rằng con đường đạo cần phải có, hay đó là mục tiêu, là đích đến trên con đường tu hành của mình.

Để rèn Tâm từ không dễ. Tâm từ không phải sự thương hại hay thương xót, cũng không phải sự trắc ẩn ẩn chứa bên trong. Tâm từ đủ bao dung, đủ lắng đọng, đủ xoa dịu, đủ vuốt ve, đủ sinh lực. Bản thân tôi cũng đang trên con đường rèn luyện Tâm từ của mình. Nên không mạn đàm nhiều. Chỉ biết rằng tôi đã gặp một người có Tâm từ vĩ đại.

Người có Tâm từ vĩ đại nhất đó chính là mẹ Đất.

Ngày hôm nay, lập Thu. Tôi ngồi xuống bên bạn, uống một chén trà, với tay nhặt một chiếc lá vàng vừa đậu xuống. Cảnh sắc là như vậy. Tĩnh lặng như vậy. Nhưng có đủ yêu thương để nhìn thấy một mùa lá rụng đi qua, sẽ là một mùa đâm chồi đang sắp đến.

Lắng

Tâm lắng như hạt phù sa
Trôi từ núi cao ra biển cả
Chẳng vương muộn phiền chẳng hối hả
Ngụp lặn rồi lại lặng lẽ ngắm mây trôi