Các kiểu Thiền

Thiền là cái chi chi, mà bạn này bạn nói nhiều thế? (lôi thức bản ngã ra mạn đàm chút)

Đa số sẽ nói rằng, thiền rất khó, rất mất thời gian, rồi không thể tập trung được khi thiền, đầu óc còn phải lo bao nhiêu là cơm áo gạo tiền, làm sao mà thiền. Chưa đi vào hướng dẫn thiền, mình sẽ nói ở đây vài kiểu “thiền” mà mọi người đang thấy và biết.

Thiền thư giãn.

Đây là kiểu thiền hay áp dụng nhất ở các lớp yoga hay các lớp học kỹ năng sống. Sẽ có một số bản nhạc được mở lên, du dương, êm đềm, tiếng sóng biển, tiếng chim hót, tiếng gió reo. Bạn thả lỏng toàn bộ cơ thể. Bạn như đang thấy mình ở trên bãi biển, hay trên một ngọn đồi cao. Bạn đang ngắm bình minh lên, những tia nắng đầu tiên thật đẹp, những làn gió đưa hương thơm ngát, dịu dàng, tiếng chim hót xa xa, …mọi thứ mơn man, thư thái… Tớ viết này thôi, bạn đã rơi vào trạng thái đó rồi đấy. Vì bạn đang để tâm mình lạc vào đây, lạc vào cảnh này. Bình thường thì sẽ không sao cả, hết nhạc là ok, giống như bạn thả 10k rồi ngồi vào cái ghế matxa ở cổng siêu thị.

Nhưng hiểm nguy là, nếu bạn nghiện nó, bạn sẽ thường xuyên an trú trong đó, bạn thích thú cảm giác đó. Cảnh đó là ảo, tâm trí bạn tưởng tượng ra, còn đời sống thì khác, khiến bạn sinh phiền não vì đáng ra bạn phải được thư thái như thế, thì bạn lại phải lao lực với cơm áo gạo tiền. Tâm bạn khó chịu vì những điều đó, vì nó thấy nó bị bất công, nó giống như đứa trẻ đòi được nuông chiều mà giờ bắt nó học bài.

Có những trường hợp cá biệt của hậu quả thiền thư giãn, tâm đang an trú trong ngôi nhà của chính mình, giờ nó cứ bay tới một viễn cảnh, ảo cảnh nào đó, và để ngôi nhà hoang vắng, không chủ. Chính điều này sẽ khiến cho kẻ khác dòm ngó, muốn chiếm hữu. Những kẻ đó có thể có tên gọi là linh hồn xấu, linh thức, năng lượng xấu, ngoại lai… Nó thật sự sẽ chiếm hữu tâm bạn. Nhẹ thì, đôi lúc bạn thấy bạn mơ màng, thậm chí không hiểu chính mình, hoặc thậm chí thấy mình thông minh đột xuất, nóng tính đột xuất, … Nặng thì có thể lên đồng, có thể ngoại tình, có thể mắc bệnh, hóa điên…. Chính vì vậy, mà nhiều nơi khuyến cáo, không thiền ở công viên, ở nơi đông người, gần chợ, gần nhà tang lễ…

Thiền luân xa

Là kiểu ngồi như tọa thiền, rồi sẽ có người gọi là có năng lực giúp mình mở luân xa. Con người có hệ thống 7 luân xa. Nếu các luân xa được mở, quay đều thì người đó không có bệnh tật, thậm chí còn sẽ có thần thông. Người mở luân xa sẽ thu hút được năng lượng của tự nhiên, của vũ trụ, bổ sung cho năng lượng mình phải nạp vào do ăn uống. Gốc gác của việc mở luân xa, là con người thực ra 7 luân xa này đều tương thông với vũ trụ, nhưng vì nghiệp, vì ăn uống, vì tính cách mà các luân xa này đóng bớt lại, khiến cho việc tương tác với vũ trụ kém đi. Càng ngày, việc luyện tập, việc ăn uống, khiến chúng đóng lại làm con người ốm yếu, bệnh tật.

Kiểu thiền luân xa này giống như thực phẩm chức năng, thực sự thấy ngay hiệu quả với những người già, người bệnh, ốm đau… Nhưng thực tế, thì luân xa nào của người bình thường cũng mở, không thì làm sao mà sống. Chỉ là mở ít hay mở nhiều, thì cơ thể nó tự điều chỉnh để phù hợp với cái bên trong và bên ngoài. Cơ chế là khi chúng ta ra ngoài gặp hàn khí, hay có thể là một luồng năng lượng xấu xâm nhập dẫn tới bị cảm, thì chúng ta thường ăn đồ cay nóng hay xông để toát mồ hôi chính là việc giúp mở luân xa tự nhiên mà chúng ta chỉ hiểu là mở lỗ chân lông để lạnh ra ngoài. Luân xa mỗi người tự đóng mở để bảo vệ cơ thể của chính nó.

Việc mở luân xa nhờ ngoại lực, giống như bạn tự đưa túp lều của mình ra một nơi nhiều gió vậy. Ngoài ra, có một số trường hợp, luân xa mở, và tâm thức lại thích rong chơi như ở trên, càng là ngôi nhà trống dẫn dụ kẻ ngoại lai đến dễ dàng hơn. Như đã nói ở trên, kẻ ngoại lai không hẳn phải là kẻ xấu theo nghĩa thông thường, mà là những gì chỉ cần không phải là mình, nắm giữ, điều khiển mình, không cho mình làm chủ mình đều là ngoại lai. Thậm chí, đột nhiên xuất khẩu thành thơ, họa trong vô thức, biết chuyện tương lai, quá khứ… đều là ngoại lai. Có một số người rất thích thú với việc này, vì chúng làm cho bạn có một điểm đặc biệt mà người khác ngưỡng mộ. Tuy nhiên, xét về bản chất, chẳng người vợ nào thích chồng mình có T3 dù T3 đó xinh đẹp, tài giỏi cỡ nào, làm hết việc nhà cho mình để mình đi chơi. hihi

Thiền khí công

Đây là kiểu thiền tập trung vào việc hít vào thở ra, nén giữ khí, đẩy khí ra ngoài, hay các khối khí dịch chuyển trong cơ thể. Dùng ý dẫn khí đi tới các vùng cơ thể của mình. Kiểu thiền khí công thực sự mang lại nhiều lợi ích về mặt sức khỏe, thậm chí khi xung mãn có thể tự khai mở luân xa hay các huyệt đạo chủ đạo của cơ thể. Khí ở đây có khí tiên thiên và hậu thiên, có khí âm và khí dương. Người biết luyện tập sẽ kích hoạt được khí tiên thiên, thu nạp và dưỡng trưởng khí dương. Xem các phim kiếm hiệp, phim chưởng thì đều luyện thiền khí công là cái này.

Tuy nhiên, khí của mỗi con người không phải lúc nào cũng vậy. Chỉ cần phụ nữ sau khi sinh, nam giới sinh hoạt không điều độ là đã hao tổn dương khí. Người già, người bệnh ốm yếu thì dương khí càng kém. GIờ các bạn thử va đập vào đâu xem, sẽ thấy chân tay tím tái là do khí ở của bạn đã yếu. Trẻ con va đập có tím nhưng rất nhanh mất vì khí tự điều chỉnh. Còn người tập khí, thì va đập còn không thể tím, không phải do da thịt quen mà do họ được vệ khí bảo vệ.

Tập thiền khí công không dễ, đòi hỏi có thầy hướng dẫn. Nhưng thầy hướng dẫn đa số đều bảo bạn hít vào thở ra ở giai đoạn sơ cấp nhất rồi lại dùng tới biện pháp tưởng – gần giống thiền thư giãn và cho lạc vào các cảnh giới như ở bài đầu. Với thiền khí công, thì việc khó là phải phục khí. Phải có khí rồi thì bạn điều chuyển nó tới đâu mới được chứ. Còn không, cơ thể bạn đang cạn khí, không có thì lấy đâu ra điều khí, mà dẫn khí về đan diền, rồi kích hoạt tiểu chu thiên…

Thiền Phật giáo

Có lần mình đọc, bên khí công gọi thiền Phật giáo là dạng khí công cao cấp. Vì có theo dõi hơi thở vào, hơi thở ra, gồm 16 thời. Thực ra, đây là bài đầu tiên của quán thân trên thân. Vì hơi thở là cái ít bị dính mắc bởi cái bên ngoài nhất, nó lại ở trục giữa của cơ thể, nó cũng là cái mà thấy hiệu quả nhanh nhất. Giờ bất kể ai, dù không biết chút nào về thiền, không biết chút nào về tâm linh, cứ ngồi ngay ngắn, thả lỏng, rồi theo dõi hơi thở vào ra, đều cảm thấy mình được thư giản, được thoải mái, tâm tính được dễ chịu ngay. Mặt khác, hơi thở không dính mắc với cái bên ngoài nên tâm trí không bị lan man ra cái khác.

Tiếp sau quan sát hơi thở là thiền: đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, uống, nói chuyện. Thiền hành là việc được làm đầu tiên. Mỗi bước chân nhịp nhàng di chuyển, bạn theo dõi cử động của chân, cử động của thân, đồng hành với phản ứng của tâm mình theo các cử động đó. Các hành động khác cũng làm tương tự. Việc này khó, vì chúng ta hay quên việc theo dõi cử động của tay, chân, mồm, miệng… mà hay theo dõi vào cảnh có đẹp không, vật cầm có nặng không, món ăn có ngon không….

Sau quan sát các cử động hữu hình, thì quan sát cảm giác, rồi cảm xúc của chính mình. Chúng cũng có nảy, mọc, phát triển, ồn ào, quậy phá, đu đưa, rồi lặng im, rồi biến mất… Ý nghĩ cũng vậy, tương tác với ngoại cảnh, ngoại vật là nó sẽ đưa ra khái niệm, giải thích, tư duy, logic, suy diễn, biến hình…. Nhưng chúng ta thường khó có thể thiền với cảm giác, cảm xúc hay ý nghĩ của mình, vì chúng ta mải đuổi theo nó, miên man theo nó, thấy nó như vậy, và nghĩ nó như vậy, nó là mình – Thành ra bạn cứ là nó, đau khổ, vui buồn, giận ghét, sân si.. Trong khi nó là nó, mình là mình, chẳng liên quan. Tự cho mình là nó, rồi gào lên, tôi khổ quá trời.

Thực sự là thiền phật giáo khó lắm. Không hiệu quả tức thì. Thậm chí, ngồi cái mà bảo quan sát tâm mình thì còn loạn hơn vì thực ra tâm mình xấu mà, nó loạn cào cào, nó nhảy lăng xăng, thậm chí mình còn đầy cái xấu xa mà mình không dám thừa nhận. Nhưng khi mình hiểu rằng, tất cả đều là ngoại cảnh, mình có thể quan sát được sự chồi thụt của cảm xúc, cảm giác, sự suy diễn của ý niệm, thì thật sự lúc đó bạn hoàn toàn, hoàn toàn có thể làm chủ được cảm giác, cảm xúc của mình. Về hiệu quả sức khỏe thì mới đầu cũng chẳng thấy đâu. Vì giờ đau, ốm, bệnh tật mình đều quán thân trên thân bảo không sao, không đau nữa chứ. haha. Nhưng mà, dần dần, bạn lúc nào cũng nói tôi không sao đâu, tôi ổn mà, mọi thứ đều tốt mà, thì thật sự chẳng biết bệnh đi đâu hết í. Chưa kể một số nguyên lý sâu xa hơn mà có giải thích thì bạn cũng chỉ thêm khó hiểu.

Vậy nhỉ. Bạn lựa chọn hình thức nào để luyện tập cho mình thì đó là tùy theo mong muốn của bạn, cái tham, cái lười của bạn. Chứ mình không thích câu là “do duyên”. Sinh ra là kiếp người để được học, được thấy cái gì tốt cho mình và lựa chọn. Bạn tham, bạn lười thì bạn chọn con đường dễ, nhưng cẩn thận, có thể nó sẽ là đường cụt.

Lộn xộn

Mai em lại vào núi đây ạ. Kinh hành (đi bộ) 6km đường núi, rồi ẩn cư nơi không có bất cứ loại sóng nào. Ăn chay, ngủ lều. Rừng thiêng, nước ngọt. Up cái tút để các bạn đỡ trách là đi mà không gieo duyên cho ai. 🥰

Có người bạn hỏi, hay thiền vậy, học đạo vậy thì có tình yêu không? Ui, yêu ác là đằng khác. Bình thường thì yêu mỗi chồng mình, đằng này thiền vào là yêu luôn chồng con bạn, chồng người chẳng quen. Đáng nhẽ yêu mỗi nam, giờ yêu cả nữ. Đáng nhẽ yêu giai đẹp, giờ cả giai xấu cũng yêu. Yêu từ con người tới từng nhành cây ngọn cỏ, yêu cả lá non trên cành tới lá già rụng còng queo. Nói chung là yêu khắp muôn loài…

Khi mà bạn không còn tham cầu thêm cái gì vào, rồi giữ rịt cái gì bên người, thì giống như đi bộ mà k phải mang hành lý í, dễ chịu nên yêu thôi. Khi mà bạn không còn thù ghét, tức tối, đố kị thì giống như bạn ăn một món mà chỉ toàn những gia vị bạn thích, ngon miệng thì vui thôi. Khi mà bạn không còn mải mê tìm kiếm, mà thấy một cái kẹo bọc đường cũng ngọt rồi thì hẳn là bạn sẽ hài lòng lắm.

Cũng chẳng mạn đàm nhiều về thiền vì rồi bạn thêm lý luận, tư duy rằng mình không hợp, mình chưa có thời gian, chưa tới lúc, có thật thế không… Cứ thử đi, cuộc đời là một chuỗi các phép thử. Màu sắc có sắp xếp lộn xộn mới thành tranh. Đồ rê mi pha son có sắp xếp lộn xộn mới thành bản nhạc. Câu chữ có sắp xếp lộn xộn mới thành thơ. Tại sao không cho phép mình lộn xộn một chút? 😂😂 Chừng nào trẻ con chán chơi thì sẽ trưởng thành thôi, bạn cũng vậy.

Người ngoài hành tinh

Câu chuyện làm tôi nhớ tới có lần, cách đây vài năm, tôi hỏi chồng mình (một thiền nhân):
– em nóng tính, hay mắng anh vậy mà anh không phản ứng gì à?
– phản ứng gì?
– thì phản ứng đó.
– có gì đâu mà phản ứng.
– thế anh không nghĩ gì à?
– làm sao phải nghĩ.
– thì nghĩ thôi. em không tin là anh không nghĩ.
Anh chỉ cười nhẹ, không nói gì, rồi tiếp tục mấy cuốn sách của anh.
– thật anh không nghĩ gì không?
– thì em cứ thử đi.
Tôi đi ra đi vào, làm gì có chuyện không nghĩ. Con người thì phải nghĩ chứ. Không nghĩ chuyện này thì chuyện kia. Người tốt chỉ khác là nghĩ điều tốt hoặc không suy diễn thôi chứ.

Trong một chuyến đi chơi, khi đang cùng nhau đứng ngắm cảnh, một người bạn nói:
– anh ôm em được chứ?
– tại sao không? Tôi trả lời nhẹ nhàng.
Người đó ôm tôi một chút, rồi buông ra và hỏi:
– em không phản ứng gì à?
– phản ứng điều gì ạ?
– thế em có cảm xúc gì không?
– cảm xúc như thế nào ạ? À, thì cảnh rất đẹp, chúng ta rất vui, và nơi đây thật là bình yên.
Anh cười: – em thật đặc biệt. Vài người khác hùa theo – chắc là em có vấn đề gì rồi, chứ chưa ai qua nổi tay anh ấy đâu.
– vậy sao? em thấy em hoàn toàn bình thường mà. đâu có gì đâu.

Thật khó để nói với những người chưa từng trải nghiệm: Cảnh là cảnh, còn lại là do tâm mình. Sự sân hận, hay nhục dục nổi lên là do tâm mình ứng với cảnh. Khi mình hiểu tất cả chỉ là cảnh, giống như mình đang xem phim thì tâm mình đâu có bị rồ rồ lên theo đâu.

Tôi đã vượt qua sự nóng giận, sự tham vọng, sự cám dỗ cũng nhờ bài học: thấy tất cả mọi thứ đều là cảnh. Bài học Thiền quán – theo dõi chặt chẽ hơi thở vào ra, sự tương tác của tâm mình với ngoại cảnh, với vật, với người đời, thậm chí với cả cảm xúc của mình…dần dần giống như bạn đi vào trục quay của bánh xe, chuyển động đó mà không tít mù.

Như vậy bạn sẽ hiểu, mọi thứ không phải do bên ngoài, tất cả đều là phản ứng của tâm thức với xung quanh. Bạn sẽ không còn đổ lỗi nữa. Bạn không còn thấy phiền não nữa. Bạn cũng sẽ khiến người khác bảo bạn bất bình thường như người ngoài hành tinh nữa đấy. 🤣🤣

Kì lạ?

Con người đa số là bình thường, sẽ quan tâm đến tiền tài, danh vọng, gia đình, chuyện hàng xóm, thậm chí chuyện đẩu đâu. Bên cạnh, có những người, cuộc sống lúc nào cũng mục tiêu, mục tiêu và mục tiêu. Họ được coi là điểm sáng của nhân loại. Vì họ có lối tư duy tích cực. Họ đóng góp cho nhân loại nhiều điều tốt lành, hữu dụng và smart.

Nhưng có những con người còn kì lạ hơn.

Họ không thuộc hàng tiêu cực, họ không ỷ lại, thậm chí họ quá đầy đủ và tài năng. Họ đầy đủ về vật chất để không còn ham muốn tiền tài, hư danh. Họ tài năng để không còn cảm thấy điều gì là mới mẻ thú vị. Nhưng họ lại trở thành lạc lõng và cô đơn trong chính cuộc sống của mình, trong xã hội loài người này.

Có những người thích đi ngược lại với số đông, thích phá phách, thích tạo ra những quy tắc và luật lệ riêng. Bạn cho rằng đó là kẻ điên hay kẻ tài năng cũng thế. Nhưng đấy là bạn cho. Còn họ chẳng bận tâm đến lời bạn nói, vì họ thấy mình không thuộc về xã hội này, về cuộc sống này, ít người hiểu được mình.

Tôi đã là một tổ hợp của kiểu người kì lạ trên. Không phải mình quá đầy đủ hay tài năng xuất chúng. Nhưng tôi không có khái niệm ham muốn danh vọng, tiền tài. Làm cái gì, học cái gì, cũng nhanh lẹ. Bên cạnh đó luôn nghĩ ra những gì trái khoáy. Là phụ nữ, quần áo, son phấn, chẳng ham, buôn chuyện người chẳng màng, nam nhân đến thì thờ ơ. Nhiều lúc ngồi bên cửa sổ, nhìn ra xa tít chân trời, nghĩ: rốt cuộc mình là ai, mình đến từ đâu, sao mình k giống những người bình thường ngoài kia, cái tâm lý không phát triển như vậy. Thậm chí chồng nhiều lúc thử ghen, cũng chẳng màng ghen, cũng chẳng màng giận.

Tôi tìm đến Thiền để tìm về với chính mình, tìm con đường trở về.

Hành trình tìm về với chính mình, khám phá chính mình là một cuộc hành trình thú vị. Mỗi một giờ khắc, bạn phát hiện ra một điều gì được ngủ quên, bạn lại vui mừng. Lúc đầu thì vui mừng nhiều lắm. Sau rồi vui mừng vừa vừa. Sau thì như một làn hương sen giữa hồ mùa hạ, như một làn hương lúa chín giữa cánh đồng mùa thu. Thoang thoảng và ngan ngát, nhẹ nhàng và sâu lắng như vậy thôi.

Thiền là một chuỗi hành trình dài dằng dặc. Chẳng thể vài buổi ngồi đó bạn tìm thấy mình, như vậy thì quá dễ dàng. Cũng chẳng như ai đó nói thiền để thân tâm an lạc, để sức khỏe dồi dào – thậm chí khi mình đối diện với mình, bạn còn khủng hoảng, sợ hãi. Cũng chẳng phải để thấy một điều gì kì diệu, hay những cảnh giới gì kì lạ – chúng chỉ như hoa thơm, cỏ lạ khiến bạn quên đường về.

Với ý chí và nỗ lực cá nhân của tâm thức, không bao giờ từ bỏ con đường trở về, nhưng hành động lại nhu nhiên như mây, như gió thì thật sự mới có thể đủ sức để đi một quãng đường dài như vậy. Thiền chưa bao giờ là dễ dàng, nhưng cũng không phải là khó khăn. Những điều có thể đến sẽ đến như một giấc mơ.

Chẳng còn bận tâm chuyện nhân gian, hay gân cổ cãi cố một luận điểm mình cho là đúng, cũng như giải thích về một lập trình tư duy chẳng giống như cái mà con người bình thường vẫn thấy. Cuộc đời cứ êm nhẹ như nắng tháng 8, cứ thong thả như gió heo may, cứ ngọt ngào như hương hoa sữa và dịu dàng như em Ha Moon. 🤣🤣

Đúng là nhàn cư vi bất thiện mà

Khi thân thể rảnh rỗi, nhàn hạ là các tạp niệm từ đâu nó mới khởi lên lắm. Giống như một mảnh đất, ngày nào mình cũng đi đi lại lại trên đó, thì chẳng cây cỏ nào mọc được, nhưng mà ngừng đi vài hôm xem, là mọc lên xanh tốt, um tùm. Ví von như thế nghe buồn cười, nhưng bình thường nhà bao việc, thì sẽ chẳng thể bận tâm chuyện giời ơi đang vẫn mầm mống ở trong tâm.

Hôm nay, thời tiết thật giống với tiết thu đấy. Dù là quê nhà, mưa ngập tới tận bẹn, nhưng mà lòng trắc ẩn vẫn phải nhường chỗ cho những cảm giác khi đón đợt gió se se lạnh đầu tiên. Bật volum một vài bài Acoustic, những nốt ghita tí tách chạm khẽ vào không gian mênh mang. Tối qua, chạy quanh cả HN mà chẳng có lấy lọn hoa sẽ nào, không thì chắc phòng hôm nay lại thêm cái mùi nồng nồng, ngai ngái, mơn man đến khó chịu rồi.

Ở trong tâm trạng như vậy, con người ta sẽ: bấm điện thoạt choẹt choẹt kể chuyện giời ơi với con bạn thân, hay lao mình ra phố, tìm một quán cafe nhỏ ven đường, nhâm nhi từng giọt, hay có kẻ không quen với tâm trạng này, í ới gọi đám bạn làm vài ly, hoặc lên bar quẩy lắc vài điệu, đơn giản là có tìm một status vui vẻ up lên fb và ngồi đếm like rồi còm men.

Còn bạn, bạn có ý tưởng nào để mình trở lên bận rộn chia sẻ với tôi nha?

Tôi thì lại thích tĩnh lặng, lắng nghe những điều sâu thẳm nhất từ trái tim mình, dù đó là những mong muốn trần tục hay thanh cao thì nó cũng cần được thấy, được hiểu từ đâu nó lại tới, các cảm giác vui hay buồn khi có hay không có nó. Hoặc nhận diện các suy nghĩ, các ý tưởng cứ chạy qua chạy lại như con thoi. Trước thì sẽ ghi lại chúng và có thể thực hiện luôn chẳng cần suy nghĩ, bất chấp với khẩu quyết – không làm thì không biết sai hay đúng. Giờ thì lại thêm một lần nữa, cứ để đó, chúng như nhưng cơn sóng mà thôi, dâng lên, táp vào bờ, rồi lại lùi xa, rồi dâng lên, táp vào bờ, rồi lùi ra xa…

Trong cái tĩnh lặng đó, đôi khi có thể cảm nhận rất rõ một trường năng lượng nào đang tương tác với mình dù ở một nơi rất xa. Trước, thì sẽ ngồi tương tác với nó, có khi nói chuyện, có khi nhảy một vũ điệu, có khi đau đớn vì nó. Còn giờ, là sự ngắm nhìn chúng vờn vũ lượn quanh mình như những con đom đóm đêm hè vậy. Nó là nó, mình là mình. Sự tĩnh lặng thực sự chỉ thực sự diễn ra, khi bạn để trái tim mình, hơi thở mình nhẹ nhàng như những đám mây trôi trong gió lặng, cũng như tâm ý của mình không nhảy nhót, không tương tác, không lăng xăng, không bay xa bay gần, bay tứ lung tung nữa.

Viết cũng là một cách để các tâm ý đang du hành khắp cõi trời mây trở về đây lạch cạch với cái bàn phím này thôi. hehe.

Lúc nào chúng ta cũng Mơ – thật đấy

Con người ta biết về mơ – mơ của giấc ngủ hàng đêm. Đó là những trải nghiệm không có thật (ngay tại thời điểm) của mỗi người khi ngủ. Ý thức đúng ra là không nghĩ gì, thân thể đúng ra là không hoạt động gì. Nhưng chúng ta lại rơi vào các suy nghĩ, hành động mà có thể chúng ta thấy như thật – nhưng lại là ý thức và hành động không như thật nó là.

Vậy mà, khi chúng ta tỉnh, chúng ta vẫn mơ. Vì nếu lấy theo hiểu biết về giấc mơ như trên cho chúng ta một cái nhìn tương tự. Dù rằng, về mặt ý thức, thân thể là chúng ta tỉnh, nhưng ý thức chúng ta lại chạy lăng xăng khắp nơi mà chúng ta có thể không biết chúng ta nghĩ gì, có thể biết nhưng không thể kiểm soát sự loạn cào cào của nó. Và thân thể cũng hành động theo ý thức đó một cách rất quán tính, thói quen, thậm chí hành động như không phải là mình muốn vậy, thấy vậy, cần vậy. Ý thức hay hành động của người mà ta cho rằng tỉnh táo cũng thực sự là ý thức, hành động không như thật nó là.

Nhất là những người đầy tham vọng, đầy ước mơ thì càng chìm sâu vào giấc mơ sâu. Khi ngủ, có những người ngủ mơ say tới mức người khác khênh đi đâu đó hoặc làm gì đó ầm ĩ bên cạnh mà không biết. Thì người tham vọng, đầy ước mơ danh vọng thì cũng tương tự. Tất cả ý thức, hành động của họ chỉ để phóng chiếu tới một tạo hình khác mà họ đang tham vọng có được, đang ước mơ tới mà thôi. Ý thức đó, hành động đó thật là không như thật là.

Ai đó nói rằng: tôi hoàn toàn ý thức, tôi hoàn toàn làm chủ được bản thân mình? Vậy là theo nhà Phật, đem cái Tôi vào đây lại càng là sự Vô minh và càng chứng tỏ mình đang mơ. Vô minh theo kiến giải là sự chấp trước của ý thức tiên thiên hay là đơn giản là đó là tập hợp các tri kiến, định kiến, kiến thức, tư duy theo chủ thể, mang bản ngã của chủ thể để nhìn nhận một sự việc, hiện tượng. Chính vì Vô minh, nên những người mang cái Tôi đầy mình hoàn toàn không nhìn thấy mọi thứ Như nó là mà chỉ thấy mọi sự vật hiện tượng theo con mắt chủ quan của mình. Vậy, thì lấy đâu ra ý thức và hành động như thật là.

Ngủ ta cũng mơ. Thức ta cũng mơ. Người càng hô to ta không mơ lại là người chìm sâu vào giấc mơ nhất. Khi ngủ, mơ thì ta còn tỉnh. Người thức mơ bao giờ tỉnh nhất là người bản ngã đầy mình, luôn cho rằng mình tỉnh?

9/9 ngày của Bố.

Ở VN, bất kể ngày lễ gì dành cho ai thì người đó đều được ăn chơi, không phải làm gì, được tặng hoa, tặng quà. Thật là thích ý, nhưng mà có ngẫm được hết ý nghĩa của nó k?

Con gái hôm qua gọi điện kể về hôm rồi là ngày Nhà giáo ở bên trường con. Tất cả các thầy cô giáo trở thành học sinh, ai cũng phải dậy sớm, vào phòng thiền như một hs bình thường, đến muộn, vắng mặt sẽ bị phạt. Các anh chị lớp lớn sẽ được làm thầy cô giáo giảng bài, chấm điểm, ghi sổ phạt. Còn các anh chị nhỡ hơn thì thành thầy cô giáo trông phòng. Con bảo, vui lắm mẹ ạ. Vì con mới lớp 5 nên chưa có hiểu. Nhưng các anh chị lớp lớn sẽ hiểu ở vai trò thầy cô giáo, quản giáo sẽ phải gánh vác những gì.

Nhà mình có mấy câu: đặt mình vào vị trí người khác, hay đứng ngoài cuộc để hiểu, để thấu đáo, để thấy… Biến hình trực tiếp như vậy cũng là một cách để mỗi chúng ta được đặt mình trực tiếp vào vị trí của người khác. Hoặc, trải qua thời gian, những trải nghiệm đủ cho chúng ta cũng có thể đặt mình vào vị trí người khác, nên vẫn hay nói tuổi trẻ chứ hiểu chuyện.

Nhà Phật có nói về cái Thấy. Cái Thấy ở đây không phải là cái Thấy chủ quan dưới con mắt, góc nhìn, nhân sinh quan của mỗi người. Cái Thấy đúng đắn là cái tự bản thân của đối tượng được Thấy như nó là. Cái Thấy thật sự thì ai cũng sẽ thấy như ai. Vì đơn giản, người thấy sẽ không dùng bản ngã, tưởng, thức của mình để định nghĩa, quy chụp, miêu tả đối tượng.

Cái Thấy bình thường đã bị định kiến, tư duy, logic, văn hóa, xã hội… của mỗi người làm cho méo mó, sai lệnh. Tại sao vậy? Vì mỗi người khi thấy một điều gì đó họ dính mắc luôn vào đối tượng được thấy, họ coi đó là tôi, là của tôi, và họ k thể thoát ra được, như một thứ keo dính. Họ k thể đảo vị trí càng không thể đứng ngoài cuộc. Chính vì vậy, họ cãi nhau, tranh luận, thế này đúng, thế kia sai, thế này tốt, thế kia xấu…Chính bản thân họ cũng không nhường nhịn chính mình, khi gặp một cái gì đó khác với cái Thấy trong tưởng tượng của mình.

Ngày 9/9, ngày của Bố. Cách làm thay đổi, đóng vai trực tiếp như ở trường con gái cũng là một điều hay ý. Hnay mình sẽ cho bạn Cò làm Bố, bạn Thi làm Con. Xem hai ba con nhà này diễn ra sao. 🤣🤣🤣

Linh hồn?

Hơn 10 năm trước, trong số các học trò của chồng tôi có một anh Gọi Hồn – vì anh ấy có khả năng gọi hồn í mà. Anh ấy nói: thực ra ai cũng có khả năng gọi hồn hết. Người chậm thì 2 ngày, như các anh được giao nhiệm vụ thì 2 phút. Cả đám học trò mắt chữ O mồm chữ A hết, rồi cứ xòe xòe cái tay của mình ra.

Từ nhỏ, tôi đã đam mê với tâm linh. Giờ khi tôi học theo đạo Phật NT thì Đức Phật không nhắc tới chuyện linh hồn, không cho rằng loài người, trái đất là do một cá nhân siêu nhiên nào tạo nên, nhưng Người cũng không phủ nhận có Phạm thiên. Còn tôi tin là có một thế giới khác ngoài loài người và chúng sinh hữu hình đang sống này. Dù rằng có thể giải thích mọi thứ bằng sóng năng lượng bậc thấp hay bậc cao, bằng đám rối năng lượng dương hay âm, thì các bước sóng, các đám rối đó luôn tồn tại song hành cùng chúng ta. Chúng phụ thuộc vào trường năng lượng của mỗi cá nhân, mà trường năng lượng đó phụ thuộc vào sức khỏe, tâm lý, tính cách, ý niệm, nhân sinh quan, …

Con người về hình hài là con của cha mẹ, nhưng về mặt năng lượng là con của vũ trụ. Mỗi một cá thể đều là một phần của vũ trụ bao la này. Và như một đứa con với người mẹ, chúng đều có sự kết nối vô hình – khi hữu hình đó là dây rốn. Sự kết nối đó ai cũng như ai. Vì người mẹ nào cũng thương con mình như nhau. Nhưng đứa con đó đối xử với cha mẹ nó như thế nào lại tùy thuộc vào từng đứa.

Có những người con, khi lớn lên, trưởng thành, bị danh vọng, tiền bạc, tình yêu, thậm chí cá tính mà dần dần rời xa cha mẹ mình. Cũng giống như rời xa bản tính tự nhiên của mỗi cá thể đối với vũ trụ này – với bản nguyên.

Có những đứa con thì lại quá lệ thuộc vào cha mẹ. Chúng ỷ lại, chúng đổ lỗi, chúng mãi là những đứa trẻ không chịu lớn. Sự phó mặc của chúng chỉ biết dừng ở sự kêu cầu, van xin. Đúng là các nghi thức tâm linh, cầu xin khấn vái, đều có thể đem lại cho chúng một chút an ủi. Nhưng không cha mẹ nào nuông chiều con mình mãi như vậy được. Rồi chúng oán hận, chúng không cho là linh thiêng nữa. Chúng rời xa cội nguồn. Sống đời bạt kiếp.

Nhưng vẫn còn đó những người con. Họ tôn kính cha mẹ mình. Họ hiểu vẫn còn đó một nơi để họ về sau một thất bại đớn đau. Họ có thể nương tựa, có thể xin lời khuyên, sự chỉ dẫn. Họ kết nối mà không phụ thuộc. Họ tự đứng vững trên đôi chân mà không quên công sinh thành và dưỡng dục.

Đó chính là ba loại người điển hình trong cách ứng xử với cha mẹ mình và cũng chính là ứng xử với tâm linh – cha mẹ thực sự của vũ trụ.

Điều tôi muốn nói ở đây, là mỗi chúng ta đều là con của mẹ vũ trụ, đều là một phần của tựnhiên, chúng ta hoàn toàn có thể kết nối với cha mẹ mình như là chính mình. Chúng ta có thể phủ nhận nó bằng việc không tin gì ngoài bản thân chính mình, hoặc theo sự tư duy logic của mình. Chúng ta có thể tin tất cả bằng việc sử dụng một trung gian (thầy bói, bà đồng, cầu khấn, cúng vái…) để kết nối với cha mẹ mình. Đó là lựa chọn của mỗi người.

Bạn có thể xòe tay ra, cảm nhận một chút gì nóng nóng hay man mát ở bàn tay mình không? 🍀🍀🍀

Nhân duyên

Đã gọi là nhân duyên
Há chi phải cưỡng cầu
Đã gọi là pháp tu
Há chi nặng cố gắng


Cưỡng cầu, cầu không được
Cưỡng cầu, cầu có được
Tham sinh ra từ đây
Sân sinh ra từ đây
Hỉ nộ và ái ố
Thọ sinh ra tràn đầy


Cố gắng, gắng không được
Cố gắng, gắng có được
Tham sinh ra từ đây
Sân sinh ra từ đây
Phiền não hay dục lạc
Các vọng niệm tràn đầy


Đã gọi là nhân duyên
Đến hay đi tùy duyên
Như bèo trôi bọt nước
Thuận theo ý tự nhiên


Đã gọi là pháp tu
Cứ khoan thai thiện ý
Cứ tiêu dao với đời
Hết đời thì sẽ tiêu 🤣🤣🤣

Thời gian

Không chấp niệm quá khứ
Không mong cầu tương lai
An nhiên giây phút tại
Hạnh phúc mỗi sớm mai

Rất nhiều người muốn sống với Hiện tại để có thể có được hạnh phúc, bình an. Nhưng chính họ lại bị mâu thuẫn bởi cái Hiện tại đấy.

Tại sao vậy?

Bản thân từ Hiện tại bao hàm hai nghĩa cả về mặt thời gian và không gian. Khi con người ở ngay đấy, giây phút đấy thì mới có thể trọn vẹn để mà an nhiên.

Về mặt thời gian, hiện tại không phải là cả một thời gian của thì hiện tại trong tiếng Anh. Hiện tại là ở từng sát na. Chỉ một tích tắc trôi qua nó đã là quá khứ. Chỉ một tích tắc chưa tới nó đã là tương lai.

Về mặt không gian, hiện tại không có nghĩa là một khoảng không. Hiện tại chỉ là một điểm duy nhất tồn tại.

Trong cõi này, là sự bất tận của không gian và thời gian đa chiều. Chỉ cần dịch chuyển một chút thôi, là nó sẽ sang khoảng không gian khác, sang thời gian khác.

Mỗi một linh hồn hay tâm thức, giống như một giọt nước. Vốn dĩ giọt nước tự nó đã rất tròn vẹn để có thể cấu thành nên một giọt nước. Nhưng nếu bạn thấy giọt nước khi rơi xuống, nó tứ tán ra vì nó đã ở một không gian và thời gian khác. Giọt nước nếu tự nó không bị tác động bởi lực gì thì tự nó cũng rất tròn và có thể tự cân bằng sự tròn trịa đó của mình. Nhưng vì nó rơi xuống, nó đã tứ tán ra.

Bạn có thể để cho linh hồn của mình “hiện tại” hay tồn tại duy nhất trong một sát na và ở duy nhất một điểm được không?

Đó là việc của dứt niệm hay định.

Đã sinh ra Tâm rồi mà con người lại còn Ý, Tình, Thân (suy nghĩ, cảm xúc, thân thể). Bản thân cái Tâm – linh hồn vốn dĩ rất trong sáng, tròn trịa và vô vi. Nhưng vì theo thời gian, mỗi đứa trẻ được đặt nằm trong trung tâm của tam giác đa chiều Ý, Tình, Thân nên chịu sự ảnh hưởng. Và càng ngày cái tam giác đa chiều này càng dày lên.

Đáng nhẽ, Tâm sẽ luôn phản chiếu và hấp thụ vũ trụ này, tự nó biết nó là ai, cần phải làm gì trong cái khoẳng khắc sát na và tại một điểm bé xíu đó, nhưng ngay khi vừa tiếp xúc với thế giới, Ý xuất hiện với một chuỗi các tư duy, các khái niệm, các định nghĩa, các nguyên tắc, các thế này, thế kia. Rồi đi ngay theo Ý là các cảm xúc cho mỗi một ý niệm: thế này là vui, thế kia là buồn, thế này là ghét, thế kia là yêu… Và thân thể là hình hài đó liền bị bóp méo, vỡ vụn… ra giống như giọt nước kia bị rơi xuống tứ tán không còn.

Nên vì thế, cái lồng Ý, Tình, Thân ở trên càng dày, càng đa diện bao nhiêu, thì nguy cơ cái Tâm càng bị đập lên đập xuống bấy nhiêu. Giống như người ta chơi bóng rổ, quả bóng cứ nảy lên rồi đập xuống. Và Tâm đó chẳng thể tĩnh lặng, chẳng thể an nhiên.

Để dứt niệm, để buông bỏ cần trải qua quá trình rèn luyện dài ngắn tùy thuộc vào mỗi cá nhân đã tự xây cho mình cái lồng đó dày mỏng bao nhiêu. Không ai giống ai.

Nhưng để bắt đầu chúng ta có thể khởi niệm với

Câu thần chú: ánh mắt hướng vào trong, tai nghe tự bên trong, hơi thở tự trong lòng.

Hướng ánh mắt xuống khu vực dưới rốn, tai ngừng phóng chiếu nghe những tạp âm bên ngoài mà nghe chính sự chuyển động bên trong, nếu khó có thể bịt tai và nghe các tiếng lùng bùng chạy giữa hai tâm nhĩ, và nhẹ nhàng theo dõi hơi thở. Đừng đợi đến khi giọt nước bị rớt xuống tứ tán mới theo dõi, mà ngay từng phút giây kể cả lúc bạn tưởng như an bình nhất hãy tập thực hành câu thần chú trên.

Yêu thương các bạn. 💖💖💖