Định

Để không cho cái biết ý thức cùng lộ trình tâm tà khởi lên, thì lộ trình tâm cần dừng lại ở cái biết trực giác. Đằng sau nó là một chuỗi các kiến thức về vật lý học lượng tử, về năng lượng, về các bước sóng, về sự tương tác thông tin. Con người cứ tìm kiếm, cố gắng tìm kiếm để có thể tự mình lý giải được, để tự mình có thể thực chứng được. Nhưng trong môi trường “chân không”, có những thứ không thể truyền đi tiếp, những cái hữu vi được dừng lại chặn đứng, nhường chỗ cho cái vô vi. Lậu hoặc chẳng thể nảy sinh, chẳng thể bám víu. Định lực cứ thế từ từ mà tăng trưởng, để rồi cái gì cần đến sẽ đến. Chẳng cần phải cố gắng nhiều, chẳng cần phải sục sôi nhiều. Thế gian cứ giãy đành đạch trong cái đầm sình lầy của các lậu hoặc, càng giãy càng lún sâu, càng giãy càng chìm xuống.

Bất luận là việc gì trong thế gian cũng thế. Tâm không thể hướng nội, mọi thứ không thể tự tròn đầy.

P/s: người làm việc thông minh là không làm gì cả, hoặc chăm chỉ như chú kiến, lặng lẽ cần mẫn từng chút một

Hư không

Đã lâu rồi em không làm thơ
Không mộng mơ và vu vơ trước gió
Không mỉm cười trước từng ngọn cỏ
Không giật mình trước nhịp bước thời gian

Đã lâu rồi em không lan man
Kể về anh về em về câu chuyện xưa cũ
Kể về chuyện tình yêu ngàn năm bất hủ
Kể về những đợi chờ xuyên qua tháng năm

Đã lâu rồi em không băn khoăn
Anh hay là em người nào dừng bước
Anh hay là em người nào quên hẹn ước
Anh hay là em để trôi kí ức vô tình

Đã lâu rồi em lặng lẽ một mình
Bên trang kinh đọc những lời Phật dậy
Thế giới là cảm thọ vạn vật là vô thường
Cảm xúc nhớ thương cũng chỉ là tham ái

Gió đang thổi từng cơn tê tái
Nhưng cũng chỉ khẽ chạm…đến rồi đi
Cứ lắng sâu những ác pháp sẽ viễn ly
Chỉ còn là vắng lặng…chỉ còn là hư không

P/s: Thế gian cho rằng khổ là do cảnh, do không có tiền, không được yêu. Nhưng sự thực là gì?

Tình yêu dưới con mắt Bát chánh đạo

Nếu không biết yêu từ sâu thẳm tâm hồn mình, hay từ con mắt của Bát chánh đạo, bạn không thể hiểu tình yêu vô điều kiện là gì. Đa số, sẽ cho rằng, tình yêu vô điều kiện là không màng gia cảnh, tuổi tác, tiền bạc, mối quan hệ thậm chí cả giới tính. Chúng ta cho rằng chỉ cần bỏ qua cái đó và lao tới nhau là vô điều kiện. Nhưng mà chúng ta quên mất là còn một điều kiện: đó chính là cảm giác yêu của mỗi người. Nếu không được gặp, được thấy, được bên nhau thì chúng ta dùng từ – nhớ đến phát điên, không chịu được. Và chính vì điều này, khi bị ngăn cấm, bị chia cách mà dẫn tới đau khổ tột cùng, thậm chí sinh tử.

Vậy thế nào là một tình yêu vô điều kiện và có được một tình yêu vô điều kiện?

Hãy bắt đầu từ những người nghệ sĩ là những người họ cảm được nhiều và có thể nói là sâu sắc nhất. Họ dễ dàng yêu, không phải vì họ dễ dãi mà họ dễ chạm được vào cái thuần khiết bên trong vạn vật. Họ thấy, họ rung động cùng những điều đó. Nhưng sao họ vẫn khổ khi họ đã chạm được vào cái như là. Đó là vì họ đã không để cái như là là mãi mãi, họ đã nhốt nó vào một cách diễn giải khác. Người họa sĩ nhốt chạm vào tranh. Người nhạc sĩ nhốt chạm vào nhạc. Người thi sĩ nhốt chạm vào thơ.

Nhốt ở đây không phải là cho vào trong đóng kín lại, mà là khoác nó lên một cái vỏ, vào một sắc tướng, làm cho nó có hình hài. Cái giờ phút những cái chạm kia có hình hài, nó đã không còn là nó. Và vì có hình hài, nó lại sinh diễn theo lối của tâm trí gây tạo cho nó. Có sinh ra, có đụng chạm, có bệnh tật, và có cả chết đi.

Người nghệ sĩ nhận rất rõ, rất nhanh và rất nhiều cái chạm, nhưng lại nhanh chóng bị các sắc tướng bủa vây, lao trong vòng xoáy sinh diệt. Và họ càng chạm, họ càng đau khổ. Họ càng yêu họ càng đau khổ. Hãy quan sát tất cả những người nghệ sĩ bạn biết, họ đều có điểm giống nhau như vậy.

Tôi chỉ ra cho bạn thấy không phải chỉ chạm ngay phút giây đầu là đủ. Bạn phải chạm liên tục nhưng cũng phải dừng lại liên tục. Chạm để cảm nhưng dừng cái sinh diệt đang diễn ra trong đầu của chính bạn.

Sau khi những hạt mầm “chạm” được gieo lên mảnh đất tâm hồn của bạn. Thì tiếp theo bạn hãy để cho tình yêu thuần khiết vô điều kiện được nảy nở trên mảnh đất tâm hồn của bạn. Và với tất cả sự bỏ qua về thật giả, về định kiến, về tư duy, về lý trí, về ngôn từ, về màu sắc, về giai điệu… Bạn cần phải bỏ qua tất cả chúng để tâm hồn bạn được thuần khiết. Bạn cần biết bạn thật là trong sáng, thuần khiết và tình yêu trong sáng thuần khiết sẽ nảy nở.

Có một điều rất hay sẽ xảy ra, khi tình yêu nảy mầm trong con người bạn, thì bạn chính là tình yêu. Khi bạn là tình yêu, lúc nào bạn cũng cảm thấy như mùa xuân đang ở trong mình. Khuân mặt bạn rạng ngời và xinh đẹp như hoa. Ai, cái gì, con gì,.. bạn gặp bạn cũng đều thấy yêu, yêu lắm luôn. Bạn cảm tưởng như bạn có thể làm tình với tất thảy. Cái làm tình này không phải là cái làm tình thể xác mà là sự giao hòa của hai linh hồn – linh hồn của bạn và vạn vật.

(Khi tình yêu trong bạn tràn ra, bạn có thể kết nối với mọi thứ và mọi thứ muốn kết nối với bạn vì tình yêu đó là trong sáng, là thuần khiết là năng lượng dương làm cho mọi thứ trở nên đẹp đẽ và nảy nở. Nhưng bạn lại chẳng hề có nhu cầu làm tình xác thịt vì bạn quá đầy đủ. Còn người làm tình khi thiếu hụt tình yêu là họ thấy trống vắng, mênh mông, và chẳng rõ cái gì đang diễn ra trong họ, họ cần một thời khoảng không gian và thời gian mà ở đó chẳng có gì diễn họa. Đó chính là giây phút cực khoái để họ tìm về cái mênh mang, mênh mông ấy. )

Cái cảm giác yêu, được yêu tồn tại ngoài sự thiếu hụt trong chính nội tại tâm hồn của bạn, thì còn do sự không hiểu biết như thật rằng sự thiếu hụt, hay sự được lấp đầy từ cảm xúc của người khác nó chỉ là các cảm giác, nó là ảo tưởng do chính bạn thêu dệt nên. Vì nó không phải là chính ta, nên khi người kia vắng mặt, cảm giác vắng mặt dẫn tới ta thấy nhớ mong, đau khổ. Để cho tình yêu vô điều kiện nảy nở tròn vẹn, vươn cành đâm chồi, lan tỏa trong bạn, thì bạn cần thấu hiểu sâu sắc điều này. Dẫn tới bạn còn không còn nhu cầu đi tìm tình yêu (cảm giác tình yêu) từ bên ngoài như cảnh vật hay người khác nữa. Bạn quay về bên trong, dưỡng trưởng tâm hồn mình, dưỡng trưởng sự hiểu biết sự thật về tình yêu.

Ai đó nói tu thiền là vô cảm, thì cần đọc kỹ bài viết này để hình dung về tình yêu thật hay tình yêu vô điều kiện. Còn để trải nghiệm có thể tham gia khóa thiền 10 ngày cùng Moon để gieo mầm và dưỡng trưởng tình yêu thật sự bên trong bạn.

Phật pháp thì có liên quan gì tới #vậtliệucáchâm, #vậtliệutiêuâm nhỉ?

Chả là sau khi đi khóa tu 10 ngày về, các bạn nhân viên và khách hàng hỏi em là em đi học Phật pháp như vậy thì có liên quan gì tới việc bán vật liệu cách âm, vật liệu tiêu âm?
Thế là được dịp em hoa chân múa tay:

– Cách âm là làm cho không gian trong và ngoài không thể nghe thấy âm thanh của nhau. Cách âm chính là dùng các loại vật liệu có tính chất cách âm để ngăn, cản trở sóng âm thanh phát ra tới tai người nghe. Ngoài cuộc sống thực này, vật liệu cách âm chính là bản ngã, là chấp thủ tri thức, trải nghiệm cá nhân, những sự vọng tưởng, phóng dật tâm đi tận đẩu tận đâu, khiến cho chúng ta không thể nghe thấy âm thanh đẹp đẽ của cuộc sống ngay tại đây, ngay bây giờ. Chính các “vật liệu cách âm” đặc biệt này là nguyên nhân gây cho chúng ta phiền não, khổ đau. Nên chúng ta tu học để dỡ bỏ đi các “vật liệu cách âm” đặc biệt này, nhưng nhớ lắp thêm vật liệu cách âm AK để có một căn phòng tĩnh lặng ngồi thiền ạ.

– Tiêu âm thì mới thật là thú vị. Âm thanh đúng ra chỉ phát từ chính vật thể tạo ra âm thanh. Nhưng âm thanh phát ra đó, sau khi lan trong không khí, va đập vào các vật cản như vách, trần, đồ … lại phản xạ lại. Chính âm thanh phản xạ này gây ra sự nhiễu âm, méo mó âm, khiến cho âm thanh chính trở nên khó nghe ở nơi tai chúng ta. Tiêu âm là việc làm để mất đi các âm thanh phản xạ đó, chỉ để lại âm thanh nguyên bản, trong trẻo, thật sự. Trong suộc sống, ngay khi 6 căn tiếp xúc với 6 trần thì ngoài cái biết trực tiếp còn cái biết ý thức vang vọng lại do tư duy, tri kiến của cá nhân chúng ta. Cũng như âm thanh bị vọng lại, chính cái biết ý thức do tư duy, tri kiến có bản ngã này dẫn tới việc thấy biết thế giới này bị méo mó, không thực như là dẫn tới phiền não, khổ đau. Sự tu học cũng giống như làm tiêu âm là để cho chúng ta có cái nhìn như thực đối với các sự vật, hiện tượng trong thế giới thực tại này. Nếu nhà anh chị nào hay nghe giảng pháp, bật Kinh thì có thể đầu tư cả cái phòng tiêu âm để nghe cho chuẩn cũng được ạ.

Bài viết không nhằm mục đích bán hàng. Chỉ mang tính chất ứng dụng góc nhìn Minh vào cuộc sống với chuyên môn #cáchâm #tiêuâm của em. Còn anh chị em nào có nhã hứng mua hàng hay làm phòng cách âm, tiêu âm thì em vô cùng hoan hỉ ạ.

😍😍😍

4.0 và Phật pháp

4.0, công nghệ trí tuệ nhân tạo, khả năng tương tác thông tin, có gì liên quan tới tu thiền???

Trên tay ai cũng có 1 smartphone, và ngay khi có mạng wifi hay 4G, là bạn có thể truy cập FB, Youtube hay Gmail… Thông tin có sẵn trong smartphone hay có sẵn trong mạng wifi,4G? Thông tin lưu trữ này, khi gặp sự tác ý hay tương tác của cái smartphone thì mới được kích hoạt lên, smartphone tiếp nhận thông tin và làm cho nó hiển thị trên màn hình. Thật là hay khi nói nó giống y bộ não con người. Khi Ý tương tác với Pháp trần (thông tin lưu trữ về um ba la mọi thứ) thì nó phát sinh Cảm giác pháp trần và được thứ gọi là Tưởng thức ghi lại. Vì do Ý đã tương tác với thông tin lưu trữ, Ý nào nổi trội thì cái Tưởng thức đó nổi trội trên thông tin xuất hiện trong đầu chúng ta.

Ai đã từng học qua lập trình, đều biết về các câu lệnh dài loằng ngoằng If, or, not, then, true, fail… Nhìn vào màn hình lập trình, chúng cứ quay cuồng tùm lum như vậy, không thế này thì là thế kia. Cũng giống như khi một thông tin ngoài thế giới thực tại (gồm 6 trần) khi được tiếp xúc bởi các cơ quan giác quan (6 căn) thì ngay lập tức phát sinh ra cảm giác hình ảnh, hương, vị, …nhưng chúng nhanh chóng bị che lấp bởi các câu lệnh If, or, not, then, true, fail… của bộ não đã có ý thức của chúng ta. Bộ não đó càng lớn tuổi, càng học nhiều, càng nhiều trải nghiệm, càng nhiều thông tin… càng coi chúng là kinh nghiệm của mình thì câu lệnh đó càng dài, vì nó cứ chạy cho hết đủ các thông tin mà ta có để rồi mới ra kết luận, hoặc nếu không có thì rồi phán đoán, suy luận…

Làm thế nào để câu lệnh lập trình kia ngắn lại, hay thậm chí là /end ngay từ khi có sự tương tác thông tin, hay là chỉ có một chiều True, True… thì không đơn giản nói dừng là dừng, nói bỏ là bỏ. Với cái đầu siêu thông minh của mỗi chúng ta, cần phải thấy được sự thật, cần phải tự thân chứng nghiệm được sự thật. Và lúc đó chúng ta có lẽ sẽ phì cười, đơn giản vậy mà chúng ta cứ đi vòng quanh, vòng quanh mãi trong điệp điệp trùng trùng của mê cung các câu lệnh. Đơn giản vì ta không biết hay vô minh mà thôi.

Mạn đàm về con đường Bát chánh đạo

Mạn đàm về con đường Bát chánh đạo (hoan hỉ khi thầy và các đạo hữu góp ý)

Chánh niệm tỉnh giác nơi 4 xứ là bước thực hành đầu tiên trên con đường đạo, là bước thực hành của người biết rõ Minh – sự thật về thế giới là thế giới cảm giác của Tâm, là vô thường, vô chủ, vô sở hữu, không nắm bắt được, không giữ lại được dẫn tới Tâm không hướng ra ngoài thế giới vật chất nữa mà quay lại hướng vào trong hay trú nơi 4 xứ.

Nhiều thiền sinh thực hành thiền Bát chánh đạo, hay thiền Chánh niệm tỉnh giác nơi 4 xứ, chưa thực sự hiểu thế nào là Chánh niệm tỉnh giác nơi 4 xứ mà mới hiểu đơn giản là tất cả là cảm thọ – đó mới dừng ở mức thấy biết sự thật – đây là thế giới cảm giác của tâm. Chưa kể, việc chú tâm cảm giác thân nơi thân, thọ nơi thọ, tâm nơi tâm, pháp nơi pháp vẫn chưa rõ ràng về đề mục dẫn tới chưa rõ về con đường thực hành và chưa rõ thể có pháp thành được.

Bên cạnh đó, nhiều thiền sinh đã thiền lâu năm ở các pháp khác, thấy đề mục Chánh niệm tỉnh giác nơi 4 xứ quá đơn giản lại cho rằng đó là một lối mòn vô nghĩa. Có những thiền sinh đặt mục tiêu đi tìm một điều kì diệu nào đó, tìm một cái thấy biết siêu thế nào đó, hoặc chú trọng vào thiền để phát triển tuệ giác mà cũng mau chóng muốn bỏ qua Chánh niệm tỉnh giác nơi 4 xứ.

Xin tạm liệt kê ra đây một số phương pháp của thế gian:
– quán tưởng một thế giới siêu hình màu nhiệm, quán tưởng các giác quan có khả năng siêu thông với thế giới đó, và nếu có khả năng đó xảy ra thì đạt thành tựu (sự thực là không có thế giới siêu hình, mà đó là do tưởng thức ghi lại thông tin pháp trần)
– tìm cách loại bỏ thức thần để còn lại nguyên thần, hồi quang, hồi quy…để phát triển dưỡng đan, dưỡng nguyên thần (thức thần chính là tà tư duy do học hành, văn hóa, bản ngã,… nguyên thần là cái biết trực tiếp giác quan)
– tìm cách loại bỏ các nghiệp hay chuyển hóa các nghiệp trong kiếp này và kiếp quá khứ để có thể có linh hồn trong suốt hay thân ánh sáng…(các nghiệp chính là thông tin pháp trần được lưu trữ trong kho chứa bộ nhớ nơi tế bào thần kinh não, nếu dừng tà tư duy khởi lên thì kho chứa này cũng không hoạt động, không có chuyển hóa trong sự thực nhân quả)

Khoan hãy nói về các khái niệm, quan niệm và phương pháp, mà tựu chung, đều là mong muốn tìm được một viên ngọc quý giữa cái đống vỏ bọc bùn đất này. Chánh niệm tỉnh giác không nằm ngoài việc đó, nhưng thực hành đơn giản hơn rất nhiều. Vì Phật thấy biết, thế giới này là cảm thọ, và chính sự Vô minh với hàng loạt chấp ngã, chấp thủ uẩn, tà tư duy, tà tri kiến, trải nghiệm, văn hóa, tiêu chuẩn xã hội, quy định,…khiến cho chúng ta không thể có một cái thấy biết như Thật. Các phương pháp khác coi lớp bùn đất kia là những cái gì cần phải chuyển hóa, cần phải loại bỏ, cần phải tìm bỏ sang thế giới khác…thì với Phật, lớp đất đá đơn giản do chính chúng ta tạo ra. Các lượng thông tin vô minh chồng chéo, dày đặc khiến ta không thể thấy một cách như thật, tròn vẹn, hoàn chỉnh ở mọi khía cạnh. Hay tư tưởng chấp ngã khiến ta bám chấp vào thế giới này, mà người trong cuộc, hay như mỗi người sẽ không thể thấy được gáy, lưng của mình là như vậy.

Để dễ hiểu, chúng ta hãy tới 1 thảo nguyên rộng mênh mông, nơi đó ta có thể thấy cánh chim bay tít từ xa, ta có thể ngửi thấy mùi hương tít từ xa, ta có thể nghe thấy tiếng nai thú gọi tít từ xa… Nhưng ở đô thị thì sao, tầng tầng lớp lớp nhà, người, xe cộ…khiến ta không thể nghe, không thể thấy, không thể nhìn được cái gì xa một chút cả.

Nhiều người mong có các giác quan thần thông, vậy hãy chánh niệm tỉnh giác làm sao, trong một trận mưa, có thể nghe thấy từng giọt rơi xuống, tiếng mưa từng giọt đó sinh lên rồi mất. Khi thực hành chánh niệm tỉnh giác thuần thục, sự an định, tịch tĩnh, vắng lặng nơi tâm mới có khả năn giúp bạn làm được như vậy. Chứ các thông tin pháp trần vẫn cứ xen vào, làm sao đếm được từng hạt mưa. Hay, nhiều người mong có thể thấy quá khứ, tương lai, vậy hãy chánh niệm tỉnh giác để hiểu được về lý duyên khởi của một sự vật đơn giản nhất đi đã… Còn không đều là cái thấy biết của tưởng, cho đó là ta, của ta và rồi dính mắc lại ở đó.

Trên nền cái thấy biết như thật của Chánh niệm tỉnh giác, với chánh tư duy là các tư duy về lý duyên khởi, về 5 thủ uẩn, mà mới có được cái thấy biết đúng đắn là chánh tri kiến được. Chứ chưa thực hành trọn vẹn Chánh niệm tỉnh giác, mới gọi là lờ mờ nhận ra viên ngọc sau lớp bùn đất kia đã vội vàng nó là ta, là của ta thì sao được, hoặc ngay cả khi viên ngọc lộ diện rồi vẫn chấp thủ uẩn thì bao công sức lại đổ xuống sông xuống biển, bản ngã vẫn hoàn bản ngã.

Chuỗi lộ trình Bát chánh đạo liên tục sinh, liên tục diệt. Chuỗi này là nhân của chuỗi kia. Nên không lộ trình nào là cuối, là dừng lại. Có lẽ vì vậy, người thực hành Bát chánh đạo biết rằng, ngay khi vừa làm xong, vừa nói xong, kể cả vừa chánh tư duy xong thì thông tin đã cũ rồi, nên họ mới có xu hướng “độc cư” là như vậy. Tất cả đều vắng lặng suy nghĩ, tịch tĩnh nơi nội tâm. Thật sự bình an, thật sự an định.

Chém gió với ai đó đã thực hành thiền lâu

😍😍

Có một vị thiền sư chia sẻ: khi hành thiền, các thông tin cảm giác đi qua cửa các giác quan cũng giống như các vị khách đi qua cửa trong một bữa tiệc. Khách mời đến liên tục, liên tục. Chúng ta là chủ nhà. Nếu ta dừng lại tiếp một vị khách nào đó, trò chuyện ôn lại chuyện quá khứ, tương lai thì chúng ta đã bỏ lỡ các vị khách khác. Việc của chúng ta chỉ là liên tục chào các vị khách quý đó bằng sự ghi nhận trực tiếp giác quan hay trực giác, mà vắng mặt đi sự đối chiếu, so sánh, diễn giải, trò chuyện về quá khứ hay tương lai.

Khi hành thiền, với trí nhớ về sự vô thường, vô ngã của các thông tin cảm giác, trí nhớ về việc ghi nhận trực tiếp giác quan như vậy, dần dần chúng ta sẽ kinh nghiệm được một trạng thái thiền hay gọi là định, với các các trạng thái thiền tùy theo mức độ chú tâm, tìm cầu. Kinh nghiệm này không ai giống ai, trải nghiệm và thời gian diễn ra không giống nhau. Chúng đều được Phật chỉ ra và nằm một trong bốn trạng thái: sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền.

Tuy nhiên, kinh nghiệm thiền của nhiều người thực hành thiền hiện nay lại đang không đến từ việc nhận biết trực tiếp giác quan. Chính kinh nghiệm này dẫn tới nhiều điều mà chúng ta gọi là ảo tưởng, hoang tưởng hay tầng năng lượng trung gian. Nhiều người cho đó là quả, đắc quả, đạt thành tựu. Còn thực trong chánh pháp, thì đó chính là đường vòng, rẽ nhánh hay thậm chí là tà pháp. Sự nguy hiểm của nó khiến thiền sinh lạc lối, dễ bị kẹt lại đó hoặc tham đắm trạng thái trải nghiệm, để rồi tiếp tục hành trì thiền theo cách đó và rơi vào một thứ ảo giác.

Cá nhân tôi đã trải qua, và hẳn nhiều người đã trải qua thì đều cho rằng, nó thật mà, rất thật. Nó có thể hiển hiện ngay trước mặt rõ như xem phim chiếu rạp. Nó có thể xúc chạm ngay thân thể hay nội thân thể khiến cho đau đớn hay vui sướng. Nó có thể là những thông tin khiến có thể được coi là thiên cơ, hay thông minh đột xuất hay một bài thơ, một bản nhạc, một công thức… Nó thật và tôi có thể tái hiện nó sau giờ hành thiền… Vì đơn giản bạn đang cho nó là thật, mà không chịu thừa nhận, nó chỉ là cảm giác pháp trần do tế bào thần kinh não (ý) tiếp xúc với pháp (thông tin lưu trữ trong não bộ) mà thôi.

Bạn vẫn còn khăng khăng, đó là tôi thấy quá khứ, tôi thấy tương lai, tôi thấy cảnh giới niết bàn (một nơi đẹp đẽ, an lạc, hay một vùng ánh sáng chan hòa, hay một khoảng không bao la,….), nhưng sự thực nó vẫn chỉ là cảm giác pháp trần do tế bào thần kinh não (ý) tiếp xúc pháp mà thôi. Có thể là bạn đã từng ở đó trong quá khứ, có thể là bạn sẽ tới đó trong tương lai, có thể đó là một nơi nào đó đang tồn tại ngoài trái đất, nhưng nó không phải là #đây, nơi này, ngay bây giờ – hiện tại.

Bạn cứ việc mê đắm với những gì bạn cho là thật vì nó là thật với bạn. Chỉ khi nào bạn tỉnh ra, hóa ra nó chỉ là cảm giác, nó vô thường, vô chủ, vô sở hữu. Vì sao? Vì cảm giác đó chẳng thể lặp lại lần nữa trong các lần hành thiền khác, chúng cũng chẳng thể tồn tại lâu dài trong các thời thiền của bạn mà chỉ diễn ra trong tích tắc, trôi vèo qua và nó là một cảm giác nổi trội hay nó là một điều gì đó mà thầy hướng dẫn thiền của bạn bảo là có một thứ như thế và bạn tìm kiếm. Nếu nó là thật, bạn có thể tìm kiếm và thấy lại, bạn có thể chỉ cho người khác cách thực hành để thấy nó chứ không phải cách tưởng tượng thấy nó.

Nhưng đơn giản là, các thông tin đó, ngay tại đây, bây giờ – hiện tại này giúp ích gì cho bạn? Nó có giúp bạn vắng bặt sự đối chiếu, so sánh, tìm kiếm với những thông tin, kinh nghiệm cũ không? Hay nó làm dày thêm thông tin, kinh nghiệm mới của bạn: à ta đã làm được, ta đã thấy được cái này cái kia. Nó có giúp bạn trên con đường dẫn tới sự vô tác, nội liễm để trở về sự tròn vẹn, tịch tĩnh? Chúng sẽ chẳng có gì nguy hại, nếu bạn không cho đó là kinh nghiệm mới, nếu bạn không lấy đó làm đề mục cho lần thực hành thiền tới và nói với người khác hãy thấy như bạn. Chúng nguy hại, khi bạn cho rằng chúng có đó, chúng là của bạn, chúng có được do bạn đã đạt được tầng thiền nào đó. Chúng không giúp bạn chấm dứt sự vắng bặt khổ đau hay tự mãn, là những thứ níu giữ chân bạn để đạt được sự giải thoát về tâm thực sự.

Nếu với hiểu biết về thế giới là cảm giác, bạn kinh nghiệm được việc chỉ dừng lại ở ghi nhận các cảm giác nơi giác quan một cách liên tục mà không nảy sinh ra đối chiếu, so sánh, tìm kiếm với các thông tin, trải nghiệm cũ thì bạn hoàn toàn có thể kinh nghiệm được các trạng thái thiền mà Phật đã chỉ ra ngay tại đây, nơi này và ngay bây giờ. Nó thực tế, hiện tiền, cụ thể như vậy, nó có thể lặp đi lặp lại, và chỉ cho người khác cũng như kéo dài thời gian các trạng thái thiền nếu ý của bạn không biến thành ý thức tìm kiếm, đối chiếu, so sánh. Chỉ tiếc là nó chỉ giúp đưa bạn tới một trạng thái tâm an định, bình yên, có thể có hỷ, có lạc chứ không phải thấy một cái gì đó nhiệm màu, kì lại, khác biệt…

P/s: một số thiền sinh đã thực hành cách thiền tà định trước đây, thường khó chấp nhận cách thiền chánh định này. Vì nó không đưa tới các cảm giác kì lạ, hay ảo giác cho thiền sinh. Hoặc nếu người đó cố gắng loại bỏ cách thiền cũ để tiếp nhận cách thiền mới thì càng gây ức chế và mong muốn đạt cảm giác định như một trải nghiệm kì lạ của việc hành thiền trước đó của họ. Tuy nhiên, nó không phải là một trạng thái ta đi tìm, nó là một trạng thái ở đó vắng bặt suy nghĩ, tìm kiếm, đối chiếu, so sánh… Và việc của thiền sinh là ghi nhận cảm giác trực tiếp nơi các giác quan chứ không phải tìm kiếm một cảnh giới gì đó mơ hồ.

HÃY DỪNG VIỆC XÂY LÂU ĐÀI TRÊN CÁT VÀ ĐI TÌM CÁI LÕI CÂY

15 năm tôi đi tìm từng nhành cây ngọn cỏ, cũng thấy hoa, thấy lá, thấy quả mang về. Nhưng càng đi càng thấy nhiều, càng đi, càng mang về nhiều.

Rồi một ngày tôi gặp Thầy, Thầy chỉ cho tôi, pháp của Đức Thế Tôn đơn giản lắm con à. Ngay khi lục căn này tiếp xúc lục trần, thọ (cảm giác giác quan) và tưởng (nhận thức trực tiếp) phát sinh. Ngay lúc đó, với trí nhớ: đó là thọ là cảm giác mà thôi, đó là cái biết trực tiếp là quả sinh lên rồi diệt đi ngay nên nó vô thường, vô chủ, vô sở hữu, để mà rồi chúng ta dừng ngay lại được cái tư tưởng làm chủ, chấp ngã, thủ uẩn, kích hoạt các thông tin tư duy, tri kiến của chúng ta.

Bước đi đầu tiên này, vô cùng đơn giản mà vô cùng khó, vì mỗi chúng ta theo bản năng, theo thói quen, đã ăn sâu vào a tăng tì kiếp, a lại da thức của chúng ta các tư tưởng làm chủ, chấp ngã, thủ uẩn và như một bộ vi xử lý lõi ngàn G mà tốc độ bộ não kích hoạt ngay được các thông tin tà tư duy, tà tri kiến.

Tôi chưa thể nói về con đường dài phía sau, vì chỉ bước đi đầu tiên đơn giản này, bạn còn làm không nổi, thì các kiến thức, hay kiểu thực hành gì gì đó có chăng chỉ làm tăng thêm thông tin, tăng thêm tưởng, tăng thêm trải nghiệm cho bản ngã cá nhân bạn mà thôi. Giống như càng giãy thì càng lún sâu xuống hố cát, hay giống như ta đang xây lâu đài trên cát vậy.

Pháp không phải dành cho người có duyên, mà dành cho người mong muốn thực sự tìm thấy lõi cây, tìm thấy con đường thẳng tới chứng ngộ, bỏ qua những cái rườm rà, hoa lá cành, bỏ qua những cái lợi lộc, “quả đạo” giữ chân bạn ở lại.

Chỉ cần là ghi nhận

Thực ra cuộc sống này, rất nhiều khi chúng ta đã có cái nhìn bình đẳng với xung quanh.

– khi đi xe: bạn đâu có phân biệt đó là người đi bộ, đi xe đạp, xe máy, xe ô tô, xe sang, xe xịn… đơn giản đó là một chướng ngại vật và bạn cần tránh đừng tông vào

– khi bạn là thầy, cô giáo: dưới kia là vô vàn học trò bạn đâu có phân biệt là lớp này với lớp khác, đứa trẻ này với đứa trẻ khác… đơn giản chúng là học trò của bạn và bạn giảng bài với niềm say mê nghề nghiệp của mình

– khi bạn là nhạc công, ca sĩ: ngoài kia là khán giả của bạn, bạn đâu phân biệt họ giàu hay nghèo, cao hay thấp, gai hay trai, lứa tuổi nào… đơn giản bạn cất lên những thanh âm từ trái tim mình

– khi bạn là một người mẹ: tình yêu dành cho những đứa con đâu có phân biệt đứa lớn, đứa nhỏ, đứa thông minh, đứa kém cỏi, đứa xinh đẹp, đứa nghịch ngợm… đơn giản chúng là những đứa con của bạn và bạn trao cho chúng một tình yêu thương vô điều kiện

Những điều không phân biệt đó tạo nên sự an toàn cho cả một hành trình, tạo nên những bài học sâu sắc, tạo nên những giai điệu để đời và cả những tình yêu được cả nhân loại ca ngợi. Chúng có khiến người thực hành phải mệt mỏi không? Chúng có khiến người nghe, người đón nhận phải khiên cưỡng không? Tất cả như dòng suối ngọt lành, tự nhiên chảy, tự nhiên dung hòa, tự nhiên tươi mát vậy.

Chúng ta đòi hỏi tự do, bình đẳng, nhưng chính chúng ta đang buộc mình vào những gì mình cho là đúng đắn, là của mình, và tự phân biệt khi thấy điều gì đó khác với góc nhìn, bản năng hay ý kiến của mình.

Ngày hôm nay, bạn có thể thực hành như một người quan sát hoặc một người chỉ đón nhận mà không khởi tâm lên so sánh với những hiểu biết, kinh nghiệm của bạn được không? Đầu tiên hãy mỉm cười nhẹ nhàng với bất cứ điều gì, vật gì, ai bạn gặp (trừ trường hợp đặc biệt đi thăm người ốm nặng hay có tang gia)? Sẽ có những người bạn ghét, khiến bạn trước đây không thể mỉm cười, nhưng hôm nay hãy thấy người đó đơn giản là một người, một hình ảnh mang tính người đi qua mắt bạn – ghi nhận hình ảnh đó và mỉm cười nhẹ nhàng xem sao?

Chúc cả nhà 1 tuần mới yêu thương, an lành.

Tốt đời đẹp đạo

Phải thẳng thắn mà nói rằng, những ai vỗ ngực ta sống đời mà vẫn tu được đạo thế mới khó (thứ nhất tu nhà…) thì thực sự kẻ đó còn bản ngã hơn cả người bình thường. Kẻ đó thực sự không hiểu gì về đạo. Họ muốn chứng minh điều gì: chứng minh rằng họ giỏi ư, họ có khả năng tu nhà ư, họ có khả năng điềm tĩnh với môi trường ư hay họ cho rằng xã hội là nguyên liệu tu của họ?

Nếu thực sự họ có thể tu với đời, vậy mỗi sóng gió ở đời hãy bình tĩnh mà vượt qua, hãy hạnh phúc mà mỉm cười, chứ đâu có la toáng lên, đâu có giật đùng đùng lên vậy. Nếu thực sự họ có thể tu ở đời thì phải là người có lời ăn, tiếng nói, hành động làm người khác dễ chịu, hòa hảo, là cây nến sáng thắp trong vùng tối tăm. Nếu họ lấy xã hội làm nguyên liệu tu, một bài học giác ngộ, thực tế là đủ giác ngộ vì bản chất vạn pháp là một, đâu cần phải chứng minh cái gì ta cũng đương đầu được.

Những ai đã từng một ngày thực hành tu đạo thực ra đều hiểu rằng: tu đạo khó tới mức nào, từ lời ăn, tiếng nói, cử chỉ…tóm lại là lục căn phải thu thúc (giữ gìn). Cái tính người vốn quen hoang dã tự do, thích ăn, thích nói, thích làm gì, thích yêu thích ghét gì…thì nó đều muốn thả lỏng để tùy nghi. Họ cho rằng tùy nghi là để tâm người tự nhiên, không ức chế tâm, và quan sát lại đồ thị cảm xúc của họ thôi thật giống đồ thị giá vàng ⚡⚡⚡ giật lên giật xuống. Vậy thì chỉ riêng cái đó thôi có lợi cho họ không hay có lợi cho người khác không? Lợi cho họ thì họ đừng có đau tim hay giật đùng đùng hay down cảm xúc vậy. Lợi cho người thì người khác phải cảm thấy dễ chịu khi tiếp xúc hay muốn lại gần vậy.

Tu đạo không phải là cái gì ghê gớm, thấy biết được sự thực của thế giới là cảm thọ, thì mọi thứ xung quanh này cũng như bong bóng xà phòng, như bèo tan bọt nước. Và biết được mục đích của cuộc đời, của tu đạo để trở về cái bản chất thấy biết trực giác thì đâu còn cần phải làm màu với xã hội.

Một trong những thực hành trên lộ trình chánh đạo là Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng. Hãy lựa chọn một môi trường đúng đắn để bản thân có thể thực hành thuần thục, còn không sống ở đời hãy thực hành Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng để tất cả cũng bình an, hoan hỉ. 😍😍

(Tóm lại: ai thấy bãi thối cũng đều tránh ra hoặc đi vòng ra, mình đi thẳng vào thì để làm cái gì 😂😂)