Điều gì làm bạn trưởng thành?

Chừng nào bạn chỉ thấy các bộ môn tâm linh, hay cả thiền đem lại cho bạn sức khỏe, bình an, may mắn, hay những thuận lợi khó giải thích trong cuộc sống, chừng đó bạn còn mê muội trong đó, chừng đó cái tâm Tham của bạn vẫn tồn tại thậm chí nhiều hơn trước. (dù bạn nói bạn không tham, thậm chí chẳng có gì khiến bạn cần phải tham, đó là bạn nói). Bạn đã trở thành kẻ lệ thuộc, dứt tâm linh và dứt thiền khiến bạn hoang mang và sợ hãi, bạn phó thác mình, cuộc sống mình cho một thứ bạn cho đó là tối cao, tối thượng, ưu việt… Không phải pháp môn đó vi diệu mà bạn cho nó là vi diệu và bạn tham đắm sự vi diệu đó. Bạn mãi mãi là đứa trẻ ẵm ngửa bú sữa mẹ tâm linh mà thôi.

Tâm linh (hay cả thiền) giúp bạn trưởng thành, vững mạnh và tĩnh lặng. Nó sẽ chỉ ra cho bạn những xung đột, những khủng hoảng không phải chỉ của thế giới bên ngoài mà ngay chính bạn. Nó chỉ ra những quy luật khiến bạn hoảng sợ không dám thừa nhận. Nó chỉ ra những con đường độc đạo, nơi chỉ có mình bạn độc hành, chẳng hề có hoa thơm trái ngọt, chim hót bướm lượn. Nó chỉ ra cả sự tận cùng của thống khổ như là bạn hay người bạn yêu thương chắc chắn sẽ phải chết, hay mọi điều về cơ bản chắc chắn sẽ hủy diệt. Mọi thứ đều có vị ngọt đấy, nhưng đằng sau đều ẩn chứa những hiểm nguy. Nó giúp bạn học được những bài học lớn và trở lên lớn mạnh, cũng như vững chãi như vậy.

Bạn đang ở đâu? Bạn muốn thế nào thì nó sẽ là như vậy chứ không phải lỗi của Tâm linh.

Gai

Biết nhiều như cái cây có gai. Mỗi cái biết lại trổ 1 cái gai. Chúng bám chặt vào cây, k chịu rụng. Càng ngày càng chi chít. Để bất cứ cái gì “xúc” với nó đều vỡ, đều đau, chẳng thể chạm chẳng thể tới gần.

Biết đủ thấu, gai mọc lên rồi diệt. Chúng giúp cây khỏe và vững hơn. Vỏ vẫn nhẵn nhụi như thế. Chẳng gì bám vào được cái vỏ nhẵn đó. Nhưng cũng chẳng vì thế nó làm tổn thương ai. Người qua đường vì thế, ngả lưng vào cây, ngủ một giấc an lành vào ban trưa, hay chỉ chút tận hưởng bóng mát ngày nắng nóng, chút tránh gió ngày giông bão.

Hay là không biết để làm cái cây không gai.

Bài học gì sẽ đến với bạn?

Tết nhất đến nơi rồi mà mấy ngày nay mình toàn bị trộm thôi. Người thì trộm bài viết của mình, người thì trộm túi mứt dừa ngon nhất mà mình vừa order xong. (Nó quá nhỏ bé và buồn cười so với việc mỗi năm mình làm từ thiện, cho đi cả trăm triệu đồng. Nhưng một lỗi nhỏ, không dám nhìn vào, phân tích sâu xa, quán triệt tới cùng, mà bảo rằng bỏ qua đi, không đáng thì chỉ là ta đang tự cho mình là cao quý hơn mà bỏ qua thôi.)

Tính ra, cái gì cũng là cái mình thích: bài viết cũng là tâm huyết của mình, ngồi thiền quán bao nhiêu lâu, đủ định tĩnh mới có thể viết ra, do tham ái muốn chia sẻ kiến thức mình có được mà mình mới tác ý để viết; rồi gói mứt dừa cũng thế, mình thích ăn, do tham ái vị ngon của nó mà mình tác ý mua nó về thưởng thức. Cái nhân chúng có mặt, để chúng là thủ uẩn của mình, rồi mình coi mình là chủ nhân chủ sở hữu của chúng đều do một cái nhân tham ái mà ra.

Viết ra tới đây, đúng là mình đang bực thứ nhất là vì có người khác lấy đồ của mình, mình đang chấp thủ uẩn: cho rằng sắc này là của ta, thức này là của ta, và người khác lấy của ta thì ta không thích.

Nhưng còn một cái bực khác nữa, đó là hai người ăn trộm của mình đều là những người hành thiền. Và mình tà tri kiến rằng: những người hành thiền thì hết sức đoàng hoàng, nếu họ có lấy của mình thì sẽ phái nói với mình một câu, không có chuyện lẳng lặng lấy như thế. Chính cái chấp tri kiến cá nhân này, mà khi nó không đúng như mình nghĩ, nó không matching với kho chứa tri thức cá nhân khiến mình khó chịu.

Mình cứ thấy như cái thằng robot ở trong đầu mình nó cứ tự nói: người ta không đúng, làm vậy là không đúng, thật sự là không đúng… Và mọi cái tư duy sau một hồi chạy lòng vòng, vẫn cho ra một thứ kết quả: không đúng. Và khuấy động, và tìm câu matching đúng ở bên ngoài. Matching đâu không thấy, chỉ thấy thêm “buồn cười”.

Và giờ lại ban căng là nó lại mâu thuẫn với tà tri thức thứ hai: học đạo rồi thì không được khó chịu với mấy cái thứ này. Nếu là người không học đạo: bạn bị ai đó lấy đồ, bạn chửi um lên là xong, không phải tư duy nhiều. Cái bực thứ nhất: chấp thủ uẩn, cái bực thứ hai: chấp tà tri kiến ngoại, cái bực thứ ba: chấp tà tri kiến nội. haha. Và đúng là: hoại khổ, khổ khổ, hành khổ có mặt đủ cả. Khổ nọ chồng chất khổ kia, tới lui chẳng được.

Tư duy một hồi chán chê, thấm thía câu: Khi ta đứng lại, thời ta bị chìm xuống; Khi ta bước tới, thời ta bị trôi dạt. Do vậy, ta không đứng lại, không bước tới, ta vượt khỏi bộc lưu.

Đã quên mình có 1 bài viết và 1 gói mứt. Do 2 thứ này k có mặt nên việc ăn trộm k có mặt. Do ăn trộm k có mặt, mình k khổ.

Trạch pháp giác chi?

Nghĩa đầu tiên mà đa số chúng ta sẽ hiểu Trạch pháp là phân biệt đâu là pháp của Phật thật, đâu không phải; hay đâu là Minh, đâu là Vô minh. Nhưng có thật sự chỉ đơn giản như vậy không? Khi mà chúng ta, kẻ hữu học lại tự quàng cho mình thêm một cái tự ngã: ta đúng và người khác sai, ta đang đi trên con đường của thánh nhân còn người khác là hạ liệt. Dù rằng rất nhiều bản kinh được Đức Phật dùng từ rất thẳng thắn: này kẻ ngu si kia, kẻ phàm phu kia… nhưng hãy khéo léo xem đó là những người như thế nào: đang chấp thủ chặt chẽ, đang tham ái, dục vọng…đầy mình, đang chưa hề được nghe và thực hành pháp các bậc thánh….

Trạch pháp giác chi là chi phần thứ hai sau niệm giác chi. Niệm là cái gì thì nói nhiều rồi. Trong niệm thì có cả chánh niệm và tà niệm. Các bậc Alahan chánh trí thì hoàn toàn là chánh niệm, còn bậc hữu học đang tu tập thì cả chánh và tà. Nhưng chẳng thể nói được người mới tu và người tu lâu thì ai ít hay nhiều tà niệm hơn. Cái đó phụ thuộc vào thức tái sinh của mỗi người, trải nghiệm, học thức… của mỗi người. Một ông 50 tuổi học vị cao, tu 10 năm với 1 cô gái 20 tuổi tu 1 năm, chắc gì ông kia đã ít tà niệm hơn 1 cô gái còn đang tuổi vô lo vô nghĩ. Nếu cô học chánh pháp, hiểu ngay là căn tiếp xúc trần là phát sinh thọ, dừng lại ở ghi nhận, nhớ đến chánh niệm trên thân là tà niệm không sinh khởi nữa. Cô dễ dàng viên mãn hơn với Tâm giải thoát. Đừng mặc cả là cô ấy chưa có Tuệ. Tuệ là hiểu về sự vô thường, vô ngã, vô chủ sở hữu để mà từ đó không ràng buộc, dính mắc vào đối tượng. Tri kiến đầy mình, ai khó từ bỏ, chấm dứt, đoạn diệt hơn ai? Buồn cười là nhiều người tu tập đều dừng lại ở chỗ ai chánh niệm hay ai tà niệm và so sánh ta hơn, ta kém, ta bằng ở đây. Và cho rằng đó là Trạch pháp.

Đúng là, mọi thứ nên quy về đơn giản, cái này là chánh niệm, cái kia là tà niệm, cứ tà niệm nổi lên là ta biết ta đang thất niệm để mà quay về chánh niệm. Nhưng đâu có dễ dàng như thế với rễ cây đã được cắm chặt, nhân vô minh đã gieo sâu, và nếu đơn giản vậy, Đức Phật đã không mất công thuyết hàng ngàn bài pháp như vậy. Ví dụ: trong bài #Kinh hai pháp tùy quán Sn.139 (Tiểu bộ 1), Đức Phật cũng chỉ ra rất nhiều duyên đưa đến Khổ hiện hữu: do duyên sanh y, do duyên vô minh, do duyên hành, do duyên thức, do duyên xúc, do duyên thọ, do duyên ái, do duyên khởi xướng, do duyên dao động, do duyên nương tựa… Và với mỗi một duyên dẫn tới Khổ hiện hữu thì đều đưa ra một pháp để thực hành để đưa đến cắt đứt duyên đó vậy.

Có thể là tôi đã quá cầu kì trong việc phân lập, chia nhỏ, nhưng sự thực, rất nhiều vị hữu học đang khổ mà không biết mình khổ. Vì các đề mục khổ gồm những gì còn chưa nắm rõ, nữa là cánh cửa dẫn tới khổ. Hãy khéo léo nhận ra lúc nào mình thất niệm. Tâm phóng dật, vọng tưởng, chẳng thể định tĩnh nổi, mà phải suy cái nọ, nghĩ cái kia, viết lách nọ chai, khoe hàng này nọ,…tóm lại phi như lý tác ý lên các duyên ở đời. Người định tĩnh, bình an, nội tâm thanh tịnh đã không hô hào, gào thét, cố chứng tỏ mình với thế giới một điều gì cả. (Tôi ngồi viết bài này cũng là khổ, tâm nọ kia có mặt đầy đủ vì đáng ra thời gian này dành cho thiền, thì tâm tôi lại vọng tưởng để viết. Viết xong khéo lại bị ném đá. Tâm không định tĩnh là lại có khổ hiện hữu. ).

Trạch pháp giác chi có được trên việc hoàn mãn Niệm giác chi. Vì ngoài nhận biết có niệm khởi lên, thì biết sợi niệm đó thuộc loại niệm gì: xanh, đo, tím, vàng, hồng, lam, chàm, tím… Trạch pháp không chỉ chỉ rõ đó là chánh niệm hay tà niệm, mà còn chỉ rõ đó là niệm khởi lên do tâm hành nào, do duyên gì, trên nội pháp, ngoại pháp nào. Sự thấy rõ, sự soi sáng này của Trạch pháp giúp vị hữu học tự #là_thầy của chính mình, tự mình nương tựa mình là như vậy. Vì chỉ có vị ấy mới biết mình đang gặp lỗi ở đâu, đang gặp duyên gì mà niệm sanh khởi, cần dùng pháp hành gì để cắt đứt, đoạn trừ.

Tiếp sau Trạch pháp là Tinh tấn là vậy. Sự Tinh tấn giác chi này không phải đến từ niềm tin, hay đến từ lòng dục, mà đến từ sự hiểu biết rõ ràng do Trạch pháp mà có được: cái này cần tinh tấn từ bỏ, cái này cần tinh tấn thực hành đi tiếp. Đều là do mình tự hiểu biết, tự nhận ra để Như lý tác ý.

Mấy nay âm u, ầm ì, cái đầu nó cũng ầm ì, âm u.

Thực hành Tứ niệm xứ?

Một hiện tượng phổ biến là người tu tập hay thậm chí hành thiền càng lâu năm càng dễ rơi vào tham, sân, si hay nhiều người tặc lưỡi đổ càng tu cao càng chướng duyên. Do đâu? Làm thế nào?

Chúng ta biết rằng cứ căn – trần tiếp xúc sinh ra các thọ (cảm giác: cảm giác hình ảnh, cảm giác âm thanh, cảm giác mùi, cảm giác vị, cảm giác pháp trần) chính vì vậy mà cứ mặc nhiên cho rằng mình đang thấy các thọ rồi. Mình thấy các thọ, ghi nhận đó là thọ, tưởng thế là dừng ở tâm biết trực tiếp rồi. Biết đâu rằng, cái bộ vi xử 1000i của mình đã nhanh chóng khéo léo đưa cái ý thức được nảy sinh sau thọ, tưởng đó nhét nó vào kho chứa. Càng thực hành lâu, cái kho chứa đó càng dày, càng vi tế càng rõ rệt. Và phải nói thật là bạn càng ngày càng thông minh, càng hiểu biết. Vì phần quán tâm biết trực tiếp này của bạn đã quá thuần thục. Bao nhiêu người ngoài kia họ k thực hành pháp thì họ chỉ nhận ra những sắc, thanh, hương, vị… một cách thô, còn bạn có thể nhận ra nó ở mức vi tế hơn rất nhiều. Vì đó là cơ chế tự nhiên, càng chú tâm cái gì thì càng tường tận cái đó. Và một khi kho chứa đạt tới mức có thể matching rất nhiều toàn bộ thông tin dữ liệu nạp với cái vô minh có sẵn thì lúc đó… gặp chướng duyên: tham vi tế, sân vi tế, si vi tế, kèm theo phóng dật và vọng tưởng thậm chí còn nhiều hơn. Biểu hiện bạn dễ dàng phản ứng đúng sai, so sánh, tốt xấu, hay dở với mọi thứ. Nhiều người còn nảy ra các khả năng đặc biệt, hay các ý tưởng được cho là lớn, vĩ đại … Vì tâm bạn đã quá thuần thục với việc nhận ra các cảm giác (thọ), hay các tế bào thần kinh não đã khai thác tới kho chứa tưởng thức trước đây… Nhưng các “biết” nhiều bao nhiêu, càng “khổ” bấy nhiêu là vậy.

Có thể bạn đang nhận ra đó là các lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ, các thọ ấy biểu hiện trên các nội thọ, hay trên các ngoại thọ (cảm giác bên trong, cảm giác bên ngoài). Nhưng tính sinh diệt các thọ bạn chưa thực sự làm được, chưa thân chứng được việc này, thậm chí chưa duy trì được việc này. Bạn có thể nhận ra phần thô ở tiếng từng hạt mưa rơi xuống rồi mất, ở từng cơn gió lạnh thổi chạm vào da rồi mất, nhưng chưa nhận được ra cảm giác pháp trần (hay có nơi gọi là ý niệm) đến rồi mất. Nếu có mới là nhận ra một lộ trình tâm đang xảy ra, hay một tâm hành đang xảy ra. Thậm chí bạn chưa thân chứng được sự sinh diệt của các thọ, các thọ nảy sinh nơi 6 xứ, nó chỉ dừng lại nơi 6 xứ, các tế bào thần kinh tại 6 xứ này không dẫn truyền tiếp các thông tin vào khó chứa để tư duy. Khi ở trạng thái này, bạn nghe nhưng tiếng của nó là ở nơi nó phát ra, nó thậm chí dường như không hề ở tai bạn; bạn thấy gió, thậm chí bật cái quạt thốc vào người, gió như không chạm tới da thịt bạn, gió ở nơi không khí quanh bạn. Bạn là bạn, mọi thứ là mọi thứ. Bạn dường như trơ trơ ra như đá. Cũng có thể bạn như cái máy quay li tâm ở tốc độ cao mà cái gì đi vào cũng văng ra, quay quanh quỹ đạo xung quanh, không thể nào vào tới tâm được. Bạn hoàn toàn thân chứng được vô ngã, vô chủ sở hữu của các thọ, sự sinh diệt của các thọ. Ở đây, trạng thái tâm biết trực tiếp được viên mãn, tâm giải thoát là có thực. Không phải là bạn tin có trạng thái đó.

Nhân vô minh còn chưa diệt, các căn – trần vẫn hàng ngày tiếp xúc phát sinh thọ nữa nên lại kích hoạt các tâm hành: tư duy, tham, sân, si, dục, tác ý, ngữ, nghiệp, mạng … Tại các tâm hành này mà tuệ tri: nó tham, sân, si hay là không tham, sân, si; nó là thâu nhiếp hay tán loạn; nó là quảng đại, hay không quảng đại; là hữu hạn hay vô thượng; là giải thoát hay không giải thoát. Rõ ràng là quán Tâm ở đây cần nhận rõ mình đang trên lộ trình tâm 8 chánh hay 8 tà. Tâm mình đã đạt được Tâm giải thoát, dừng lại ở cái tâm biết trực tiếp, tỉnh giác viên mãn như trên đã nói chưa. Chỉ tới bước này thôi. Đa số mới chỉ dám thừa nhận là mình đang tâm tà hay tâm chánh. Nhiều người tự huyễn mình đang siết chặt răng lưỡi nên là tâm chánh. Tâm chánh thì không thể phóng dật, không thể vọng tưởng như vậy được. Tâm chánh là phải được thâu nhiếp, không phải là tán loạn. Tâm chánh là quảng đại, không phải là không quảng đại. Tâm chánh là vô thượng, không phải là hữu hạn. Tâm chánh là giải thoát, không phải không giải thoát. Không dám thừa nhận mình tâm tà, vì bản ngã, vì cái tôi, vì tự ngã, vì tưởng tri,…vì không dám nhìn thẳng vào sự thật không thành tựu của mình. Khi không dám đối diện, là bạn đã không thể quán tâm, sự quán tâm hời hợt, khiến cho pháp của Đức Thế tôn chỉ dừng lại ở đó. Còn bản thân bạn thì làm dày hơn các tâm tà của mình. Càng ngày càng dày. Đến nỗi nó làm bạn khô héo, đến thanh sắc của bạn khó coi và trường sinh học quanh bạn dệt lại đặc quánh khiến ai cũng khó chịu và không muốn đến gần. Thật sự nhìn bạn không an yên, định tĩnh, hay thậm chí hồn nhiên của một người có tâm giải thoát.

Tâm hành thôi bạn còn chưa dám nhìn thẳng vào mình, thì thật sự các pháp cao cả, những nội dung sâu xa, vi tế hơn ở phần quán Pháp bạn cũng khó mà đối diện một cách kham nhẫn. Đức Thế tôn không tự dưng vẽ ra bao nhiêu là đề mục cho quán Pháp như vậy, cũng không phải tự dưng sắp xếp nó theo thứ tự như vậy. Và không tự nhiên câu được nhắc đi nhắc lại nhiều nhất ở quán pháp mà các đề mục quán trước đó không có là: …”được đoạn diệt, tương lai không sinh khởi nữa”…

1. Năm triền cái: ái dục, sân hận, hôn trầm thụy miên, trạo hối, nghi

2. Năm thủ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức

3. Sáu nội ngoại xứ: mắt – sắc, tai – tiếng, mũi – hương, lưỡi – vị, thân – xúc, ý – pháp

4. Bảy giác chi: niệm giác chi, trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, khinh an giác chi, định, giác chi, xả giác chi

5. Bốn thánh đế: khổ, khổ tập, khổ diệt, con đường đưa đến khổ diệt

Nhưng mấy ai trong các thời thiền, định tĩnh, tuệ tri về các đề mục này, chưa kể ngay trong khi căn trần tiếp xúc, phát sinh thọ tưởng và ý thức, đã biết ý thức này nó chạy vào rãnh nào trong 5 cái rãnh trên. Để mà từ các rãnh trên nó đi đến đoạn diệt, không thể trổ thêm nữa. Nó chính là các cành cụt. Nhưng bạn lại làm cho nó thành: con kiến mà leo cành đa, leo phải cành cụt, leo ra leo vào, con kiến mà leo cành đào, leo phải cành cụt, leo vào leo ra. Sự quán hời hợt trên các pháp khiến cho mọi thứ cứ lẩn quẩn, vào ra, ra vào như vậy. Trạng thái nơi các pháp không sinh ra, giống như các cửa cống không rò rỉ ra mùi hôi thối vậy, các lậu hoặc nhờ tu tập được đoạn trừ. Sự thanh tịnh, vượt khỏi sầu não, diệt trì khổ ưu, thành tựu chánh trí hiển lộ rõ ràng nơi thân tâm bạn như một bông hoa tới kì thì nở vậy. Không phải tuyên bố tôi chứng, hay chỉ có tâm người đó mới biết, mà mọi chúng sinh hữu tình đều biết một bông hoa kia đang nở đẹp, thanh tịnh như vậy.

Pháp của Đức Thế tôn, tịch tĩnh, sâu xa, khó thấy, chỉ dành cho kẻ trí tự mình chứng ngộ. Đừng tự cho rằng, mới học được chút văn tuệ, mới thực hành vài năm, thi thoảng trong các thời thiền vào tới tứ thiền là cho rằng mình là kẻ trí, những người khác còn mông muội, phàm phu lắm. Việc của mình là đọc Tâm mình, quán sát miên mật các thọ, tâm hành, các pháp nơi pháp.

P/s: cảm ơn vị thầy tâm linh đã soi sáng, chỉ lối cho con, tránh cho con lạc bến mơ

Chánh niệm đọc

Tâm bạn có đang bị thất niệm, phóng dật, vọng tưởng, hay là hoang vu khi thực hành văn hóa đọc không?

Khi căn tiếp xúc với trần, mắt tiếp xúc với con chữ, ngoài cảm giác hình ảnh, thì phát sinh thêm ý thức. Lúc này ý lại tiếp xúc với pháp, phát sinh ra cảm giác pháp trần và tưởng thức, rồi thêm cái ý thức thứ hai do tưởng thức này sinh ra. Nếu dừng lại ở tưởng thức này, ghi nhận cảm giác pháp trần thì OK là bậc Vô học rồi. Còn bậc hữu học, cái tưởng thức này sẽ kích hoạt kho chứa Vô minh và Minh.

Nhiều bạn nói rằng bạn chánh niệm, răng lưỡi vẫn siết chặt nhưng bản thân lại vẫn để kho chứa vô minh được kích hoạt và cho rằng ta đang chánh tư duy. Như bài trước đã nói, răng lưỡi siết chặt là thói quen, mà phải là nhớ đến, thấy cảm giác răng lưỡi siết chặt thì mới đang ở trên chánh niệm. Khi đang trên chánh niệm, nhớ đến cảm giá trên thân, cái biết là biết trực tiếp, và ngay khi đọc, con chữ nó hiện qua mắt mình nó cũng chỉ có cảm giác hình ảnh, hay thêm có cảm giác pháp trần.

Phần kho chứa Vô minh ở đây là các khái niệm mang tính chất cá nhân, tri thức, kinh nghiệm cá nhân, chủ quan… Phần này khi được kích hoạt sẽ khiến người đọc bấm like, tim, haha, phẫn nộ… dựa trên lộ trình tâm đang sinh khởi trong tâm người đó. Hoặc đưa ra các comment mang tính cá nhân, nói lên các tri thức, kinh nghiệm của mình với các câu chữ ở trên. Thậm chí lại kích hoạt những khái niệm hay chính là sự quan tâm, chú tâm tới những phần không phải là nội dung chính của bài, hay nội dung người viết, chia sẻ cần truyền đạt, rồi đưa ra các ý kiến, đánh giá, chê trách, chỉ trích, lập luận đúng sai trên những phần không thiết yếu đó. Có phải rằng, việc đọc của bạn khiến bạn dính mắc, ràng buộc vào đối tượng được đọc?

Nói vậy, không có nghĩa là không được tác ý, comment. Mà cái cần là như lý tác ý. Hãy khéo léo tự quan sát các comment của mình khi phát ra là nói như phân, nói như hoa, hay nói như mật. Nếu là các bậc thầy, hoặc các thiện bạn hữu đã cùng học một pháp, hãy khéo léo tác ý trên pháp học.

Phần kho chứa Minh ở đây là những hiểu biết đúng như thật về Pháp, về sự sinh diệt hay về sự sanh khởi 5 triển cái, nơi nội ngoại pháp, 5 thủ uẩn, nơi 6 nội ngoại xứ, 7 giác chi…. Để tự mình tuệ tri về 4 thánh đế, thấy rõ lộ trình tâm của mình đang sanh khởi nơi nào trên lộ trình 8 chi phần chánh đạo. Nên thực chất, mình mang tiếng là người đọc sách, báo, fb,…nhưng thực chất là mình đang tự đọc tâm mình. Đối tượng sách, báo, fb bên ngoài là chính là trần để kiểm tra lộ trình tâm, phát hiện các thọ, tâm hành khi lục căn của mình tiếp xúc.

Nếu đến đây, bạn hiểu, thì tôi không cần viết nữa, bạn cũng không cần đọc nữa, và chúng ta yên lặng, định tĩnh, tự an trú nội tâm.

Chia sẻ với đồng đạo

Ngay từ lúc mở mắt, việc với tay cầm lấy điện thoại, nhấn nút mở fb, lướt lướt màn hình, bấm thích hay không bấm,…là những thời gian đó bạn đã mất chánh niệm rồi. Nhiều bạn nói rằng, răng lưỡi vẫn siết chặt, nhưng răng lưỡi vẫn siết đó là thói quen của bất cứ người tu tập đóng mạch nhâm đốc của nhiều pháp môn, mà cái cần nhớ là cảm giác siết chặt nơi răng lưỡi. Nếu nhớ tới cảm giác răng lưỡi siết chặt, và vẫn thực hiện các công việc trên, thì đó là cùng một lúc 2 lộ trình tâm đang diễn ra, đan xen rất nhanh nên cảm giác như ta đang phân thân, hơi thở vẫn nhẹ nhàng vào ra, kết thúc nơi nóc họng, còn tay, chân vẫn cử động như 1 chú robot được lập trình.

Người tu tập, an trú chánh niệm thì đồng thời cũng tự rụng, hay rời bỏ các việc không tên, vì đơn giản khi tâm tham, sân, si không có mặt thì phi như lý tác ý không có mặt, dẫn tới các tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng không có mặt. Người bên ngoài nhìn vào thì cơ bản thấy người ấy ít các hoạt động mang tính xã giao, phù phiếm, thậm chí có tâm lý thích độc cư. Hoặc ở trạng thái cao hơn, khi các phi như lý tác ý diễn ra với cường độ thấp, các ăn, nói, hành động không có xu hướng hướng ra ngoài, ta thấy ở người ấy một cảm giác vắng lặng, định tĩnh, bình an, thư thái.

Để quan sát được người khác thì trước tiên bạn phải quan sát được chính mình. Việc này giống như người họa sỹ thì có thể hiểu được tranh, người nhạc sỹ thì có thể hiểu được nhạc, còn người bình thường thấy tranh chỉ là tổ hợp của màu sắc, giống hay không giống hoặc là cảm giác gì gì đó, hay thấy nhạc cũng tương tự.

Để nhận ra mình, để nhận ra các lộ trình tâm, hay các ý niệm đang xảy ra nơi tâm mình, không chỉ ngày một, ngày hai. Cần quan sát miên mật bất cứ khi nào, đặc biệt là thời gian thiền tọa với không gian yên lặng. Thường thì mỗi chúng ta, vì quá nhiều ý niệm đến và đi hơn cả cái máy tính tốc độ vi xử lý 100i, cộng với bao nhiêu các danh, sắc đang ầm ĩ bên ngoài đập vào các giác quan nên thật khó để nhận ra mình đang nghĩ gì, hoặc nghĩ gì thì cũng k biết mình đang nghĩ tới đâu, chỉ tới khi mọi thứ biến thành hành động, lời nói.. mới nhận ra thì đã quá muộn.

Lần đầu tiên, tôi được dạy để quan sát ý niệm là lấy thước đo của hơi thở, của nhịp tim và các nội xúc trong cơ thể làm thước đo. Bất cứ một ý niệm gì cũng sẽ gây cho chúng ta sự thay đổi của 1 trong 3 thứ trên. Còn nếu nó mạnh thì cả 3 thứ trên cùng xảy ra. Ví dụ khi nóng giận: hơi thở gấp, nhịp tim nhanh, vùng bụng nóng lên đi lên mặt và việc lúc đó là gào thét, đập bàn đập ghế… Nhờ việc quan sát 3 nơi này mà tôi đã giảm được tới 98% nóng giận. Có những khi không hài lòng, sự giận có mặt rồi tan biến nhanh chóng. Ngày mới thực hành và quan sát, có những lần thấy cục lửa đi như thiêu đốt vùng ruột gan, đau nhói nơi ngực, thậm chí chưa kịp giận người khác thì mình đã bệnh vì bị nội hỏa thiêu đốt.

Ví dụ trên là với các hoạt động hằng ngày, còn khi tọa thiền, tôi cũng dùng hơi thở để đo các ý niệm xảy ra, ý đến đi nhanh, hơi thở thô, gấp, ý đến mỏng dần, hơi thở cũng dịu dần. Rồi ý như áng mây trôi, hơi thở cũng nhẹ như sợi tơ sợi chỉ. Thực hành tọa thiền thời gian dài, theo dõi các ý niệm xảy ra nơi ý căn, dần dần sẽ thấy chúng cũng như các sợi tơ, cũng giăng mắc, ngang dọc, đan xen, lẫn lộn. Đôi khi chúng như những vòi con bạch tuộc, tự nơi nào đó, nhoi lên, cấu nhiễm vào vùng thân thể bạn, lúc này hơi thở đã khá nhẹ êm, nhưng cảm giác nơi nội xúc hay cảm giác năng lượng trên thân thay đổi khi có 1 sự cấu nhiễm bạn sẽ thấy rõ và chỉ cần thấy, đưa tay gạt ra như gạt con đỉa bám vào chân là được.

Có những ý niệm được khắc sâu trong quá khứ, nhờ rủ bõ lớp cỏ rác bên trên mà giờ nó mới lại lộ diện. Những ý niệm này mới thực sự đòi hỏi sự kiên trì, sự kiên quyết… của người tu tập. Chúng không chỉ như cái vòi bạch tuộc cấu vào thân bạn, hay con đỉa bám vào chân bạn mà chúng đôi khi như những sợi dây thừng, bó vòng vòng quanh bạn, siết chặt vậy. Chúng đôi khi như những sợi roi da quất vào da thịt bạn. Ai đã trải qua, đã lần mò tới đây, sẽ nói đó là trả nghiệp hay bài tập lớn. Còn mình thì thấy chúng thật là kinh khủng theo nghĩa đen cả trên phương diện danh và sắc. Vì chúng là ý niệm quá sâu, nên gần như mọi cái đổ vào căn của bạn, chúng lập tức trôi vào rãnh đó. Còn các nội xúc thì dâng trào mãnh liệt, hỉ nộ ái ố sầu bi…có mặt đủ cả với mức cao.

Có những lúc, tưởng chừng như tôi đã muốn đầu hàng, bạn có lẽ cũng sẽ vậy, nên ngoài kia, bạn gặp rất nhiều người bỏ tu là thế. Nhưng bạn chỉ cần luôn nhớ, Phật luôn ở bên, Pháp luôn ở bên, Tăng đoàn luôn ở bên bạn. Có thể nhờ sư huynh tỉ hoặc bạn đồng môn chia sẻ để vượt qua các trạng thái khó khăn này. Nhưng quan trọng nhất là bạn, phải như lý tác ý trên lộ trình tâm chánh đạo, không được dễ duôi để rồi trượt sang lộ trình tâm bát tà đạo.

Trải qua các tầng bậc quan sát cá nhân thì thước đo quan sát của bạn cũng dần tự hình thành theo đó là như vậy. Mỗi level tự quan sát được mình, thì bạn cũng có thể quan sát được người khác tương tự. Ở đây, tôi không có ý định nói mình có khả năng quan sát tốt hơn, mà tôi tự nhận biết mình vẫn còn nhiều tầng sâu lắng, định tĩnh hơn nữa còn cần phải thực hành.

Người tự quan sát được mình, thì kì lạ là không có ý niệm quan sát người khác. Đơn giản, chỉ khi bạn không biết thế giới bên trong bạn tuyệt diệu như thế nào, bạn mới đi tìm thế giới bên ngoài, hay bạn không biết mình đang sở hữu viên kim cương ngàn tỉ thì bạn mới có xu hướng kiếm tiền. Người tự quan sát, họ quan sát mình còn không hết ngày, đâu là lộ trình tâm chánh đạo, đâu là lộ trình tâm tà đạo, lộ trình tà này tới đoạn nào rồi: mới kích hoạt kho chứa, hay đã tới tâm hành tham sân si, hay đã tới tà tinh tấn, thậm chí nhiều khi tới phi như lý tác ý, và không ít tới tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng. Bất kể tà nào xảy ra mà nhận ra được, dừng lại được cũng là quý rồi. Chứ đừng quá mong cầu là nó không thể xảy ra, vì khi đó phải là nhân vô minh không còn, kho chứa vô minh được xóa sạch.

Còn sống và tham gia công việc ngoài đời, có gia đình, hãy lên bảng thời gian biểu cụ thể: giờ này cho công việc, giờ này cho gia đình, giờ này cho đọc sách, giờ này cho thiền định… giờ nào việc nấy. Giờ tu tập, thiền định càng dài, thì thời quan sát để chánh niệm, để khơi lên lộ trình tâm bát chánh đạo càng dài. Còn thời gian làm việc, gia đình, lộ trình tâm bát tà đạo xảy ra vô cùng nhanh nên chỉ có thể niệm thân để tránh các ý niệm lôi kéo, tránh các nội xúc tiêu cực có thể xảy đến và cũng là cách để quan sát các ý niệm đến đi với cường độ cao hơn khi tĩnh tọa.

Tóm lại: hãy tập quan sát chính mình và chỉ quan sát mình; lên thời gian biểu để tu tập rõ ràng nếu bạn đang là cư sĩ.

6 cổng

Người gác cổng được giao gác một lúc 6 cổng thành, ở 6 hướng khác nhau. Nếu chủ quan, bỏ 6 cổng đi chơi thì cẩn thận bị chiếm giữ thành. Nếu lơ là, vừa trông vừa chơi, không chú tâm là bị địch tung khói xám, thuốc mê rồi rơi vào hôn trầm. Nếu quá chú tâm tới một cổng mà quên 5 cổng còn lại, nếu có việc gì đột xuất, không kịp chạy tới, hoặc giật mình mà trượt chân xuống vực. Như một người thợ lành nghề thiện xảo, người gác cổng liên tục đảo quanh các cổng, nhẹ nhàng, quan sát tỉ mỉ, chủ động. Rồi như một vị thần, đứng cao hơn hẳn cả thành trì của mình, lia mắt quan sát nhanh một lúc 6 cổng. Rồi như một người đã nắm chắc phần thắng trong tay, các tên trộm, cướp đã không còn nhòm ngó, các thiện ác đã vắng bóng, các cổng thành chủ động trong sự kiểm soát mà k cần nắm giữ, chúng vận hành tự nhiên như nhiên tạo nên sự an ổn, định tĩnh nơi vùng đất tự do này.

Bạn có sấp mặt sau khi thiền?

Mười mấy năm học thiền, câu chuyện mà tôi chứng kiến cũng như được nghe cảnh báo nhiều nhất là: trong thiền thì thế thôi, ra ngoài đời lại sấp mặt. Bao nhiêu người cũng chỉ cố gắng dùng thiền để định tâm lại, để nạp thêm năng lượng, hay để trùng xuống những căng thẳng trong cuộc sống. Giờ, có hiểu biết đúng đắn, thì những trạng thái có được ở các thời tọa thiền đó là Tâm giải thoát, một số người có thể thực hành ở các việc hành thiền động và cũng có được Tâm giải thoát.

Tâm giải thoát là một trạng thái ở đó chỉ có cái #biết_trực_tiếp giác quan và không có cái #biết_ý_thức khởi lên (khi các giác quan (căn) tiếp xúc với thế giới (trần) thì nảy sinh cả 2 cái biết: trực tiếp và ý thức). Chính ở việc dừng lại chỉ có tâm biết trực tiếp mà ở đó không có gì dẫn truyền lên tế bào thần kinh não để nó phải phân tích xử lý, tư duy… nên có một trạng thái chỉ biết ta và ta như thế xảy ra. Tại đó như không có gì tồn tại, như không có không gian, như không có thời gian nữa. Chính vì thế mà nhiều người cho rằng các phương pháp tu hành là như nhau vì chúng đều có thể có được trạng thái tâm cuối cùng là như vậy.

Nhưng hãy so sánh kết quả của các hành động sau:- ngộ công án thiền (thiền tông)

– nhất niệm, nhất tâm (tịnh độ tông)

– chú tâm chặt chẽ nơi hơi thở (khí công)

– chú tâm nơi thiên nhãn hay đan điền (đạo gia)

– ngay khi một người đã quá mệt mỏi về tâm và ngay giây phút buông xuống hết mọi thứ

– ngay khi một vận động viên vừa chạy xong 1 quãng đường dài

– ngay khi người đàn bà vừa đẻ xong

– ngay tại khoẳng khắc lên đỉnh của cuộc giao hợp

– ngay tại giây phút ngồi trên ban công thả hồn xa tít tắp của người nghệ sĩ

– thời khắc hai người yêu nhau xa nhau lâu ngày gặp lại….

Chúng đều giống nhau là cái biết ý thức không còn tồn tại nơi khoảng khắc đó. Và rất tiếc nó chỉ chợt ngộ, hay xẹt qua mà thôi. Nhưng con đường thật của Phật ngoài giác ngộ về #Tâm_giải_thoát còn là #Tuệ_giải_thoát. Tuệ giải thoát là hiểu biết thế giới này là cảm thọ, chúng vô thường, vô chủ vô sở hữu, chúng sinh lên rồi diệt đi, không mời mà đến, không đuổi mà đi, chúng không thể nắm bắt càng không thể nắm giữ mà giúp cho chúng ta không bị dính mắc, ràng buộc, hay chấp thủ chúng là ta, chúng là của ta.

Tuệ giải thoát không phải là một cái gì ghê gớm như truyền thuyết: phải khai mở thiên nhãn, thiên căn, phải khai mở hạch tùng, phải vào các tầng thiền bí mật, sâu xa… Vì cho rằng có Tuệ để hiểu biết về tất tần tật thế giới ngoài kia, bất chấp không gian và thời gian. Tuệ giải thoát đơn giản chỉ là những điều như đã đề cập ở trên: nhận biết thế giới này là cảm thọ….để rồi không bị dính mắc, ràng buộc, chấp thủ.

Một số bậc hữu học hiểu được tuệ giải thoát như vậy nhưng lại thấy nó quá đơn giản mà tại sao mình vẫn chưa giải thoát với cuộc sống của mình: vẫn tham, vẫn sân, vẫn si… Đơn giản vì kho chứa vô minh, vì lộ trình tâm được thiết kế từ vô thủy vô chung đã ăn quá sâu vào các tế bào thần kinh não của mỗi người. Cái hệ thống kênh mương vô minh này vững chãi tới nỗi chỉ cần 1 giọt nước là nó chảy được rồi. Việc thực hành tu tập Tứ niệm xứ theo lộ trình tâm Bát chánh đạo là để thiết kế lên hệ thống Minh mới, để dẫn nhập các ý, sự việc, hiện tượng (pháp) nơi đời sống này chảy theo hệ thống kênh mương mới này. Mới đầu nó còn yếu, còn nông, thì cái gì khởi lên trong đời sống 10 phần thì 9,8 phần vẫn chảy qua hệ thống Vô minh cũ. Nhưng mỗi ngày một chút, một chút, sẽ còn lại 7,6 phần…rồi 3,2 phần…

Việc tu tập Tâm giải thoát và Tuệ giải thoát cần được bổ trợ cho nhau. Cái này lên thì cái kia lên. Tức là thời gian xảy ra Tâm giải thoát càng dài thì tại đó, chúng ta dẫn nhập các pháp sang hệ thống kênh mương Minh mới này càng được nhiều và dễ dàng hơn. Kênh mương mới càng sâu, bền tức là ta càng ít dính mắc, ràng buộc các pháp thì lại có thời gian Tâm giải thoát được dài hơn. Và cứ thế, cứ thế, như một vòng tròn xoáy chôn ốc với các vòng thu nhỏ dần lại. Tại thời điểm tại đỉnh, khi Minh đã xóa Vô minh, một sự đột chuyển nơi tâm thức xảy ra, và được nói người ấy đã thấy rõ: việc cần làm đã làm, phạm hành đã thành… Việc kênh mương này là của mỗi người, dẫn đi đâu cũng là của mỗi người, mà mỗi người đều cần hiểu tự mình nương tựa mình, nương tựa nơi chánh pháp, không nương tựa ai khác…

Đã là vị hữu học thì hãy từng bước, từng bước, từng phút từng giây, thực hành chánh niệm, việc gì cần làm thì làm, không cần thiết thì bỏ. Chỉ cần ngồi lắng nghe từng hạt mưa rơi thôi. Thời gian đầu thấy cả đám ào ào, thời gian sau thấy từng đợt rơi xuống rồi mất. Rồi dần dần thấy từng hạt, từng hạt rơi xuống, mỗi hạt đều khác nhau, tiếng va với đất cũng khác nhau. Đời sống này cũng vậy, đầu tiên là cả đám cứ dồn vào mình mà không biết xử lý sao. Sau thì thấy từng việc, từng việc rõ ràng. Dần dần, thấy rõ, 1 ý niệm của mình thôi cũng là #Phi_như_lý_tác_ý hay là #Như_lý_tác_ý đó là lúc cái thấy, cái biết được Liễu tri để phát sinh Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng là như vậy. …

“Trú như vậy nhiệt tâm

Đêm ngày không mệt mỏi

Xứng gọi Nhất dạ hiền

Bậc an tịnh, trầm lặng”.

– Kinh nhất dạ hiền giả – Trung bộ Kinh (Nikaya)

Hãy khéo léo nhận ra.

Hãy thành thật tự trả lời, có thể trong các tầng thiền định sâu xa, nơi vắng lặng cả sắc và danh, hãy thành thật tự trả lời:

Mục đích sâu thẳm của việc ta Tu để làm gì?

– tu để mọi người biết ta đang tu, theo một style của tky 21. để có thể chứng tỏ ta đang khác người, ta không bon chen cơm áo gạo tiền như bao người ngoài kia.

– tu để tới cảnh giới niết bàn hay có thể định tâm, an lành. có điều gì đó nhiệm màu nơi các giác quan và có thể phô bày như một trò phủ thủy, ảo thuật.

– tu để đạt trí tuệ, chánh tri kiến hay hiểu biết hết thảy. để có thể lý giải, biện luận với các tình huống xảy ra với mình, với người. để có thể giác ngộ hay chỉ dẫn cho người khác.

– tu để hết khổ, để không còn phiền não, đau đớn hay còn các loại khổ với cảnh, với đời, với người. để thoát bỏ được tham, sân, si đang chế ngự nơi tâm.

– tu để có thể nhập các đạo quả, là có thể giải thoát khỏi kiếp sống luân hồi sinh tử, là chấm dứt nghiệp tái sinh.

….

Hãy khéo léo soi xét, hãy thành thật trả lời.

Để rồi nhận ra:

Làm gì còn ta và đời

Làm gì còn ta và người

Làm gì còn ta và pháp

Làm gì còn ta mà có sống hay có chết

Không phải mặc kệ, không phải buông lơi, mặt trời vẫn đó đâu có mọc hay lặn. Có khổ có lạc, có sinh có diệt, có tu hay không tu cũng chỉ là tự ta chế định và mặc áo lên cho mình.

P/s: 1: không cần tu, sống đời vui vẻ là được. 2: tớ đang tu, và cách tu của tớ là đúng đây, hãy tu như tớ, tu như tớ để có a,b,c,…x,y,z. Thì đều là bạn đang cho mình là đúng là đủ rồi.