Độc hành?

“Tại sao chúng ta vui mừng khi thấy người khác cũng tin vào điều mình đang tin? Những quan điểm được nhiều người tin theo đem lại cho người ta cảm giác an toàn.” – Nguồn: www.sutamphap.com

Không chỉ vui mừng khi người khác tin vào điều mình tin mà còn vui mừng khi người khác làm, thực hiện giống như gì mình đang làm, thực hiện. Nó không chỉ làm cho bạn cảm thấy an toàn, nó cho thấy bạn đúng, bạn được khẳng định, có thể là được tôn vinh.

Thêm 02 ca covid ở Hạ Lôi, và những người không ra đường bắt đầu la ó với những người ra đường. Đúng là một nguy cơ dịch bệnh sẵn sàng bùng phát nếu chúng ta không chịu tuân thủ quy cách ly mà nhà nước đã đặt ra. Nhưng tâm trí con người mà, họ đâu có quen bị giam cầm, họ thậm chí còn nhớ vô cùng các cảm giác dễ chịu, cười đùa, tán gẫu trước đây. Những cảm giác đó như một thứ thuốc phiện khiến họ bị vật vã, như kiến bò trong xương, sâu đang ngheo nguẩy trong tâm trí họ vậy. Những ai còn ở trong nhà được, có thể thứ nhất là họ trách nhiệm với cộng đồng (hiểu được nguồn lây do tiếp xúc) nên họ kìm nén được các cảm giác lôi kéo kia, thứ hai cũng có thể là tâm tham ái (sợ chết) của họ lớn hơn nên họ dừng lại. Mỗi người khi tiếp xúc với thế giới bên ngoài đều ghi nhận lại một cảm giác trong tâm, và cách phản ứng của họ dựa trên những gì họ được học tập, kinh nghiệm và rèn luyện.

Nhưng vì sao mọi người vẫn muốn người khác giống mình? Tính ra câu “Niềm vui nhân đôi, nỗi buồn sẻ nửa” đã ngấm quá sâu vào tâm trí mỗi người, dẫn tới họ không thể chịu được sự một mình. Dù là cách phản ứng của họ với thế giới xung quanh theo cách của họ, nhưng họ vẫn cần người có thể chia sẻ và đồng hành giống họ, như là một cái cách mà bản ngã muốn được suy tôn, hay như một người sắp chết vẫn muốn nắm lấy sợi dây hữu ái để được tiếp tục sống vậy.

Đó là phản ứng rất bình thường của mỗi người, nên là nếu bạn có phản ứng như vậy cũng k có gì đáng xấu hổ cả. Quan trọng là bạn nhìn ra được, bạn đang phản ứng thế nào, có cần tiếp tục lặp đi lặp lại cách phản ứng đó để tự gây tổn thương cho mình hay không, hay là bạn học cách, tự mình chặt đứt đi các dục vọng của mình, nhổ bỏ các rễ cây bản ngã đã đâm sâu rất sâu để có thể là người mới: độc lập và độc hành.

Nhật ký cách ly – ngày 10

Vậy là người cùng nhà đến hnay cũng phải nhấc mông đi đến công ty, bảo làm công việc, nhưng căn bản là không trì hoãn được sự khó chịu của Tâm thôi thúc phải đi ra ngoài. Trưa nhắn: anh không về. Mình hỏi: ở đó chơi với cô Vy à. Uh. Thế ở đó luôn đi, rồi cười.

Trong nhà bắt đầu hết rau và mình bắt đầu có suy nghĩ phải tìm thêm cái gì để ăn. Nhưng kịp là Chánh niệm: ăn gì cũng được, thế là lại ăn nốt chỗ cơm nguội với muối vừng.

Tới ngày trả công nợ lương tháng, vẫn quyết định trả hết và trả xong thì hết. Hơi băn khoăn chút là tháng sau lấy gì trả. Nhưng lại vui vẻ, chuyện của tháng sau, tháng sau hay.

Dù ở nhà cách ly, nhưng các pháp vẫn diễn ra bủa vây lấy mỗi người, chẳng thể dừng lại. Bình thường, trong chúng ta sẽ chia ra: người có lối sống, tư duy tích cực và người có lối sống, tư duy tiêu cực. Tiêu cực là luôn nhìn và tư duy mọi thứ theo chiều hướng xấu đi. Còn tích cực là luôn nhìn và tư duy theo chiều hướng tốt hơn. Tiêu cực thì k phải nói rồi. Còn tích cực dù rằng có mặt tốt nhưng bên cạnh thì sẽ thấy hơi AQ, đôi khi thiếu chủ quan, hay phiến diện.

Một lối sống không tiêu cực, cũng không tích cực, đó là nó như thế nó là như thế. Nghe có vẻ bàng quan, thờ ơ. Lối sống này là khi người nghe, thấy tiếp nhận các thông tin thì không nổi lên các suy nghĩ đánh giá phán xét về nó, không tìm cách thay thế nó, không tìm cách chứng minh nó đúng nó sai, không tìm cách chứng tỏ mình hiểu biết, lại chính là lối sống ít gây nên thị phi nhất, lối sống đem lại sự bình an và an nhiên nhất.

Nếu mỗi chúng ta biết dừng lại, không ngó nghiêng khắp nơi, không nuông chiều bản ngã, không còm like dạo có phải những ngày cách ly này cứ thế trôi qua như chưa hề tồn tại không

Nhật ký cách ly – ngày 9

Vậy là tới hôm nay cái Tâm si của bạn đã không chịu được đã phải nhảy lò cò đi ra ngoài. Bình thường, ở các khóa thiền mà không được nói chuyện, việc này tới ngay ở tầm ngày 6,7, sớm hơn một chút. Nhưng về cơ bản con người vẫn chịu sự khống chế của một thứ gọi là Tâm mình mà dẫn tới những tác ý hành động. Dù ngoại cảnh có thế nào thì nó vẫn phản ứng theo kiểu của nó thích mà thôi.

Còn nhớ ngày mình thực hành thu liễm, mình nói: thầy ơi, con đã cố gắng rồi, sao ở bên ngoài cửa sổ kia, có nhiều người cứ đứng ở cửa sổ vẫy tay bảo con ra đây đi, ra đây đi, ra đây chơi, vui lắm, vui lắm… Thầy chỉ bảo: tức là con vẫn còn thích, nên người con ở đây, nhưng tâm con ở chỗ con thích. Vâng: con thích đi chơi, con thích đi du lịch, con thích gặp một số người bạn tào lao, con thích tới chỗ nọ chỗ kia, con thích tới công ty làm việc ngày thường thích nghỉ giờ con thích đi…

Cũng thật khó để bảo bạn là chỉ cần không thích nữa thì tự mình sẽ không có nhu cầu muốn đi. Vì nói thì dễ mà ngay cả mình cũng mất cả thời gian dài để vượt qua. Thậm chí, khi tham gia khóa thiền yên lặng thì các dòng tâm tư từ sâu thẳm nó vẫn hiện lên, nổi trội, giằng xé, mỗi lần ở một mức độ khác nhau.

Chỉ tới khi bạn hiểu, khi bạn đang ở một mình, nơi mà không có điều kiện để các duyên xúc xảy ra, nơi chỉ còn bạn với bạn, thì những gì đang diễn ra bên trong đầu bạn đều do Tưởng thức chi phối (Ý tiếp xúc với Pháp trần – thông tin lưu trữ trong kho chứa não bộ của bạn). Điều đó nó sẽ tương tự vào thời gian bạn sắp lìa cõi đời này, khi mà các giác quan đã chết, chỉ còn não chết cuối cùng thì các cảnh tượng sẽ hiện ra: đẹp đẽ như đi du lịch, đau khổ như điều gì đó chưa làm được, bực tức vì mối hận với ai đó… Bạn chỉ cần bình tĩnh, ghi nhận – là các ảo cảnh của Tưởng thức vẽ ra, bạn là bạn, ngay ở đây thôi và không bị chi phối bởi điều gì, bình thản nhẹ nhàng.

Những ngày có Covy, nếu bạn không mắc Covy và chết, thì đây là cơ hội rất tốt để cho bạn tập chết một cái chết hoàn hảo đấy.

Tản mản ngày Hà Nội mờ sương

Chúng ta hay phàn nàn về người này người kia sống hai mặt, nhiều mặt, giả dối, không thật, như một diễn viên xuất sắc trên nhiều sân khấu kịch. Đâu chỉ mỗi con người là như thế. Bất kể một sự vật, hiện tượng gì, đơn giản là con phố này thôi, cũng ứng xử như vậy. Khi có dịch bệnh và khi không có dịch bệnh.

Chúng ta nhìn mọi thứ, đánh giá mọi thứ theo giác quan của chúng ta, rồi đưa ra kết luận về nó. Có người tinh vi hơn, đóng giác quan lại, nhắm mắt, không nghe… mà cảm… một cảm giác mơ mơ thực thực, rất lắng sâu, rất khó nói, rất rất là… rồi cũng đưa ra kết luận về nó. Một con phố, ngày thường vốn ồn ào là thế, sôi động là thế. Nay lặng lẽ, hiu tịch, mang nét hồn cổ xưa. Nhưng những cái nét đó vẫn ở nơi con phố đó. Những đám rêu trên tường cũ kĩ, những ô cửa chéo nghiêng dưới nắng chiều…

Và chúng ta sẽ ứng xử với mọi thứ theo những đánh giá, định nghĩa… đó của chúng ta. Dù định nghĩa đó tới từ nơi giác quan hay tới cảm giác nội tâm thì vẫn là một định nghĩa do chính chúng ta đặt ra. Người này cho rằng người kia thô thiển, phàm phu, hay cho rằng ai đó không hiểu chuyện rốt cuộc lại cũng vẫn chỉ là ta đúng, ngươi sai mà thôi, vẫn chỉ là đang ứng xử theo cách ta cho là…

Con phố đó, có ta nó vẫn thế, không có ta nó vẫn thế. Có chăng chỉ là những nét thời gian làm in sâu hơn những vết nứt chân tường, làm loang to hơn những mảng màu vôi vữa. Nếu chẳng may một ngày ta đi ngang qua thì cũng như hai sợi nhân duyên vô tình có một điểm chạm cắt ngang mà thôi. Nhân duyên đó vốn dĩ phố không vì ta mà mới hơn hay cũ kĩ hơn, ta cũng không vì phố mà xinh đẹp hơn hay xấu xí hơn. Chỉ là ngang qua cái nhân duyên ấy, ta tự thêm bớt vào lòng mình một chút vấn vương hay một chút lạnh lùng, đó đều là do ta tự cho là thế.

Cứ nhẹ như cơn gió thoảng trôi, cứ dịu êm như hương sữa cuối con đường, đâu có vì ai mà phải nồng nàn. Dù ta có định nghĩa thế giới này nguy hiểm, hay bình an… thì tất cả cũng chỉ là cái định nghĩa của ta, và ta đang tự sống với ứng xử của chính mình. Chưa có Covid, sự ồn ào khiến ta thích thú. Có Covid ta tìm thấy niềm vui trong cái gò bó, quẩn quanh ở nhà. Cứ mải mê tìm kiếm một cái gì đó không thực, không hiện hữu, hay thực ra là tìm kiếm một cái gì đó để lấp đầy định nghĩa của mình.

Chỉ đến khi nào mọi thứ cứ như nó là, ta không còn cuống quýt vội vàng để nói cái này là tốt hay xấu, đúng hay sai, nguy hiểm hay bình an, khó chịu hay dịu dàng… thì có lẽ tới lúc đó dù vật đổi sao dời, dù ngoài kia nắng ấm hay bão giông… thì lòng ta mới như góc phố này… cứ lặng lẽ đón từng dòng người tới ồn ào, rồi lại tịch mịch với trăng sao mà thôi.

Hòa Hợp

Chỉ khi bạn biết rằng Thế giới này là Cảm thọ (cảm giác hình ảnh, cảm giác âm thanh, cảm giác mùi, cảm giác vị, cảm giác xúc chạm…) được chúng ta tiếp nhận do các Giác quan tiếp xúc với Trần cảnh, thì lúc đó bạn sẽ không còn băn khoăn về Tại sao, Đúng, Sai, Như thế nào, tìm cách Chứng minh, Giải thích, Phân tích… Và cũng chỉ khi như vậy, bạn mới được Sống, được Tự do đúng nghĩa. Lúc đó những gì được bấy lâu tuyên truyền gọi là Phó thác nơi Chúa, các Đấng linh thiêng, Nhân duyên, Tùy Duyên thuận pháp… mới vận hành theo quy luật của nó vì không có sự can thiệp của bản ngã hay gọi là ý chí chủ quan cá nhân. Chính vì thế, ánh sáng ở Cuối đường Hầm là như vậy. Khi chúng ta buông tay, không còn can thiệp vào tự nhiên nữa, tự nhiên sẽ tự hòa hợp với ta. Hãy nhớ, chúng ta cần tự nhiên để sống, chứ tự nhiên không cần chúng ta để tồn tại.Điều gì sẽ xảy ra khi con người không ra đường nữa?

🙄

Đây là nước Ý sau 3 ngày phong tỏa, toàn dân ở nhà:- Nước ở các kênh Venice trở nên trong leo lẻo

🌱

– Cá heo xuất hiện lại ở cảng Sardinia

🐋

– Vịt tung tăng bơi lội ở đài phun nước Rome

Lắng nghe

Nếu bạn không thể tự lắng nghe mình, bạn đừng mong người khác lắng nghe bạn và tin rằng bạn có thể lắng nghe người khác.

Âm thanh là một duyên khởi cho các loại cảm giác phát sinh của nội tâm. Nghe chuông điện thoại, người đang có người yêu ở xa – vui lắm, người đang bị đòi nợ – mệt lắm, người đang đợi tin từ người thân – hồi hộp lắm…

Âm nhạc, một chuỗi các kí tự âm sắc, từ khởi thủy, đã đi vào trong não bộ, thiết kế lên những bộ nhận diện: giai điệu này là vui, giai điệu này là buồn, giai điệu này nhảy nhót, giai điệu kia trầm lắng… Người làm nhạc, có thể đi sâu vào tâm thức mỗi người, là người có thể nhận biết được rung động nội tâm nơi mỗi kí tự âm thanh chạm vào tế bào thần kinh của chúng ta. Người có thể vô tư, vô ưu, thì âm nhạc có thế nào cũng chỉ đơn giản là những âm sắc, không hơn không kém, không tác động được. Nói một chút, không bàn luận hơn về âm thanh và cảm giác do âm thanh là duyên khởi.

Dầu sao, trong lúc cây còn non, hay chỉ là một sinh linh nhỏ bé, có sự sợ hãi trước tự nhiên, sự vận hành của vũ trụ, thì cái đi tìm vẫn là sự bình an phó thác nơi một đấng linh thiêng. Một cảm giác đơn giản như mỗi người con tìm về với gia đình, mẹ cha của mình.

Nếu bạn cảm thấy chán với 14 ngày ở trong nhà, bài tập 1, hãy lắng nghe các âm thanh nơi nội tâm mình. Và cùng thư giãn với bản nhạc.

Green Tara – https://www.youtube.com/watch?v=n8tTPAsDeF8

Và câu kết: nếu bạn không thể tự cứu mình, đừng mong ai đó cứu bạn, và nghĩ rằng có thể cứu người khác.

Sinh – Diệt

Nếu nhìn đời theo kiểu Duy vật: tư duy logic, biện chứng – bạn sẽ kẹt lại trong những tư duy không thể giải thích.Nếu nhìn đời theo kiểu Duy tâm: mọi thứ đều do Tâm sinh, giả tạo – bạn cũng bị kẹt lại trong những cái vọng tưởng.Chỉ khi bạn biết rằng Thế giới là Cảm thọ – Các cảm thọ này sinh lên rồi diệt đi do sự tiếp xúc của Giác quan và Trần cảnh, nó chỉ có khi có sự tiếp xúc nên nó Vô thường, Vô chủ sở hữu, nó có vị ngọt, có sự nguy hiểm, có sự xuất ly – chừng đó bạn mới là Độc lập, là bạn.

P/s: sáng dạy, chồng hái nắm hoa lan để ở gương cho vợ, tất cả đều là các cảm thọ ngọt ngào, chúng sinh lên rồi sẽ sớm diệt đi nên dù ngái ngủ vẫn ghi lại khoảng khắc này

Hãy tin vào chính mình

COVID-19

Đừng tin ai, hãy tin vào chính mình

Đừng vì ai, hãy vì chính mình

Mọi người cứ loạn cào cào lên nói nước này, nước kia, nước tôi nước bạn, cách của tôi đúng, cách bạn sai… Vì mấy cái tôi đó mà um tỏi khắp nơi. Thật là định đứng ngoài cuộc mà ngứa tay cũng phải bấm tí.

VN ở sát sườn TQ, nên ngay từ cuối tháng 1, VN đã triển khai cấp bách các biện pháp phòng ngừa, trường học đóng cửa, các hoạt động tôn giáo cấm. Đến cả chùa Hương linh thiêng mà năm nay cũng không một bóng người ngày 6 Tết. Ai cũng nói VN làm quá. Nhưng chúng ta đã dừng lại ở con số 16 của kì dịch đợt 1.

Đúng lúc này lại rộ lên về cái gọi là miễn dịch cộng đồng. Đúng là với 1 người làm doanh nghiệp, cái cần hiện giờ là tiền, chứ không phải là bối cảnh dân tình hoang mang lo sợ thay đổi hết hành vi tiêu dùng. Tôi thực sự cũng muốn CP nới lỏng tình hình để người dân tự tin hơn. Nhưng tôi vẫn bình tĩnh quan sát tất cả. Đó là cách làm của CP, và tôi là một người dân VN, sống ở lãnh thổ VN, tôi tôn trọng tất cả những gì CP đang làm.

Cách đây 2 ngày thì Châu Âu tuyên bố đóng cửa biên giới để chống dịch, 30 ngày không du lịch. 10 ngày trước Ý và TBN đã phong tỏa toàn quốc, ai vi phạm sẽ xử phạt thậm chí bỏ tù, Pháp thì mới thêm lệnh ra khỏi nhà bị phạt lên tới 375eu. Như vậy là cái lý thuyết Miễn dịch cộng đồng như kiểu bị tự vả.

Nhìn lại VN đã hành động trước các nước ở CA tới 30 ngày thậm chí là 45 ngày so với 1 số nước mới ban hành. Ai cũng cho rằng mỗi nước một cách chống dịch và VN cũng không biết có thể chống cự tới bao giờ. Nhưng còn người là còn cách, tiền có thể kiếm lại.

Đến giờ phút này, tôi cũng k biết cách của nước nào là tốt hơn đối với đất nước, đối với nền kinh tế và người dân, khi mà Hà Nội cũng ban hành lệnh hạn chế ra ngoài. Nhưng vẫn đón công dân từ nước ngoài về và làm gia tăng nguồn lây. Công việc làm ăn coi như lại tụt đi một hy vọng. Nhưng tôi tin chính mình có đủ sức mạnh để vượt qua giai đoạn này, vì thế tôi tin vào người lãnh đạo Nhà nước nơi mình đang sống. Cũng như tôi không vì ai, tôi vì chính mình, hạn chế ra ngoài, không tụ tập, bớt khẩu nghiệp để dịch bệnh vì thế không có đường lây lan theo không khí hay theo cả MXH nữa.

Đất nước tôi vẫn xinh đẹp lắm, vì thế mà tôi đã chọn nó là nơi tôi tái sinh và sinh sống.

Đang ở chỗ nào ở yên chỗ đấy

Yêu tổ quốc, yêu đồng bào

Đang ở chỗ nào ở yên chỗ đấy

(bài này không viết về bệnh dịch, mượn cảnh để mọi người dễ thấy)

Mọi người hẳn ai cũng hình dung sự loạn cào cào của mấy ngày nay. Người từ ngoài nước đổ về trong nước tránh dịch. Người trong nước thì lo ngay ngáy, bảo người nước ngoài ở yên đó là ok, đi lại còn nhiễm bệnh hơn. Hoặc thậm chí lên án những kẻ lén lút đi lại trong nước gieo rắc mầm bệnh như BN34. Mọi sự xáo trộn, không chính thống, không đúng quy luật sẽ gây ra những hậu quả mà ai cũng đã thấy.

Lại nói về thời xưa, Khổng Tử có đưa ra cái thuyết Chính Danh: Vua phải có dáng vẻ của vua, thần phải có dáng vẻ của thần, cha phải có dáng vẻ của cha, con phải có dáng vẻ của con, người lãnh đạo phải có dáng vẻ của người lãnh đạo, cấp dưới phải có dáng vẻ của cấp dưới. Có như vậy gia đình mới hòa mục, quốc gia mới thái bình. Vì vậy nếu trong một xã hội mà ai cũng làm đúng với cái danh của mình (tức Chính danh) thì xã hội làm sao có loạn lạc, làm sao có nhũng nhiễu. Cái thuyết này nghe thì mới nghe thì thấy nói về vị trí của mỗi người trong xã hội, nhưng chung quy vẫn là đúng vị trí, đúng quy luật.

Gần hơn nữa là sức khỏe của những người bị mắc Covid 19. Chưa có vac-xin, chưa có thuốc chữa. Tất cả chỉ trông chờ vào hệ miễn dịch. Bạn hoảng loạn hay lo lắng không thể khỏi. Bạn chạy nhảy khắp nơi không thể khỏi. Bạn tìm thuốc nọ thuốc kia không thể vì cơ bản là không có. Hay nói gọn là không có yếu tố bên ngoài nào làm thay đổi việc bạn khỏi bệnh lúc này, tất cả chỉ có bạn, duy nhất là bạn, và cách duy nhất là bạn nghỉ ngơi, để cơ thể tự miễn dịch. Bạn đơn giản chỉ cần là bạn.

Giờ mới là cái tôi sẽ nói về những cái bạn đã từng cho là không đúng, không phải và chỉ ra những cái bạn đã thực hành chưa tới.

Hầu hết chúng ta muốn khỏe mạnh, nên cái mà chúng ta thường làm đó là bổ sung các thuốc bổ từ bên ngoài vào, có những người bị bệnh thì hoảng loạn lên tìm các thuốc chữa. Bổ sung không sai, chữa bệnh không sai. Sai ở đây là cách bạn tìm đến nó và sử dụng nó. Bạn phó thác cho các loại thuốc bổ, bạn sợ hãi khi không có thuốc men. Nhiều phương pháp chữa bệnh tự nhiên như luyện tập Khí công, Thiền, hay để cơ thể nghỉ ngơi thì bạn cho rằng không đúng, không tin, làm sao có thể. Ví dụ như Thiền, làm sao ngồi im mà có thể chữa bệnh? Nhưng như trên thôi, thiền chính là việc ngồi im, để cho các nơi trên cơ thể bạn chỗ nào ở đúng chỗ đó. Tâm trí bạn không bị loạn lên cho rằng chỗ này tốt hơn chỗ kia, dẫn tới chạy tùm lum từ Âu sang Á, mà k biết rằng, bệnh ở nơi đường đi hay chính là ở nơi hành vi của bạn đó.

(Tôi không có ý phủ nhận Tây y, mà Tây y là biện pháp cuối cùng, giống như việc hiện giờ người từ CA đổ về thì chính phủ bắt buộc phải cho họ vào các khu cách ly).

Không bàn sâu hơn về Thiền, vì một số người sẽ nói rằng Thiền khó lắm, và cũng nói nó quá lâu để chữa bệnh. Mình sẽ nói sang cách tập luyện các môn Thể dục, thể thao phổ biến hiện nay: đi bộ, đi xe đạp, chạy,… Những môn này đều nâng cao sức khỏe, và mọi người đều thấy nó đơn giản, dễ thực hành, và cho rằng mình đã thực hành đúng. Nhưng cơ bản 99% thực hành không đúng hoặc có thể nói chưa tới. Ai cũng chỉ chăm chăm tới số lượng, được bao lâu, bao xa. Đã ai đi bộ mà biết mình đang đi bộ? Đã ai đang chạy mà biết mình đang chạy? Bạn sẽ cho rằng đây là hai câu hỏi ngớ ngẩn. Nhưng thật sự đó. Khi bạn đang đi bộ và đang chạy, thì tâm trí bạn đang để ở đâu? Bạn nghĩ tới công việc, bạn nghĩ tới gia đình, bạn nghĩ tới dịch bệnh, bạn nghĩ tới buổi cãi lộn ngày hôm qua, hay bạn mơ tới việc đi gặp người yêu tối nay… Tâm trí của bạn nó không đang ở chỗ nó cần ở: đó là ở nơi bước chân của bạn. Và bạn biết rồi đấy, cái gì không ở đúng vị trí thì đều sẽ để lại hậu quả, không có tác dụng hay phản tác dụng.

Giờ phần này sẽ sâu hơn, và chúng sẽ thực sự khó hiểu với bạn, nhưng tôi sẽ cố gắng dùng ngôn từ dễ hiểu nhất để diễn đạt.

Những thông tin ngoài kia, về cơ bản chúng là thông tin và chúng tồn tại bên ngoài bạn. Nhưng vì bạn có các giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, da nên bạn có thể tiếp nhận các thông tin đó. Việc bạn tiếp nhận nó, về lý thuyết sinh học, đó là do các tế bào thần kinh ở mắt, tai, mũi, lưỡi, da đang ghi nhận các thông tin đó. Đúng ra, ngay từ đầu bạn không nên tiếp nhận chúng, vì chúng là chúng, bạn là bạn. Nhưng vì bạn là một sinh vật bạn không thể không có sự kết nối với thế giới. Và khi bạn tiếp nhận, đáng ra bạn nên chỉ để các thông tin được tiếp nhận này ở nơi các tế bào thần kinh giác quan để ghi nhận nó, để biết vậy. Nhưng vì nhiều lý do như sinh tồn, quan điểm cá nhân, ý thức xã hội… những khuân mẫu chủ quan do bạn đặt ra, nên bạn tiếp tục tiếp nhận chúng theo cách bạn đã lập trình: thế này là đúng, thế này là sai, thế này là tốt, thế này là xấu, thế này xanh, thế này là đỏ, thế này là vuông, thế này là tròn, là được, là không được… Và bạn thấy không. Nếu cái gì ở chỗ nào, ở nguyên chỗ đó, các thông tin được ghi nhận nơi tế bào thần kinh giác quan không bị đưa đi khắp nơi phân tích, xử lý, tổng hợp, so sánh… thì bạn đâu có đau đầu, điên loạn, sợ hãi hay thậm chí cả vui thích, sung sướng… lên vì chúng.

Vậy đó, chỉ đơn giản ở chỗ: ngay bây giờ và tại đây, cái gì đang ở đâu ở đó, ai đang ở yên chỗ nào thì ở yên chỗ đó.

14.2

14.2 khi mà mình vào núi học đạo, thì cái mạng truyền thông vẫn nhận được các thông tin kiểu như: chào tình yêu của anh, em có còn yêu anh, em có từng yêu anh, sao em k thừa nhận yêu anh mà p dối lòng… Đúng là…

Khi mà bạn biết thế giới này là cảm thọ, chỉ toàn là cảm giác của 6 giác quan: cảm giác hình ảnh, cảm giác âm thanh, cảm giác mùi, cảm giác vị, cảm giác xúc chạm, cảm giác pháp trần (cảm giác pháp trần là cảm giác của ý nghĩ khi tiếp xúc với gì lưu trong bộ nhớ) thì bạn sẽ bật cười mà tự thừa nhận rằng: hóa ra bấy lâu mình chỉ đang chơi trò chơi của các cảm giác, hóa ra mọi thứ bấy lâu bạn cho đó là ta, của ta…thì nó cũng vụt tan biến như bạn nhấn nút off cái Tivi của mình. Chỉ là nếu bạn k thừa nhận điều đó, tiếp tục bật nút chuyển kênh và chìm đắm trong các cảm giác, thì chỉ có bạn tự vui tự buồn, tự khóc tự cười, tự hả hê thỏa mãn hay chán ghét ruồng bỏ với nó mà thôi.

Làm thế nào có thể nói cho mấy bạn hiểu, chừng nào có vô minh, chừng đó còn trở lui: yêu hết cô này cô kia, tự sung sướng, tự đau khổ, tự than vãn … cơ chứ. Sao có thể xem đi xem lại những bộ phim có mở đầu và kết thúc giống nhau mà k chán nhỉ?