Thấy gì qua vụ án HDH?

Khoan hãy bàn về cái đúng sai trong vụ án. Mà chúng ta có thể thấy rõ được điều gì qua đây?

Các thông tin dữ liệu của vụ án, giống như các thông tin đã được lưu trữ trong đầu của chúng ta do học tập, kinh nghiệm, văn hóa, xã hội … mà có được. Nếu chúng ta là bên bảo vệ HDH, chúng ta sẽ đi theo lộ trình tâm thích, cho ý tiếp xúc với các thông tin của vụ án theo hướng có lợi cho HDH. Nếu chúng ta là bên xét xử HDH, chúng ta sẽ đi theo lộ trình tâm sân, cho ý tiếp xúc với các thông tin của vụ án theo hướng có hại cho HDH.

Nếu bạn cho rằng, việc ý tiếp xúc với thông tin để ra kết luận như vậy là không hợp lý. Không nó hợp lý theo cách chủ quan của lộ trình tư duy đó. Cũng giống y như bạn đang cho rằng, cái tư duy, suy luận… để cho ra kết luận của bạn theo cách đó mới là đúng. Và thế là các bên, hay giữa những người khác nhau, do nắm giữ các thông tin chứng cứ khác nhau mà cho ra các kết luận phán xử, hành xử khác nhau. Các hành xử khác nhau gây nên tranh cãi, gây nên thị phi, gây nên oán ghét, hoặc gây nên thích thú, có lợi với một số ai đó.

Đó là với dữ liệu một vụ án, ta thấy ngay được lộ trình tư duy của những người tham gia phán xét. Còn với chúng ta thì sao? Đứng trước mỗi một vấn đề mình gặp phải, chúng ta đều là một Công tố viên như vậy đó. Chỉ có điều, ta vừa là bị hại, bị can lại vừa là cả nhân chứng nữa. Quyết định nào của cái tòa án bên trong chúng ta đó đều cho ra các kết quả nếu không vui thì khổ.

Phiên tòa cuộc đời trong mỗi chúng ta, cứ xét xử tới lui, tới lui liên tục, liên tục chẳng bao giờ dừng được cả. Và chúng ta cứ khổ vui, khổ vui… chẳng bao giờ dừng được cả.

Làm thế nào để một đời yên bình, không còn sóng gió, không trở thành tội đồ cho chính mình?

Keywords

Khi sau khi bấm nút “enter” vào vào ô tìm kiếm của Google, tại cái thời điểm chưa có kết quả đó, thời điểm Google còn bận tìm các dữ liệu trong kho dữ liệu của nó, bạn có nghĩ ngợi gì không? Câu trả lời tại thời điểm đó là “không”, hoàn toàn không nghĩ gì. Bạn chỉ quan sát cái vòng vòng của Google. Việc tìm kiếm ở thời khắc đó bạn đã để cho Google làm việc của nó.

Khi bất kể một giác quan nào của bạn “chạm” vào thế giới vật chất, nếu cái thế giới vật chất mà bạn tiếp xúc nó quá đẹp đi, hay nó quá đặc biệt đi, cái thời khắc “chạm” đó bạn cũng không thể nghĩ được gì, vì bạn đang tìm kiếm, tìm kiếm một khái niệm, một mô tả dành cho cái mà bạn vừa “chạm”.

Chúng ta cố định nghĩa, gán nhãn cho tất cả những gì chúng ta “chạm”, mà quên mất tận hưởng thời khắc kì diệu của việc không có một định nghĩa nào, một mô tả nào dành cho điều đó cả. Tất cả chỉ dừng lại ở điểm “chạm” đó, chiêm ngưỡng, tận hưởng, và cảm nhận một khoảng “trống không” nơi nội xúc trong thân tâm mình.

Tại sao lại có khoảng “trống không” ở bên trong vậy? Đơn giản là Não bộ chỉ có thể ra lệnh để tạo ra các phản ứng nơi các tế bào bên trong cơ thể khi nó biết điều đó là gì mà thôi. Nên vì thế chúng ta mới vui thì cà tưng, buồn thì như chìm xuống.

Khoảng “trống không” là một điều kì diệu mà bao nhiêu các triết gia, ca sĩ, nhạc sĩ, nhà thơ miêu tả về nó. Nó được các nhà thực hành thiền tìm mọi cách để đạt được nó và kéo dài nó. Vì người ta cho rằng ở khoảng “trống không” đó sẽ có muôn vàn điều kì diệu xảy ra, hay có một sự kết nối tâm linh giữa con người và thế giới bên ngoài thật nhiệm màu.

Dừng lại ở các mô tả trên, quay về với ví dụ việc Google tìm kiếm. Bạn sẽ thấy, khi các giác quan của mình tiếp xúc với thế giới vật chất nó sẽ tạo ra một Keyword. Keyword đó chính là 1 Niệm. Tà niệm sẽ kích hoạt bộ máy tìm kiếm những thông tin ta đã được học, được kinh nghiệm nơi não bộ của chúng ta mà cho ra kết quả để từ đó Open tiếp hay Close bộ nhớ lại. Nhưng chúng liên tục Open, open … nên không còn chỗ cho khoảng “trống không” nào cả. Chánh niệm của các vị hữu học, đang học pháp của bậc thế tôn sẽ kích hoạt các khái niệm đó là Cảm thọ và dừng lại ở đó, nhường chỗ cho “khoảng trống”. Với các bậc thành tựu, dường như họ biết thừa các điểm chạm đó sẽ là cái gì, họ đã chẳng còn bận tâm tới kết quả nữa, và họ cứ thoải mái với việc tận hưởng thế giới mình “chạm”, tận hưởng khoảng “trống không” bên trong mình như cánh chim được tung bay thoải mái giữa vùng trời xanh bao la này vậy.

P/s: mọi khái niệm chỉ mang tính chất diễn đạt, còn tôi chỉ mong bạn khám phá ra thế giới rộng lớn thực sự bên trong mình

Bạn có đang tham gia giao thông không?

Chỉ có những ai đang tham gia giao thông mới hiểu những nguy hiểm đang rình rập cận kề như thế nào. Người nào sử dụng phương tiện lớn, thì nguy cơ nhiều hơn, người nào sử dụng phương tiện nhỏ, thì nguy cơ ít hơn. Nhưng đều có chung sự nguy hiểm như nhau và đều cần phải khéo léo quan sát từ việc mình đi ra sao, tới việc các phương tiện khác đang đi như thế nào để tránh.

Có người thì nói với tôi rằng, họ thấy cuộc sống của họ như vậy là ổn rồi, hài lòng với chính mình, với gia đình của mình, với thu nhập của mình, và họ không cần phải tu thiền làm gì cả. Rốt cuộc lại tu thiền cũng chỉ là để bình an mà thôi. Cuộc sống của người này ví như một người đi xe đạp ngoài cánh đồng xanh mát mùa lúa đang thì con gái vậy. Cảnh và tâm đều có thể nói rất đỗi nhẹ nhàng và bình an. Nhưng sự thực, một người lái xe đạp có chủ quan dù đang đi xe đạp ở nơi thanh bình như vậy không? Sự chú tâm của họ là ít, và khó nhận ra, nhưng sự thực họ vẫn quan sát con đường trước mặt vì không cẩn thận sẽ ngã xuống mương, hoặc quan sát xem có xe máy, ô tô nào phóng nhanh vượt ẩu đang đi tới hay không.

Có người thì nói với tôi rằng, họ đang thiếu tiền, lương chẳng đủ tiêu, thậm chí lo bệnh cho người nhà. Tâm trí đâu mà tu thiền, với cả tìm bình an. Cuộc sống của người này ví như đang điều khiển một cái xe máy trên quãng đường mòn bên núi, lên xuống dốc liên tục, gập ghềnh đầy ổ gà và một bên là bờ vực vậy. Sự thực là người lái xe ở quãng đường như vậy quan sát được tất cả những vất vả, khổ sở đang xảy ra một cách liên tục và rõ ràng trên con đường này. Nhưng họ lại đang mong chờ tới con đường quốc lộ phía đỉnh dốc. Nơi đó rất phẳng phiu, được lát nhựa. Và có ai biết con đường quốc lộ lại rất nhiều xe tải, container và còn nguy hiểm hơn đến thế nào không?

Có người thì nói với tôi rằng, giờ họ quá đầy đủ rồi. Nhìn xem, họ chẳng thiếu thứ gì nữa. Nhà cửa tài sản, thậm chí sức khỏe dinh dưỡng, tinh thần. Cuộc đời với họ là quá mãn nguyện. Đạo rốt cuộc cũng chỉ là tìm ra cách sống thoải mái và bình an mà thôi (gần giống với trường hợp 1, nhưng ở level cao hơn). Cuộc sống của người này ví như đang ở trên một chiếc chuyên cơ vậy. Trên 9 tầng trời, một mình một đường, một mình một hành trình, tiện nghi và sang trọng. Sự thực, người lái chuyên cơ có chủ quan với hành trình của mình không? Họ vẫn quan sát sự thay đổi của áp suất, các khối khí, hướng nắng, hướng gió… Dù những thứ đó là rất vô hình, nhưng một sự thay đổi nhỏ thôi đều có thể khiến cả chiếc chuyên cơ rơi tự do.

Sự thực là khi bạn sinh ra trên đời là bạn liền tham gia giao thông rồi. Dù với phương tiện nào đi chăng nữa thì việc tham gia này chỉ kết thúc khi bạn không còn hiện hữu. Tại sao Đức Phật nói: CÒN HIỆN HỮU LÀ CÒN KHỔ? Các bám chấp, dính mắc, ràng buộc, mong cầu, sân hận, thậm chí tìm kiếm một điều gì đó mơ hồ đều là những chướng ngại trên hành trình của bạn. Chỉ có khi biết cách quan sát bạn mới nhận ra được các nguy hiểm đang trực chờ. Cũng chỉ có khi biết cách quan sát đúng bạn mới biết cách để “về đích an toàn”.

Tâm hơn

Tâm “hơn” sinh ra một hỷ lạc rất thống khoái. Cảm giác này gây nên những thay đổi trong nội xúc khiến người ta dễ gây nghiện dẫn tới dính mắc, muốn có mãi.

Về logic, núi này cao, còn có núi cao hơn. Về sự thật, thì đó chỉ là cảm giác nó vô thường, vô chủ sở hữu, nó sinh lên rồi diệt đi khi có duyên xúc xảy ra thôi. Trở về nhà, đối diện với căn phòng lại thấy có cảm giác cô đơn hiện lên. Vì sao, vì lúc đó k còn duyên xúc, ta không được thấy tâm “hơn”. Bản ngã ta sau sự tôn vinh, sau sự tận hưởng vẫn còn muốn níu kéo. Và vì không hiểu được lẽ đó nên ta có cảm giác đơn côi, trống vắng. Để thỏa mãn, ta lại lao ra ngoài, nghe người khác chúc tụng, tán dương, tận hưởng…

Tâm “hơn” chỉ có ích khi chính chúng ta tự so sánh với thời điểm trước đó của chúng ta. Chúng ta tự làm được điều gì đó, đạt được mục tiêu gì đó – tâm “hơn” lại hỷ lạc, sung sướng là vậy. Nó là động lực để ta tiếp tục đi tiếp, chinh phục tiếp những nấc thang mới. Nhưng động lực này cũng chỉ có ích khi trên hành trình đi tìm Sự thật hay con đường Tứ thánh đế mà thôi. Còn lại tâm “hơn” này, với những mục tiêu thỏa mãn hơn nữa các giác quan thì chính bạn lại làm nô lệ cho chính mình.

Trên con đường đạo, tâm “hơn” này là cản trở, khi người thực hành đạo vì nó mà muốn nắm giữ cái cảm giác hiện tại mãi mãi. Họ sợ hãi không dám đi tiếp. Họ sợ đánh mất cái hỷ lạc mà tâm đang có. Dễ hiểu thôi, để có nhiều tiền hơn hẳn phải làm việc nhiều hơn, và để có được sự vắng lặng về nội tâm bạn cũng phải đối diện với nhiều bài học khó khăn hơn. Không những thế nó còn làm cho nhiều người tự mãn, dễ duôi với con đường thực hành của mình, cho rằng đó là những điều to lớn và khác lạ so với người khác.

Hỷ lạc, có hỷ lạc. Cứ tự hưởng nó như một cơn gió mát mùa hè. Nhưng đừng mong cơn gió mát đó còn mãi, vì chẳng mấy đâu, hạ qua, thu tới, đông lại sang

Hành vi?

Có những hành vi chúng ta thường sẽ không hiểu vì sao lại thế. Đơn giản như việc gặp một ai đó, đến một nơi nào đó thôi nhưng tự dưng lại làm cho chúng ta một cảm giác không thích hay không thoải mái.

Như nhiều bài viết trước, não chúng ta xử lý mọi việc rất tinh vi và nhanh chóng dựa trên kết luận của nó: ta hơn, ta kém, ta bằng. Nếu gặp một ai đó thân quen, hoặc biết người đó kém hơn bạn bạn sẽ thấy thoải mái, tự tin. Nhưng nếu phải đi tới một cuộc họp quan trọng, gặp sếp lớn, tới một hội nghị lớn… bạn sẽ không thấy thoải mái đơn giản bạn đang thiếu tự tin hay cho rằng họ hơn mình.

Sự so sánh ta hơn ta kém này dẫn tới nhiều hành động, lời nói, việc làm mang tính bản ngã cá nhân. Vì lúc này cái chú tâm nổi trội nhất của bạn là chú tâm tới cái Ta, cái Tôi của bạn. Hay nói theo cách của nhà thiền thì bạn đã đang mất Chánh niệm Tỉnh giác mà thôi. Bạn đang để cho kho chứa Vô minh được kích hoạt với một loạt Tà niệm, tà tri kiến.

Lời khuyên của các chuyên gia là trước khi vào phòng họp hay phỏng vấn… bạn hãy hít ba hơi thật sâu. Đó chính là cách thực hành Chánh niệm quán thân trên thân trong thiền Tứ niệm xứ của nhà Phật, giúp bạn không kích hoạt Tà niệm, kho chứa vô minh để đưa ra so sánh ta hơn, ta kém, ta bằng nữa.

Lối sống Chánh niệm Tỉnh giác, nếu được ứng dụng thường xuyên trong đời sống hàng ngày sẽ mang lợi rất nhiều lợi ích mà bạn phải dày công đi học của rất nhiều Chuyên gia nổi tiếng thế giới. Nhưng đơn giản nó chỉ nằm ở thực hành Chánh niệm Tỉnh giác thường xuyên dẫn tới trở thành một thói quen, một lối sống hàng ngày là đã giúp bạn có được thành công, và vắng mặt nhiều khổ đau.

Lưu trữ thông tin qua các thời kì. Đâu mới là tinh vi nhất?

Đầu tiên, loài người lưu trữ lại thông tin trên đá. Rồi đến trên vỏ cây, thân tre, trên giấy. Thời kì hiện đại, thông tin được lưu trữ trên băng từ, đĩa CD, USB. Và bây giờ là lưu trữ trên mạng internet. Thay vì các phiến đá to lớn, các cuộn giấy tre hay tập sách dầy cộp, thì giờ các thông tin chỉ còn chiếm một dung lượng nhỏ trên một thứ gọi là Internet.

Trước đây, bạn cần tìm một đề mục gì, bạn phải sắp xếp các phiến đá, thẻ tre, hay đánh dấu đầu mục cho các trang sách. Cách sắp xếp có thể là theo bảng chữ cái, theo chuyên mục, theo lĩnh vực nghiên cứu… Nhưng hiện giờ, việc tìm kiếm dữ liệu chỉ cần bạn có Keyword. Gõ keyword vào bộ máy tìm kiếm là cho ra một loạt các kết quả thông tin mà bạn cần. Bất kể thông tin đó được tải lên ở đâu, từ đâu, do ai, như thế nào, chúng đều được nhồi lên kho chứa khổng lồ của Internet một cách vô cùng lộn xộn nhưng đến khi cần, search ra thì lại vô cùng trật tự: cái gì gần với keyword nhất, được tìm kiếm nhiều nhất, được nhiều người quan tâm nhất sẽ được đứng lên đầu. Nhờ có Internet bạn chẳng mất công đau đầu với việc lưu trữ thông tin và sắp xếp thông tin.

Và bạn cho rằng thông tin trên Internet là tinh vi nhất?

Xin thưa, không phải vậy. Công nghệ thông tin cũng chỉ mô phỏng bộ não con người. Thông tin được lưu trữ trong bộ não mới được gọi là tinh vi nhất. Bạn cho rằng, là bộ não thôi mà, nó là thứ gì đó rất cụ thể, đâu có thế giới phẳng như Internet. Không ạ. Bộ não chỉ là phần vật chất chứa đựng thông tin này ở con người đang sống này của bạn. Khi bạn chết đi, nếu thông tin được lưu trữ trong bộ não bạn không được xóa thì nó vẫn tồn tại mà trong Phật học gọi là Thức tái sinh.

Thậm chí, công cụ tìm kiếm của bộ não còn tinh vi hơn bộ máy tìm kiếm của công nghệ thông tin. Một Niệm thôi, nó đã cho ra kết quả rồi phân tích, rồi đối chiếu, rồi so sánh và đưa ra quyết định hành động ngay dựa trên kho lưu trữ khổng lồ nằm trong bộ não mỗi người: cái này là đúng, cái này là thích, cái này là hợp ý ta… ta nhận; cái này là sai, cái này là ghét, cái này không đúng ý ta… ta bỏ.

Một thông tin lưu trữ trong bộ não mãi mãi không được xóa, nó tồn tại hàng ngàn năm, hàng triệu năm, không thể mất. Vì sao vậy? Vì mong muốn của loài người là được tồn tại vĩnh viễn, được trường tồn với thời gian, hay vì họ cho rằng thông tin đó là tôi là của tôi nên nó cần tồn tại. Một ý niệm đó thôi khiến cho các thông tin đó lưu trữ và tồn tại trong thức tái sinh qua hết kiếp sống này tới các kiếp sống khác.

Tu hành, có chăng là đang lần mò xóa đi từng thông tin được lưu trữ trong kho chứa vô minh nơi bộ não này, để chúng không còn phát sinh lệnh tìm kiếm, để chúng có thể như anh Mark, sau một cuộc vui chơi, một ngày kia FB tự dưng biến mất cùng anh. (Chúng tinh vi tới nỗi chỉ có thể tồn tại hay biến mất trừ khi bạn muốn) Còn không nó như thông tin trên phiến đá kia, chỉ có thể tồn tại với thời gian quá lâu dài.

P.s thử đối chiếu:

– Tâm tham tôi, của tôi sẽ làm dày lên các thông tin trong kho chứa Vô minh nơi bộ não, gọi là Pháp trần

– Hữu ái như một phần mềm tự động bảo vệ

– Tà niệm là keyword kích hoạt sự tìm kiếm các thông tin

– Niệm Sanh y sẽ khiến bộ nhớ đó được tồn tại qua đời này kiếp khác

Bát tà đạo

Thoạt nhìn, cái sơ đồ này nhìn có vẻ hơi khó hiểu, nhưng nếu bạn tra từ điển Phật học, từng từ một trên cái sơ đồ này thì bạn ít nhất đã hiểu được cách vận hành của tâm mình khác với tâm bậc thánh như thế nào. Từ đó hiểu biết về con đường để đi tới bình an, thoát khổ tất cả đều ở mình, do mình quyết định mà thôi vậy. Đối với các vị hữu học, cũng nhờ sơ đồ đơn giản này mà con đường tu học đường rõ ràng, rút ngắn, thậm chí không sợ bị lạc đường, rơi lạc vào các thế giới thần bí, siêu tụng, chú giải của các luận điểm không tới từ lời giáo huấn thật của Đức Phật Gautama.

Kinh điển không nắm rõ, học theo các Luận của các vị thầy, dù được cho là cao danh thì cũng là tam sao thất bản. Học rồi mà không hành được, chỉ là nghe tin vào một cảnh giới, một luận cứ của các vị thầy thì cũng chỉ là Tin, chưa phải thực chứng. Sự chứng ngộ này không phải là một ảo giác, không phải là ở cái Tưởng kiểu như mở con mắt thứ 3 nhìn nhìn thấy cái gì đó. Nó thân chứng, tức là nó biểu hiện rõ trên thân. Nó là sự thực tức là nó đúng cho mọi pháp, cho tự nhiên. Nó có thể khó diễn giải, khó nắm bắt, sâu lắng, nhưng người thực hành đều có thể nhìn thấy nó rõ ràng như một con đường, rất cụ thể.

Kẻ phàm phu, hay bậc Thánh, thì Căn (6 giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) khi tiếp xúc với Trần (6 loại cảnh: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) đều cho ra Thọ (6 loại cảm giác) – Tưởng (6 loại thức ghi nhận cảm giác).

Kẻ phàm phu thì lấy cái nhận thức về cảm giác ghi nhận được đem đối chiếu với cái thông tin đã được tích lũy qua Học tập, văn hóa, kinh nghiệm… của mình (gọi là tà kiến) để mà tư duy theo cách của mình (tà tư duy) để rồi ưa thích, sân ghét, bỏ qua và tìm kiếm theo cách của mình, để rồi đưa ra những quyết định dựa trên cái kết luận cá nhân của mình. (lộ trình tâm tà)

Bậc Thánh thì khi ghi nhận các cảm giác nơi 6 căn, biết đó là cảm giác, họ chánh niệm trên thân, thọ, tâm, pháp, để không đưa ra các phán xét mang tính cá nhân. Nếu có phải làm việc, học tập, đưa ra quyết định, họ sẽ tư duy trên các barem về: tứ thánh đế, về lý duyên khởi để đưa ra các quyết định mang tính khách quan, chứ không dựa trên thích ghét cá nhân. (lộ trình tâm chánh)

p/s: Trong khóa tu, khi thầy tôi giảng về Tám Tà, và Tám Chánh, một chị thiền sinh, đã cãi là chị chưa học ở đâu về Tám Tà. Trong khi điều đó thể hiện rõ Tụng phẩm III – Tám pháp, bài Kinh Phúng Tụng – Trường bộ Kinh (Kinh Nikaya – Hòa thượng Minh Châu dịch Việt). Thật đáng tiếc nếu chỉ học qua loa vài câu rồi kết luận.

Tại sao phải thực hành?

Khi có được Minh hay hiểu biết về Sự thực, hay có được Văn Tuệ, thì việc tiếp theo là Tư duy và Tu tập thiền quán để thấu triệt Minh. Hay nói một cách khác: Kiến thức không có nhiều, vài trang giấy là hết, nhưng thân chứng được nó, để hiểu biết đó trở thành của mình, như bản năng của mình thì cần phải thực hành, tinh tấn, chuyên cần, có đủ trải nghiệm thì mới biến hiểu biết trên giấy trở thành dòng chảy vô tận trong mỗi chúng ta được.

Mỗi ngày, không nhiều, đọc vài bài kệ trong Trưởng lão Tăng kệ, Trưởng lão ni kệ – Tiểu bộ Kinh (Kinh Nikaya – Hòa thượng Minh Châu dịch Việt) để động viên con đường tu tập của chính mình. Những tấm gương đó đều như đang hiện tiền trước mặt, những vướng mắc, sai lầm của các vị dù có mắc vào nhưng với quyết tâm không thối chuyển, các vị vẫn đạt được đạo quả: chứng sáu thắng trí, đoạn tận lậu hoặc, đoạn diệt kiết sử, vượt qua sanh y, ….

Người có trí, không phải tham cầu những thứ bên ngoài, không phải tham ái sự bình an nơi nội tâm, mà là quyết tâm vượt qua chính mình, trở về với tâm tư vắng lặng, chấm dứt được các trói buộc ở đời, tịch tĩnh với các lậu hoặc đang sinh diệt liên tục… thì đường đi dầu có chông gai hay độc mộc vẫn cứ thong dong, nhẹ nhàng bước với những quan sát sâu lắng nơi chính tâm tư mình.

* Đoạn trích về Trưởng lão Isidinda

Trong thời Đức Phật, ngài sanh ở xứ Sunaparanta. Được diện kiến Thế Tôn, được nghe chánh pháp, trở thành bậc dự lưu, sống đời sống cư sĩ. Một hôm, có vị Thiên nhân khích lệ ngài:

Ta thấy người cư sĩ

Trì pháp với lời nói

“Các dục là vô thường”

Họ ưa thích ái luyến

Châu báu và vòng nhẫn

Họ đón chờ vợ con.

Thật sự họ không biết

Pháp như thật là gì?

Dầu họ có tuyên hố:

“Các dục là vô thường!”

Họ không có sức mạnh

Để cắt đứt tham ái.

Do vậy, họ luyến tiếc

Vợ con và tài sản.

Khi cư sĩ Isidinda nghe vậy, ngài cảm thấy xúc động, quyết tâm thực hành thiền quán. Rồi khi ngài chứng quả Alahan, ngài nói lên Chánh trí của mình khi lập lại bài kệ trên.

Tưởng

– Mẹ ơi, con sợ nhất là con Dơi đấy.

– Sao lại sợ con Dơi?

– Con đó nó mang virus Corona lây nhiễm khắp nơi mà.

– Con có chắc chắn không? Ai nói với con thông tin đó?

– Trên Youtube mẹ ạ.

– Vậy thì đó mới chỉ là giả thuyết thôi con ạ. Thông tin đó chưa được kiểm chứng.

– Nhưng Youtube nói con muỗi vằn đốt là sốt xuất huyết đó.

– Uhm, thông tin đó đã được kiểm chứng. Thì mình có thể chấp nhận đó là sự thật. …

Và tiếp sau đó là thế nào là thông tin? Thế nào là thông tin cảm giác giác quan…? Thế nào là thông tin được đưa vào đầu? Thế nào là thông tin cần phải được thực chứng?

Kẻ tu hành mãi mãi không thể thoát ra khỏi cái lồng của bản ngã, kẹt lại nơi thế tục này, chừng nào những thông tin tiếp nhận vẫn đi qua bộ não này vẫn còn được xử lý theo lối Tưởng tri như vậy.

Nhiều người ví vô minh như lớp màn sương mù khiến con người ta không thể nhìn ra sự thật. Nhưng góc khác, vô minh như một thứ ảo ảnh diệu kì khiến con người ta mê đắm, tận hưởng, ngụp lặn trong cái ảo huyền đó vậy. Nếu nó là sương mù, người ta còn muốn đi tìm ánh sáng. Nhưng nó ảo huyền, người ta lại cứ ngất ngây, hay “dục hỷ” với nó. Tâm cảnh đáng ra cần trong như suối nguồn tinh khiết, tĩnh lặng như hồ thu… thì lại chỉ cần một vài sợi thông tin qua đầu óc tưởng tri mà hoa ngôn vọng ngữ, tán thán xiển dương, rồi lắc lư như dùng chất kích thích vậy.

Người ta bảo cần tĩnh lặng để nhìn thấy tận đáy sâu, nhưng chỉ cần tĩnh lặng để nhìn thấy từng dòng nước đang dao động bên dưới mặt hồ kia là cũng đã đủ rồi.

P/s: đôi khi thấy, nếu là một người bình thường chắc chắn còn bình an và đỡ mất thời gian hơn một người tu đạo mà sai đường vậy

Nhật ký cách ly – ngày 12

Hụ hụ. Không bước chân ra tới chỗ đổ rác của tầng mà ho với sổ mũi cả ngày từ hqua. Tài thật. Tra khảo chồng: hay hôm qua anh trốn em ra ngoài gặp em Vy trưa không về, giờ mang cả em Vy về nhà luôn nè. Nhưng mà lão ý kín miệng, đến cười trừ hay cười đùa cũng k cười lấy một cái, thật là ức hiếp người ta quá đáng ấy mà.

Chỉ còn là mấy ngày nữa hết cách ly thôi, mấy nay ca nhiễm ở VN giảm và khỏi nhiều rồi, không chủ quan nhưng là tín hiệu mừng, nên là ace cố gắng có cuồng chân, cuồng cẳng, cuồng tay thì ở nhà tận hưởng thêm vài hôm. Không sau lại tiếc. Các cái như muốn đi chơi, đi cafe, đi du lịch chỉ là ace muốn nhận lại cái cảm giác thích thú khi trải nghiệm chúng thôi mà.

Nói thật thì ai cũng thích cái đẹp hoặc các cảm giác dễ chịu, dù đó chỉ là cảm giác hình ảnh được lọc qua phần mềm 360. Cả các status cũng thế, ai cũng thích đọc những điều hay ho thú vị. Các câu nói cũng vậy, ai cũng muốn nghe những lời dễ chịu. Nên chúng ta là những người tạo ra thông tin, hãy tạo ra những thông tin mang “gieo hạt” thiện lành, tích cực… Dù rằng những thông tin sau khi tới tai, mắt,…chúng ta đi vào tới bộ não đều là cảm giác. Đã là cảm giác thì nó không phản ánh sự thật, không thường hằng nên nếu là người tiếp nhận thì cũng đừng vì nó gây cảm giác dễ chịu mà tham đắm, lôi kéo,… hay vì nó gây cảm giác khó chịu mà buồn phiền hay giận dữ,…

Nếu ai đó để ý, bảo sao cái Hà Duyên đợt này cứ hay nói đi nói lại Thế giới là Cảm giác thế nhỉ. Vâng, chỉ khi mọi người thừa nhận Thế giới mà chúng ta đang tiếp nhận này là các Cảm giác: cảm giác hình ảnh, cảm giác âm thanh, cảm giác mùi, cảm giác vị, cảm giác xúc chạm, cảm giác pháp trần (hay nôm na là cảm giác tưởng) thì chúng ta sẽ ứng xử với nó đúng như chúng ta hiểu biết. Nên chúng ta coi thế giới này là thật thì sẽ sầu, bi, khổ, ưu não với nó, còn đã ghi nhận thế giới là cảm giác, chúng vô thường, chúng không mời mà đến, không đuổi mà đi thì sao lại phải để nó ảnh hưởng đến mình cơ chứ.