Cái tôi cá nhân và quy định xã hội

Có bao giờ trong đầu bạn có suy nghĩ về một hành giả nào đó: ơ tu rồi mà, tu rồi làm gì còn cái ta cái tôi gì nhể, không còn cái ta cái tôi thì thế nào mà chả được nhể, làm sao phải thế nọ phải thế kia, cứ sống như mình thích, cứ sống như mình muốn…?

Đó là câu nói tôi đã từng được nghe khi tham gia sinh hoạt cộng đồng. Khi chưa thực hành BCĐ, tôi sẽ suy nghĩ: ừ người kia có vẻ nói đúng, còn vị kia nếu mà chấp thủ sẽ: đó là quy định, đó là thế nọ là thế, anh phải tuân thủ theo. Và chắc chắn, là sẽ nảy ra xung đột và tranh cãi ngay. Nhưng vị kia không nói gì.

Đến khi tôi thực hành BCĐ rồi, mới nhận rõ về cái sự việc: dở ông dở thằng này, cứ tỏ ra hay và tỏ ra mình hiểu biết, nhưng thực ra thì không biết gì cả. Nói ra thì động chạm lắm ý, nhưng mà cũng phải nhìn nhận thẳng thắn thôi, và dưới góc độ cá nhân, tôi cũng hiểu tại sao vị kia không nói gì.

Thứ nhất: hiểu đúng về cái tôi, cái ta, cái của tôi. Đầu tiên phải nhận mặt được Thực tại này là các Cảm thọ hay thông thường gọi là Cảm giác do Giác quan tiếp xúc với thế giới vật chất và thông tin mà được sinh ra. Cảm thọ này do hai nhân đó mà sinh, vắng mặt một trong hai nhân đó thì không thể có. Ví dụ bị mất một giác quan nào đó thì thông tin về thế giới về loại đó người ấy không tiếp nhận được. Chính vì vậy, cảm thọ này là Vô thường, Vô ngã. Nhưng chúng ta lại cho rằng Mắt thấy Hình ảnh, Tai nghe Tiếng… nên cho rằng hình ảnh, âm thanh… đó là của tôi, do tôi làm, do tôi nghe, do tôi thấy… tức là có một đối tượng được nhận biết và một chủ thể được nhận biết. Nên mới sinh ra cái gọi là cái Tôi, cái Ta, của Tôi, của Ta như vậy.

Khi một ai đó chấp thủ rằng: đó là Tôi, đó là của Tôi thì hoàn toàn hiểu được người ấy đang nhận vơ một cái chẳng của mình, chẳng của ai vào làm của mình, là mình.

Thứ hai cần hiểu về Quy định xã hội. Quy định xã hội là nét văn hóa, là các nguyên tắc hành xử, do một xã hội đặt ra dựa trên sự thống nhất cơ bản của đại đa số các cá nhân tham gia. Quy định này chúng đảm bảo cho các cá thể tham gia được hài hòa về mặt lợi ích, tính nhân văn, đạo đức, tính bảo tồn,… Quy định xã hội không dựa trên ý chí chủ quan hay một tiêu chuẩn cá nhân nào cả. Các quy định xã hội này hoàn toàn vắng bóng cái tôi, cái ta. Chính vì vậy, một cá thể nào tham gia, có sự khác biệt với số đông còn lại sẽ được cho là cá biệt, thiếu hòa hợp cộng đồng, thích nổi trội, thậm chí điên rồ…

Tại sao đã không có cái tôi cái ta, mà khi tham gia cộng đồng lại phải để ý đến cái tôi cái ta? Chỗ này rất nhiều người nhầm lẫn nên thường thích một mình một kiểu là như vậy. Nếu đã là quy định chung của tập thể và bạn vắng bóng cái tôi, cái ta thì tại sao bạn còn đề cao cái tôi cái ta của mình để cho một mình mình một kiểu?

(Ở đây k bàn luận đến một quy tắc đã mang tính lỗi thời, và đúng là có những kẻ phá cách như vậy mới tạo nên những cái mới, cái phát triển cho xã hội. Nhưng đó là đề cập đến vấn đề khác. Mặt khác, không ai không nhận thấy rằng kẻ phá cách đó có bản ngã đầy mình.)

Thứ ba cần hiểu: lời ăn, tiếng nói, hành động của một người được phát sinh dựa trên sự hiểu biết của con người đó về thực tại gọi là Chánh tri kiến. Sự hiểu biết đầu tiên đó là thực tại là cảm thọ, nên người đó không có cái tôi, cái ta nào với lời ăn tiếng nói của mình. Sự hiểu biết thứ hai, là do người ấy có sự hiểu biết thứ nhất, mà trong tâm người ấy không có những suy nghĩ, tư duy, lòng dục nào phát sinh mang tính tham, sân, si với lời ăn, tiếng nói, hành động của mình.

Chỗ này rất nhiều người nhầm lẫn, cho rằng nếu chứa tham, sân, si là lời ăn, tiếng nói đó là thô tục, bất thiện, còn không chứa tham, sân, si thì lời ăn tiếng nói đó là nhẹ nhàng, có thiện. Về cơ bản, thoáng qua là vậy. Nhưng cần nhìn sâu sắc hơn. Nếu lời ăn tiếng nói đó không manh tính cá nhân, không vì lợi ích cá nhân, mang tính chất khoa học, phân tích ra sự thiệt hơn trong hành động hay hành vi của ai đó thì nó có thể sẽ gây khó chịu, sự không đồng tình nhưng cũng hoàn toàn không hề mang tính tham sân si. Ví dụ tôi chỉ ra bạn đang làm như thế là lười biếng đó, thì việc tôi nói vậy, không có nghĩa tôi sân si với bạn. Ngược lại, việc ai đó với lời ăn tiếng nói dù là nhẹ nhàng, nhưng lại dựa vào thói quen cho rằng dễ duôi như vậy cũng là được rồi thì cũng vẫn là mang tính cá nhân. Dựa trên thói quen cá nhân, sử dụng tri kiến cá nhân để phát sinh lời ăn, tiếng nói, hành động. Chưa kể việc một số người lời ăn, tiếng nói nhẹ nhàng nhưng thiếu tinh tế, thận trọng, không suy xét tới kết quả dẫn tới gây chia rẽ, tranh cãi.

Như vậy, tu tập Chánh tri kiến mới đưa đến những lời ăn, tiếng nói, hành động vừa không chứa cái tôi, cái ta, vừa phù hợp thuận lý với các Quy định xã hội. Chứ không phải cứ cho rằng đất trời này không của ai cả, cái ta cũng không có, để rồi thích diễn thế nào thì diễn. Và vì có Chánh tri kiến, người ấy hiểu phát ngôn kia cũng chỉ là lộng ngôn, dựa trên sự hiểu biết phiến diện một chiều để mà từ đó không phát sinh sự tranh cãi đúng sai, thiệt hơn ở đây vậy.

Tâm hành si

Những chiếc là non đầu tiên, sau bao nỗ lực, cố gắng, tích lũy, cuối cùng cũng bung được ra. Chúng chưa kịp vui mừng, thì đã phải hứng chịu nắng, gió, mưa, bão… Có thể nói, nắng, gió, mưa… là điều kiện cần để làm cho chúng lớn lên, vững mạnh hơn. Nhưng nếu quá nắng, quá gió, quá mưa… thì lại là tác nhân gây nên sự thui chột của hạt mầm vừa mới nhú. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa cần thiết là như vậy.

Hành giả tới một giai đoạn, có chánh niệm tỉnh giác, thì cũng chính là lúc trực giác phát triển (tâm biết trực tiếp giác quan). Đây là giai đoạn mà nhận thức lý tính, hay tâm biết gián tiếp ít sinh khởi, do người này không còn đặt nhiều câu hỏi, ít tham sân, nhiều lòng tin. Ở giai đoạn này, do trực giác phát triển, nhưng Chánh niệm tỉnh giác chưa tu tập thuần thục, nên hành giả dễ nhạy bén với môi trường bên ngoài, dễ xúc động, dễ cảm tính, dễ tin người. Người chưa có tu tập BCĐ, chưa hiểu biết về Minh, thì người này có thể liệt vào loại người sống cảm xúc và nhạy cảm. Với người có tu tập BCĐ, có hiểu biết về Minh, thì đây là giai đoạn tâm Si chiếm đa số thời gian. Tâm Si mang tính thọ trung tính – bất khổ bất lạc – nhưng lại có hành vi tìm kiếm một điều gì đó thay thế trạng thái hiện tại. Với người bình thường, tâm Si sẽ khiến họ không chịu được việc ở một mình, ít bạn bè, ít mối quan hệ, không có việc gì để làm. Với người có trực giác phát triển, tâm Si này là tâm Si vi tế, họ có thể ở một mình, có thể chịu đựng việc cô đơn, đi sâu vào bên trong nội tâm của mình, nhưng từ sâu bên trong một cảm giác trống vắng, mênh mông, man mác thường trực. Nên có thể dễ dàng thấy những người sống cảm xúc, nhạy cảm là những người cũng có phong cách sống nội tâm, khép mình là như vậy.

Để nhận diện ra tâm Si vi tế này, thì hành giả hẳn là đã có chánh niệm tỉnh giác được tu tập. Để nhiếp phục tâm Si, thì hành giả cần thực hành chánh niệm tỉnh giác một cách liên tục, tinh tấn hơn rất nhiều. Để 3 chi phần Chánh niệm – C. Tinh Tấn – Chánh Định được diễn sinh liên tục cảm tưởng như được nhập làm một vậy. Và hành giả cần an trú trong tâm Tỉnh giác này hàng ngày để giảm đi thời gian bị tâm Si chi phối, lôi kéo. Giai đoạn này, nếu có thể, hành giả cần kiếm một trú xứ thanh tịnh, một minh sư dẫn đường, chỉ lối hàng ngày, nếu không rất dễ lạc đường thậm chí tu tập sang tà đạo hay phát triển mạnh mẽ bản ngã vi tế của mình.

Để đoạn tận tâm Si vi tế, không còn cách nào khác là tu tập Tuệ để dùng Chánh tri kiến thấu tỏ lý duyên khởi, 4 thánh đế, đoạn diệt ngũ uẩn, chặt đứt các kiết sử. Con đường còn dài, hãy xác định nếu chưa tu tập viên mãn thì sống với tâm Si này cả đời, nhưng hãy nhớ luôn luôn Tỉnh giác.

Cảm xúc

Cảm xúc

Cảm xúc là một thứ mà nhiều khi bạn bắt tay lên trán và không thể hiểu được về nó. Nếu nó vui, nó buồn, nó giận, nó bực mình do bên ngoài tác động đã đành. Đằng này bạn còn không thể hiểu tại sao lại thế. Đâu có gì để mà buồn đến thế. Đâu có gì để mà phiền lòng đến thế. Đâu có gì để mà giận đến thế.

Vì không hiểu nó là cái gì nên câu cửa miệng: hãy cứ sống thật với chính mình đi, hãy cứ sống với cảm xúc của mình đi, yêu hết mình, cháy hết mình, tuổi trẻ có bao nhiêu mà chờ đợi; hoặc đừng kìm nén nó, bạn sẽ càng trở nên khó coi hơn mà thôi; đừng cố chịu đựng nỗi đau, hãy khóc đi cho nhẹ lòng…vv và mây mây.

Nhưng lạ là đã không hiểu nó, con người ta lại cố muốn đi làm chủ nó để nó đừng quá vui quá buồn mà sinh ra bệnh, để nó đừng quá kìm nén trong lòng cũng sinh ra bệnh, để nó đừng quá nóng giận hay phiền não mà cũng sinh ra bệnh, hay già, hay xấu… Vì luôn sợ bệnh, sợ chết, già, xấu… mà người ta tìm mọi cách làm chủ cảm xúc của mình. Người ta làm mọi thí nghiệm chứng minh từng loại cảm xúc có ảnh hưởng như thế nào đối với cơ thể con người, để mà tìm cách hạn chế cảm xúc tiêu cực, phát triển cảm xúc tích cực.

Nhưng có ai đã từng đặt câu hỏi, cảm xúc đến từ đâu, tại sao nó lại được sinh ra, tại sao nó lại chi phối ta đến như vậy? Có lẽ câu hỏi này mới chỉ được thái tử Tất Đạt Đa đặt ra và tìm được câu trả lời.

Khi các giác quan của chúng ta tiếp xúc với thế giới bên ngoài, tại tế bào thần kinh giác quan, các thông tin đó được ghi nhận. Mỗi giác quan ghi nhận 1 loại thông tin khác nhau nên mắt k dùng để ngửi, mũi không dùng để nhìn…. Các thông tin nơi tế bào thần kinh giác quan này vốn dĩ chỉ là một thông tin trung tính. Nhưng khi chúng được dẫn truyền lên não, tại đây não bộ phân tích xử lý, so sánh, đối chiếu, quy nạp… với các tiêu chuẩn, điều kiện, quy ước do cá nhân mỗi người tự tích lũy, học hỏi, xây dựng lên. Thông tin đó cho ra kết quả phù hợp, đúng, nó sẽ dẫn truyền một tín hiệu báo hiệu lên cơ quan thần kinh nội giác quan, nội tạng phát ra các chất gây nên cảm giác hay cảm xúc vui, thích,…. Và cơ chế tương tự với các cảm xúc khác. Cảm xúc vui thích chúng ta muốn nắm giữ, có mãi. Cảm xúc không thích ta muốn bỏ đi, không có.

Về cơ bản chúng ta thấy đây là cảm xúc có điều kiện, vì thế chúng ta tìm cách thay đổi thế giới bên ngoài để các giác quan có thể được tiếp xúc với điều kiện tốt đẹp và tránh xa điều kiện không tốt. Nhưng chúng ta quên mất, khi thông tin tiếp nhận qua giác quan vào não bộ nơi xử lý thông tin thì nó phụ thuộc vào tiêu chuẩn thước đo cá nhân của mỗi người. Người thì 50tr là hạnh phúc thành công, người thì 500tr cơ. Người thì mặt tròn thì xinh, người thì mặt dài mới xinh… Vậy là mọi cảm xúc có ở nơi ta đều do cái trung tâm xử lý này mà ra. Ta mới là tội phạm chứ không phải những cái bên ngoài kia.

Nhưng nhìn kĩ lại, có những cái ta đâu có đặt tiêu chuẩn vậy đâu. Nó tự hình thành từ khi cha sinh mẹ đẻ rồi đó chứ. Vì thế mà chúng ta mới gọi là tính cách. Như vậy, là các thông tin này nó đã được lưu trữ từ bao giờ ý, nên mới sinh ra thai giáo 0 tuổi để có lượng thông tin cho trẻ ngay từ trong bụng mẹ. Rồi đổ tội tại gen di truyền, nên cha mẹ phải không được cáu gắt, phải yêu thương từ khi còn mang thai. Trong khi 95% gen ADN có được, các nhà khoa học không giải thích được từ đâu ra.

Và rồi chúng ta đi vào một thứ cảm xúc được gọi là vu vơ, chẳng biết từ đâu sinh ra. Nhìn chúng diễn sinh mà không hiểu nổi. Mới thấy cái tôi, cái ta này đâu có là chủ nhân chủ sở hữu của cảm xúc đâu. Nó do những căn trần nào đó, đang tương tác với thông tin nào đó trong não bộ của chúng ta. Có đuổi được chúng không? Có ngăn được chúng không? Có làm cho một cảm xúc nào tự dưng sinh ra không? Chẳng thể nào. Vậy chúng ta cố làm chủ điều gì? Chúng ta đổ tội tại điều gì?

Nó đến nó đi, vốn lẽ tự nhiên là thế, vốn nó sẽ chẳng ảnh hưởng đến ta nếu ta đừng dừng lại để tò mò về nó. Nếu thích chúng ta có thể ngắm nhìn nó. Nhưng ngắm mãi, rốt cuộc cũng chẳng có gì hay ho. Chúng ta lại đứng dậy phủi mông đi về như khi xem xong một bộ phim. Có ấn tượng không, có hay không? Uh, thì có, nhưng chỉ là một bộ phim mà thôi. Chúng ta chỉ khổ, chừng nào đi kiếm tìm một nhân vật như trong phim, một thần tượng như trong phim, một bối cảnh như phim mà thôi. Thực tế có người vì xem phim mà ám ảnh nhân vật đó cả cuộc đời. Còn chúng ta, xem bộ phim do chính chúng ta diễn mà không phân biệt được để rồi mãi hư ảo trong các khung hình.

Cảm xúc là gì? Đến từ đâu? Đi về đâu? Thuộc về ai? Làm sao ta khổ ta vui vì nó? Vài câu đơn giản vậy thôi, nhưng nếu trả lời được bạn sẽ trở thành người xem phim thay vì làm diễn viên chính khóc khóc cười cười cả cuộc đời mà không biết vì sao.

Viết để làm gì

Thay vì chạy vòng quanh khắp nơi để trốn chạy tâm Si của minh, thì tôi viết.

Có ai đó sẽ bảo sao viết gì viết nhiều thế? Viết dài thế ai đọc? Viết linh ta linh tinh? Nhưng thay vì chạy vòng quanh khắp nơi, buôn chuyện với ai đó, tìm một thú vui nào đó thỏa mãn tâm trí của mình thì tôi viết. Viết là một quá trình các Ý tiếp xúc với Pháp (các thông tin nơi não bộ). Các thông tin này đang tiềm ẩn do bị nhiều các thông tin bên ngoài chi phối nhưng khi mình viết thông tin nào là nổi trội sẽ được ghi ra. Việc viết do không nghĩ gì, cứ đặt ngón tay và bấm, cứ theo dõi các cảm giác đang sinh khởi trên thân và tâm mà viết. Qua đó mình sẽ quan sát được sâu sắc thậm chí cả những điều ẩn sâu trong tâm trí mình.

Viết là một cách đối thoại với bản thân, cũng là cách qua đó thấy bản thân mình trưởng thành như thế nào. Với tôi, cứ viết đi đừng nghĩ ngợi gì nhiều, vì để tự nhiên nhất mới hiểu bạn đang ở đâu. Lúc đầu thì nó lộn xộn, lặp lại các ý, dẫn chứng vòng quanh. Sau thì có vẻ cụ thể hơn, đỡ luẩn quẩn hơn, tinh túy hơn. Tôi chẳng dự thi viết văn, cũng không kiếm tiền bằng nghề viết, cũng chẳng e ngại ai đánh giá cả, nên kệ thôi. Thông tin vô minh nào cần hiển lộ cứ hiển lộ ra. Tầng thông tin vô minh bị lôi ra, phơi bày trên mặt phím chán thì sẽ nhớ tới thông tin minh. Nên có lẽ vì thế, các bài viết có thói quen là đi dần từ vô minh sang minh, từ mở ra một vấn đề đến đóng bài bằng những phương pháp hay trải nghiệm đã đi qua của chính mình.

Tâm Si là một tâm hành vi tế, nó không biểu hiện rõ ràng như Tham, Sân nên chúng ta đa số khó nhận ra. Ý căn cũng cơ bản khác các giác quan khác nên việc nó nghĩ linh tinh những gì cơ bản bạn cũng không nắm bắt được. Để nhiếp phục tâm Si của mình, để chơi trò chơi với Ý căn, tôi thực hành bằng cách viết. Tại mỗi điểm chạm của Ý căn với thông tin pháp trần, tôi tự do cho chúng chạm, tự do nhận mặt chúng và khéo léo quan sát các tâm hành đang sinh khởi như dục, tư duy, … hay nhận diện các thông tin đó có truyền tải các tà tri kiến mang màu tham, sân, si của mình hay không, có truyền tải các thông tin đó xuống các cơ quan nội quan gây ra các nội xúc hay không?

Vì dừng lại ở tâm biết trực tiếp Tưởng thức, mà tôi có thể lấy ra nhiều thông tin không biết từ đâu có được, cũng không biết nó tích lũy khi nào, cứ viết ra vậy đã. Điều này có thể đôi khi gây khó chịu với ai vô tình đọc chúng. Nhưng tôi cứ để tự nhiên vậy vì viết xong là xong, cũng chẳng nhớ gì. Chỉ có lẽ cái nút công khai không được tiện lắm thì phải.

Giờ thì tôi đã có cách chơi mới với Ý căn, để làm cho các thông tin mình lấy ra được rõ ràng, mạch lạc hơn. Đó mà lấy ra theo Duyên khởi: có cái này thì có cái kia, không có cái này thì không có cái kia. Hay lấy ra theo 4 thánh đế: đây là tập khởi, đây là nguyên nhân, đây là giải pháp, đây là công cụ thực hiện để ra kết quả. Thông tin gì thì cứ theo cách đó mà lấy. Một bài diễn văn hội nghị, hay một bản kế hoạch kinh doanh, thậm chí là một bức thư tình, với cấu trúc chặt chẽ như vậy khó bị bác bỏ.

Cho nên, có ai đó nếu có đọc, cũng cứ tự nhiên mà đọc, chẳng cần nghĩ ngợi gì, vì người viết vốn dĩ cũng chẳng nghĩ ngợi gì. Viết xong, một pháp đã sinh diệt. Viết xong, một lộ trình tâm đã hoàn thành. Viết xong, một con người mới đã được sinh ra. Lúc bạn đọc, thông tin này đã cũ, người viết cũng đã cũ. Vậy đấy, đừng có không thích tôi viết dài, cứ bấm để mình chạm nhau một cái nhể.

Sự nguy hiểm của Quan sát

Điều này thực sự rất khó nhận ra, với người bình thường điều này thậm chí được cho là tốt nữa. Đó là khi ai đó nói bạn không giống người bình thường theo nghĩa thông thường. Còn bạn cảm thấy mình đang sống ở cõi mơ hoa nào đó, những người ngoài kia đang sống rất phàm tục. Thực tế bạn đã bị lạc trong một trú xứ “lạ”. Nếu bạn nhận ra vẫn là còn cách chữa, có những người không nhận ra nổi và kẹt luôn ở ốc đảo đó cả đời. Thậm chí không tái sinh nổi, mà cũng không đoạn tận nổi vì đã bám chấp cõi đó là có thực, một cảnh giới có thực.

Tại sao lại như vậy?

Đầu tiên, về mặt lý thuyết, khi căn trần tiếp xúc sinh thọ tưởng (giác quan tiếp xúc thế giới sinh cảm giác và tâm biết cảm giác đó), tại đó tưởng – tâm biết trực tiếp được dẫn truyền lên não để tiếp xúc với kho chứa thông tin sinh ra tà niệm hoặc chánh niệm. Trong đó tà niệm kích hoạt thông tin do tri thức, kinh nghiệm cá nhân mà có nên phát sinh tham/sân/si; còn chánh niệm kích hoạt thông tin Minh nên không có tham/sân/si.

Nhưng trường hợp ở trên thì lại không kích hoạt niệm nào cả, tà niệm không, chánh niệm không, nên tham/sân/si không có mặt, nhưng minh cũng không mặt. Ở đây vẫn dừng lại ở tâm biết trực tiếp nhưng là lạc thọ hoặc bất khổ bất lạc thọ, ít khi dừng có khổ thọ vì đa số hoàn cảnh sống của người này cơ bản là tốt. (Cần tìm hiểu là có 3×6=18 tâm biết trực tiếp). Và chính vì thế họ cứ mơ màng, mơ màng, bay bổng, phi thực tế, không làm hại ai cả, không khó chịu với ai cả, nhưng chính bản thân họ lại đang đắm chìm vào nó mà không hề hay biết.

Nguy hiểm có hai cái: một nếu khổ xảy đến người này sẽ cực kì đau khổ, như kiểu cả cái ốc đảo bị phá vỡ, cả một cõi mơ bị phá vỡ vậy. Thứ hai nguy hiểm như trên đã nói là không tái sinh mà cũng không đoạn tận mà là một “linh hồn” vất vơ vì họ không có niệm nhưng lại bám chặt vào cõi mơ đó.

Vậy thì làm cách nào?

Cần hiểu đúng: thế giới này là cảm giác do căn trần tiếp xúc mà sinh ra, các cảm giác đó là Vô thường, vô chủ, vô sở hữu, chúng đến không do ai mời, đi không do ai đuổi. Từ Vô thường đó đơn giản mà, nói mãi, có cái gì khó hiểu ở chỗ này đâu. Vậy, đã nói mãi tại sao bạn còn giữ chặt lấy bên mình. Nó sinh lên rồi mất đi thì quan sát làm gì nhiều. Biết nó đến, biết nó đi thế là xong. Đằng này, biết nó đến, giữ luôn nó ở lại, lại còn sống chung luôn với nó, dùng nó xây lên ước mơ của bạn. Xong.

Hãy biết cách Quan sát đúng nhưng Quan sát xong hãy ném nó sang một bên. Có như vậy bạn mới Thực Sống, Thực Thiền.

P.s: chính vì chỉ biết Quan sát, mà nhiều người nói rằng: tham/sân/si tôi quan sát và biết tâm tôi đang có tham/sân/si mà tại sao nó lại không hết, thậm chí còn dầy và đặc hơn.

Thế nào là không dính mắc vào Kết quả?

Là một cư sĩ, ngoài việc tu học, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm ở đời sống. Có một câu mà chúng tôi vẫn hay nhắc nhau “việc cần làm thì cứ làm, nhưng không quan tâm tới kết quả là được, khi không quan tâm tới kết quả tức là trên đó không có tham, sân, si, không ở trên lộ trình tâm tà”. Nhưng đa số câu này mới được hiểu một cách đơn giản: là việc tới thì cứ làm đã, kết quả có thế nào là việc của nó, tính sau, hay không thể tính được. Vô tình, sự tác ý đó bị bắt nguồn từ tưởng tri, hay tà tư duy đưa tới sự phi như lý tác ý.

Đầu tiên cần hiểu, tại sao không quan tâm tới kết quả? Vì một công việc, cơ bản là là tập hợp một chuỗi Căn-Trần tiếp xúc. Duyên xúc này liên tục sinh lên rồi diệt đi vì thế mà nó vô thường. Ngay lúc mình tạo xúc thì nó đã diệt, nên kết quả kể cả nó có xảy ra thì nó cũng là diệt ở thời điểm mình biết. Việc của chúng ta là chú tâm liên tục vào các cảm giác để chúng ta làm xong việc của mình một cách rốt ráo với trí nhớ khởi lên kết quả về sự vô thường, vô chủ. Mặt khác, Do chuỗi duyên xúc đó là liên tục, người ấy chánh niệm liên tục với các duyên xúc của mình. Khi làm việc với duyên xúc A, biết thọ-tưởng A. Khi làm việc với duyên xúc B, biết thọ-tưởng B, chứ không phải vẫn là thọ-tưởng A hay C,D nào đó. Quá trình thay đổi duyên xúc và thọ-tưởng này diễn ra nhanh liên tục, khó thấy, chính vì thế mà không thể tính biết được kết quả là như vậy. (sẽ bàn tiếp ở chủ đề Thấy chánh niệm và Biết chánh niệm)

Thứ hai là, Tà niệm vẫn sinh khởi một cách vi tế vô cùng mà chúng ta rất khó nhận ra. Dục (tham, sân, si) cũng vi tế vô cùng. Ở vị hữu học, nó không biểu hiện ở dạng thô nên lại vô cùng khó quan sát. Khi một việc gì đó đến mà bạn cần giải quyết, việc đầu tiên là bạn cần có niệm. Do có niệm nên tư duy được sanh khởi. Sau khi tư duy sanh khởi, đưa ra kết luận, dẫn tới phát sinh mong muốn giải quyết vấn đề đó… đưa đến tác ý vấn đề đó: ăn, nói, hành động…. Vấn đề nằm ở chỗ này: bạn chưa hiểu là mình đã phi như lý tác ý hay như lý tác ý; chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng hay tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng. Chúng ta cần lật ngược lại vấn đề để tìm hiểu ở tư duy và tri kiến trước đó.

Tà tư duy là tư duy trên các thông tin tri thức kinh nghiệm cá nhân. Còn Chánh tư duy là tư duy trên thông tin Minh về: vô thường, vô ngã, 4 thánh đế, 5 uẩn,…. Vậy, đầu tiên bạn phải tự đặt câu hỏi là ăn, nói, hành động đó của bạn có được đặt lên cái barem về Chánh tư duy để tư duy ra Chánh tri kiến không? Hay đơn giản bạn chỉ nghĩ rằng mình không tham, không sân, không si là được. Cái nghĩ của bạn cho rằng đó không phải là Chánh tri kiến. Chính vì thế sự tác ý của bạn ở đây rất dễ rơi vào Phi như tác ý mà bạn không hề biết. Chưa kể rằng, vì không có liễu tri về sự vật hiện tượng, bạn mới chỉ thấy Khổ đế và Tập đế, Diệt đế có thể thấy nhưng Đạo đế thì đã có chưa, dẫn tới sự tác ý của bạn là nửa vời, thiếu thực tế. Sự thiếu thực tế là không đúng người, không đúng việc, mất thời gian và khiến bạn lại rơi vào hố sâu tri thức, kinh nghiệm cá nhân. (sẽ bàn tiếp ở chủ đề Người đau khổ nhiều có nên đi tu?)

Chúng ta vẫn đang là bậc hữu học, chưa thật sự thuần thục Chánh niệm, thông tin Minh chưa là khắc rãnh sâu và nổi trội nên dễ rơi vào việc tác ý phi như lý, hay vẫn còn chưa thể Tư tuệ ở các tầng sâu là điều cũng khó tránh khỏi. Các cụ đã bảo, uốn lưỡi bảy lần trước khi nói, trước là việc uốn lưỡi để lựa chọn các thông tin vô minh ra nói chuyện với đời, còn giờ việc uốn lưỡi này chính là chánh niệm để đưa tới chuỗi chánh tư duy, chánh kiến mà từ đó có được chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng.

Có một chủ đề chúng ta cần chánh tư duy thử xem: chúng ta vẫn sống và làm việc với cái Tâm buông xả Tư tưởng sở hữu, tư tưởng làm chủ, chứ không phải là buông xả Thực tại, hay cứ làm đã kết quả ra sao thì ra.

Tình yêu nói chuyện cửa Thiền

Hôm nay, lại mượn Tình yêu nói chuyện cửa Thiền nhé. Thứ bảy mà, hơi nắng chút thôi. Tôi sẽ đưa bạn quay trở về cái thời khắc mà bạn cho là đẹp nhất, hạnh phúc nhất trong cuộc đời của bạn.

“Anh, nhớ anh ngay cả khi ở bên anh!”. (Bạn có biết là cụm từ trên có cả trong ưu tiên tìm kiếm của GG search box không?)

Chúng tôi yêu nhau khi tôi năm cuối ĐH. Thời đó yêu xa nên không có FB, Zalo như bây giờ. ĐT cũng chỉ có máy bàn của chủ nhà xóm trọ và bố mẹ anh ấy. Gọi thì cũng phải có giờ vì trốn bố mẹ và thời gian tôi lên lớp. Thi thoảng vài tháng, có việc về HN, chúng tôi mới được gặp nhau. Cảm giác nhớ nhung da diết đó cứ trải dài những ngày tháng xa nhau. Nhưng một cảm giác rất đặc biệt mà chúng tôi đều có là “thấy nhớ nhau ngay cả khi bên nhau”. Lúc đó chỉ hiểu đó là yêu rất nhiều mà thôi.

Rồi câu nói muôn thửa của mỗi người khi không đến được với nhau: Mọi thứ đều là vô thường, tình yêu cũng vậy. Chúng ta xa nhau để giữ về nhau hình ảnh đẹp nhất.

Ngày đó đau khổ, chết đi sống lại. Nhưng rồi cảm giác đó cũng rời xa tâm trí. Mỗi lần nhớ lại, chỉ là nhớ mà thôi, không còn thôi thúc kiếm tìm hay xót xa ân hận nữa. Cứ như trời hôm qua giông bão, hôm nay đã trong xanh đến vậy.

——

Vâng. Câu chuyện tình này đã trải qua bao nhiêu năm. Nhưng đến giờ tôi mới có thể hiểu rõ về nó.

“Ngay cả khi bên anh vẫn nhớ” có nghĩa là sao? Như bạn đã biết, Khi Căn-Trần tiếp xúc sinh ra cảm giác. Cảm giác Thân căn do Thân được tiếp xúc, cảm giác Ý căn (cảm giác Pháp trần) do Ý căn được tiếp xúc… Các cảm giác này là thông tin, truyền tín hiệu vào trung tâm xử lý, sinh ra các cảm xúc nơi nội tâm gọi là Nội xúc.

Vì Xúc là liên tục thay đổi. Bạn cần quan sát kĩ ở một không gian siêu nhỏ vi tế chứ Xúc không phải là liên tục. Vì Xúc liên tục sinh – dừng mà cảm giác liên tục sinh – dừng và cảm xúc cũng nhờ thế liên tục sinh – dừng theo. Chính về thế, bạn sẽ thấy Nhớ bên trong bạn liên tục sinh – dừng như vậy.

Bình thường bạn sẽ không thể quan sát thấy vì cảm giác đa số khá là trung tính với mọi người. Ngay lúc bạn đang đọc tới đây đang có rất nhiều cảm giác đang tồn tại nơi bạn: cảm giác hình ảnh nhìn nơi điện thoại, cảm giác âm thanh khi nghe tiếng quạt, cảm giác thân xúc ở tay cầm hay ở mông ngồi… Nhưng những người yêu nhau “rất nhiều” họ có thể quan sát được Cảm giác liên tục sinh diệt vì Cảm giác đó là nổi trội, vô cùng nổi trội. Đó cũng là sự thật mà Đức Thế Tôn đã khám phá ra: khi Căn Trần tiếp xúc thì Thọ sinh, khi Căn Trần không tiếp xúc thì Thọ diệt.

Lại nói tiếp ở trên ở câu: mọi thứ là Vô thường nên Tình yêu khi có khi không mà ta chấp nhận sự chia xa. Đa số mọi người sẽ hiểu Vô thường là hôm nay thế này, mai nó sẽ khác. Song như vừa phân tích ở trên: Căn Trần tiếp xúc thì sinh, không tiếp xúc thì diệt. Trong một tích tắc thời gian, Cảm giác đã luôn sinh lên và diệt đi theo xúc của Căn-Trần rồi. Nó vô thường là lẽ đó. Nó vô thường vì vốn dĩ nó đã diệt ngay khi nó vừa được sinh ra.

Nếu ngay từ đầu, ai cũng học về Vô thường như này, tôi không biết là có Tình yêu nam nữ không nữa. Nhưng việc học là một chuyện, việc thực hành Chánh niệm tỉnh giác để không những thấy nó là Vô thường mà còn không bị dính mắc, ràng buộc vào Thọ như bài trước lại là chuyện dài kì nữa.

Mọi người đều nói: tình yêu có Vị ngọt, và cả Vị đắng (do có rồi lại bị mất), dính mắc vào thì khổ, không dính mắc thì hạnh phúc. Tại sao ai cũng phát biểu được như vậy, trong khi Tình yêu chính là tập hợp của Thọ – Cảm giác. Chúng ta sẽ thay đổi câu phát biểu trên như sau xem có khớp không nhé: cảm giác có vị ngọt, có cả sự nguy hiểm (do Thọ sinh lên rồi diệt luôn), sự không dính mắc – xuất ly được cảm giác thì nơi đó có Niết bàn.

Tà Niệm

(Tôi vốn dĩ dị ứng với chữ Tà, thậm chí cả Chánh. Đạo đâu có phân biệt Chánh, Tà. Nhưng trong khi thuyết giảng, cần phải mượn ngôn từ để chế định, quy định thế này là Tà, thế kia là Chánh.)

Chánh Niệm theo như Đức Phật đã thuyết giảng trong Kinh Pali là các Niệm (trí nhớ) về 4 xứ: Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Vắn tắt như sau. Trí nhớ về Thân: các cảm giác nơi 6 giác quan khi tiếp xúc với thế giới trần cảnh. Trí nhớ về Thọ: cảm giác Lạc, Khổ, hay Bất khổ bất lạc thọ. Trí nhớ về Tâm: có tham, sân, si, quảng đại, thâu nhiếp, tán loạn, hữu hạn, vô thượng, giải thoát hay không. Trí nhớ về Pháp về sự sanh khởi và đoạn diệt của: năm triền cái, năm thủ uẩn, 6 nội ngoại xứ, 7 giác chi, 4 thánh đế.

Vậy, những gì không thuộc Chánh niệm ở trên, còn lại là Tà niệm. Tà niệm là trí nhớ về các tri thức, kinh nghiệm,… mang tính cá nhân của mỗi con người. Tà niệm như vậy không hẳn là các trí nhớ về tà ma, ma quỷ, việc ác, nọ kia… như nhiều người lầm tưởng.

Tại sao Tà niệm lại mở ra con đường Tà đạo, con đường thế gian, con đường của kẻ phàm phu?

Tà niệm là nhớ tới các tri thức, kinh nghiệm,… mang tính cá nhân. Tại sao lại mang tính cá nhân? Vì người ấy thích người ấy mới học, mới nghe, mới ghi nhớ lại, lưu trữ trong kho chứa. Hoặc người ấy rất không thích (sân) mới có ấn tượng, mới ghi nhớ lại. Hoặc các thông tin trung tính, nhưng mang tính lặp lại đối với người đó cũng được ghi lại, lưu giữ. Vì mang tính cá nhân như vậy, nên khi Tà niệm được sinh khởi, thì các thông tin lưu trữ về điều đó được hiển lộ trong đầu mỗi người.

Bây giờ thử nhắc về người yêu đầu tiên của bạn, các thông tin về người ấy được thấy ngay lập tức. Và người ta sẽ phán xét, hành xử, ra quyết định… dựa trên các thông tin mà mỗi người có được trong đầu mà các Tà niệm là mở đầu con đường, Tà ngữ, Tà nghiệp, Tà mạng là kết quả cuối con đường. Vẫn là ví dụ người yêu cũ: các thông tin bạn có về người ấy là các thông tin từ ngày xưa, ngày ấy người đó nói chia tay bạn ra sao, bạn nhớ lại và lúc đó trong bạn một cảm giác xót xa, đau buồn, có lẽ một status trên fb sẽ được up: “Tháng 5 rực lửa cõi lòng bâng khuâng”. Nhưng thông tin bạn mới có ngày hôm qua từ cô bạn thân, là vì lý do gia đình, nên người ấy mới phải chia tay bạn, cô ấy còn cho bạn sđt của người ấy. Tà nghiệp có thể sẽ phát sinh: tin nhắn hỏi thăm người ấy thế nào, rồi hai người nhắn qua nhắn lại? Và như bạn biết đó, cái Tà ngữ, Tà nghiệp này mới lại nảy sinh ra một loạt các vui, buồn, khổ đau trong mỗi chúng ta.

Có một vài đạo hữu của tôi thường tiện tay chia sẻ rằng: Ôi, dạo này Tà niệm quá! Thú thực Tà niệm là thường trực khi kho chứa tri thức, kinh nghiệm cá nhân nổi trội rồi. Nhưng cần phân biệt các mức độ “tà niệm” của mỗi người.

Có người, khi tà ngữ, tà nghiệp xảy ra rồi, có kết quả sầu bi khổ ưu não rồi mới nhận là đã nói sai, hành động sai. Nhiều phàm phu nhận ra điều này, nên gừng càng già càng cay là như vậy. Cái nhận biết này chỉ biết là nó sai thôi, chứ k hiểu tại sao sai và vẫn lặp lại, không lặp lại cái cũ thôi, chứ cái tương tự gặp vẫn vướng. Nhưng tiếc là không ai tắm hai lần trên một dòng sông, nên cứ sai hoài tới chết vẫn còn nhiều điều hối tiếc.

Các vị hữu học, đã được nghe lời giảng về Minh rồi, thì nhiều vị khi Tà ngữ, Tà nghiệp xong biết mình sai và tần xuất lặp lại ít hơn. Có vị thì đang liên tục miên man nghĩ về điều gì đó, biết là không phải chánh niệm, dừng lại được tại đó và quay về chánh niệm. Có vị thấy mình như đang bị dính vào suy nghĩ nào đó, chỉ chăm chăm hình ảnh đó trong đầu mà biết là mất chánh niệm, dừng lại được tại đó và quay về chánh niệm. Có vị thấy mình đang có dục ở các thông tin vừa xuất hiện trong đầu, biết là mất chánh niệm, dừng lại ở đó và quay về chánh niệm. Có vị thấy một loạt các thông tin về trần cảnh (hình ảnh, âm thanh, mùi, vị, thân) mình vừa thấy tự dưng sinh khởi thì biết tại đó là tà niệm, dừng lại tại đó và chánh niệm.

Nên từ “tà niệm” là thói quen để chỉ con đường tà đạo mà các bạn vẫn bị tâm mình dẫn dắt đi theo. Cái cần nhìn ra là trên lộ trình tâm bát tà đạo đó, bạn đang bị nó lôi đi tới đâu và tới đâu dừng lại được. Có những sự việc thấy ra dừng ở tà tri kiến, có sự việc thấy ra ở tà định, có sự việc thấy ra tận tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng. Không cái nào giống cái nào.

Tại sao được học về Chánh niệm, hiểu về Chánh niệm mà bạn vẫn không thể Chánh niệm nổi?

Lý do thứ nhất: thông tin Minh về 4 xứ chưa phải là thông tin nổi trội trong kho chứa. Bạn chưa thực hành cọ xát lại nhiều lần để hiểu nó, được ghi nhớ làm đầy. Bạn vẫn còn dung nạp quá nhiều thông tin Vô minh vào đầu để rồi lộ trình tâm Tà vẫn xảy ra chiếm hầu hết thời gian trong ngày.

Lý do thứ hai: bạn chưa nhìn ra được lộ trình sinh diệt nơi căn trần tiếp xúc, để mà thấy cần Chánh niệm liên tục, liên tục, chỉ cần trượt đề mục Chánh niệm là bạn rơi vào tà niệm ngay lập tức. Cái bạn thấy về Chánh niệm mới là cái thoáng qua trong một vài lần thực hành và có được sự biết về nó.

Lý do thứ ba: bạn chưa có Chánh định ở các tầng sâu, để tại đây Chánh tư duy về sự sanh diệt, thân chứng được sự vô thường, vô chủ sở hữu của Thọ, để từ đó thông tin Minh được khắc rãnh sâu sắc và trở thành thông tin nổi trội khi Căn-Trần tiếp xúc.

Rốt lại, Tà niệm không phải là xấu. Tà niệm là khởi đầu cho Sầu bi khổ ưu não (nói gọn là Khổ) của thế gian. Chỉ có đổi Tà niệm sang Chánh niệm bạn mới có thể bước đi trên con đường của các bậc Thánh, có thể tìm thấy niềm vui và hạnh phúc thực sự của kiếp người. Và cần rèn luyện thực sự nghiêm túc để “Tà niệm đã sanh nay không sanh khởi nữa, Tà niệm chưa sanh nay không được sanh khởi”.

Tiếp nhận thông tin

Sáng nay, Việt Nam thông tin có 24 ca nhiễm Covid mới.

Hãy quan sát phản ứng của bạn đối với các con số ca nhiễm covid mà xem.

– Mấy ngày qua không có thông tin phát sinh ca nhiễm, bạn vui mừng, thoải mái.

– Đến hôm nay có thông tin phát sinh bạn lại giật mình, hoảng hốt.

Xét về mặt nào đó, dịch Covid hiện nay đối với bạn nó vẫn chỉ là thông tin. Bạn chưa nhìn thấy, sờ thấy, chạm thấy hay nhiễm, nhưng tâm lý hoảng sợ, vui vẻ của bạn cũng giật lên giật xuống như cái biểu đồ nhiễm Covid vậy.

Tôi không cười bạn đâu. Tôi chỉ chỉ ra cho bạn thấy rằng, đó là tâm lý của bạn, thậm chí là tâm lý rất bình thường, là tâm lý của 99,99% nhân loại đang tồn tại trên trái đất đang phản ứng với bất cứ thông tin gì (không chỉ riêng Covid) mà họ tiếp nhận được. Nay thế này, mai thế khác, sáng nắng, chiều mưa, buổi trưa tưng tửng.

Vậy không thế thì sao? Làm sao có thể an yên, định tĩnh như các vị thánh khi tiếp nhận thông tin. Với các vị thánh, tâm lý họ lúc nào cũng vậy, vững chắc và bình thản với tất cả các thông tin đến và đi. Cho dù họ có sống ở thời đại nào, hay mang quốc tịch nào đi chăng nữa. Đức Thế Tôn đã chứng ngộ và thuyết giảng con đường để chúng sanh có thể theo chân các vị thánh: dừng lại ở tâm biết trực tiếp khi nghe bất cứ một thông tin gì, không làm khởi phát tâm biết ý thức tư duy, so sánh, suy luận, đối chiếu để đưa ra kết luận rồi phản ứng với thông tin đó. Đó là con đường thánh Tám ngành hay Bát chánh đạo.

Đến để mà học, mà thấy, mà trải nghiệm. Bạn cũng sẽ hoàn toàn bình thản với thông tin về Covid mỗi sáng như họ vậy.

Thọ

Tôi quen biết một người bạn có tên là Thọ. Nhờ có anh ta, tôi biết thế nào là các cung bậc cảm xúc trong mình. Tận hưởng những gì là vui nhất, buồn nhất. Rồi có một người nói với tôi rằng: cẩn thận đừng có dính mắc vào anh ta, đừng có để bị anh ta lôi kéo. Tôi không tin. Anh ta với tôi như hình với bóng, anh ta tốt thế cơ mà, anh ta lại luôn nhường tôi, nuông chiều các cảm giác của tôi, cổ vũ cho những điều tôi muốn làm, hoặc đồng tình với những gì tôi không thích làm. Tôi không tin điều người đó nói. Và chúng tôi ngày càng thân thiết hơn.

Rồi đến một ngày. Anh ta nói với tôi mọi thứ sao đang trở nên tẻ nhạt vậy. Tôi đi tìm mọi món ngon vật lạ trên đời cho anh ta thưởng thức, tận hưởng nhưng anh ta luôn nói không thỏa mãn. Anh ta nói muốn nhiều hơn thế. Tôi chạy khắp nơi để kiếm tìm về cho anh ta. Về tới rồi thì anh ta tức điên lên quát mắng tôi, tại sao lại mang về cái gì mà kinh khủng thế này, ghê tởm thế này. Tôi rộc rạc, bao nhiêu gia sản trong tôi chẳng còn gì cả. Tôi cũng phát hiện ra một người bạn thân khác của tôi lại cũng yêu anh ta. Có lẽ nào, người mà bấy lâu như hình với bóng với tôi lại khiến tôi trở nên tiều tụy như vậy.

Tôi quyết định rời bỏ anh ta. Khi tôi quyết định rời bỏ anh ta, tôi nhận ra sự thật là anh ta chưa có một giây, phút nào quan tâm đến sự tồn tại của tôi. Anh ta cũng chẳng bận tâm sự đến và đi của tôi.

Tôi bước vào cuộc sống của riêng mình. Mặc dù hàng ngày chúng tôi vẫn làm việc cùng nhau, nhưng sự tồn tại của chúng tôi giờ thật khác biệt… Tôi biết thế nào là cuộc sống độc lập của mình, không có anh ta. Tôi không còn vui với cái vui của anh ta, không còn khổ với cái khổ của anh ta… chúng tôi độc lập, không ràng buộc. Anh ta không gợi lên bất cứ một cảm xúc gì trong tôi cả. Tất cả chỉ thấy và lướt qua, không đọng lại chút bụi nào trên cái gương hồ trong vắt nơi tâm tôi.

—-

Câu chuyện này khá quen với tất cả nhiều người. Và bạn có bao giờ nhìn nó dưới một góc độ khác không?

Bất kể khi nào Căn (giác quan) tiếp xúc với Trần (thế giới) đều sinh ra Thọ (cảm giác: hình ảnh, âm thanh, mùi, vị, thân, cảm giác ý (cảm giác pháp trần)). Cái anh bạn Thọ này, vốn dĩ anh ấy không làm hại gì tới ai cả, hoàn toàn là một cảm giác được sinh ra do Căn – Trần tiếp xúc. Nhưng chúng ta lại yêu thích anh ấy, không rời. Rồi đến lúc, chúng ta nhận ra chúng ta làm kiểu gì cũng không thỏa mãn được anh ấy (không chỉ là thỏa mãn các giác quan mà thỏa mãn cả suy nghĩ, nên mọi người mới hay lao vào tranh cãi để anh ta có dịp được thể hiện). Nếu bạn có thể nhận ra sự thật này, chính sự dính mắc vào anh ta làm cho bạn khổ, bạn tự xa lìa anh ta, thì tại đó bạn không bị các cảm giác chi phối, dẫn dắt mình đi nữa.

Với việc thực hành lộ trình tâm Chánh đạo, Chánh niệm ngay thời khắc khi Căn-Trần tiếp xúc, thì Thọ dù khởi lên, nhưng chỉ là Tâm biết trực tiếp Tưởng được sinh khởi, không hề có tâm biết Ý thức làm phát sinh Tà niệm, thì tại đó bạn từng bước tự cắt đứt các mắt xích trên chuỗi Duyên khởi. Có sự Tỉnh giác mà bạn nhận ra tâm mình không còn nhấp nhổm: thích cái này một tí, thích cái kia một tí; hay rơi vào việc luôn tự đặt câu hỏi lựa chọn cái này hay cái kia. Sự nhất hướng trong tâm bạn được sinh khởi. Vì không bị lôi kéo, ràng buộc, dính mắc bởi anh Thọ, Bạn hoàn toàn được ly tham. Bạn hiểu ra sự độc lập giữa bạn và Thọ, bạn từ bỏ được các tư tưởng làm chủ, tư tưởng sở hữu từ đó đoạn diệt được những tâm hành, thức sinh khởi nơi tâm mình; ở đây bạn an tịnh với trạng thái bình an thực sự trong tâm. Nhờ không có mối quan hệ với anh Thọ bạn hoàn toàn nhận rõ các mối quan hệ khác trên thế giới nhờ đó mà thắng trí được phát triển, giác ngộ được viên mãn. Bạn sống thực, bạn là bạn với Niết bàn bên trong nội tâm mình, không còn mơ mơ hồ hồ về một cõi nào, thế giới nào không có thực hay được nói tới ở ngoài kia nữa.