Trò chơi tri kiến của nguyện

Chúng ta ai cũng nhìn thấy các phần mềm, aps, web, ứng dụng… nhưng ít ai nhìn thấy ngôn ngữ lập trình đằng sau chúng. Mỗi chúng ta cũng vậy. Cái chúng ta thấy là hiện tướng thân tâm này. Nhưng đằng sau nó là gì thì chúng ta chỉ biết Phật nói là ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Mỗi một phần mềm…, được viết bằng các câu lệnh, trong quá trình sử dụng, chúng bị lỗi gì, hay cần tương thích gì với người dùng thì người lập trình lại sửa đổi câu lệnh đó cho phù hợp. Các hoạt động đó là thêm, bớt, sửa, thay đổi cấu trúc, điều kiện, vòng lặp…

Còn chúng ta? Chúng ta đến một môi trường mới, chúng ta cũng sẽ lập trình lại các hành vi ngữ, nghiệp… để phù hợp với môi trường và con người ở đó. Khi chúng ta tiếp cận với một loại người, chúng ta lại dùng 1 tập hợp các lập trình tính cách riêng để tương tác với đối tượng đó. Chúng ta ước mơ, hay lập kế hoạch cũng chính là cách chúng ta tự lập 1 bản lập trình để đạt cái mục tiêu đó. Ngay cả tu tập, chúng ta cũng lập trình: tu thế này, thế này và thế này… Chúng ta hay gọi là vai diễn, hay có thể gọi là trò chơi của tri kiến cũng được.

Các nguyện trong đời sống cũng chính từ các trò chơi của tri kiến này mà thiết lập nên. Nó thiết lập thế này là tốt, thế này là nên làm, thế này là đúng, thế này là thiện, thế này mới là đạo, thế này mà tu… và ngược lại. Chúng ta cứ chạy theo các thiết lập đó để hành động, để suy nghĩ, để phát ngôn mà không biết mình đang làm con rối cho chúng. Chúng bảo sao thì ta làm như vậy. Mà không hề nhận ra, tất cả vẫn là thêm, bớt, sửa, đổi các cấu trúc lập trình đó. Phần mềm đó được viết đi viết lại dưới nhiều verson. Hoặc lại viết ra các tool để sử dụng hữu ích hơn. Cái vòng tri kiến vẫn chạy và lặp đi lặp lại một cách luẩn quẩn. Chỗ nào cũng cho rằng như thế này là đúng, góc nào cũng cho rằng như thế mới là tốt. Để rồi các câu lệnh cứ dài ra, dày thêm. Nói theo ngôn ngữ nhà Phật thì nghiệp chồng nghiệp, sự huân tập danh-sắc không mỏng bớt đi mà chỉ có dày thêm và kéo tất cả rơi lại luân hồi.

Vậy thì chúng ta nguyện cái gì? Chỉ còn một nguyện duy nhất chúng ta cần thực hành là xả ly tất cả các pháp. Đó cũng là nguyện cho tất cả không còn dính mắc, ràng buộc, chấp trước vào bất cứ điều gì có mặt trên đời. Tại đó, chính chúng ta cũng tự đặt câu lệnh End cho bản lập trình tri kiến của mình một cách sớm nhất. Tự chúng ta cũng không tham gia thêm vào bất cứ vòng lặp tri kiến nào nữa. Chúng ta mới có thể đứng ngoài cuộc, thấu tỏ sự vận hành của nhân quả, cởi trói cho các tập hợp của 5 uẩn, đi gần hơn tới giải thoát là như vậy.

Trò chơi tri kiến trong cuộc sống còn nhiều lắm. Chúng ta thích chơi thì cứ chơi. Nhưng cần biết, các pháp xuất hiện (giống như việc một phần mềm, hay aps ra đời) cũng là sự huân tập đủ duyên để nó có mặt. Nó xuất hiện để sử dụng, để dùng trong hoàn cảnh đó, xong là xong, ra đi không dấu vết. Nó không phải của mình, càng không phải do mình tạo ra, mình cũng k thể áp dụng nó trong mọi trường hợp, với các loại đối tượng. Hãy thấm nhuần: các pháp là vô ngã, các hành là vô thường.

P.s: Mỗi cuộc gặp gỡ, trò chuyện, đơn giản là các duyên, hay nghiệp. Tâm còn cho phép thì nó còn thiết lập để điều đó lặp đi lặp lại. Khi “nghiệp” cạn kiệt, và tâm k thiết lập nữa, thì mọi thứ nó sẽ đi theo cách của nó để kết thúc. Mỗi người đều có hành trình của riêng minh. Mỗi nhân duyên đều chỉ là vết cắt ngang trong mỗi hành trình của hành giả mà thôi. Nhận ra nó là như vậy, đi qua, không vương dấu vết.

Sự độc thoại hay trò chơi của tâm trí

Đã khi nào bạn ngồi một mình và quan sát não phải và não trái nói chuyện với nhau? Một bên nhận thức cảm tính, một bên nhận thức lý tính. Chúng cứ tranh cãi nhau như thế này là đúng, như thế này là sai, nên là như thế này, nên là như thế kia.

Nếu bạn có nhiều hơn cơ hội tự độc thoại, thì dần dần bạn sẽ trên con đường đi đến sự tự nhận thức, giác ngộ. Nhưng chúng ta có quá nhiều thứ cần bận tâm và cần xử lý mà cơ hội tự độc thoại ít dần. Chuyện gia đình, chuyện con cái, chuyện công việc, chuyện bạn bè và giờ thêm chuyện mxh… Các đối tượng đó lôi bạn đi giải quyết xử lý các vấn đề chúng đem đến cho bạn.

Bạn có thể nói tôi không giải quyết, tôi đang tu, tôi đang ngồi thiền, điều đó k liên quan tới tôi. Những việc đó không liên quan đúng theo kiểu duyên sanh diệt, tuy nhiên pháp thế gian, mối quan hệ là có thực và bạn cần phải giải quyết các vấn đề phát sinh từ chúng do sự góp mặt một nhân là của bạn, từ bạn. Đúng với “còn hiện hữu là còn khổ”, vì bạn vẫn là một nhân hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp trong các duyên xúc bạn gặp. Bạn thực hành tu đạo không có nghĩa bạn gạt đi sự hiện hữu, hay nhân duyên của mình theo một trong hai cách một là trốn vào rừng sâu, hai là sống giữa đời nhưng không quan tâm tới bất kể cái gì. Bạn cần hiểu việc đến thì giải quyết, việc đi thì bằng lòng. Nhận biết rõ ràng chúng là các duyên sanh diệt, không có vướng mắc, chấp thủ chúng, chứ không có nghĩa từ bỏ, chối bỏ chúng.

Còn nếu bạn đã hiểu về duyên, về sự tự nhận thức thì bạn cần cho mình cơ hội thấy ra chúng. Không tự nhiên các vị tu hành xuất gia, chọn đời sống xuất thế gian, hay chọn đời sống ẩn tu, tịch tĩnh. Không phải họ sợ đối diện, không phải họ sợ duyên xúc, càng không phải họ không biết pháp thực hành giữa đời thường. Bạn còn biết, kinh sách nói rất nhiều, rất nhiều người biết, không có gì to tát ở đây cả. Mà các vị tu hành hiểu, nếu mất quá nhiều thời gian để tâm trí xử lý các vấn đề thế gian sẽ mất đi cơ hội tự độc thoại, hay nhìn vào bên trong.

Bạn thử quan sát chính mình xem, một ngày bạn đang xử lý bao nhiêu thời gian cho các công việc, cho fb, cho yêu đương, cho gia đình, cho con cái…? Bao nhiêu thời gian bạn ngồi tĩnh lặng một mình, lắng nghe mình, lắng nghe nội tâm? Bạn cho rằng mình biết cái gì đang xảy ra, đến đi với mình? Nhưng thực sự thì ai cũng biết, đó là cái biết của ý thức, cái biết của trí năng. Trừ khi bạn bị down thì bạn mới đang không biết điều gì đang xảy ra với mình vậy. Còn cái biết của rỗng lặng, cái biết của trực giác nó giúp bạn tự nhiên tỏa sáng, rạng ngời như bông hoa đẹp, gần gũi, đáng yêu, nó không có trí năng ở đó.

Bạn cho rằng bạn biết điều gì đang xảy ra? Cái biết đó là cái biết về đối tượng, thế gian pháp? Hay cái biết về cảm thọ đang sanh diệt nơi nội tâm? Cái biết dẫn đến sự huân tập của ngũ uẩn? Hay cái biết về sự không chấp thủ, dính mắc, để đi trên con đường giác ngộ, giải thoát. Nếu đã thực biết, vậy bạn sẽ biết đâu con đường cần đi, đâu là việc bạn nên làm và cần làm, có phải không?

🤣

Nhưng bạn vẫn còn biện hộ về quyết định của mình, về lựa chọn của mình, về hạnh nguyện của mình (sẽ nói về một hạnh nguyện hay trò chơi của tri kiến ở bài sau). Thực chất, bạn không thể cưỡng lại trò chơi của cảm thọ, trò chơi của tưởng, trò chơi của tâm hành, trò chơi của tri kiến. Những người thích yêu đương, ái niệm nhiều do không thể thoát khỏi trò chơi của cảm thọ. Những người thích khoe khoang, thích tán phét, thích các câu chuyện thị phi, vấn đề xã hội hay của ai đó do không thoát khỏi được trò chơi của tưởng. Những người thích kiếm tiền, thích làm việc, thích chăm sóc, quan tâm do không thể thoát khỏi trò chơi của tâm hành. Những người thích rao giảng, thích khuyên bảo, thích viết lách (như tôi đây ) do không thể thoát khỏi trò chơi của tri kiến. Do bạn không thể thoát khỏi các trò chơi này mà bạn cứ chơi đi chơi lại, lặp đi lặp lại – nó chính là luân hồi luôn đó ạ. Không phải đợi tới khi bạn chết, bạn tái sinh mới được gọi là luân hồi. Tái sinh ở đời sau của bạn, chỉ đơn giản là sự huân tập sâu dày của các sở thích, hay không thích khiến bạn không thể thoát khỏi trò chơi của sinh tử.

Cuộc sống đang diễn ra này là một loạt các trò chơi. Trong một loạt các trò chơi đó, bạn có thể chọn một trò để chơi – trò chơi với tâm trí – sự độc thoại. Nghe có vẻ điên rồ và tự kỉ. Nghe có vẻ như bạn đang không rỗng lặng được. Nhưng sự rỗng lặng thực sự chỉ đến từ các bậc giác ngộ, còn nếu không chỉ là tưởng. Bạn tưởng bạn rỗng lặng. Vì đơn giản, giữa xã hội đầy rẫy quay cuồng, bạn có vẻ tĩnh lặng hơn những người đang điên rồ với công việc, với gia đình, với tình yêu kia. Nhưng sự rỗng lặng thực sự chỉ đến sau khi bạn tự đối diện, bạn tự chơi trò chơi với tâm trí một mình.

Khi chỉ còn một mình, bạn gần như không còn sự bận tâm từ đối tượng bên ngoài. Những gì từ sâu thẳm bắt đầu nhảy ra, chúng hát hò, múa ca. Chúng nhớ lại các câu chuyện. Các cảm xúc từ đâu chạy về. Các yêu, ghét, giận, hờn ùa vào tâm trí. Thậm chí, những điều lâu lâu là lâu, tưởng như đã quên tịt hịt, bỗng hôm nay lù trước mặt như trêu ngươi bạn. Sự có mặt của chúng, bạn đâu có kiểm soát được, khiến tâm trí bối rối, khiến đôi khi hoảng sợ và lo lắng… Nhưng nếu bạn không dành cho mình những khoảng thời gian như vậy, từ chối cơ hội để chúng đến, để nhận ra sự tồn tại của chúng, thì bạn sẽ không thể biết được tâm trí của bạn hỗn loạn, dở hơi, thậm chí bẩn thỉu và xấu xa thế nào. Vốn bạn cho rằng mình rất thanh sạch, cao đẹp. Nhưng sự bất thiện lại luôn ngủ ngầm, như một con quái thú, khéo léo ẩn nấp, chờ đợi cơ hội vọt sinh.

Trò chơi của tâm trí không có thắng thua, không có đúng sai, nó chỉ đưa bạn gần hơn đến giác ngộ. Vì tại đó bạn nhìn sâu vào bên trong mình. Bạn nhìn thẳng vào sự thực đang diễn ra nơi nội tâm của mình. Chứ không phải chỉ là các vấn đề hào nhoáng, ảo ảnh bên ngoài. Trong trò chơi tâm trí, bạn nhận ra đâu là cái bạn đang ảo tưởng, đâu là cái chân thực còn lại, đâu là cái nó là, đâu là cái nó không là rõ ràng, cụ thể mà không phải cần đến từ bất kì một vị thầy, hay một cuốn sách nào nói với bạn.

😆
😆

Mỗi ngày bạn dành được bao nhiêu thời gian để tự chơi trò chơi tâm trí của chính mình? Hay, biết rồi, khổ lắm, nói mãi.

Trò chơi với cảm thọ

Bạn đang sống với giây phút hiện tại, hay đang tận hưởng giây phút hiện tại, hay đang chơi trò chơi với tâm mình? Như thế nào cũng đúng, nhưng ba sự nhận thức này sẽ đưa tới các hành vi ngữ, nghiệp, mạng khác nhau.

Bạn đang tận hưởng giây phút hiện tại? Bạn thấy mãn nguyện với tất cả những gì đang có, tất cả những gì thiên nhiên và người khác ban tặng? Trong bạn tràn lên một sự hoan hỷ lớn mạnh. Nhưng sự hoan hỷ này có điều kiện. Có điều kiện của ngoại cảnh và có điều kiện của tâm trí. Khi các giác quan của bạn tiếp cận với thế giới bên ngoài, các thông tin bạn nhận được phù hợp với các tư tưởng đã được thiết lập, bạn mãn nguyện, bạn hoan hỷ và bạn tận hưởng. Bạn đồng hóa đối tượng với mình, đồng hóa cảm xúc với mình. Bạn đang bị chúng dẫn dắt mà k hề biết. Bạn k muốn thay đổi ngoại cảnh, hoặc nếu có bạn tìm những ngoại cảnh tương tự để tận hưởng.

Bạn đang sống với giây phút hiện tại? Đây là một cảnh giới cao hơn và có vẻ tỉnh thức hơn. Vì bạn hiểu rằng, mỗi sát na trôi qua là luôn mới, thực ra nó là Dukkha, nó không đồng trục, nó có nét riêng (giải thích Dukkha ở dưới). Chính vì sự dukkha này mà mỗi sat-na đi qua đều có nét riêng. Vì bạn sống với giây phút hiện tại nên bạn tràn đầy phúc lạc. Bất kể đối tượng như thế nào thì bạn cũng tròn đầy như vậy. Bạn không còn bị phụ thuộc điều kiện nữa. Bạn nhận thức rõ lạc thọ, khổ thọ đến với mình. Lạc thọ bạn cho phép mình hỷ lạc với lạc thọ hợp pháp, khổ thọ đến bạn hiểu đó là điều cần đến và hỷ lạc với nó. Nhưng sự thực, một nét vi tế vẫn xảy ra nơi tâm thức của bạn: đây là lạc, đây là khổ. Bạn vẫn thích thú với những gì đây xảy ra. Bạn thích thú với cả trí tuệ của mình khi nhận thức được đấy là các cảm thọ.

Bạn đang chơi trò chơi với cảm xúc, cảm giác của mình? Nếu bạn là người tận hưởng thì việc bạn chơi trò chơi với cảm xúc, cảm giác của mình đang ở mức độ thô. Điều này khiến bạn phải tung lên, hô lên: ta đang chơi đây, thích thú lắm, vui lắm, đến đây chơi đi, hoan hỷ, hoan hỷ mà. Người đang sống với giây phút hiện tại thì có vẻ tĩnh lặng hơn, ý nhị hơn, không hô hào nhưng: hãy là như thế, hãy như thế, thế là thế. Thực ra, không thể nói với bạn rằng: bạn không thể không tận hưởng, hay bạn không thể sống ở giây phút hiện tại. Mà cái bạn cần #nhận ra là bạn có đang chơi trò chơi với cảm xúc, cảm giác của mình không?

Mỗi duyên xúc, do căn >< trần tiếp xúc, đều phát sinh thọ – cảm giác nơi 6 giác quan. Cảm giác từ 5 giác quan ban đầu có thể dùng sự tỉnh giác để dừng lại ở xúc chạm nơi giác quan đó, nhưng một sự rất vi tế thôi, lọt qua được, đi tới ý căn, thì cảm giác tại đó nhanh chóng được đi tiếp thành các cảm giác, cảm xúc mà bạn nhận thấy nó ở bên trong mình. Nên bạn thấy rằng mình không còn bị những gì thô thiển ở bên ngoài ảnh hưởng, tác động tới. Nhưng bạn lại cho phép cảm thọ đó được xảy ra nơi bên trong mình, cho chúng là hợp pháp, cho chúng là điều đó là cần phải có. Đúng rằng, là con người thì đó là điều không tránh khỏi vì điều đó đã diễn ra từ khi bạn có mặt trên cõi đời này, trải qua trăm ngàn kiếp luân hồi của bạn.

Chính suy nghĩ cảm giác, cảm xúc đó là điều tự nhiên, ai cũng như thế, thậm chí, mình đã không còn tâm phân biệt với bên ngoài, đây là điều bên trong, khiến bạn cho phép mình được chơi đùa với các cảm thọ đang sinh diệt nơi tâm mình. Sự cho phép đó khiến bạn có thể đặt bút viết thành nhạc, thành thơ ca, thành họa phẩm, cất lên những lời tràn đầy yêu thương, thành những hành vi đầy tính thiện, hồn nhiên. Bạn cho phép mình là thiên nhiên, thiên nhiên là bạn. Bạn cho phép mình được chảy ra, hòa tan, cũng như cho phép ai đó đi qua bạn như một ân huệ của thượng đế. Tại đó bạn dường như không thấy mình còn bản ngã. Vì vốn dĩ bạn hiểu rằng: bản ngã là có điều kiện, có hình tướng, có so sánh, có chủ – khách. Nhưng thực tế bạn chưa hiểu thế nào là #Vô_ngã.

Tứ thánh đế – bài kinh đầu tiên Đức Phật giảng cho 5 anh em Kiều trần như thì chỉ có vị (…) giác ngộ. Bài kinh thứ hai Vô Ngã Tướng, sau khi Đức Phật giảng, thì có thêm vị (…) giác ngộ – Nhập lưu. Vậy tại sao lại thế? Cũng chính là vì các vị kia chưa chấp nhận và vẫn còn cho rằng cảm thọ đó là tôi, của tôi.

Tâm – sự tập hợp của 5 uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Chúng đơn giản là kết quả của các duyên sanh (xúc) giữa căn – trần. Các kết quả đó là dukkha, chúng vô thường, vô ngã. Vậy có gì mà nắm giữ, vậy có gì mà hoan hỷ, đâu có cái Ta hay Không Ta ở đây. Đã không như vậy, vậy có gì mà để chơi đùa, có gì mà cần giữ lại, nhặt lấy, gìn giữ hay thậm chí ngắm nghía? Có gì mà tràn hay không tràn, có gì mà hòa hay không hòa? Còn có gì ở đây không?

Bạn bước ra, ngoài cuộc với các cảm thọ đó, bạn không còn là nó, nó cũng không là nó. Một sự “xả lạc, xả khổ, diệt trừ hỷ ưu đã cảm thọ trước, không khổ – không lạc, xả niệm thanh tịnh, tâm thuần tịnh trong sáng toàn vẹn” nơi nội tâm của bạn – mà Đức Phật đã miêu tả là Tứ thiền – nó không chỉ xảy ra trong các thời tọa thiền, nó là cách sống thực sự của bậc Thánh. Tại đây, bạn mới có thể đi tiếp trên con đường thắng trí, chứng ngộ, giải thoát, Niết bàn, không còn trở tới, trở lui nữa.

🧘‍♀️
🧘‍♂️
🧘

Phong Cảnh

Núi vốn dĩ chỉ là núi, sông vốn dĩ chỉ là sông. Bạn đã kết hợp nó vào và đặt tên cho nó là Phong Cảnh.

Một mối quan hệ, dù được đặt tên dưới bất kì tên gọi nào, thì tại đó bản ngã đã được hình thành, bản ngã có mặt. Vì nó là một sự kết luận, một sự công nhận, một sự muốn người khác gọi tên và tôn vinh. Bạn càng cho nó cao quý bao nhiêu thì bấy nhiêu đã mất đi tính Không vốn có, tính vô phân biệt vốn có. Tại đó đã có tôi và của tôi. Tại đó có mặt của người trong mối quan hệ, người được trong mối quan hệ. Bản ngã vi tế khéo léo đã làm dày lên các tập hợp tính chất của mối quan hệ để bạn phải gọi nó bằng tên, để nó thỏa mãn. Cũng chính là để bạn tự thỏa mãn, thỏa mãn vì bạn có mặt, thỏa mãn vì bạn được.

Nên là không có thầy, không có trò, không có sư phụ, không có đệ tử, không có mẹ, có cha, không có con cái, không có vợ, không có chồng, không có người yêu, không có tri kỷ, không có chị, không có anh, không có em. Đơn giản chỉ là I và U. Dù là I đóng vai trò nào I vẫn là I. Dù bạn coi U đóng vai trò nào U vẫn là U. Sự kết hợp của I trong U tạo thành sự kết hợp của vũ trụ, một biểu tượng của sự hợp nhất.

Khi hợp nhất, không còn tồn tại I, và U tức là không còn tồn tại chủ thể và khách thể. Trong một mối quan hệ, đơn giản đó là các nhân duyên, các duyên xúc được sanh lên và diệt đi không ngừng. Bạn bắt lấy một “quả” sanh trong mối quan hệ đó, bắt đầu suy nghĩ, đặt tên, gán đối tượng cho nó, tại đó ý thức được hoạt động, tại đó nó không còn là nó, tại đó dòng chảy bị ngắt quãng. Tại đó bạn đã kéo cái toàn thể xuống thành cái cá thể và bạn tưởng rằng bạn được, nhưng thực ra bạn đã mất. Mất đi cái tính thuần khiết, tính dòng chảy, tính toàn thể.

Mặt khác, điều mà ai đó mang lại cho bạn, bạn vốn đặt tên cho nó rất cao quý: tình mẫu tử, tình yêu, tình bạn, tình thầy trò… điều đó đáng được bạn trân trọng và tôn trọng. Nhưng những cảm giác và tình cảm từ mối quan hệ đó mang lại đơn giản chỉ là chuỗi các quả (do duyên sanh của các tương tác giữa bạn và người đó) được bạn nhặt lên, cất giữ, ngắm nghía và lau chùi. Nếu bạn hiểu nó là duyên sanh thì bạn cứ đón nhận điều đến và đi là vừa đủ. Nhưng bạn lại cho rằng nó là ta, của ta, vì sự có mặt của bạn trong mối quan hệ đó. Để rồi bạn muốn nó long lanh theo cách của bạn, muốn thường hằng theo cái lung linh mà bạn cảm, muốn nó không có xây xước, va chạm bởi cả chính hai người trong mối quan hệ đó, lẫn một đối tượng thứ ba nào khác từ bên ngoài. Sự nắm giữ này khiến bạn tự đặt mình ràng buộc trong mối quan hệ, với tất cả các định kiến, thường kiến, tư kiến, tư tưởng… mà bạn có thể khắc họa lên nó.

Bức tranh về một mối quan hệ thực sự vốn dĩ là không màu, không sắc, không hương. Bản âm nhạc về một mối quan hệ thực sự vốn dĩ là những dấu lặng độc lập, bằng phẳng. Vì mỗi cá thể vốn dĩ đều là tính Không. Nhưng rồi, mỗi người tự cho mình một cá tính, một nốt nhạc để mà từ đó có quá nhiều tô vẽ, quá nhiều cung bậc, để rồi bạn tự cho mình cái quyền lấp lánh, và cũng tự cho mình cái quyền u xám, để rồi bạn phải nhảy nhót cao vống, hay quay cuồng chóng mặt, ủ dột với các nốt móc đơn, nốt luyến, nốt trầm. Như vậy đấy.

Chừng nào bạn có thể hiểu, sự có mặt của bạn, hay sự có mặt của bất kì hiện hữu nào, đơn giản chỉ là các tập hợp của 5 uẩn (danh và sắc)?

Dukkha

🥰
🥰

Đúng là dukkha

Một cái là hoa hồng chồng mình tặng mình, một cái hoa chồng mình tặng người ta, một cái là hoa chồng người ta tặng mình (vừa nhận, mà k biết ai), và cả ảnh miền Trung không hoa.

Nhân chủ đề này, chắc sẽ phải giải thích ý nghĩa của Dukkha – giải xong sẽ thấy các cụ nói đúng “mọi sự so sánh đều là khập khiễng”. Chính vì trong tâm khi Xúc với đối tượng, nảy ra so sánh đối chiếu hoặc là với tri kiến sẵn có, hoặc là với kết quả của Duyên trước đó mà tạo thành sự khập khiễng, không đồng nhất, bất mãn, bất toại nguyện, bất như ý… Nếu hiểu rằng mỗi Duyên xúc đều chứa Dukkha, thì tự vắng mặt sự so sánh, mà nhờ đó Thích, và Ghét không còn cơ hội có mặt. Cũng không khởi lên sự tìm kiếm để thay thế cảm giác trung tính. Sự thưởng thức là trọn vẹn, duy nhất và ngay đó, tại đây, bây giờ, viên mãn. Cũng như sự chấp nhận, bằng lòng ghi nhận với những gì với thực tại đang diễn ra.

Cảm ơn bài học ngày 20.10 hôm nay.

🥰
🥰
🥰

Và chúc tất cả các bạn gái luôn trọn vẹn từng phút giây, dù là hoa, không hoa thì cũng vẫn chỉ là Dukkha.

Phố ơi

Nhân dịp ngắm bức tranh “Phố ơi” của thầy Thắng Trịnh.

Krishnamurti có viết: “Khi bạn so sánh bức tranh này với bức tranh khác, hay bất cứ thứ gì, bạn đang không thật sự chiêm ngưỡng chúng. Bạn hãy sống và đừng bao giờ so sánh mình với người khác ngay cả trong tâm tưởng. Đừng cố gắng sống theo bất kì vị thánh thần hay bất kì lý tưởng nào. Nếu ta không so sánh với mọi đối tượng, ở mọi cấp độ thì tâm trí sẽ trở nên tự tại và sống động phi thường vì nó chỉ nhìn vào “điều đang là” mà thôi.”

Tôi có dịp gặp và học thầy từ gần 6 năm trước, với quãng thời gian học trực tiếp gần 3 năm. 3 năm nay, ít có cơ hội lui tới thầy, nhưng một số bài pháp của thầy đã là nền móng thật sự vững chắc cho những bước đi đầu tiên trên con đường hành giả của mình.

Tất cả tranh hay thơ, kệ của thầy, đều là trạng thái tâm thức nơi các pháp đang liên tục sinh diệt. Dưới sự rỗng lặng, trong sáng, thuần khiết, thầy kịp với tay ghi lại những điều đó, như một sự tri ân trên con đường chứng ngộ của mình, cũng là cái có thể diễn tả một cách hữu hình hơn để chia sẻ với độc giả và học trò.

Ngày đầu, tôi cố hiểu những bức tranh của thầy ngụ ý gì, miêu tả gì. Như một cách chứng minh bản ngã, tôi tìm cách đi qua những dòng tâm thức đó. Tôi muốn chứng minh mình, khẳng định mình. Nhưng tất cả đều bị kẹt lại. Càng cố tìm hiểu, càng cố định nghĩa, càng vướng víu và chật chột.

Rồi một ngày, tôi hiểu, tất cả chỉ có thể “cảm”. Trong Kinh Tứ niệm xứ, Đức Phật có dạy khi thực hành thiền Minh sát: cái gì chưa sanh nay sanh khởi, cái gì đã sanh nay diệt, cái gì đã diệt nay không sanh khởi nữa. Hóa ra cái mà tôi cần đọc, cần tìm hiểu không phải nằm ở nơi các bức tranh và bài thơ kia, mà nó là dòng tâm thức nơi nội tâm của chính mình khi chạm vào chúng. Với sự rỗng lặng, trong sáng, thuần khiết thầy đã gieo trồng. Tôi hít một hơi dài, thả lỏng, và hòa vào dòng chảy nơi các bức tranh và bài thơ đó. Đầu tiên chỉ là sự mờ nhạt, nhạt nhòa. Nhưng không cố tưởng tượng ra, cũng không cố gắng để thấy ra. Cứ chậm rãi, từ từ, với tất cả sự rỗng rang đó, mọi thứ được hiển lộ, và phơi bày như nó là.

Có lúc, tôi đã từng òa lên sung sướng. Một chút bản ngã vống lên thôi, dòng chảy đó lập tức bị ngắt quãng. Và tôi hiểu, bên trong sự rỗng rang đó là một dòng chảy trong suốt, thuần khiết, cần được nhận biết “như thật là”. Và nhiệm vụ của người hành giả là mỉm cười, ngắm nhìn và tĩnh lặng, cũng có thể là một chút tận hưởng sự hỷ lạc nơi nội tậm mình.

Đọc lại câu của Krish, tôi thấy thật thấm thía. Mình không thể cố gắng bắt chước ai và cố gắng trở thành ai đó được. Học trò và người thầy luôn sẽ có những dòng chảy giao thoa, nhưng người học trò cũng có những nét riêng trong dòng chảy của chính mình. Nên tôi không còn cố đi giải thích, chứng minh mình hiểu về tranh và thơ của thầy, cũng không cố kết luận nó theo cách tư kiến của mình nữa. Tôi hiểu thật rõ ràng câu thầy đã dạy đi dạy lại bao lần: “chạm là buông”. Dừng lại ở tâm biết trực tiếp khi tiếp cận đối tượng, đừng suy nghĩ gì. Và trong sự rỗng rang, trong sáng đó, cái nhận biết là dòng chảy không ngừng của các duyên sanh. Không bám, không buông, chỉ cần nhận biết và thấy ra như thực nó đang là để từ đó thực chứng ra sự vô ngã của các pháp, sự vô thường của các hành.

Tôi mỉm cười, nhặt vài lọ màu, thư giãn, thả lỏng, và cũng pha pha, hòa hòa tạo nên vài bức tranh mang dòng chảy riêng mình như một sự tri ân đến người thầy của mình.

Đạo hữu

Đầu tuần, gửi tới các bạn một trường hợp cụ thể về một doanh nhân thiền. Tại sao anh khó khăn với thiền Tứ niệm xứ và càng ngày càng rối hơn? Tôi đã từng trao đổi với anh, bản thân anh ngoài trao đổi với tôi thì lặn lội hỏi han mỗi người một chút, nhưng vẫn không ổn. Và để cụ thể lại câu trả lời cho anh, tôi viết tổng hợp qua đây (thực ra chỉ có vài ý thôi, mà phải diễn giải dài dòng như này, nhưng là để cho rõ ràng, hy vọng dài loằng ngoằng ntn k khiến mọi việc lại loằng ngoằng hơn ).

Tôi biết anh trong một khóa thiền tập trung. Mục đích của anh đi học thiền là vì công việc quá nhiều áp lực, căng thẳng, stress… và anh mong muốn những phút giây thư giãn, thoải mái, tĩnh lặng hơn khi tìm đến thiền. Đa số doanh nhân tìm đến thiền là thế. Tôi cũng từng như thế. Vì những thông tin về thiền được rao giảng là như thế. Có lẽ ai đó đọc đến đây cũng nói, một trong những kết quả của thiền cũng thế.

Phải nói về lý do ở trên vì lý do to hơn lý trấu mà. Cái mục đích của mình định làm một cái gì đó nếu khi mình thực hành nó không đem lại như vậy, k như mình nghĩ thì mình thấy sao sao ấy.

Thiền mà anh mong muốn, mà anh nghe được ở đâu đó trước khi đi học khóa tu đó là một khái niệm mà bên ngoài gán cho là Thiền – ngồi xuống, nhắm mắt, giữ đầu óc thân tâm buông lỏng tự nhiên, không nghĩ gì, hoặc có thể tưởng tượng đang được tới một khu rừng đầy tiếng chim, một bờ biển ngập tràn nắng gió và sóng vỗ rì rào, thả lỏng, thả lỏng và thư giãn tuyệt đối để thân, tâm hòa nhập với tự nhiên như vậy. Công nhận là nó rất là thư thái, thoải mái, những giây phút ở trong “thiền” này chẳng muốn rời. Ai đó phá buổi thiền thì khó chịu lắm. Phải ra ngoài làm việc càng khó chịu.

Hệ thống Kinh Phật chia ra hai khái niệm Thiền Chỉ và Thiền Quán. Thiền Chỉ thì dùng nỗ lực, ý chí cá nhân buộc tâm vào một đối tượng lấy đề mục là hơi thở, hay phồng xẹp, hay một điểm chạm nào đó nơi thân vật lý để tâm ý luôn hướng đến đó. Nhưng với một người mới hành thiền, điều đó thực sự là khó khăn với các vọng động sẵn có trong tâm. Cứ ngồi yên mà bảo hướng tâm tới đề mục tĩnh được chút là nó lại nhảy đi đâu mất. PP bên ngoài là tưởng tượng ra núi rừng chim hót, biển xanh cát trắng thì dễ hơn vì đầu óc con người ta được bay bổng, được thỏa trí vọng tưởng, và giống như đang ở nhà được đi du lịch tâm trí thì thích thú thôi. Nên khi không làm được càng khó chịu. Càng không làm được càng rối.

Còn nếu đi vào thiền quán, thiền Tứ niệm xứ. Lấy đề mục là Thân Thọ Tâm Pháp thì càng loằng ngoằng hơn. Đầu tiên phải kể tới là khái niệm. Giải thích là một chuyện, hiểu nó lại là chuyện khác. Mà cơ bản là nó quá khó đi. Đã khó rồi lại còn nhiều. Phần Thân thì có quán hơi thở, 4 oai nghi, 32 tướng tốt, nội thân, ngoại thân, tử thi…. phần thọ thì có khổ thọ, lạc thọ, bkbl thọ, rồi chia 18 thọ hay thậm chí tới 108 thọ… phần tâm theo kinh thôi đã có tâm tham sân si, tâm quảng đại k quảng đại, tâm phóng dật, k phóng dật…. phần Pháp thì có: 5 triền cái, 6 nội ngoại xứ, 7 giác chi, 12 nhân duyên, 4 thánh đế, 8 chánh đạo… Viết khái niệm thôi đã mỏi tay. Chưa kể thiền Tứ niệm xứ là quán luôn các hoạt động thân, tâm khi vừa xảy ra. Và tất nhiên, càng để ý càng điên loạn. Kiểu như rõ ràng tôi biết khi tâm có tham sân si, sao càng quán càng tham, càng quán càng sân… Vì vậy đây được cho là một loại pháp hành khá khó khăn.

Với một người có bản ngã, là doanh nhân, khi học thì đâu chịu dừng lại ở biết vậy, cái gì hiểu, dễ thì thực hành trước. Khi tiếp cận cái mới thì hiển nhiên cái gì cũng muốn thỏa mãn tâm trí của mình. Một loạt khái niệm như thế, mỗi tông phái một kiểu, thầy này một kiểu, thầy kia giảng một kiểu, mỗi sách, luận viết một kiểu… đó là chuyện rất hiển nhiên của gần 2600 năm nay rồi, từ khi Phật nhập diệt. Nên cố tình muốn hiểu nó tường tận khi chưa hành hẳn hoi, muốn thỏa mãn cái bản ngã, hiểu biết của mình thì chỉ càng làm mọi thứ rối lên. Ai đó sẽ nói phải hiểu đúng mới hành đúng. Đúng là vậy, nhưng chọn một đề mục ở phần quán thân thôi chẳng hạn mà hành cho đúng rồi hãy lăn lộn với đống khái niệm kia. Chứ ôm đồm vậy chắc chết luôn quá. Muốn thỏa mãn sự hiểu biết của mình thì chết thật rồi.

Đó là nói về pp hành mà anh ấy tiếp cận. Nhưng ngoài ra, nó cũng xuất phát từ cái tham, thì phần thứ hai quan trọng là không học được chữ nào của Tứ niệm xứ hết. Vì ngay khi các giác quan tiếp cận thế giới bên ngoài, thì một loạt câu hỏi đã được phơi bày sẵn:

– đây là cái gì?

– cái này là ntn?

– sao lại thế này?

– sao k phải là thế kia?

Một loạt các câu hỏi được hỏi về đối tượng vì nó quá mới mẻ với anh. Nếu thông tin dung nạp nó được tự giải đáp, hoặc nó tạm thời được giải đáp thỏa mãn thì tâm trí tạm dừng lại. Nhưng vì chưa có Chánh kiến, còn Hoài nghi, nên hệ thống tư duy lại tiếp tục hoạt động: hay là mình hỏi người này xem người ta giải thích thế nào. Câu trả lời nhận lại, tạm tương thích thì lại yên ắng được một chút, thì hay hỏi người này xem… Và tất nhiên, k hẳn thầy bói xem voi, nhưng mỗi người với một khái niệm đều có cách tiếp cận khác nhau theo duyên của họ. Nếu là người k thông hiểu, thì tự dưng thấy chúng khác và tâm trí lại loạn lên.

Điểm thứ ba, là anh ấy không chấp nhận và nhận diện được những phiền não đang khởi lên trong tâm. Xuất phát điểm là có phiền não mới đi thiền. Đi thiền khó càng phiền não. Khó rồi hỏi người khác mà k ai giống ai lại càng thêm phiền não nữa. Phiền não chồng phiền não. Càng đi càng rối. Càng đi càng quẫn. Tại sao k thấy phiền não cũ thuyên giảm, giờ thêm đống văn-tư này càng thêm đảo lộn? Và cái này là tham an.

Như bài trước mình có nói, con người ta luôn thích nói dối về phiền não của mình, tìm cách tránh né nó và bảo: tôi không sao đâu, k có vấn đề gì, vô thường, vô ngã ấy mà… Vì đầu tiên, phiền não gây cho bạn một phản ứng khó chịu không chỉ nơi tâm mà cả trên thân thể. Bạn cứ thử đợi tắc đường mà xem. Bạn cứ thử nghe tin tháng này chưa có lương vì covid mà xem… Những biểu hiện đó cực rõ nơi thân thể, và bạn không muốn chịu đựng nó. Bạn sẽ tìm cách giải thích tại sao lại thế, sao lại có thể thế được, mình phải đi hỏi ai đấy, mình phải tìm bác sỹ tâm thần… Mà không chịu lắng lòng ngồi lại. Tọa thiền là lúc bạn đối diện với các phiền não sanh khởi, nhận diện nó, tìm hiểu về nó, tuệ tri lý duyên khởi của nó để tìm ra mắt xích vô minh, chấp thủ nơi tâm mình. Nhưng không, bạn vội vàng từ chối nó, sợ hãi nó, tìm cách tránh né nó. Ngoài việc chạy tứ lung tung thì còn tìm những phương pháp vào Định để loại bỏ phiền não nơi tâm mình. Tôi chỉ có thể dùng từ: hèn nhát ở đây.

Tôi không muốn đi sâu vào giải thích về tại sao lại có phiền não, vì loanh quanh nếu chung chung thì nằm trong tham sân si. Nhưng mỗi người nếu đi thẳng vào nó đều hiểu được tại sao mình còn phản ứng với các cảm thọ đó như vậy.Hãy dám nhận diện nó, dám thừa nhận nó. Vì còn đang trên đường tu tập, đặc biệt mới tu tập, phiền não càng nhiều, vì lúc này, bạn đã bắt đầu soi lại tâm mình. Thực ra mặt bạn lúc nào chẳng bẩn vì có lỗ chân lông mà. Nhưng nếu bạn k soi gương, chỉ sờ sờ thôi, thì ok, không sao. Và bạn cần hoan hỷ và vui mừng mình đã nhận diện được nó nhiều hơn. Giờ cái cần là:

– cái gì chưa sanh nay sanh khởi

– cái gì đã sanh nay đoạn diệt

– cái gì đoạn diệt nay không sanh khởi nữa

Nên hãy tự tin, như một người bước lên đỉnh, từ trên đỉnh bạn sẽ nhìn rõ hơn, dù hành trình lên đỉnh có vất vả, gian khổ, tốn sức thế nào. Đừng chạy một vòng quanh núi, tìm một cái thân cây trú ngụ, hay cho rằng nó tự sanh nó tự diệt. Đúng là nó vốn dĩ vẫn tự sanh tự diệt mà. Nhưng qua cái sanh diệt đó, bạn học được cái gì. Giống như quán hơi thở, ngày đầu tôi niệm hơi thở, bạn tôi bảo: hơi thở lúc nào chẳng vào chẳng ra, làm sao phải theo dõi hơi thở làm gì.

Trong bài Kinh Kìtàgiri, Đức Phật đã nói: “Này các Tỷ-kheo, Ta không nói rằng trí tuệ được hoàn thành lập tức. Nhưng này các Tỷ-kheo, trí tuệ được hoàn thành nhờ học từ từ, hành từ từ, thực tập từ từ. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là trí tuệ được hoàn thành nhờ học từ từ, hành từ từ, thực tập từ từ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, một vị có lòng tin đi đến gần; sau khi đến gần, vị ấy tỏ sự kính lễ; sau khi tỏ sự kính lễ, vị ấy lóng tai; sau khi lóng tai, vị ấy nghe pháp; sau khi nghe pháp, vị ấy thọ trì pháp; sau khi thọ trì, vị ấy suy tư ý nghĩa các pháp được thọ trì; sau khi suy tư ý nghĩa, các pháp được chấp thuận; sau khi các pháp được chấp thuận, ước muốn sanh khởi; sau khi ước muốn sanh khởi, vị ấy nỗ lực; sau khi nỗ lực, vị ấy cân nhắc; sau khi cân nhắc, vị ấy tinh cần. Do tinh cần, vị ấy tự thân chứng được sự thật tối thượng, và với trí tuệ thể nhập sự thật ấy, vị ấy thấy.”

Từ từ không hẳn chỉ là chỉ thời gian, cứ tu đi rồi sẽ tới, mà cần phải hiểu tu như thế nào. Từ từ để không còn lòng tham, không còn sợ hãi khi thực hành. Muốn tu tập để hướng thượng là tốt. Nhưng muốn tu tập để được nọ được kia, để không phải bị nọ bị kia sẽ đưa chính người tu vào vòng luẩn quẩn như anh bạn ở trên. Việc cần làm là tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác chứ không phải để tâm ý mình chạy loạn lên, và bản thân mình cũng loạn lên như vậy.

Tôi không có ý định chê trách anh ấy, mà với tâm từ của mình, tôi viết ra được những điều này vì chính bản thân mình đã trải nghiệm tương tự. Đã có lần, chồng tôi – một gv dạy thiền còn bảo: vợ đi học hết lớp 1 ở VN, lại chạy sang Úc học lớp 1, rồi lại sang Mỹ… Tôi thật mong rằng, không còn nhiều người tương tự như vậy. Tôi đã từ bỏ ý muốn thỏa mãn “tri thức” nơi tâm mình. Nếu thấy tâm mình quá nhiều vọng tưởng, không thể tọa thiền, tôi thiền hành. Tôi kiếm những thứ sở thích như học hát – để theo dõi hơi thở rõ hơn; học võ để theo dõi cử động tay chân hông eo; học đàn để quán âm thanh theo nốt, phách; học vẽ để theo dõi cử động ngón tay… Nếu thấy quá muốn tìm hiểu, tôi search từ khóa vào file 5 bộ Kinh Pali lưu dưới dạng word và đọc tất cả các khía cạnh mà đức Phật nói về vấn đề đó.

Có một câu mà mọi người hay nói: thành công là quá trình và khó khăn là tạm thời. Nhưng tôi xin viết lại theo cách của mình: THÀNH CÔNG LÀ CÁM DỖ VÀ KHÓ KHĂN KHIẾN MÌNH TRƯỞNG THÀNH.

Cô hàng xóm

Trở lại câu chuyện của mấy cô theo Thiên Chúa giáo. Hôm nghe mình nói chuyện với cô kia về Phật và Chúa, có một cô khác không nói gì, nhưng hôm sau lại hỏi mình.

– Cháu à, cô đã tín thác hết vào Chúa. Từ ngày cô gặp Chúa, cô thấy mình lòng thật bình an. Mọi thứ với cô đều thay đổi. Chỉ duy nhất, cô với con dâu là vẫn không thể thật sự tốt. Con dâu cô vẫn thế nọ, thế kia… dù cô đã gửi gắm nơi Chúa, cầu nguyện nơi Chúa.

– Vâng cô ạ. Cháu xin phép trả lời chút ít trong hiểu biết của mình. Việc con dâu cô thế nọ thế kia thì đó là do tính cách của em ấy. Cô k thể thay đổi một người trong một thời gian ngắn. Nhưng cái quan trọng là cô còn phiền não khi đối diện con dâu mình.

+ phiền não thứ nhất là sao cô đã cầu chúa mà k được, làm cô dần dần mất niềm tin

+ phiền não thứ hai là cô mong con dâu tốt theo cách của cô mà k được

+ phiền não thứ ba là sao cô thấy mình vẫn còn phiền não với người khác

Ngần đó điều làm cô vọng động. Giống như cơn gió được thổi, nó lại làm bùng lên những ngọn lửa tham, sân, phiền não nơi cô và cả con dâu cô. Cô không thể thấy được suy nghĩ, giống như cô không thể thấy được cơn gió, nhưng sự thực là chúng có mặt. Vì chúng có mặt nên chúng mới sinh ra phiền não, tồn tại phiền não nơi cô như vậy.

Cô hãy cứ đối diện với phiền não của mình. Thừa nhận mình vẫn chưa thật sự bình an. Con người ta sợ, ghét nói dối. Nhưng lại thích lừa dối chính mình, thấy tâm mình vọng động thì tìm cách lẩn tránh và mặc kệ, hoặc cho rằng đó là không phải việc của mình. Phiền não của người thì nên tránh né, còn phiền não của mình thì cần đối diện. Cần biết mình vẫn còn vô minh, bản ngã, tham sân si mới sinh ra như vậy. Cần tự sám hối về những ý nghĩ bất thiện khởi lên trong tâm mình. Cần tha thứ cho mình, và cả tha thứ cho người. Chúa dạy luôn luôn tha thứ mà.

Cô cần nhận ra rằng, Chúa đang cho cô một bài học. Học cách yêu thương thực sự. Học cách yêu thương như Chúa. Nếu mỗi bóng hình con dâu đi qua, mỗi âm thanh con dâu nói vọng bên tai, vẫn còn khiến cô phiền não là cô còn suy nghĩ về các đối tượng, còn định kiến về người con dâu ấy. Cô chưa thể có cái nhìn bình đẳng người con dâu ấy như bao người con gái khác ngoài kia. Nếu cô có thể hiểu được và học được cách yêu thương vô điều kiện của Chúa, cô sẽ không còn khó chịu nữa.

Chút vậy ạ. Cháu tin cô sẽ hiểu và làm được.

Cô nắm tay mình và cảm ơn. Cảm ơn những lời lẽ đơn giản của cháu mà làm cô hiểu hơn về Chúa. Bấy lâu nay cô bên Chúa mà cô không hiểu và chưa học được nhiều từ Người.

Hạnh phúc

“Chúng ta có quyền được hạnh phúc và không những thế chúng ta còn có trách nhiệm trở nên hạnh phúc. Tại sao ư? Vì nó có tính lan truyền, mọi thứ đều có tính lan truyền. Khi bạn hạnh phúc, bất cứ ai gặp bạn cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc.” Sayadaw U Jotika trong bài chú giải Kinh Mangala Sutta

⚡

Nhưng điều này khác hoàn toàn với việc bạn cố tỏ ra rằng mình hạnh phúc, tự xây dựng một hình tượng cho chính mình như một con người ảo – hay một người mà bạn mong muốn sẽ trở thành như vậy. Bạn quên đi phần tối, phần đau khổ trong mình, không dám thừa nhận, bước ra, chùm lên nó một cái mềm kín mít nhưng tiếc rằng mềm đó lại trong suốt.

⚡

Nó cũng không phải là sự tự cho rằng việc mình làm là đang đem đến hạnh phúc cho người khác, cho xã hội, cho môi trường, cho thiên nhiên. Bạn vẫn còn cho rằng bạn có thể tác động đến thứ gì khác ngoài chính Ngũ uẩn của mình? Hay là đang tạo ra một Duyên lành? Bạn có kịp nhận ra Bản ngã đã chình ình ở đó?

⚠️

Cả hai điều này rất sâu kín và khó thấy. Nó nằm sâu dưới đáy Vô thức của bạn. Nó nhân danh lòng Tốt, Hòa Bình, Hạnh Phúc và Nhân loại. Duyên ư? Tự nhiên chẳng nhẽ vẫn còn thiếu không đủ? Nếu bạn không nhận ra Tự nhiên đã quá “Giàu có” như thế nào thì thật là một điều đáng tiếc. Và cũng chính vì thế, bao nhiêu kẻ đã đang dể Duyên trôi qua trước mắt với sự Vô minh của mình.

♻️

Nói vậy không có nghĩa là bạn không làm gì. Mà trước tiên hãy đối diện và hành xử với ngũ uẩn của mình. Xem cái gì

– chưa sanh nay sanh khởi

– cái gì đã sanh nay đoạn diệt

– cái gì đoạn diệt nay k còn sanh khởi nữa

>>chỉ tới khi đó hạnh phúc của bạn mới là hạnh phúc thực sự:

– một trạng thái hỷ lạc do ly dục, ly bất thiện pháp

– một trạng thái hỷ lạc do định sanh, nội tĩnh nhất tâm

– một trạng thái cảm sự lạc thọ mà bậc thánh gọi là “xả niệm, lạc trú”, ly hỷ trú xả

– một trạng thái xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh

👉

Hạnh phúc thực sự này từ bạn toát lên có tính lan truyền và thẩm thấu thực sự tới bất cứ trái tim nào mà không nhân danh bản ngã của bạn, cũng như vấp phải bản ngã của người.

Ăn chay và Facebook

Ngày tôi mới ăn chay, mới đầu ngon lắm. Sau 3 ngày, cơn thèm thịt nổi lên. “Phá giới”. Sau đó là một tuần, sau đó là một tháng, sau đó là 3 tháng… Sức chịu đựng cứ kéo dài dần ra. Không bàn đến tại sao tôi ăn chay, có nhiều lý do, kể ra cũng loằng ngoằng. Sau 3 năm, giờ thì, mọi người bảo chay mặn như nhau nên tôi bị ăn kiểu tùm lum. Với bất cứ lý do nào đi nữa, dù nói rằng bây giờ tôi không bị cảm giác tìm cầu, tưởng tượng ra món ăn gì khi đói, nhưng sự thực: tôi đã thất bại với ý định ban đầu là ăn chay. (Nếu ăn được chay tốt cho tôi, vì hệ tiêu hóa của tôi k dung nạp thịt.)

Facebook cũng thế. Tôi cũng có ý định (mới chỉ là ý định) cai fb. Vì đi thiền hay vào núi 10 ngày tôi cũng không thấy làm sao khi k dùng fb. Ở nhà thì ib nói chuyện, trao đổi công việc, pháp tu nên nhiều khi up vào chỗ “Bạn đang nghĩ gì?”. Nhưng nếu không phải 10 ngày là 30 ngày hay 3 tháng, hay 1 năm, 3 năm… thì sao nhỉ?

Chỉ biết rằng, bạn vẫn còn muốn khoe cái nọ, khoe cái kia, chứng tỏ mình. Hay muốn mượn fb để nhắn nhủ ai đó cho thỏa mãn bản ngã. Hay muốn mọi người đồng thuận với mình, thích thú người khác đồng thuận. Và cảm thấy mình có Ý Nghĩa với người khác thì bạn vẫn còn up fb dài dài, sẽ k thể dừng lại được điều đó. Dù nói rằng, tôi up và không có ý gì cả, nhưng sự thực bạn đã thất bại.

Nên có chăng, không phải là học và hiểu bao nhiêu, chứng cái gì, bao lần. Mà bạn có thể sống từ giờ đến cuối đời, trọn vẹn với hai chữ PHẠM HẠNH, xứng với người học theo Phật, đó mới là khó. Đời này có lẽ sẽ chẳng biết bạn là ai nếu bạn không up fb, nhưng cái bạn được có lẽ nhiều hơn rất nhiều…

Đừng đổ lỗi cho lý do, và dùng mọi lý lẽ ngụy biện, vì giải thích thì luôn đúng với bạn.