Rồi bạn sẽ thấy mọi thứ trở nên thừa thãi và có vẻ gây phiền hà
Trong sự rỗng lặng xuyên suốt, không có nhu cầu gì được nảy sinh hay thêm bớt
Các nhân duyên cứ đến cứ đi như chưa từng có, chưa từng tồn tại, vì bạn đã không dừng lại, đã không ngoảnh lại
Chưa từng có cái gì liên quan tới cái gì
Bạn cũng như chưa từng nói cái gì, làm cái gì
Chỉ đơn giản là liên tục đi qua, và đi qua
Không có truy hồi, không có tầm cầu
Không có gì trong cái thời gian hay không gian giả lập ấy
Không có bất cứ câu hỏi nào được hỏi
Không có bất cứ câu trả lời nào được trả lời
Chỉ đơn giản là vậy, bạn thấy biết là vậy.
Hành
Hành
“Chém” về Satipatthana
“Chém” về Satipatthana – Chánh niệm (sati nơi 4 xứ Thân, Thọ, Tâm, Pháp)
Niệm thân – như một người bạn học, bạn thanh mai – tỉnh giác nơi đi, đứng, nằm, ngồi, trong từng hành động, thao tác – cùng mình làm và nhận biết rõ ràng, không hỏi lý do, không căn nguyên vấn đề
Niệm thọ – như một người bạn cùng hội cùng thuyền – lạc thọ biết có lạc thọ, khổ thọ biết có khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ biết có bất khổ bất lạc thọ – cùng mình trải qua vui buồn
Niệm tâm – như một người bạn thân – tâm có tham (sân, si) biết tâm có tham (sân, si), tâm quảng đại (không quảng đại, vô lượng, không vô lượng) biết tâm quảng đại (…) – một người thật sự hiểu mình
Niệm pháp – như một người bạn tri kỷ – niệm trên triền cái, niệm trên 6 xúc xứ, niệm trên duyên khởi, niệm trên 7 giác chi, niệm trên 4 thánh đế – người bạn không cần nói cũng hiểu, dù mình thế nào vẫn luôn bên cạnh mình, đồng hành cùng mình, giúp mình nhận rõ, thấu hiểu và trưởng thành
Có những người bạn như vậy, đã là quá đầy đủ với một người.
🥰🥰🥰*
Một người không thực hành Tứ niệm xứ, dù có nói về Vô vi, về Không, về Vô tướng, về Vô tác, về Vô ngã thì đó chỉ là cái nói về học thức, về kinh nghiệm của người khác. Không có sự thấu hiểu, không có sự nhận thức, không có sự trưởng thành.
Trong đạo họ có thể nói vanh vách, biện luận vanh vách. Nhưng thực tế đời sống không như vậy: Không có Thất thành tài (7 tài sản của bậc Thánh). Không có Chánh nghiệp, Chánh mạng dù có thể có Chánh ngữ. Nếu có chỉ là Chánh ngữ, Chánh mạng, Chánh nghiệp của hiệp thế (theo chế định), không thuộc Siêu thế đạo (thuộc về từ khước, viễn ly, buông xả).
Một người thực hành thiền Định, họ có thể có tâm an định, vắng bóng tạm thời các phiền não thô trược, nhưng tâm tham sẽ dễ mắc lại an trú trong trạng thái định. Người đó không thể đi vào quán triền cái, không thể đi vào nhận rõ 6 xúc xứ, hay Duyên khởi hay 4 thánh đế… Người đó không thể hiểu về chính mình và cũng không thể hiểu về người khác.
Có thể bạn cho rằng Quán Pháp trong Tứ niệm xứ quá phức tạp, quá nhiều kỹ thuật. Nhưng như đã nói: quán pháp là tri kỷ, bạn không là tri kỷ của chính mình thì chỉ là sự ảo tưởng với chính mình, bạn không có trưởng thành trong kiếp sống này. Bạn chỉ có thể an yên đi qua cuộc đời đầy sóng gió, lớn lên, già đi và qua đời để bước sang đời sống mới lặp lại.
🥰🥰🥰*
Bạn không thể Ghi nhận, hay thực hành niệm Ghi nhận mà tại đó bạn dừng ở đối tượng là trần cảnh. Đó không phải là Tứ niệm xứ. Tứ niệm xứ là niệm nơi 4 xứ – Thân, Thọ, Tâm, Pháp – là những gì đang sanh diệt ở 4 nơi này. Nó không thuộc về Trần cảnh, nó không thuộc về đối tượng bạn thấy, nghe, cảm nhận. Nó thuộc về Tâm bạn, về cái gì đó bên trong.
Mọi sự thực hành không phải Tứ niệm xứ đều chỉ là thay thế, là đá đè cỏ, là lấp đất lên hạt mầm Vô minh, là cấu ngọn những gì đã sanh khởi. Nhận biết một trạng thái tâm bất thiện sanh khởi, dùng Định hoặc bất cứ kỹ thuật nào hoặc đối tượng khác để làm mất nó, chỉ là giải pháp tạm thời.
Cái bạn ghi nhận khi thực hành Tứ niệm xứ là Tâm bạn, không là đối tượng. Vì vậy, dù đối tượng là gì thì cũng chỉ có Tâm bạn:
- cái gì chưa sanh nay sanh khởi
- cái gì đã sanh khởi nay diệt
- cái gì đã diệt nay không sanh khởi nữa
Cái gì gì này là Tâm. Bạn còn đặt tên cho từng cái gì gì đó là bạn còn đang Phản ứng với đối tượng. Nếu chỉ đơn giản là Ứng xử với Tâm thì tại đó không có khái niệm, ngôn từ, sự phân biệt với nó, vì nó là nó.
🥰🥰🥰*
Thực hành Tứ niệm xứ giúp bạn thấu rõ sự không có đối tượng – không có chủ thể, không có khách thể – vì vậy không có Mối quan hệ. Vì không có Mối quan hệ nên các quy định, luật lệ, định kiến về MQH, về đối tượng trong bạn không tồn tại. Bạn không còn khái niệm người này phải như thế này, người kia phải như thế kia trong vai trò của mình. Bạn vắng mặt phiền não do đối tượng – là người khác – tạo ra trong tâm bạn.
Mọi người là bình đẳng với Tâm bạn vì họ đều chỉ là Trần cảnh, đang làm sinh diệt các trạng thái tâm trong bạn. Và tới lúc nào đó thì chỉ còn là rỗng lặng.
🥰🥰🥰*
Chỉ có người thực hành Tứ niệm xứ mới hiểu về Tình Yêu thực sự. Nó không phải là không điều kiện theo nghĩa không có điều kiện ngoại cảnh. Nó không phải là cứ thế bất chấp yêu nhau đi, dù điều kiện thế nào cũng vẫn yêu. Nó không là tình yêu bị trôi theo bởi cảm xúc và cảm giác hay cả sự níu kéo của nghiệp lực (nhân duyên tiền kiếp từ vô thức) – một sự ràng buộc rất vi tế mà người ta mơ hồ đổ lỗi.
Tình yêu của người thực hành Tứ niệm xứ không phải là Vô tâm, Vô cảm. Nó là Tình yêu của sự tỉnh thức, sự tròn vẹn tự trong mỗi hành động, tác ý, sự nhận biết liên tục của mỗi người, không phụ thuộc, không ràng buộc, nhưng song hành để bổ sung, để hoàn thiện, để cùng nhau buông xuống và “trở về”.
Satipatthana không nói về cái gì đã qua hay chưa tới. Nên không có “hôm qua thế này sao hôm nay lại thế”, cũng không có ảo vọng xây đắp nên không có kì vọng hay thất vọng. Một câu nói “anh yêu em” cũng là đã cũ, đã không còn là nó. Nên bạn luôn thấy #đủ tại mỗi thời khắc khi thực hành Tứ niệm xứ.
🥰🥰🥰*
Satipatthana – chỉ có thể là Satipatthana giúp bạn sống tự nhiên với xung quanh, tự do giữa đời. Nó không khiến bạn hay giúp bạn trở nên khác biệt, đặc biệt. Nó chỉ đơn giản là một người bạn của bạn, giúp bạn hiểu chính mình và trưởng thành.
(đọc đi đọc lại bài Kinh và tự thực hành để thấu hiểu, đừng theo kinh nghiệm của ai, kể cả của bài viết này)
https://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung10.htm
Bạn ảo tưởng? Thế giới là ảo tưởng?
Xét mặt 2D, bạn và thế giới tương tác theo kiểu tương tác thông tin, biểu hiện ra bằng sự sắp đặt của 0 và 1.
Xét mặt 3D, bạn ở một cõi, người khác ở một cõi, người khác nữa nữa ở một cõi… Bạn là có tính, loài. Người khác, khác kja cũng có tính, loài khác. Mỗi người có một sự “ngay bây giờ và tại đây”. Mỗi người được huân tập bởi 5 uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành thức) sinh diệt liên tục. Chẳng cái sự nào giống sự nào. Liên tục biến đổi. Họa hoằn sẽ chạm đánh xoẹt qua nhau rồi lại xoay vần tiếp.
Xét mặt nD, cõi 3D này thực sự chỉ là một giả hợp. Thời không này cũng chỉ là một giả hợp. Cõi 3D so với không gian khác cũng không khác cái bạn hiện hữu và cái bạn trong một bộ phim truyền hình, hay bạn trong một cuốn tiểu thuyết. Các nhân vật trong phim, tiểu thuyết cứ xoay vần, khóc cười hay làm trò đủ kiểu, chán thì kết thúc. Nhưng cũng k thể ra khỏi bộ phim và tiểu thuyết đó.
Vậy thì các danh sắc (ngũ uẩn) làm gì còn thật? Các nghiệp cũng không có nốt. Giác ngộ càng không luôn. Các mối quan hệ, các bài học, các tác nghiệp… chỉ là một trò chơi trong cái thời không 3D này mà mỗi chúng ta tự thiết lập lấy, tạo ra, hô hào để thỏa mãn tâm trí ảo tưởng, thỏa mãn cơn khát chơi đùa cho đỡ chán.
Sự thật của ảo tưởng: Chúng ta là kẻ điên, những kẻ khác kia cũng đang là những kẻ điên. Vậy hãy điên trong Yên lặng. Vì người điên nói không ai nghe. Và kẻ điên nghe cũng không hiểu gì. Hãy là những kẻ điên yên bình nhất thế gian, tự do nhất thế gian.
Bạn chỉ cần nói cho bạn hiểu.
Bạn chỉ cần lắng nghe chính mình.
Bạn chỉ cần độc thoại với chính mình.
Thế là đủ.
Bớt lảm nhảm xàm xí, qua uống trà với tôi nhé. Hôm nay đã HN rồi.
Từ cửa sổ ngắm mặt trời mọc.
Kẻ vô tình dạo chơi
Chúng ta, những kẻ dạo chơi chốn hồng trần, có thật sự cần bận tâm tới kết quả? Vậy thì truy hồi nguyên nhân, lý do liệu có ích gì?
Tôi cũng như bạn, vô tình đi qua thế gian này. Nhặt lên đôi ba điều hay hó, treo lên và ngắm nghía. Có những thứ chẳng biết bắt đầu từ đâu, tại sao cứ thế cứ tuôn tràn như thác lũ. Có những thứ đong mãi, kiểu gì cũng chẳng đầy, cứ lặng yên như vậy. Nhưng cứ bám mãi vào những điều vì sao ấy, chỉ khiến chúng ta không thể trọn vẹn hay bình an.
Khi bạn có thể tháo dỡ những sợi dây dính mắc, lôi kéo của cảm xúc, của kiến thức kinh nghiệm, của định kiến áp đặt, đó mới là lúc bạn có thể khám phá thật sâu nơi tâm hồn của chính mình, cũng như muôn vàn điều kì diệu của thực tánh vạn vật ngoài kia.
Đừng để lỡ thời gian bởi các thói quen hay các lối mòn đã hằn sâu trong bạn. Đâu cứ phải hẹn cho mình một bến đỗ hay điểm dừng mới là đích đến. Đi và đi qua, chạm và buông ra, để như thuyền nhờ bánh lái luôn quay mà tiến, để như gió luôn thổi mà bay.
Đánh dấu một ngày rong chơi giữa hồng trần… chỉ vậy mà thôi.
Qua sông bỏ lại thuyền
Qua sông bỏ lại thuyền, chỉ xảy ra khi bạn thấy cái hữu dụng của pháp, rồi thấy cái vô dụng của pháp.
Một vị thầy chân chính, dạy về xuất ly, dạy về từ bỏ, dạy về con đường giải thoát, chắc chắn bài học đầu tiên người thầy đó nói sẽ là sự không dính mắc, không chấp thủ vào bất cứ điều gì trên đời, bao gồm cả pháp, bao gồm cả chính vị thầy đó. Còn mới học, mới hành, hẳn nhiên vẫn phải nương tựa nơi pháp học, pháp hành để thực hành. Còn tới khi ngộ rồi thì đâu cũng là pháp, pháp là vô tướng nên chỉ mượn tướng mà học pháp. Pháp là do Duyên, tại đó cần thì có, tại đó dụng thì dùng, thì tự buông được pháp là vậy.
Một người bạn nói với tôi rằng, tại sao tôi lại đang phủ nhận những gì tôi đã học? Tôi bảo: em chưa bao giờ phủ nhận con đường đi tới thực hành để giác ngộ sự xuất ly, ly tham, đoạn diệt. Cái mà em phủ nhận là tướng của pháp, là các tri kiến, là các phương pháp cột chặt con người ta kẹt lại, giữ con người ta chấp thủ, giữ con người dẫn tới sự dính mắc vào pháp, vào vị thầy, giữ con người ta không thể buông xuống, không thể ly tham, không thể đoạn diệt, không thể tự do và hào sảng khám phá trời xanh như những chú đại bàng, không thể chạm bờ để bỏ lại, hoặc không thể bỏ lại khi đã đặt chân lên bờ.
Như một bài đã viết trước, nếu ai có thể thấy được, mỗi tri kiến như một cái cọc bê tông, như một thanh sắt thép giằng buộc tạo nên hình hài của lối sống, cảm xúc và hành vi hay chính là tạo nên sự huân tập của danh sắc, của ngũ uẩn để đi tới luân hồi thì sẽ hiểu: việc thực hành đạo không phải là thêm lên pháp, không phải là vơ vào, không phải là làm dày lên các tri thức kinh nghiệm đã học mà chính là sự nhổ bỏ từng cái thanh sắt đó, từng cái cọc đó, từng thói quen đó, từng cái mình đã cho là đúng đó… Hay như cái smartphone, càng nhiều ứng dụng bao nhiêu, càng nhanh tốn pin, máy chạy càng nóng bấy nhiêu. Cũng vậy, con người càng hiểu biết, càng nhiều pháp bấy nhiêu càng dễ “nóng máy” bấy nhiêu. Nhận ra máy nhanh tốn pin, chạy nóng thì vào cài đặt tắt bớt ứng dụng chạy ngầm, buộc dừng tự update dữ liệu, thì tương tự phải tự thấy cái pháp nào đang khiến mình kẹt lại thì phải tự buông nó xuống, hay nhổ bỏ nó đi là như vậy.
Còn hiểu, nhổ bỏ tri kiến là không biết ơn pháp hay đang chê bai pháp thì thật sự không hiểu gì về giáo pháp của Phật. Còn hiểu gieo duyên là quảng bá nó như việc người ta quảng bá một sản phẩm mua bán thì càng không hiểu gì về Đạo. Thật sự không thấu ngộ được chút nào sự Vô thường, Vô ngã hay chữ Duyên mà Phật dạy. Tất cả chỉ bám vào hình tướng, chỉ bám vào đối tượng, chỉ bám vào cái thấy, và khăng khăng cho rằng những ai không như vậy là sai lầm, là mê lầm, là lạc đạo thì thật đáng tiếc. Tốc độ 4.0 thật sự k thể so sánh với tốc độ của ánh sáng Dhamma, của một sự thực hành giác ngộ. Nên thay vì hô nhiều mà không hành, thì hãy hành nhiều hơn hô, lúc đó lời Hô mới có trọng lực, mới có năng lực thu hút là như vậy. Có thể hiện tại vẫn phải mượn hình tướng để truyền tải thì hiểu đó là mượn, là mượn thì là giả, có tính thời điểm, không cần lưu lại dấu vết để làm hằn lên bản ngã.
Thực hành pháp là thay đổi, thậm chí xóa đi những thói quen từ tiềm thức, từ vô thức để chúng không còn là nghiệp lực, là sự phản ứng ngủ ngầm lôi kéo, dẫn đến hành vi, cảm xúc không nhận biết. Tuệ là phải thấu hiểu chỗ đó. Tuệ giải thoát là giúp giải thoát khỏi các thói quen do vô lượng kiếp được hình thành từ vô minh và ái dục đó. Nên mới bảo, đừng mong giải thoát khi ngay cuộc sống này không thể giải thoát khỏi các thói quen bất thiện, thói quen chấp thủ, thói quen dính mắc, dẫn tới luân hồi.
Thói quen còn giữ lại khi thực hành pháp là thói quen buông xuống, từ bỏ, xuất ly và đoạn diệt vì hiểu các pháp xuất hiện chỉ là giả tạm cho thời điểm nó cần xuất hiện. Chính vì thế, nó phù hợp với người này, hoàn cảnh này, không phù hợp với người kia, hoàn cảnh kia. Chỉ có Sự thật, thì mới là cái cần thông suốt, cần trực chỉ cho các đối tượng cần thực hành. Còn pháp nó cách vận hành của nó, mỗi người một căn tính để giác ngộ ra Sự thật. Chứ không phải là thói quen thực hành một pháp gì đó, giữ rịt pháp đó bên mình, bê nguyên xi áp dụng cho mọi đối tượng, mọi nhận thức, mọi trình độ. Cũng như bảng chữ cái ABC là cái cần học, nhưng chỉ dành cho lớp 1, còn lên đến Đại học là mỗi người một chuyên ngành, mỗi chuyên ngành lại có một chuyên đề. Nhưng rốt lại bao nhiêu chuyên đề cũng chỉ cầm 1 tấm bằng tốt nghiệp ra trường, xin việc và kiếm tiền dưới mọi hình tướng.
Dạo này fb của mình up toàn cái nhí nhố, cũng là để thấy trong cái nhí nhố cũng có đạo nằm trong đó. Nhưng hình như bạn không thể hiểu cách thực hành tâm biết ghi nhận trực tiếp để mà ghi nhận tất cả những gì xảy ra, rồi tới sự thực hành thuần thục để mà phát triển Trực giác nơi bạn thì phải? Không thể hiểu pháp là Vô tướng là như thế nào? Không thể hiểu không bị chi phối bởi không gian và thời gian nó thực sự là thế nào? Nên hơi khó để mà cho bạn hiểu Phật tính có trong tất cả nơi chúng sanh, có trong tất cả các hiện tướng.
Viết lằng nhằng vậy, vì thực ra nếu đã thấu hiểu thì đã chẳng cần nói gì. Mà không thấu hiểu, nói mãi vẫn thế. Một nghiệp đã nảy sinh, một pháp đã nảy sinh, để rồi viết ra, viết ra để kết thúc, để đoạn diệt, để nhổ bỏ đi một tri kiến trong tôi và trong bạn. Vậy đấy. Hết nhiệm vụ. Xong. 🥰🥰🥰
Việc của mình là chú tâm nơi 4 xứ
Nhân loại cho rằng, năm uẩn là của ta, nên thật khó nói ai đó đem dao, cưa, kéo tự chặt, cắt đứt tay chân mình. Những người trải qua biến cố, hoặc đủ trải nghiệm (sống đủ lâu, hoặc gia đạo bấp bênh) thì cũng góc nào đó nhận ra 5 uẩn không phải là ta, nên có thể có tâm giải thoát. Tuy nhiên, hoàn toàn không có tuệ giải thoát vì họ không thể hiểu thấu suốt mọi góc cạnh (liễu tri) được chính điều đó hay có thể có cái thấy biết thấu đáo tương tự với các điều khác. Việc này chỉ có thể dựa vào thiền tuệ như chính việc dùng đèn đi soi tỏ đường đi.
Người tu đạo đừng vội sợ hãi vì không hiểu mình đang ở đâu, liệu có vào tà ma, ngoại đạo hay không. Hãy tinh tấn, thực hành chánh niệm liên tục, thiền định với phương pháp tứ niệm xứ thì dù có đôi lúc có bị nghiệp lực kéo đi một đoạn, thì vẫn như cái dây chun, tự trở lại là chính nó.
Thậm chí, người tu đạo cũng đừng vội phán xét người khác là sai đường, đi không đúng chánh pháp. Bản chất đường chỉ có một và thẳng tắp, k râu ria. Qua mỗi thời, mỗi thầy, với các tư kiến (tà tư duy, tà tri kiến – tư duy, hiểu hiết cá nhân) mà thành ra chúng được tô vẽ như dải dây buộc thêm cờ, thêm nơ treo lòng vòng trên cây thông Noel, thỉnh thoảng còn có những quả nhấp nháy mà người ta gọi nó là Đạo quả.
Tự mình nương tựa mình, nương tựa nơi chánh pháp. Soi tỏ lòng mình, không soi chuyện nhân gian, càng không nên bàn tới chuyện mà không giúp ích gì cho con đường tu tập chánh niệm của mình, đó là việc của tự nhiên và xã hội (nếu đủ năng lực hãy làm một cách không dấu vết, đừng làm anh hùng bàn phím, đừng dây máu ăn phần, hay hô hào ghê gớm để bành trướng bản ngã).
Việc của mình duy nhất: chú tâm liên tục nơi 4 xứ.
Tự do và hảo sảng
Bạn hãy quan sát những người làm công trình xây dựng, những cọc bê tông được đóng xuống, những kết cấu sắt thép được dựng lên, rồi sau đó người ta mới tiến hành những gì mà một căn nhà cần: xây, trát, tô vẽ, làm ngoại thất, nội thất. Và một ngôi nhà được hình thành với bắt đầu từ những cái cọc được đóng xuống, chặt chẽ, những kết cấu thép vững chãi, dày đặc, đan xen khéo léo.
Khi học đạo, tri kiến mà bạn tiếp thu được, thực sự tiếp thu, chúng cũng như cái những cái cọc bê tông, những cây sắt thép kia vậy. Những tri kiến chôn chặt, tạo nên tính cách, tâm tướng, hành vi, ứng xử của bạn. Những cái cọc bê tông còn dễ nhận ra, còn cái tri kiến cắm kim trong đầu bạn, để bạn theo nó mà vận hành kể cũng khó nhận ra lắm. Nhưng có một điều, tri kiến càng cắm chặt bao nhiêu, càng dày đặc bao nhiêu bạn càng mất đi sự tự do và hào sảng bấy nhiêu.
Tu tập không phải là để bạn tự tạo ra cho mình một cái lồng tri kiến, rồi nhốt vào đó một đống nguyên tắc: thế này mới là đúng thế kia là sai, pháp này mới đúng, pháp kia mới sai, hiểu thế này mới đúng, hiểu thế kia là sai… Rồi bạn cho rằng tất cả những ai ở ngoài cái lồng đó đều là ngoại đạo, đều là kẻ không trí, đều là mê mờ, đều là vô minh…
Đến đây bạn cho rằng: không thể thế được, vẫn có con đường đưa tới Niết bàn, và con đường đưa tới Thế gian. Vâng. Vì đó là sự thiết lập của tri kiến, nếu bạn k quan sát thấy khổ đau của Thế gian, sao có thể biết sự tồn tại của Niết bàn. Nếu bạn có thể hiểu đi qua mây trắng là trời xanh thì bạn hẳn sẽ như những chú chim đại bàng kia sẵn sàng bay trong sự tự do và hảo sảng, chúng bay tít trên trời cao, bay qua cả những đám mây trắng. Ở đó chỉ có đại bàng và bầu trời, và nắng, và gió nâng bước chúng.
Còn bạn, bạn sợ điều nọ điều kia, bạn cho như thế này mới đúng, nên không dám làm điều này, điều kia. Bạn mất đi sự tự do và hào sảng trong thực hành pháp. Bạn không dám đi sâu vào pháp, cũng không dám đi sâu vào đời. Càng không dám đập vỡ đi cái lồng bạn đã tạo ra, hay những ngôi nhà bạn đã dựng lên. Bạn tôn thờ một triết lý mình cho là đúng, bạn tôn thờ một vị thầy mà mình cho là đúng. Và bạn chết kẹt trong kinh nghiệm, tri thức của chính cái lồng bạn tạo ra đấy. Và bạn có thể hiểu được không: sự chấp thủ tri kiến này, dẫn tới sự huân tập của Danh Sắc làm mồi cho tái sanh như những cọc bê tông, sắt thép đã dựng lên làm nền tảng cho ngôi nhà mới vậy.
Phật đại diện cho sự Tỉnh thức.
Pháp đại diện cho sự Thật ngay bây giờ và tại đây, chân lý Vô thường, Vô ngã.
Tăng đại diện cho Duyên.
Chứ không phải là một vị Phật, vị thầy có hình thù, không phải một phương pháp có tính tri kiến cá nhân, và cũng không phải một nhóm người, một hội chúng rủ nhau luẩn quẩn tu cho vui, tu cho có hội, tu cho kiếm được nhiều tiền, tu cho được nọ được kia…v.v và mây mây…
Bạn có dám tự do và hào sảng như những chú chim đại bàng, một mình, sẵn sàng vươn sải cánh thật rộng, bay qua pháp, không bám vào pháp, không chấp vào pháp, chinh phục bầu trời – sự tự do đích thực, chân lý đích thực?
Bạn muốn chứng minh điều gì?
Bạn nhận ra các trò chơi, biết đó là trò chơi?
Sao bạn có muốn chơi mãi? Chơi đi chơi lại không chán? Bạn nói rằng bạn k phải vậy, bạn biết mình đang chơi?
Vậy bạn muốn gì ở các trò chơi thế gian ?
Bạn muốn chứng minh mình chơi giỏi?
Bạn muốn chứng minh mình k bị nó cuốn trôi?
Bạn muốn chứng minh mình bình thường và k khác thường?
Bản ngã bạn đang muốn nói nó làm được?
Nó làm điều thế gian k làm được.
Nó chơi trò thế gian k chơi được.
Nhưng cũng có thể là bạn đang đi vào một lối cụt trên con đường đạo mà bạn chưa biết phải đi tiếp thế nào.
Tu như không tu, k có nghĩa là không tu gì.
Tu k có nghĩa là thiết lập tâm hay 1 con đường mình cần đi, nhưng lại cần rõ ràng ở đích đến, rõ ràng ở tất cả mọi thân, thọ, tâm, pháp bạn đang trải qua, để thấy các pháp chân thật.
Tu là biết cái gì là tự nhiên, cái gì là cuộc sống, cái gì là đạo, cái gì là pháp thế gian. Tự nhiên là không thêm bớt. Pháp có cách tự vận hành của nó. Còn tác ý trên thế gian còn đi ngược tự nhiên và đạo vậy. Đừng kẹt giữa thế gian và đạo và bảo rằng đó là con đường trung đạo.
À mà thôi, hãy cứ tự nhiên như nó đang là, như là cách bạn đang nhận thức. Nếu bạn đã chọn chơi, hãy chơi cho tới bến, bất chấp được không, bỏ qua tiếng nói nhỏ trong đầu của đúng sai? Khi nào chán chơi thì dừng lại, có thể muộn, nhưng k còn hối tiếc. Cuộc sống và thời gian sẽ là câu trả lời tốt nhất mà.
Còn tôi, đang ngắm làn hương trôi qua những dấu vết tâm tư. Thế là đủ.
.
.
.
Mạng nhện
Khi nhận ra những dính mắc, việc đầu tiên phản ứng là muốn gỡ chúng ra. Giống như việc thấy con đỉa bám lên chân. Đầu tiên là sợ, là ghê, là nó hút máu, là eo ôi… Sau đó là loay hoay đi tìm cách, tìm phương pháp tháo gỡ. Có phương pháp rồi thì loay hoay thực hành tháo gỡ. Nhưng tháo gỡ những dính mắc tâm đâu có như nhặt 1 con đỉa ra đâu.
Rất nhiều phương pháp bạn đã từng thử, trong đó có mấy pp được truyền tai rộng rãi: cứ chánh niệm khít khao, sử dụng định để cưỡng chế tâm, quan sát nó như đang là, sám hối nghiệp, niệm vô thường – vô ngã ngay khi đối tượng sanh khởi … Về mặt nào đó, các phương pháp này đều đem đến hiệu quả. Nó giúp bạn xử lý một phần nào đó các cảm thọ đang sanh khởi nơi tâm mình, có đôi khi cảm thọ đó biểu hiện thành cảm giác rõ rệt trên thân nữa. Thực hành cũng thấy “nhẹ” đi nhiều, đến khi k thấy cảm thọ nữa thì bảo: hết duyên.
Người tu tập, nhận ra một cảm thọ sanh khởi nơi tâm mình, là đã một sự miên mật trong thực hành. Như trong bài trước đã viết, sự nhận ra đó, với pháp hành k rốt ráo, khiến hành giả rơi vào chán tu, hay sợ tu vì liên tục phải đối diện với cảm thọ sanh khởi, liên tục phải vận hành tâm với đủ các mong muốn tầm cầu, tâm muốn vượt thoát. Nhưng với nghiệp lực của luân hồi, thói quen sinh hoạt khiến hành giả dễ dàng từ bỏ. Thời gian nào chỉ xuất hiện trung tính thì cảm thấy thời giờ đó bình an, bất chợt một cảm thọ lạ nổi lên là lại loay hoay như con mồi sa lưới nhện, càng loay hoay càng dính, nằm im thì rốt cuộc lại cũng chịu bị dính.
Vậy lý do là do đâu, làm sao? Phải khẳng định là còn thấy đối tượng là còn có cái sanh khởi, còn thấy cái để từ bỏ sự dính mắc, còn cho rằng Tâm này là Ta, là của ta. Vì thế một loạt tri kiến được khởi lên: tâm cảm thọ, tâm không cảm thọ; tâm dính mắc, tâm không dính mắc; tâm làm được, tâm không làm được. Nhưng phải thật thấu đáo: Tâm này k phải là Ta, k phải là của ta. Nên tất cả các khái niệm: thọ, k thọ; dính, k dính; kẹt, k kẹt; từ bỏ, k từ bỏ… làm gì còn tồn tại. Khi rõ ràng như vậy, chẳng còn con mồi hay kẻ săn mồi, nên cũng chẳng còn mạng nhện. Như người sa hố sình, chẳng còn hố sình thì đâu còn người sa. Còn thấy cái này có, là còn cái kia có; khi thấy cái này không, thì cái kia sẽ không là vậy.
Trong thế gian này, còn thấy đối tượng thì còn tìm cách “từ bỏ”. Hiểu được cảm thọ là do duyên sanh thì tại đó thuận pháp. Hiểu được các duyên sanh rốt cuộc cũng chỉ là giả hợp từ danh sắc, chúng tương tác nhau mà thành, không có duyên sanh thì không còn điều gì sanh khởi, thì tại đó “núi vẫn chỉ là núi, sông vẫn chỉ là sông”. K có đối tượng để từ bỏ, k có người từ bỏ. Chỉ là mỗi chúng sanh hữu tình vẫn đang “thuận duyên” trôi hoặc bị kéo đi theo dòng chảy của nghiệp. Thế thế là thế, thế là không thế thế.
Ờ hớ, đôi khi thấy cái mạng nhện nó cũng long lanh đẹp đẽ lắm ấy, nên là chấp nhận làm con mồi nhỉ
Chán tu hay Sợ tu
Người tu tập minh sát một thời gian sẽ dần nhạy bén với các pháp “chưa sanh nay sanh khởi”, rồi mất rất nhiều công sức để chúng “đã sanh nay diệt” bằng nhiều pp khác nhau như dùng cảnh đổi cảnh, dùng tâm đổi tâm, niệm, ám thị, trò chuyện, định,… Rốt lại là vẫn loay hoay với từng thứ sanh khởi nơi thân tâm này. Nên có xu hướng Chán tu hoặc sợ hãi.
Chán tu vì tâm liên tục phải làm việc dẫn tới mệt mỏi hoặc chán nản. Không làm thì các thứ đó cứ lồ lộ ra, rất khó chịu, cứ thấy nó thường trực vậy. Rõ ràng Phật bảo nó vô thường, nó sanh diệt mà nó cứ đó, hết cái nọ tới cái kia, như sóng ấy. Tâm cứ phải liên tục để ghi nhận, rồi tìm cách đi qua. Muốn kệ lắm mà chẳng được.
Sợ tu vì một đống tri thức kinh nghiệm đã nạp vào: không tu thì luân hồi tái sanh, khổ đau đấy, tu mà k tới nơi tới chốn còn khổ hơn ng thường đấy, tu thế lạc đấy, tu thế là thế này thế nọ thế chai đấy. Tu thế tẩu hỏa nhập ma đấy… Rồi lại không chánh niệm, thất niệm là tèo đấy. Không định được à, k định được nghiệp quật đấy… Tâm sinh sợ hãi. Lúc nào cũng co quắp. Thực hành kiểu “hấp diêm” pháp vì cố làm cho được. Làm không được thì lại càng sợ. Mà làm được thì cũng vừa làm vừa sợ. Nên cứ là phải nương tựa vào Tam bảo, nương tựa vào Thầy, chẳng cả dám nương tựa vào chính mình.
Túm váy lại, chưa thể “thấu tỏ” vô thường, dukkha, vô ngã, thì còn bận rộn xử lý đủ các thứ trần cảnh va đập liên tục vào lục căn lắm ấy. Ngồi mà niệm từng đối tượng sanh khởi là vô thường, vô ngã thì có mà chuẩn là hằng hà sa số kiếp cũng chẳng giác ngộ được vì các pháp là liên tục sanh diệt, có thuần thục cũng chỉ là cái biết ý thức thành thói quen mà thôi.
Nên là, thôi, đi lên núi với em. Em đây chưa cạo tóc thì em làm trùm leo núi á.