Đạo hữu

Đầu tuần, gửi tới các bạn một trường hợp cụ thể về một doanh nhân thiền. Tại sao anh khó khăn với thiền Tứ niệm xứ và càng ngày càng rối hơn? Tôi đã từng trao đổi với anh, bản thân anh ngoài trao đổi với tôi thì lặn lội hỏi han mỗi người một chút, nhưng vẫn không ổn. Và để cụ thể lại câu trả lời cho anh, tôi viết tổng hợp qua đây (thực ra chỉ có vài ý thôi, mà phải diễn giải dài dòng như này, nhưng là để cho rõ ràng, hy vọng dài loằng ngoằng ntn k khiến mọi việc lại loằng ngoằng hơn ).

Tôi biết anh trong một khóa thiền tập trung. Mục đích của anh đi học thiền là vì công việc quá nhiều áp lực, căng thẳng, stress… và anh mong muốn những phút giây thư giãn, thoải mái, tĩnh lặng hơn khi tìm đến thiền. Đa số doanh nhân tìm đến thiền là thế. Tôi cũng từng như thế. Vì những thông tin về thiền được rao giảng là như thế. Có lẽ ai đó đọc đến đây cũng nói, một trong những kết quả của thiền cũng thế.

Phải nói về lý do ở trên vì lý do to hơn lý trấu mà. Cái mục đích của mình định làm một cái gì đó nếu khi mình thực hành nó không đem lại như vậy, k như mình nghĩ thì mình thấy sao sao ấy.

Thiền mà anh mong muốn, mà anh nghe được ở đâu đó trước khi đi học khóa tu đó là một khái niệm mà bên ngoài gán cho là Thiền – ngồi xuống, nhắm mắt, giữ đầu óc thân tâm buông lỏng tự nhiên, không nghĩ gì, hoặc có thể tưởng tượng đang được tới một khu rừng đầy tiếng chim, một bờ biển ngập tràn nắng gió và sóng vỗ rì rào, thả lỏng, thả lỏng và thư giãn tuyệt đối để thân, tâm hòa nhập với tự nhiên như vậy. Công nhận là nó rất là thư thái, thoải mái, những giây phút ở trong “thiền” này chẳng muốn rời. Ai đó phá buổi thiền thì khó chịu lắm. Phải ra ngoài làm việc càng khó chịu.

Hệ thống Kinh Phật chia ra hai khái niệm Thiền Chỉ và Thiền Quán. Thiền Chỉ thì dùng nỗ lực, ý chí cá nhân buộc tâm vào một đối tượng lấy đề mục là hơi thở, hay phồng xẹp, hay một điểm chạm nào đó nơi thân vật lý để tâm ý luôn hướng đến đó. Nhưng với một người mới hành thiền, điều đó thực sự là khó khăn với các vọng động sẵn có trong tâm. Cứ ngồi yên mà bảo hướng tâm tới đề mục tĩnh được chút là nó lại nhảy đi đâu mất. PP bên ngoài là tưởng tượng ra núi rừng chim hót, biển xanh cát trắng thì dễ hơn vì đầu óc con người ta được bay bổng, được thỏa trí vọng tưởng, và giống như đang ở nhà được đi du lịch tâm trí thì thích thú thôi. Nên khi không làm được càng khó chịu. Càng không làm được càng rối.

Còn nếu đi vào thiền quán, thiền Tứ niệm xứ. Lấy đề mục là Thân Thọ Tâm Pháp thì càng loằng ngoằng hơn. Đầu tiên phải kể tới là khái niệm. Giải thích là một chuyện, hiểu nó lại là chuyện khác. Mà cơ bản là nó quá khó đi. Đã khó rồi lại còn nhiều. Phần Thân thì có quán hơi thở, 4 oai nghi, 32 tướng tốt, nội thân, ngoại thân, tử thi…. phần thọ thì có khổ thọ, lạc thọ, bkbl thọ, rồi chia 18 thọ hay thậm chí tới 108 thọ… phần tâm theo kinh thôi đã có tâm tham sân si, tâm quảng đại k quảng đại, tâm phóng dật, k phóng dật…. phần Pháp thì có: 5 triền cái, 6 nội ngoại xứ, 7 giác chi, 12 nhân duyên, 4 thánh đế, 8 chánh đạo… Viết khái niệm thôi đã mỏi tay. Chưa kể thiền Tứ niệm xứ là quán luôn các hoạt động thân, tâm khi vừa xảy ra. Và tất nhiên, càng để ý càng điên loạn. Kiểu như rõ ràng tôi biết khi tâm có tham sân si, sao càng quán càng tham, càng quán càng sân… Vì vậy đây được cho là một loại pháp hành khá khó khăn.

Với một người có bản ngã, là doanh nhân, khi học thì đâu chịu dừng lại ở biết vậy, cái gì hiểu, dễ thì thực hành trước. Khi tiếp cận cái mới thì hiển nhiên cái gì cũng muốn thỏa mãn tâm trí của mình. Một loạt khái niệm như thế, mỗi tông phái một kiểu, thầy này một kiểu, thầy kia giảng một kiểu, mỗi sách, luận viết một kiểu… đó là chuyện rất hiển nhiên của gần 2600 năm nay rồi, từ khi Phật nhập diệt. Nên cố tình muốn hiểu nó tường tận khi chưa hành hẳn hoi, muốn thỏa mãn cái bản ngã, hiểu biết của mình thì chỉ càng làm mọi thứ rối lên. Ai đó sẽ nói phải hiểu đúng mới hành đúng. Đúng là vậy, nhưng chọn một đề mục ở phần quán thân thôi chẳng hạn mà hành cho đúng rồi hãy lăn lộn với đống khái niệm kia. Chứ ôm đồm vậy chắc chết luôn quá. Muốn thỏa mãn sự hiểu biết của mình thì chết thật rồi.

Đó là nói về pp hành mà anh ấy tiếp cận. Nhưng ngoài ra, nó cũng xuất phát từ cái tham, thì phần thứ hai quan trọng là không học được chữ nào của Tứ niệm xứ hết. Vì ngay khi các giác quan tiếp cận thế giới bên ngoài, thì một loạt câu hỏi đã được phơi bày sẵn:

– đây là cái gì?

– cái này là ntn?

– sao lại thế này?

– sao k phải là thế kia?

Một loạt các câu hỏi được hỏi về đối tượng vì nó quá mới mẻ với anh. Nếu thông tin dung nạp nó được tự giải đáp, hoặc nó tạm thời được giải đáp thỏa mãn thì tâm trí tạm dừng lại. Nhưng vì chưa có Chánh kiến, còn Hoài nghi, nên hệ thống tư duy lại tiếp tục hoạt động: hay là mình hỏi người này xem người ta giải thích thế nào. Câu trả lời nhận lại, tạm tương thích thì lại yên ắng được một chút, thì hay hỏi người này xem… Và tất nhiên, k hẳn thầy bói xem voi, nhưng mỗi người với một khái niệm đều có cách tiếp cận khác nhau theo duyên của họ. Nếu là người k thông hiểu, thì tự dưng thấy chúng khác và tâm trí lại loạn lên.

Điểm thứ ba, là anh ấy không chấp nhận và nhận diện được những phiền não đang khởi lên trong tâm. Xuất phát điểm là có phiền não mới đi thiền. Đi thiền khó càng phiền não. Khó rồi hỏi người khác mà k ai giống ai lại càng thêm phiền não nữa. Phiền não chồng phiền não. Càng đi càng rối. Càng đi càng quẫn. Tại sao k thấy phiền não cũ thuyên giảm, giờ thêm đống văn-tư này càng thêm đảo lộn? Và cái này là tham an.

Như bài trước mình có nói, con người ta luôn thích nói dối về phiền não của mình, tìm cách tránh né nó và bảo: tôi không sao đâu, k có vấn đề gì, vô thường, vô ngã ấy mà… Vì đầu tiên, phiền não gây cho bạn một phản ứng khó chịu không chỉ nơi tâm mà cả trên thân thể. Bạn cứ thử đợi tắc đường mà xem. Bạn cứ thử nghe tin tháng này chưa có lương vì covid mà xem… Những biểu hiện đó cực rõ nơi thân thể, và bạn không muốn chịu đựng nó. Bạn sẽ tìm cách giải thích tại sao lại thế, sao lại có thể thế được, mình phải đi hỏi ai đấy, mình phải tìm bác sỹ tâm thần… Mà không chịu lắng lòng ngồi lại. Tọa thiền là lúc bạn đối diện với các phiền não sanh khởi, nhận diện nó, tìm hiểu về nó, tuệ tri lý duyên khởi của nó để tìm ra mắt xích vô minh, chấp thủ nơi tâm mình. Nhưng không, bạn vội vàng từ chối nó, sợ hãi nó, tìm cách tránh né nó. Ngoài việc chạy tứ lung tung thì còn tìm những phương pháp vào Định để loại bỏ phiền não nơi tâm mình. Tôi chỉ có thể dùng từ: hèn nhát ở đây.

Tôi không muốn đi sâu vào giải thích về tại sao lại có phiền não, vì loanh quanh nếu chung chung thì nằm trong tham sân si. Nhưng mỗi người nếu đi thẳng vào nó đều hiểu được tại sao mình còn phản ứng với các cảm thọ đó như vậy.Hãy dám nhận diện nó, dám thừa nhận nó. Vì còn đang trên đường tu tập, đặc biệt mới tu tập, phiền não càng nhiều, vì lúc này, bạn đã bắt đầu soi lại tâm mình. Thực ra mặt bạn lúc nào chẳng bẩn vì có lỗ chân lông mà. Nhưng nếu bạn k soi gương, chỉ sờ sờ thôi, thì ok, không sao. Và bạn cần hoan hỷ và vui mừng mình đã nhận diện được nó nhiều hơn. Giờ cái cần là:

– cái gì chưa sanh nay sanh khởi

– cái gì đã sanh nay đoạn diệt

– cái gì đoạn diệt nay không sanh khởi nữa

Nên hãy tự tin, như một người bước lên đỉnh, từ trên đỉnh bạn sẽ nhìn rõ hơn, dù hành trình lên đỉnh có vất vả, gian khổ, tốn sức thế nào. Đừng chạy một vòng quanh núi, tìm một cái thân cây trú ngụ, hay cho rằng nó tự sanh nó tự diệt. Đúng là nó vốn dĩ vẫn tự sanh tự diệt mà. Nhưng qua cái sanh diệt đó, bạn học được cái gì. Giống như quán hơi thở, ngày đầu tôi niệm hơi thở, bạn tôi bảo: hơi thở lúc nào chẳng vào chẳng ra, làm sao phải theo dõi hơi thở làm gì.

Trong bài Kinh Kìtàgiri, Đức Phật đã nói: “Này các Tỷ-kheo, Ta không nói rằng trí tuệ được hoàn thành lập tức. Nhưng này các Tỷ-kheo, trí tuệ được hoàn thành nhờ học từ từ, hành từ từ, thực tập từ từ. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là trí tuệ được hoàn thành nhờ học từ từ, hành từ từ, thực tập từ từ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, một vị có lòng tin đi đến gần; sau khi đến gần, vị ấy tỏ sự kính lễ; sau khi tỏ sự kính lễ, vị ấy lóng tai; sau khi lóng tai, vị ấy nghe pháp; sau khi nghe pháp, vị ấy thọ trì pháp; sau khi thọ trì, vị ấy suy tư ý nghĩa các pháp được thọ trì; sau khi suy tư ý nghĩa, các pháp được chấp thuận; sau khi các pháp được chấp thuận, ước muốn sanh khởi; sau khi ước muốn sanh khởi, vị ấy nỗ lực; sau khi nỗ lực, vị ấy cân nhắc; sau khi cân nhắc, vị ấy tinh cần. Do tinh cần, vị ấy tự thân chứng được sự thật tối thượng, và với trí tuệ thể nhập sự thật ấy, vị ấy thấy.”

Từ từ không hẳn chỉ là chỉ thời gian, cứ tu đi rồi sẽ tới, mà cần phải hiểu tu như thế nào. Từ từ để không còn lòng tham, không còn sợ hãi khi thực hành. Muốn tu tập để hướng thượng là tốt. Nhưng muốn tu tập để được nọ được kia, để không phải bị nọ bị kia sẽ đưa chính người tu vào vòng luẩn quẩn như anh bạn ở trên. Việc cần làm là tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác chứ không phải để tâm ý mình chạy loạn lên, và bản thân mình cũng loạn lên như vậy.

Tôi không có ý định chê trách anh ấy, mà với tâm từ của mình, tôi viết ra được những điều này vì chính bản thân mình đã trải nghiệm tương tự. Đã có lần, chồng tôi – một gv dạy thiền còn bảo: vợ đi học hết lớp 1 ở VN, lại chạy sang Úc học lớp 1, rồi lại sang Mỹ… Tôi thật mong rằng, không còn nhiều người tương tự như vậy. Tôi đã từ bỏ ý muốn thỏa mãn “tri thức” nơi tâm mình. Nếu thấy tâm mình quá nhiều vọng tưởng, không thể tọa thiền, tôi thiền hành. Tôi kiếm những thứ sở thích như học hát – để theo dõi hơi thở rõ hơn; học võ để theo dõi cử động tay chân hông eo; học đàn để quán âm thanh theo nốt, phách; học vẽ để theo dõi cử động ngón tay… Nếu thấy quá muốn tìm hiểu, tôi search từ khóa vào file 5 bộ Kinh Pali lưu dưới dạng word và đọc tất cả các khía cạnh mà đức Phật nói về vấn đề đó.

Có một câu mà mọi người hay nói: thành công là quá trình và khó khăn là tạm thời. Nhưng tôi xin viết lại theo cách của mình: THÀNH CÔNG LÀ CÁM DỖ VÀ KHÓ KHĂN KHIẾN MÌNH TRƯỞNG THÀNH.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*
*
Website